Một trong những nhà báo chuyên về các vấn đề pháp luật có tiếng của Việt Nam đã nói chuyện với BBC về tình trạng cản trở các hoạt động của nhà báo đang ngày càng gia tăng.
Ông Mai Phan Lợi, người đại diện cho báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh ở Hà Nội , vốn cũng là một chuyên gia tham gia dự án nghiên cứu hành vi cản trở tác nghiệp báo chí do đại sứ quán Anh ở Việt Nam tài trợ vừa công bố thời gian gần đây, nói việc cản trở nhà báo hoạt động đang 'ngày càng phức tạp'.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Nhà báo Mai Phan Lợi: Kết quả cho thấy các nhà báo hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và chống tham nhũng bị cản trở tác nghiệp là một trong những kết quả nghiên cứu của dự án.
Thực tế, ở tất cả các lĩnh vực các nhà báo hoạt động đều có hiện tượng nhà báo bị cản trở, nhưng tỷ lệ tần suất xuất hiện đối với những phóng viên, nhà báo đang hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên và chống tham nhũng thì nhiều hơn cả.
Bản thân tôi trước đây, khi còn hay đi viết, thỉng thoảng cũng gặp trường hợp bị cản trở nhưng có tính chất mềm như chuyện né tránh, không cung cấp thông tin hoặc phản ứng theo những thông tin được công bố.
Hiện nay, tôi làm nhiệm vụ nghiên cứu hoạt động của các đồng nghiệp trên quy mô toàn quốc.
BBC: Người ta đã nhận diện 12 hành vi cản trở nhà báo khi tác nghiệp. Xin ông cho biết, hành vi nào là phổ biến nhất ở Việt Nam?
Nhà báo Mai Phan Lợi: Qua quá trình khảo sát, chúng tôi lấy ý kiến của 384 nhà báo đang hoạt động trên toàn quốc ở tất cả các lĩnh vực, lứa tuổi và các loại hình báo chí.
Đồng thời, chúng tôi cũng thăm dò ý kiến bạn đọc trực tuyến từ sáu tờ báo nổi tiếng ở Việt Nam. Một kết quả trùng hợp khá ngẫu nhiên là cả bạn đọc và các nhà báo đều nhận diện được 12 hành vi cản trở hoạt động của các nhà báo, trong đó tỷ lệ đánh dấu nhiều nhất là loại cản trở mềm: né tránh cung cấp thông tin, chiếm từ 11 đến 12% ý kiến được hỏi.
Ngoài ra có khá nhiều loại cản trở khác như mua chuộc, đe doạ nhà báo, thậm chí có những trường hợp nặng như tấn công gây thương tích, giữ người, trả thù...
'Né tránh thông tin'
BBC: Vậy những đối tượng có hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp nhiều nhất thường rơi vào khu vực cán bộ công chức nhà nước?
Nhà báo Mai Phan Lợi: Hiện tại theo kết quả khảo sát, có nhiều nhóm đối tượng gây ra cản trở mà cán bộ nhân viên trong cơ quan nhà nước là một trong các đối tượng này.
Theo kết quả khảo sát thì đây là một trong những đối tượng có tỷ lệ cao mà anh em báo chí thậm chí đánh giá là cao nhất.
Tuy nhiên, hành vi tập trung chủ yếu ở những cản trở mềm như việc né tránh thông tin.
Sau khi dự án được công bố vào tháng 10 năm 2011, tôi nghĩ tình trạng này cải thiện rõ rệt, mà kết quả là sau khi dự án được công bố 10 ngày, Thủ tướng chính phủ ra hẳn một công văn yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch các tỉnh, người đứng đầu cơ quan hành chính phải thực hiện nghiêm việc phát ngôn theo quyết định số 77/ 2007 của Thủ tướng đã ban hành.
Sự chuyển biến này chúng tôi thấy rất rõ nét, mà qua đó có đến 4 hoặc 5 bộ trưởng đã đối thoại trực tuyến với người dân vào cuối năm 2011.
Tuy nhiên, sự chuyển biến này vẫn chậm ở cấp tỉnh. Đặc biệt, điển hình là ở vụ Tiên Lãng mà báo chúng tôi tham gia.
Việc cung cấp thông tin ở cấp địa phương rất kém, thậm chí có những biểu hiện vi phạm nghiêm trọng luật báo chí.
Ngoài ra, còn nhiều loại đối tượng cản trở khác khiến chúng tôi lo ngại hơn so với đối tượng là cán bộ, công chức nhà nước. Đó là đối tượng thuộc khối doanh nghiệp.
Trong tương lai, đây là đối tượng mà sự tranh chấp quyền tác nghiệp của báo chí sẽ diễn ra hết sức khốc liệt bởi vì họ có thể được bảo vệ trong những quy định che chắn về mặt nội bộ mà chúng tôi khó có thể tham dự.
Chẳng hạn như những đối tượng bảo vệ đầm tôm của ông Đoàn Văn Vươn ở vụ Tiên Lãng, hay mới nhất là những đối tượng bảo vệ toà nhà ở Mỗ Lao, Hà Đông để xảy ra tai nạn chết người.
Trong những trường hợp như thế, chúng tôi hết sức lo ngại hoạt động của anh em báo chí khi bị những đối tượng bảo vệ như thế tấn công và ngăn cản.
Những đối tượng doanh nghiệp này đứng thứ hai sau khu vực cán bộ nhân viên trong cơ quan nhà nước.
'Rủi ro báo chí'
BBC: Ông vừa nhắc tới việc có thể gây ra vi phạm nghiêm trọng luật báo chí trong vụ Tiên Lãng, xin ông cho biết cụ thể?
Nhà báo Mai Phan Lợi: Ở đây có nhiều hình thức, nhẹ nhất là việc cung cấp thông tin sai cho báo chí. Đơn giản như việc ông Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hải Phòng tại cuộc giao ban báo chí đã nói một cách rất chính thống rằng thủ phạm phá nhà ông Đoàn Văn Vươn là người dân.
Trong khi điều tra xác minh của báo chí thì người chỉ đạo của việc phá này là lãnh đạo của xã Vinh Quang.
Trong những trường hợp như thế, theo luật pháp về báo chí Việt Nam hiện hành, nếu báo chí đăng những thông tin mà do người có thẩm quyền của thành phố Hải Phòng cung cấp, lại là những thông tin sai sự thật, thì cộng đồng báo chí chịu trách nhiệm.
Và nếu như cơ quan nhà nước xử lý thì báo chí cũng phải chấp hành. Đây là rủi ro rất lớn đối với hoạt động báo chí.
Mức độ cao hơn là việc né tránh cung cấp thông tin. Khi vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng, phóng viên chúng tôi đã tìm đến những câu trả lời hoặc giải thích từ phía thành phố Hải Phòng cũng như UBND huyện Tiên Lãng. Thế nhưng sự việc này nhiều lần bị từ chối.
Một mức độ cao hơn nữa là có hành vi đe doạ. Phóng viên của chúng tôi đã bị những đối tượng mặc thường phục lao vào tấn công, giằng máy ảnh hoặc chửi bới, không cho về, buộc phóng viên phải gọi điện tới công an nhờ can thiệp thì mới được ra về một cách yên ổn.
Tôi nghĩ có rất nhiều mức độ vi phạm về luật báo chí xung quanh vụ việc ở Tiên Lãng. Đây là trường hợp khá điển hình liên quan đến tác nghiệp của nhà báo.
BBC: Trở lại vấn đề cản trở báo chí tác nghiệp, ở Việt Nam thực ra cũng có luật tạo điều kiện cho phóng viên khi tác nghiệp, liệu đây chỉ là những quy định mang tính hình thức?
Nhà báo Mai Phan Lợi: Một thực tế hiện nay là luật báo chí quy định rằng không ai được đe doạ cản trở nhà báo tác nghiệp trong Nghị định số 02 của chính phủ ban hành năm ngoái. Theo đó, hai điều luật số 8 và số 6 có chế tài xử phạt những hành vi đe doạ cản trở nhà báo tác nghiệp cũng như việc né tránh cung cấp thông tin.
Tuy nhiên, hai điều khoản tiến bộ này của Nghị định 02 cũng như những điều khoản của Nghị định 56 trước đây và Nghị định 31 trước đó nữa thì đều chưa có cơ hội thực hiện.
Qua nghiên cứu khảo sát chúng tôi nhận thấy nguyên nhân các quy định đưa ra nhưng không thực hiện được mang cả khía cạnh khách quan và chủ quan.
Về mặt khách quan, hiện nay đa số các vụ cản trở tác nghiệp báo chí đều được báo lên cơ quan công an.
Trong khi sự phối hợp giữa công an với bên thanh tra thông tin truyền thông chưa được 'thông đồng bến rọt', cho nên nếu cơ quan công an thấy vụ cản trở này không có dấu hiệu của một tội phạm hình sự thì họ thường không xử lý hoặc không chuyển cho thanh tra xử phạt.
"Đa số các trường hợp bị cản trở chỉ chọn cách hoặc là đăng lên báo hoặc là báo công an, trong khi họ không biết đến một công cụ bảo vệ họ rất hữu hiệu là công cụ hành chính vốn thuộc thẩm quyền của thanh tra thông tin truyền thông các cấp từ cấp sở đến cấp bộ."
Nguyên nhân thứ hai là quy định trong Nghị định 02 về các hành vi tác nghiệp báo chí cũng không rõ, khi chỉ nêu có năm hoặc sáu hành vi.
Trong khi, qua nghiên cứu thực tế của chúng tôi có ít nhất 12 hành vi. Và sau khi chúng tôi công bố lên thì các nhà báo và dư luận xã hội còn tiếp tục phản ánh thêm nhiều hành vi nữa.
Qua đó cho thấy, quy định chưa đủ thì khó có thể xử lý nhất là khi các hành vi mới chưa được nêu trong nghị định.
Nguyên nhân thứ ba mà tôi nghĩ rất là quan trọng và nằm ở chính phía chủ quan của người làm báo tại Việt Nam.
Trước hết là nhận thức về việc xử lý các hành vi cản trở tác nghiệp của họ chưa cụ thể. Đa số các trường hợp bị cản trở chỉ chọn cách hoặc là đăng lên báo hoặc là báo công an, trong khi họ không biết đến một công cụ bảo vệ họ rất hữu hiệu là công cụ hành chính vốn thuộc thẩm quyền của thanh tra thông tin truyền thông các cấp từ cấp sở đến cấp bộ.
Nguyên nhân thứ hai là một số nhà báo Việt Nam trong hoạt động tác nghiệp có biểu hiện là thiếu trách nhiệm hoặc thiếu đạo đức nghề nghiệp, gây ức chế cho những đối tượng làm việc dẫn tới sự xô xát hoặc tranh chấp.
Sự việc diễn biến tương đối phức tạp dẫn tới khó phân định được nhà báo tác nghiệp vì việc công hay phục vụ cho lợi ích nhóm nào đó.
Từ những nguyên nhân như thế, dẫn tới quy định vốn rất tiến bộ trong Nghị định 02 đến nay chưa đưa được vào thực tế và chúng tôi đã nêu nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng này.
BBC: Như vừa đề cập, những phóng viên bị cản trở tác nghiệp đã từng liên lạc với cơ quan quản lý truyền thông để cầu cứu?
Nhà báo Mai Phan Lợi: Tôi lấy thí dụ, trong kết quả nghiên cứu ở tỉnh Đăk Lak, chúng tôi khảo sát với 10 người thì 9 người nói rằng từng bị cản trở. Nhưng chỉ có một người biết đến thanh tra thông tin truyền thông, tám người khác thì chọn những hình thức giải quyết khác.
Con số này tương đối tiêu biểu cho tình trạng nhận thức của anh em nhà báo trên toàn quốc về vai trò của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến thông tin.
Trước nay họ chỉ nghĩ rằng cơ quan quản lý báo chí chỉ xử phạt khi anh em có sai phạm mà không biết rằng họ còn có thẩm quyền thứ hai là xử phạt những đối tượng khác xâm phạm quyền tác nghiệp chính đáng của anh em.
Ban tuyên giáo trung ương thực ra không phải là cơ quan quản lý nhà nước. Họ là một cơ quan của Đảng, không liên quan đến việc sử dụng các chế tài, công cụ quyền lực Nhà nước để xử lý.
'Hiệu quả không thực tế?'
BBC: Vậy phản ứng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong những vụ việc này ra sao?
Nhà báo Mai Phan Lợi: Tôi thấy có một việc rất đáng mừng là tất cả các cơ quan như Ban Tuyên giáo trung ương, Hội Nhà báo, Bộ Thông tin Truyền thông và thậm chí cả Bộ Công an đều hết sức quan tâm lo ngại trước tình trạng nhà báo đang tác nghiệp bị tấn công, mà điển hình là vụ phóng viên Trần Thế Dũng của báo Người Lao Động bị đánh ở Lạng Sơn đầu năm 2010.
Vụ việc này tôi thấy từ Ban Tuyên giáo trung ương, Hội Nhà báo, Bộ Thông tin Truyền thông cho tới Bộ Công an, những người lãnh đạo cao nhất đều có văn bản lên tiếng trên các phương tiện thông tin truyền thông để yêu cầu các cơ quan chức năng ở Lạng Sơn xử lý nghiêm tình trạng cản trở hành hung phóng viên dã man.
Tuy nhiên, những sự lên tiếng này đều mang tính chất đơn lẻ ở từng sự việc cụ thể.
Sau này, vụ việc của anh Trần Thế Dũng bị chìm xuống. Tức là về phía công an Lạng Sơn sau khi khởi tố vụ án, sau này có đình chỉ điều tra thì những thông tin này không được nêu ra công khai. Những cơ quan lên tiếng trước đây cũng không có phản ứng gì.
Đây là hiện tượng nếu xét về mặt tâm huyết và tình cảm với các nhà báo thì anh em rất hoan nghênh, nhưng về mặt hiệu quả thực tế thì không có nhiều.
Hiện nay, ở Việt Nam không coi hoạt động báo chí như hoạt động công vụ, tất cả các vụ hành hung, thu giữ, phá huỷ các phương tiện tác nghiệp đều xử lý theo những điều luật bảo vệ những người dân bình thường.
Nghĩa là, nếu anh bị thương thì xử lý theo tội cố ý gây thương tích, nếu bị hư hỏng phương tiện tác nghiệp thì xử lý theo tội hủy hoại tài sản.
"Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy 76% người dân đánh giá khi nhà báo bị cản trở tác nghiệp thì người bị thiệt hại là xã hội."
Tất cả đều phải qua một khâu giám định, mất nhiều thời gian để xem tỷ lệ thương tật và giá trị tài sản huỷ hoại đạt mức hình sự hay không.
Tôi thấy điều này rất bất công với anh em báo chí đang tác nghiệp ở Việt Nam bởi vì qua khảo sát cho thấy những đối tượng muốn cản trở nhà báo hoạt động chủ yếu là họ muốn ngăn chặn không cho nhà báo tiếp cận thông tin hoặc không cho nhà báo công bố thông tin. Họ không nhắm vào việc gây thương tích cho nhà báo hay muốn gây hư hỏng tài sản cho nhà báo.
Vì vậy, xử lý theo hai loại tội cố ý gây thương tích và huỷ hoại tài sản là thiếu công bằng đối với các nhà báo, khiến cho hàng loạt các vụ việc tấn công, thu giữ phương tiện, hủy hoại phương tiện tác nghiệp của nhà báo thường chậm được xử lý hoặc bị chìm xuồng một cách oan ức.
Tôi nghĩ rằng, việc cản trở phóng viên tác nghiệp không chỉ có ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới, nhất là khi báo chí đóng vai trò là một công cụ sắc bén thực hiện quyền công khai minh bạch của công dân, có rất nhiều thế lực không muốn công cụ này phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, tình trạng ở Việt Nam, mặc dù có nhưng chưa đến mức ghê gớm như một số quốc gia khác với các trường hợp nhà báo bị bắn, giết hay bị giam cầm, bắt cóc...
Đặc biệt, ở Việt Nam, việc tiến hành của chúng tôi chỉ trên cơ sở những quy định của luật báo chí đã có và kết quả của dự án này nhằm vào việc tổ chức thực hiện, thực thi như thế nào, không đẩy tới những vấn đề giống như các quốc gia khác.
Tuy nhiên, chúng tôi có lưu ý khi tham khảo kinh nghiệm nước ngoài là nếu như việc nghiêm cấm các hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp đã được nêu trong luật báo chí, đã có chế tài về mặt hành chính.
Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy 76% người dân đánh giá khi nhà báo bị cản trở tác nghiệp thì người bị thiệt hại là xã hội.
Chúng tôi cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần phải xác định việc cản trở hoạt động tác nghiệp của nhà báo là một hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Nếu là hành vi nguy hiểm cho xã hội thì theo thông lệ của một số quốc gia thì có thể cấu thành một tội riêng trong bộ luật hình sự là tội cản trở nhà báo hoạt động theo dấu hiệu cản trở những người thi hành công vụ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét