Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Nguyễn Minh Tuấn (CHLB Đức) : Trao đổi về bài viết: Tội "giết người" không có người chết?Nguyễn Minh Tuấn (CHLB Đức)

Nguồn tiasang

Nguyễn Minh Tuấn (CHLB Đức)

Bài viết Tội "giết người" không có người chết? của TS. Nguyễn Sĩ Phương (Tia sáng 20/2/2012)* có rất nhiều thông tin thú vị, thiết thực, đề cập những vấn đề bức xúc hiện nay. Tuy nhiên, tôi thấy cũng còn một vài vấn đề chưa rõ, rất mong được trao đổi, học hỏi thêm về mặt khoa học cùng với tác giả và bạn đọc, như sau:
-    Cần phân biệt "tội giết người đã hoàn thành" và "tội giết người chưa đạt"

TS. Nguyễn Sĩ Phương cho rằng: "Không luật pháp quốc gia tiên tiến nào cáo buộc phi thực tế, khép tội giết người lại không có người chết như vậy cả. Trong trường hợp này, pháp luật ở ta đã không hội nhập cộng đồng thế giới. Ở họ dấu hiệu đầu tiên cấu thành tội danh giết người phải có bằng chứng là nạn nhân đã chết. [….]Trong khi đó ở Việt Nam, nhiều tài liệu kể cả từ điển mở tiếng Việt, lại định nghĩa: "Hành vi giết người là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người", "Có khả năng gây ra", chứ không phải đã gây ra, mang thì tương lai, tức hành vi phạm tội chưa hoàn thành, nhưng vẫn bị khép tội, hoàn toàn mâu thuẫn với nguyên lý, chỉ được phép khép tội khi hành vi tội phạm đã hoàn thành."

Tôi cho rằng luận điểm này của tác giả đưa ra về pháp luật Việt Nam là chưa thực sự thuyết phục. Theo Bộ luật hình sự (BLHS) Việt Nam 2009, đối với tội giết người (các Điều liên quan từ Điều 93 trở đi), hậu quả chết người vẫn là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm hoàn thành.

Vấn đề đặt ra là có những trường hợp trên thực tế chủ thể thực hiện hành vi cố ý giết người, mong muốn cho hậu quả xảy ra, nhưng hậu quả chết người không xảy ra vì nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của chủ thể đó. Xin nêu một ví dụ, năm 2009 có trường hợp một người phụ nữ tên là D. đã thực hiện một hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, do ghen tuông mà D. đã dùng chiếc kim khâu bao tải dài đến 8cm đâm vào đầu một cháu bé mới 40 ngày tuổi để trả thù tình địch, nhưng rất may là cháu bé đã thoát chết. Vấn đề ở đây là hung thủ chưa giết người thành công (theo cách nói của tác giả chưa có "người chết") là do nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của D.1 Vậy trường hợp này sẽ xử lý như thế nào?

Do yêu cầu phải xử lý đồng bộ các hành vi nguy hiểm cho xã hội2, trong trường hợp này nhà làm luật Việt Nam đã dự liệu rằng nếu hậu quả chết người không xảy ra vì nguyên nhân khách quan, nằm ngoài ý muốn của người phạm tội thì hành vi phạm tội vẫn có thể bị coi là tội giết người chưa đạt (khi có lỗi cố ý trực tiếp) theo Điều 18 BLHS 2009 hoặc là tội cố ý gây thương tích (khi có lỗi cố ý gián tiếp) theo Điều 104 BLHS 2009. 

Trở lại trường hợp đã nêu ở trên, muốn xác định D có phạm tội giết người chưa đạt không, cần phải chứng minh ý chí của người phạm tội có mong muốn hậu quả chết người xảy ra nhưng hậu quả đã không xảy ra do các nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội không. Nếu xác định được đúng như vậy, D. vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người chưa đạt.3 Do hậu quả chưa xảy ra (cháu bé vẫn còn sống), nên thực hiện chính sách nhân đạo của nhà nước, D sẽ được xử lý nhẹ hơn tội giết người đã hoàn thành. Hay nói cách khác, không có hậu quả "người chết" nhưng theo pháp luật Việt Nam đây vẫn là "tội giết người chưa đạt".

-    Luật pháp của Đức có qui định về phạm tội chưa đạt và vấn đề phòng vệ chính đáng

Thứ nhất, ở Đức cũng có qui định hành vi phạm tội chưa đạt (Tiếng Đức: Der Versuch/ Tiếng Anh: The Attempt) tại các Điều 22, 23, 24 Bộ luật hình sự4, theo đó tại Điều 23 Khoản 2, tội phạm chưa đạt có thể được xử phạt nhẹ hơn hành vi phạm tội hoàn thành.5 Mức độ miễn giảm cụ thể ra sao được qui định tại Điều 49 Khoản 1 Bộ luật hình sự. Như vậy, Bộ luật hình sự của Đức bên cạnh việc qui định tội phạm hoàn thành, cũng đã dự liệu cho cả những trường hợp phạm tội chưa đạt. Hay nói cách khác, những trường hợp cố ý giết người nhưng chưa đạt vì lý do khách quan vẫn bị xử lý theo qui định của pháp luật Đức.6 

Thứ hai, phòng vệ chính đáng thì không bị coi là tội phạm. Tác giả cho rằng: "[…] hành động chống cự đó chỉ được coi phạm tội ở dạng tự vệ khẩn cấp, như Đức quy định tại điều 32 Bộ Luật Hình sự của họ". Thông tin này theo tôi là không chính xác. Điều 32 Khoản 1 Bộ luật hình sự Đức không coi phòng vệ chính đáng (hay theo tác giả dịch là tự vệ khẩn cấp - Notwehr) là hành vi phạm tội. Điều khoản này qui định: Bất cứ ai thực hiện hành vi tự vệ khẩn cấp thì hành vi đó không bị coi là trái luật. 

Thứ ba, tác giả đã nêu: "Như ở Đức tội danh này được quy định tại điều 215 Giết người, điều 216 Bức tử, điều 212 Làm chết người không chủ đích, điều 222 Ngộ sát, và điều 32 Làm chết người do tự vệ khẩn cấp." Sau khi tra cứu lại thì tôi thấy có sự không thống nhất giữa trích dẫn của tác giả và những Điều luật hiện hành của Bộ luật hình sự Đức7 và có kết quả khác như sau:

Trích dẫn của tác giả

Điều luật tra cứu trong Bộ luật hình sự của Đức (có chú thích tham khảo dịch nghĩa theo cách hiểu của tôi)

Điều 215 Giết người

Điều 215 đã bị hủy bỏ (weggefallen)

Điều 211 - Tội giết người trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, mức xử phạt: tù trung thân, mức cao nhất trong BLHS của Đức (Tiếng Đức: Mord/ Tiếng Anh: Murder under specific aggravating circumstances).8

Điều 216 Bức tử

Điều 216 Tötung auf Verlangen - Tội giúp người khác tự sát, mức xử phạt: phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm (Tiếng Đức: Tötung auf Verlangen/ Tiếng Anh: voluntary euthasasia, assisted suicide).9

Điều 212 Làm chết người không chủ đích

Điều 212 Totschlag - Tội giết người (không thuộc trường hợp giết người trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng của Điều 211), mức xử phạt: không dưới 5 năm tù (Tiếng Đức: Totschlag/ Tiếng Anh: Murder).10

Điều 222 Ngộ sát

Điều 222 Fahrlässige Tötung - Tội vô ý giết người, mức xử phạt: bị phạt tù đến 5 năm hoặc bị phạt tiền (Tiếng Đức: Fahrlässige Tötung / Tiếng Anh: negligent homicide).11

Điều 32 Làm chết người do tự vệ khẩn cấp

Điều 32 Notwehr - Phòng vệ chính đáng (Tiếng Đức: Notwehr/ Tiếng Anh: self-defence)12


 
Như vậy qua phân tích ở trên có thể thấy, luật pháp Việt Nam và luật pháp CHLB Đức đều phân biệt rõ hành vi phạm tội chưa đạt và phạm tội đã hoàn thành. Mục đích của qui định này là không làm oan người vô tội và không để lọt tội phạm, đồng thời phải xử lý đồng bộ các hành vi nguy hiểm cho xã hội.

-    Quan điểm về trường hợp của Đoàn Văn Vươn

Liên quan đến vụ gia đình anh Vươn, tôi đồng tình với quan điểm của tác giả khi cho rằng không nên cáo buộc tội giết người trong khi vụ việc đang được tiến hành điều tra.
Đi vào cụ thể, tôi cho rằng cần làm rõ anh Vươn "có ý định giết người" hay không hay hành vi của anh chỉ là "phòng vệ chính đáng" theo Điều 15 khoản 1 BLHS 2009. 
Thực tế, muốn xác định chính xác cần phải nghiên cứu hồ sơ vụ án một cách đầy đủ, toàn diện, tỉ mỉ, trong đó cần chú trọng đánh giá các nội dung, diễn biến của các yếu tố khác nhau như:

- Địa điểm nơi anh Vươn thực hiện hành vi (Khi xem xét hành vi của anh Vươn cũng cần hết sức lưu ý rằng địa điểm thực hiện hành vi là chỗ ở riêng của họ, hoàn toàn không nằm trong diện tích đất bị cưỡng chế)

- Hoàn cảnh cụ thể mà người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội (Cần xem xét rằng hành vi của anh Vươn thực chất là chống trả lại người đang có hành vi trái pháp luật trực tiếp xâm phạm lợi ích chính đáng của mình, xâm hại chỗ ở hợp pháp của mình một cách cần thiết).

- Mối quan hệ giữa nạn nhân và anh Vươn như thế nào, nhất là mâu thuẫn giữa đôi bên sâu sắc ở mức nào (Cần lưu ý là gia đình Đoàn Văn Vươn đã tiến hành các thủ tục theo đúng qui định pháp luật, gia đình anh đã khởi kiện lên Tòa án huyện, khởi kiện tiếp lên Tòa án tỉnh thì không được giải quyết…)

- Tác dụng, tính năng của loại phương tiện mà anh Vươn sử dụng, cách thức tiến hành trên thực tế (Súng hoa cải mức độ sát thương ra sao, với loại súng tự tạo, có đủ gây chết người không);

- Hành vi tấn công, cường độ tấn công của hành vi có mức độ mãnh liệt ra sao;

- Vị trí tấn công trên cơ thể nạn nhân (Xem xét vị trí tấn công đó có chứa đựng khả năng chết người hay không);

- Động cơ nào đã thúc đẩy anh Vươn thực hiện hành vi đó (Cần xem xét động cơ thực hiện hành vi của anh Vươn là để bảo vệ tài sản, tính mạng, bảo vệ gia đình);

- Thái độ của anh Vươn biểu hiện trước và sau khi sự việc đã xảy ra như thế nào v.v…

Trên thực tế, tôi cho rằng chính việc giao đất, thu hồi đất và việc cưỡng chế sai trái là nguồn gốc dẫn đến hành vi chống trả của anh em Đoàn Văn Vươn. Đến nay khi mà hành vi thu hồi đất, cưỡng chế của chính quyền đã được kết luận là bất hợp pháp (dù là từ phía Thủ tướng chính phủ, không phải Tòa án), thì vấn đề đặt ra là có nên xem xét hành vi của anh Vươn theo hướng là một hành vi phòng vệ chính đáng theo Điều 15 Khoản 1 BLHS 2009 hay không? 

Vụ việc Tiên Lãng xét rộng ra thực chất không chỉ là việc của gia đình anh Vươn mà còn liên quan đến số phận của hàng triệu người nông dân có đất và đang trong nguy cơ mất đất khác trên cả nước. Người dân rất nóng lòng chờ đợi và hy vọng với cách xử lý vấn đề hợp tình hợp lý, chính quyền sẽ tạo được niềm tin với nhân dân, đem lại nhiều điều tốt đẹp không chỉ với gia đình anh Vươn, mà còn với tất cả những người nông dân cả nước.

---

* http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&News=4917&CategoryID=42

1. Xem cụ thể bài viết: Cháu bé 40 ngày tuổi bị kim khâu lốp đóng ngập đầu, đăng ngày 11/11/2009, tại đây: http://www.vtc.vn/2-231279/xa-hoi/chau-be-40-ngay-tuoi-bi-kim-khau-lop-dong-ngap-dau.htm

2. Xem thêm: Trịnh Tiến Việt, Về tội phạm chưa đạt và một số hình thức phạm tội khác trong quá trình thực hiện tội phạm, Tạp chí khoa học Đại học Quốc gia Hà nội, Luật học 25 (2009), tr. 125–133.

3. Xem thêm ý kiến bình luận của Luật sư Phạm Hồng Hải trong bài viết Vụ đâm kim xuyên não: Giết người vì động cơ đê hèn, đăng ngày 16/11/2009, truy cập tại địa chỉ: http://www.baomoi.com/Home/HinhSu/vtc.vn/Luat-su-Pham-Hong-Hai-Chac-chan-la-toi-giet-nguoi/3505030.epi 

4. Bộ luật hình sự của Đức (Strafgesetzbuch - StGB) được thông qua lần đầu ngày 15/5/1871, có hiệu lực 1/1/1872, sửa đổi, bổ sung gần nhất ngày 6/12/2011, hiệu lực lần sửa đổi gần nhất từ ngày 14/12/2011.

5. Nguyên văn Tiếng Đức: „§ 23 Strafbarkeit des Versuchs (2) Der Versuch kann milder bestraft werden als die vollendete Tat."/ Dịch tham khảo Tiếng Anh: "Section 23 (2) An attempt may be punished more leniently than the completed offence".

6. Nguyên văn Tiếng Đức: „§ 32 (1) Wer eine Tat begeht, die durch Notwehr geboten ist, handelt nicht rechtswidrig."/ Dịch tham khảo Tiếng Anh: "Section 32 (1) A person who commits an act in self-defence does not act unlawfully".

7. Truy cập trang web chính thức của Bộ Tư pháp liên bang Đức (Bundesministerium der Justiz), ngày 21/2/2012, truy cập tại địa chỉ  http://www.gesetze-im-internet.de/stgb/index.html hoặc Cổng thông tin pháp luật Đức (Dejure) tại địa chỉ: http://dejure.org/gesetze/StGB (Tình trạng cập nhật văn bản luật (Gesetzesstand): 14/2/2012).

8. Nguyên bản Tiếng Đức: „§ 211 Mord (1) Der Mörder wird mit lebenslanger Freiheitsstrafe bestraft. (2) Mörder ist, wer aus Mordlust, zur Befriedigung des Geschlechtstriebs, aus Habgier oder sonst aus niedrigen Beweggründen, heimtückisch oder grausam oder mit gemeingefährlichen Mitteln oder um eine andere Straftat zu ermöglichen oder zu verdecken, einen Menschen tötet." Dịch tham khảo Tiếng Anh: "Section 211 - Murder under specific aggravating circumstances (1) Whosoever commits murder under the conditions of this provision shall be liable to imprisonment for life. (2) A murderer under this provision is any person who kills a person for pleasure, for sexual gratification, out of greed or otherwise base motives, by stealth or cruelly or by means that pose a danger to the public or in order to facilitate or to cover up another offence."

9. Nguyên bản Tiếng Đức: „§ 216 Tötung auf Verlangen (1) Ist jemand durch das ausdrückliche und ernstliche Verlangen des Getöteten zur Tötung bestimmt worden, so ist auf Freiheitsstrafe von sechs Monaten bis zu fünf Jahren zu erkennen. (2) Der Versuch ist strafbar"./ Dịch tham khảo Tiếng Anh: "Section 216 - voluntary euthasasia, assisted suicide (1) If a person is induced to kill by the express and earnest request of the victim the penalty shall be imprisonment from six months to five years. (2) The attempt shall be punishable".

10. Nguyên bản Tiếng Đức: "§ 212 Totschlag (1) Wer einen Menschen tötet, ohne Mörder zu sein, wird als Totschläger mit Freiheitsstrafe nicht unter fünf Jahren bestraft. (2) In besonders schweren Fällen ist auf lebenslange Freiheitsstrafe zu erkennen."/  Dịch tham khảo Tiếng Anh: "Section 212 Murder (1) Whosoever kills a person without being a murderer under section 211 shall be convicted of murder and be liable to imprisonment of not less than five years. (2) In especially serious cases the penalty shall be imprisonment for life".

11. Nguyên bản Tiếng Đức: „§ 222 Fahrlässige Tötung - Wer durch Fahrlässigkeit den Tod eines Menschen verursacht, wird mit Freiheitsstrafe bis zu fünf Jahren oder mit Geldstrafe bestraft." Dịch tham khảo Tiếng Anh: "Section 222 Negligent homicide - Whosoever through negligence causes the death of a person shall be liable to imprisonment of not more than five years or a fine."

12. Nguyên bản Tiếng Đức: „§ 32 (1) Wer eine Tat begeht, die durch Notwehr geboten ist, handelt nicht rechtswidrig."/ Dịch tham khảo Tiếng Anh: "Section 32 (1) A person who commits an act in self-defence does not act unlawfully".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét