Chưa rõ trong số 4 công an và 2 chiến sĩ biên phòng bị thương trong vụ Đoàn Văn Vươn vừa qua hiện nay tình trạng ra sao? Ít có báo chí nào nói đến họ kể từ sau khi phát lộ ra những việc sai trái tầy đình bị báo chí lôi ra ánh sáng. Ngoại trừ trang Blog Nguyễn Xuân Diện kêu gọi giúp đỡ gia đình anh Vươn và giúp đỡ cho họ, ngoài ra không có báo chí nào nói đến họ nữa, kể cả tờ Công an Nhân dân sau khi đã "ủng hộ các CBCS Công an, Quân đội bị thương mỗi người 1 triệu đồng" thì cũng im nốt.
Kể ra, họ cũng chỉ là nạn nhân của những sai trái của bộ máy chính quyền, do các cán bộ đảng viên "của dân" tạo ra. Nếu như chính quyền Hải Phòng, Tiên Lãng không phải là bộ máy đã đẩy người dân như Đoàn Văn Vươn đến bước đường cùng bằng những việc làm phi đạo đức, trái pháp luật thì đâu có chuyện này. Nếu như anh Đại tá Đỗ Hữu Ca không chỉ huy "trận đánh đẹp" này, nếu như không có "việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay" và không có "cuộc diễn tập" này thì hẳn các chiến sĩ công an, bộ đội thuộc lực lượng Vũ trang Nhân dân đã không phải vào bệnh viện mang thương tích trong mình.
Tất nhiên, cũng cần phải nói rằng, dù họ có làm theo lệnh, có là công cụ, thì ít nhất trong họ cũng có một trái tim và họ cũng có gia đình, anh chị em, bà con thân thuộc là nhân dân nên họ cũng phải chịu trách nhiệm phần nào đó với những hành động của mình.
Điều cần nói, họ cũng là nạn nhân, nhưng nạn nhân chính thì vẫn là nhân dân, ngay cả khi họ bị thương, thậm chí hơn nữa thì gánh nặng vẫn là nhân dân chịu. Có lẽ đảng, nhà nước trong bộ máy kia không sinh ra được đồng nào cho họ. Tiền nuôi họ ăn, súng cho họ bắn, thuốc men chữa trị cho họ, lương cho họ lĩnh để họ sinh sống chờ ngày đến cưỡng chế nhân dân… tất cả là từ cái túi của nhân dân mà ra, từ những đồng tiền xương máu, mồ hôi nước mắt của dân mà ra, trong đó có cả những đồng tiền mà anh em nhà Đoàn Văn Vươn đã nộp thuế.
Vấn đề đó thì đã rõ, dân gian vẫn nói "Trăm dâu, đổ đầu tằm" chứ còn đổ vào đầu ai đây nếu không phải là đầu cái thằng dân.
Nhưng đấy là vấn đề xa xôi, trừu tượng nên khó thấy. Vấn đề gần hơn ta nói ở đây, là trong bản thành tích của cá nhân, của đơn vị họ sau những trận "chiến đấu với nhân dân" thắng lợi, họ sẽ báo cáo thành tích và viết những gì? Trong lịch sử Đồn biên phòng nào đó, hoặc Công an Tiên Lãng, Công an Hải phòng… sẽ ghi vào bảng vàng thành tích như thế nào sau khi có những "trận đánh đẹp" như ở Cống Rộc, Tiên Lãng?
Chắc chắn rằng, trong lý lịch bổ sung của Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an Hải Phòng và báo cáo để được thăng quân hàm, thăng chức, tăng lương sẽ viết: "việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này. Một là, anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa có bao giờ trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách. Tôi nói với các đồng chí Thường trực rằng đây không phải kế hoạch tập trận nhưng đúng là phải rút kinh nghiệm, cái này nó rất là hay, có sự kết hợp giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phòng rất là đẹp, đâm ra không có gì phải phàn nàn về cái chuyện ấy cả".
Nhưng đó cũng là vấn đề còn xa, vấn đề gần hơn là những chiến sĩ công an, quân đội bị thương này có được động viên, chăm sóc như những vụ công an bắt cướp bị thương, hoặc những vụ công an chạy xe nhanh đuổi người không đội mũ bảo hiểm bị tử nạn gần đây? Ngành công an, quân đội có "Nhân điển hình" học tập tấm gương của các công an đã bị thương khi làm nhiệm vụ "chiến đấu với nhân dân" hay không? Sự hi sinh xương máu nào cũng đớn đau, thực hiện mệnh lệnh cũng như nhau, lẽ nào bên trọng, bên khinh?
Trong giấy khen, biểu dương thành tích hoặc "Bảng Gia đình vẻ vang" của những chiến sĩ này sẽ ghi gì? Chắc chắn không thể ghi là "Chiến đấu với địch" vì đây là nhân dân?
Hay sẽ được ghi: Đã có thành tích trong chiến đấu với nhân dân và bị thương anh dũng tại Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.?.
Nói gở mồm, nhỡ một vài chiến sĩ hi sinh ở những vụ việc như trong vụ này, thì bảng Tổ Quốc Ghi Công sẽ ghi ra sao?
Chẳng lẽ sẽ ghi vào đó: Đã anh dũng hi sinh trong sự nghiệp chiến đấu với nhân dân và người dân cùng đường nên chống trả(?)
Trong trường hợp đó, có lẽ cần soạn mẫu mới cho những tấm bằng Tổ Quốc Ghi Công và bằng khen, nếu việc đưa lực lượng vũ trang nhân dân đi đàn áp nhân dân vẫn còn tiếp diễn.
Hà Nội, kỷ niệm 33 năm, ngày chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược
17/2/2012
- J.B Nguyễn Hữu Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét