Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Gò Cỏ May : Lại “thương nhớ đồng quê”

Nguồn gocomay

P1100131.JPG

Cánh đồng hai lúa làng tôi – Ảnh: Nguyễn Văn Thắng

Đã hơn một tháng qua May bận rộn với hàng núi công việc riêng. Lại phải sống ở một nơi không có mạng. Nay được trở về lại căn chòi bé nhỏ của mình. Mừng khôn xiết. Nhưng không hiểu sao cái cảm giác ngỡ ngàng, xa lạ ngay cả với những thứ đã tưởng như máu thịt của mình?

Hoá ra tự mình đã bị bật ra khỏi cái vòng quay sôi động cuộc sống của chính mình và của mọi người từ lúc nào không hay. Bây giờ muốn tìm lại cái nhịp sống đã có. Thật khó cứ như một người vừa qua cơn thập tử nhất sinh. Hay như một con chim lạc đàn, phải sống trong lồng chật hẹp. Nay được trở lại khung trời xưa, phải tập tành và làm quen lại mọi thứ. Nếu tự mình không muốn bị gạt vĩnh viễn ra bên lề… 

*

*           *

Ăn nhạt mới thương đến mèo

Cờ - đèn - kèn – trống là nghề cũ của vợ tôi ở phòng Tuyên truyền (Tuyên huấn) của một trường ĐH lớn ở Hà Nội. Dạo đó vợ tôi thường xuyên bị cắt danh hiệu "Lao động tiên tiến" vì lý do "chăm lo hệ thống loa đài" chưa tốt. Đài tiếng nói Việt Nam dạo đó còn có chương trình tập thể dục nửa tiếng buổi sáng. Nên cứ 4 rưỡi sáng, bất kể mùa đông hay mùa hè, phải có mặt ở phòng để máy phát thanh mở đài. Vào giờ đó có một số giáo viên có giờ lên lớp buổi chiều, có thói quen chấm bài hay soạn giáo án khuya đang ngon giấc… thì loa đài oang oang dội vào tận gường ngủ. Nên rất căm thù những chiếc loa sắt made in China của phòng Tuyên truyền. Phản đối ra mặt thì không dám (vì sợ bị qui kết chống lại chủ trương đường lối…). Họ đành chọn phương án dùng sào dài, ban đêm chọc bung các dây truyền thanh nối với những loa hướng về nhà của họ. Kết cục của những "trận chiến" không tuyên bố người làm kẻ phá như thế… vợ tôi không tài nào "hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền" mà cơ quan giao phó. Đành chịu thua thiệt lấy một mình…

Hơn 30 năm sau, không ngờ những chiếc loa Made in China như thế lại xuất hiện khắp hang cùng ngõ hẻm nơi làng xóm quê tôi. Chỉ khác loa thì dỏm (chắc là nhập vào xứ ta theo con đường tiểu ngạch?). Nên tạo nên nhiều tạp âm (ù, xoẹt) váng hết cả đầu óc. Tới lúc này tôi mới thấm cái câu "ăn nhạt mới thương đến mèo" và chẳng còn giận những người đã làm vợ tôi liên tục "không hoàn thành nhiệm vụ" nữa.

P1070780.JPG
 
Mỗi cột gắn tới 9 chiếc loa toả đi bốn phương tám hướng – Ảnh: Gocomay

"Thiên đường" và "đỉnh cao"

Nhớ hồi đầu thập niên 60 thế kỷ trước, nếu quê tôi được trên phục vụ loa đài tận tình như thế này thì thầy tôi đâu phải vất vả leo trèo cây cao căng hàng trăm mét dây đồng bắt sóng. Rồi quấn và đổ xi vào các lõi nam châm giữ các lõi cuộn dây cảm ứng để tự tạo ra các chiếc loa thô sơ kêu ti tỉ khọt khẹt như tiếng dế treo trên cột nhà nữa.

Càng nghĩ càng phục cái tay tuyên giáo nào đó đã đưa cái "sáng kiến" cung cấp dịch vụ truyền thanh miễn phí tới tận mọi ngõ ngách làng quê đang "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc" lên phố lên phường như thế này.

Đang quen sống ở một xứ sở ít bụi bặm và yên tĩnh, gặp lại cảnh ra rả với loa đài thâu đêm suốt sáng thế này… thật khó chợp được mắt. Nhập gia tùy tục chả sám than thở với ai chỉ dám lẩm bẩm một mình. Không ngờ ông anh trai kém mắt nhưng rất thính tai nghe được tới động viên: "dạo này còn đỡ chán, chứ có dạo đài huyện, đài xã và đài thôn trên cùng một cột… chí choé như cãi nhau kia". Ông anh còn kể: "dịp lễ hội năm ngoái, suốt mấy ngày liền phát ra một thứ nhạc lễ hội (nhạc sinh tiền?) ra rả khiến chằng cháu mới đẻ sợ khóc ré cả ngày lẫn đêm, cực chẳng đã anh phải chống gậy ra lạy như tế sao dưới chân cột buộc loa… cầu xin ông "thần loa" thương xót lấy một sinh linh bé bỏng… chuyện đó đã tới tai những người có trách nhiệm… sự việc được vãn hồi… nhưng sau đó mọi việc lại đâu đóng đó… chán chả buồn nói nữa…".

Xét cho cùng khi 90% dân chúng ở nông thôn hiện nay chỉ thích xem phim bộ của Tàu. Khi sách vở báo chí của nhà nước không được người dân lao động mặn mà. Ngoại trừ dùng nó để nhóm bếp và gói đồ. Như vậy nếu không dùng hệ thống "truyền thanh miễn phí" (và bắt buộc) kiểu đó thì việc tuyên truyền các "chủ trương lớn của đảng và nhà nước" tới từng người dân bằng cách nào đây? Thiết nghĩ "đỉnh cao trí tuệ" và "thiên đường XHCN" là chính ở "sáng kiến" này. Trái lại tụi Tư bản "giãy chết" mang tiếng sùng đạo (Thiên chúa) mà nhiều nơi dân (ngủ muộn) còn kiện thắng cả nhà thờ cái tội kéo chuông thánh lễ vào lúc 10 giờ sáng Chủ nhật hàng tuần kia.

*

*           *

Bút sa gà chết

Nhà tôi có cây găng tây cổ thụ nằm đúng góc vườn sát đường cái lớn bao quanh ngôi đình giữa làng. Nơi đó xưa có treo cái kẻng báo mỗi khi họp dân làng. Nay kẻng không còn nữa. Thay vào đó là loa đài báo họp oang oang vang khắp làng. Nhưng họp dân bây giờ, nếu không có khoản "tiền bồi dưỡng" thì lèo tèo chứ đâu có chật kín sân đình vòng trong vòng ngoài như xưa? Dân quê bây giờ cũng thực dụng còn bằng mấy cánh "giẫy chết" ấy chứ. Nhưng vì qúa thực dụng có khi cũng mắc hợm. Đó là chuyện ký tên nhận mấy chục ngàn "tiền bồi dưỡng" trong một cuộc họp dân làng dạo nọ… đã biến thành biên bản "đồng thuận" nhận đền bù giải toả cho các doanh nghiệp lập dự án qui hoạch khu đô thị mới trên những thửa "bờ xôi ruộng mật" (đất hai lúa hay đất ba vụ một lúa hai màu) của làng. Để sau này có nhiều người phải chịu cảnh dở khóc dở cười vì "chống lệnh cưỡng chế"; "chống người thi hành công vụ" phải chịu cảnh tù tội hay án treo… mà chẳng thể cãi nổi cái "chủ trương lớn" khi bút đã sa…

ap_20100320114126289.jpg
 
Dự án khu đô thị mới Thăng Long 9 đã và đang "treo" không biết tới bao giờ? – Ảnh nguồn: /thitruongnhadat/

P1080145.JPG

Dự án Phương Bắc Land & Nguyễn Ngọc (nằm trong dự án KĐTM Thăng Long 9) là của ai vậy? - Ảnh: Gocomay

P1080141.JPG

Các khu đất hoang ("Dự án") rào kín này hiện đang nằm ở giữa cây số 14 và 15 trên dường QL 32 – Ảnh: Gocomay

P1080143.JPG

Những xe đất từ đâu trở đến đây biến cánh đồng lúa màu xanh tươi thành đất hoang cỏ dại – Ảnh: Gocomay

Nhìn những cánh đồng làng quê thân yêu suốt thời thơ ấu của tôi được quây kín và phân lô suốt từ ngày Hà Tây nhập về Hà Nội (giữa 2008) tới nay mà người xa quê (như tôi) không khỏi chạnh lòng. Dù bên ngoài khu rào tôn màu xanh đó có "treo" cơ man nào "dự án" hoành tráng tới nức lòng. Nhưng bao giờ nó mới thành hiện thực? Nó có thực sự khả thi? Có bị sang tay đổi chủ cho những ai?… điều đó nó thuộc về "bí mật quốc gia" chứ người dân đen thất nghiệp (do không còn đất cắm dùi) ở quê tôi nào có hay biết gì…

Gocomay 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét