Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Lê Nguyên Hồng : Nhìn từ “vụ Tiên Lãng”: Lỗi không nằm ở luật đất đai!

Nguồn lenguyenhong

Sau khi vụ Tiên Lãng nổ ra, đã có nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nhà văn, nhà báo, và luật sư, mổ xẻ vấn đề Luật đất đai ở Việt Nam. Họ đều cho rằng luật này hiện nay còn nhiều bất cập nên mới nảy sinh bất công, dẫn đến hậu quả thua thiệt về phía người dân. Nghe qua, có vẻ như những nhận định đó khá chính xác, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Vấn đề là ở chỗ người ta hiểu và áp dụng Luật đất đai như thế nào mà thôi.

Thể chế  CS là căn nguyên của mọi nguyên nhân gây ra tội lỗi
Hiện nay chế độ chính trị ở Việt Nam đang sử dụng Luậtđất đai ban hành năm 2003. Đây là một văn bản luật khá chi tiết, đã được sửa đổi nhiều lần, và có nhiều văn bản, nghị định, quyết định, cấp chính phủ hướng dẫn thi hành. Nếu "có vấn đề" thì vấn đề đó chỉ có thể chính là việc hướng dẫn và áp dụng Luật đất đai chứ không phải điều gì khác.

Nếu nói về "quyền tư hữu đất đai", người ta phải nghĩ ngay đến nguồn gốc đất. Đặc thù đất đai của Việt Nam kể từ năm 1945 là sở hữu tập thể – một mô hình từng được hàng tỉ người trên thế giới ngưỡng vọng. Chính mô hình ấy đã góp phần không nhỏ "đánh thức" sự thay đổi của thế giới Tư Bản. Người ta dễ dàng nhận thấy, không phải bỗng nhiên mà phe Tư Bản lại có những tiến bộ vượt bậc về tự do dân chủ và nhân quyền như hiện nay. Vậy phân chia quyền sử dụng và quyền sở hữu đất đai như hiên nay là tương đối hợp lý cho bối cảnh Việt Nam.

Bản thân đất đai là một loại tài sản đặc biệt. Luật đất đai không thể cho phép doanh nghiệp và cá nhân quyền sở hữu tuyệt đối, giống như những tài sản cá nhân khác. Vì vậy Điều 5 của Luật đất đai quy định Sở hữu đất, ghi rõ: "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu"(Khoản 1). "Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất" (Điểm C Khoản 1). "Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thông qua hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với người đang sử dụng đất ổn định; quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất"(Khoản 4). Như vậy quyền tư hữu đất đai đã rất rõ ràng.

Về cơ chế "thu hồi đất", nhiều người cho là "đang có nguy cơ gây ra nạn tham nhũng". Chuyện tham nhũng là chuyện đương nhiên trong một thể chế độc đoán. Một khi có sự liên kết của bộ ba: Tài chính (kế toán), thủ quỹ và chủ tài khoản, thì bất cứ một hoạt động kinh tế nào cũng có thể dễ dàng nảy sinh tham nhũng và là lối mở cho kẻ thực hiện tham nhũng trót lọt. Bởi vậy nếu việc thu hồi đất được thực hiện đúng luật, đúng đối tượng và đền bù thỏa đáng theo giá đất phù hợp, đồng thời có sự phân định rạch ròi mục đích thu hồi đất, thì khó có thể nói là "dễ nảy sinh tham nhũng".

Về cơ chế "giao đất, cho thuê đất" Luật đất đai cũng đã quy định khá rõ tại các Điều 10; 11; 35; 37; Nhà đầu xây dựng trong nước cũng như tư nhân ngoài nước đều được thuê đất không có thời hạn (hết hạn là đương nhiên được kéo dài) để thực hiện dự án xây dựng nhà và kinh doanh nhà ở, là một chủ trương hợp lý. Bởi vì bất động sản (cụ thể là các công trình nhà vĩnh cửu trên đất) không thể phá dỡ trong khoảng thời gian 5-7 chục năm. Vả lại việc thu hồi vốn đầu tư cũng cần phải có một khoảng thời gian nhất định là hàng chục, thậm chí là hàng trăm năm…

Về "thời hạn của hạn điền" hiện nay Luật đất đai đang quy định  thời hạn 20 năm đối với đất trồng cây hằng năm, nuôi trồng thủy sản, làm muối, và 50 năm đối với đất trồng cây lâu năm là phù hợp với đặc thù Việt Nam. Vì đối với "cây hàng năm" thì sau 20 năm, quả thực nếu đầu tư đúng, người lao động trồng trọt đã có lãi. Tương tự việc nuôi trồng thủy hải sản cũng như làm muối đều có khả năng sinh lời đáng kể. Riêng trồng cây lâu năm (kể cả cây công nghiệp lấy gỗ) thì sau 50 năm việc thu hoạch đã có thể khép kín ít nhất là 1 chu kỳ. Vấn đề là ở chỗ người được giao đất trồng cây gì, nuôi con gì để có lãi là một câu hỏi rất lớn đối với người lao động…

Như vậy rõ ràng là Luật đất đai ở Việt Nam hiện nay không có vấn đề gì lớn cần sửa đổi. Có chăng chỉ là những điều chỉnh về các văn bản dưới luật để đáp ứng theo kịp những biến đổi của đời sống xã hội mà thôi. Trên thực tế, có lẽ chẳng có văn bản luật nào trên thế giới này là hoàn hảo và không có "lỗ hổng"…

Một điều khá quan trọng mà nhiều nhà phân tích về Luật đất đai đã "quên" không nhắc đến, đó là hạn mức quy định thu phí và thu thuế trên đất, trong hoạt động chuyển mục đích sử dụng và đặc biệt là giao dịch mua bán đất. Nếu áp dụng khoa học và công bằng thì đây là một "kênh" lợi nhuận khổng lồ thu về cho quốc gia. Trong hàng chục năm qua, nếu tổng kết những người nhanh giàu nhất trong giới kinh doanh, thì đứng đầu phải là kinh doanh đất đai (đất ở). Nếu kiểm soát tốt vấn đề này thì sẽ đưa đất đai về đúng giá trị thực của nó, và giảm hẳn nạn đầu cơ tràn lan. Đặc biệt là giảm nguy cơ lâm vào tín dụng xấu từ việc cho vay vốn đầu tư kinh doanh bất động sản của hệ thống ngân hàng

Lấy ví dụ ngay như chính bản thân gia đình người viết bài này: Năm 1992 được chính quyền địa phương bán theo quy định cho một mảnh đất giá chỉ có 250 ngàn đồng. Nhưng đến năm 2004 bán lại cho người khác sử dụng làm đất ở được gần 500 triệu đồng. Tính tất cả các loại thuế chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng vv.., ước tính chỉ khoảng dưới 20 triệu đồng. Như vậy quả là một điều bất hợp lý! Nếu có một văn bản hướng dẫn thu thuế hợp lý, cụ thể là thu thuế trên số lãi phát sinh, thì nhà nước sẽ thu về một khoản tiền xứng đáng, thay vì số tiền đó chảy vào túi cá nhân. Những mối lợi khổng lồ không có sự kiểm soát linh động đó, chính là động lực làm giàu cách bất công đối với nhiều đối tượng…

Nhìn từ vụ Tiên Lãng chúng ta thấy điều gì? Có thể nói chính thái độ làm việc bàng quan và sự yếu kém đến  khó tin của cả một hệ thống hành pháp và tư pháp, từ tòa án các cấp đến chính quyền địa phương, cũng như các sở, ngành chuyên quản, quản lý đất đai, đã làm cho "vụ Tiên Lãng" trở nên "động trời". Qua quá trình theo dõi và trực tiếp điều tra, (nói một cách công bằng) người ta chưa tìm thấy dấu hiệu tham nhũng nào ở quy mô lớn trong vụ Tiên Lãng. Nếu có thì cũng chỉ là những món tiền thù lao nhỏ từ chủ đầm đang ngầm soán quyền thuê đất của gia đình anh Vươn mà thôi.

Những ngày gần đây vì có vụ án "Đoàn Văn Vươn" nên người ta đã rà lại vụ cưỡng chế 70 ha đầm tôm của gia đình ông Lê Đình Thảo (xã Tiên Thắng - Tiên Lãng) năm 2008, thì thấy đấu hiệu sai phạm đã xảy ra từ cấp xã đến tận cấp tòa án tối cao. Bản thân kháng nghị giám đốc thẩm của Viện kiểm sát tối cao cũng bị vứt vào sọt rác. Mặc dù chỉ với trình độ trung bình, bất cứ ai cũng thấy rõ sự sai phạm của hệ thống công quyền trong vụ của gia đình ông Thảo.

Một vài động thái "khắc phục", "sửa sai" của hệ thống hành pháp và hệ thống tư pháp gần đây trong vụ Tiên Lãng cho thấy: Tất cả đều thiếu công bằng, lộn xộn, có dấu hiệu vi hiến và gian dối. Ngay cả kết luận của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 10/2/2012 cũng đã có sai phạm về cơ bản, vì khi chưa có phán quyết cuối cùng của tòa phúc thẩm thì chưa thể kết luận là quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng đối với gia đình ông Vươn là trái pháp luật, mặc dù vấn đề dường như đã rõ.

Thứ hai, việc gia đình ông Vươn đã thu hoạch sản phẩm thủy hải sản hay chưa, nếu đã thu hoach thì đã thu hoạch bao nhiêu phần trăm, tài sản còn lại ước tính là bao nhiêu, chưa được làm rõ (cần thống nhất lời khai của ông Vươn trong tù và thông tin từ vợ con ông Vươn), thì ông thủ tướng không thể nói rằng "gia đình ông Vươn đã thu hoạch tôm cá trước khi có cuộc cưỡng chế".

Thứ ba là, ông thủ tướng yêu cầu "nhanh chóng đưa vụ án "giết người và chống người thi hành công vụ" ra xét xử" trong khi chính ông ta lại tuyên bố rằng "UBND huyện Tiên Lãng cưỡng chế là trái luật và trái đạo lý". Nếu việc cưỡng chế (bằng vũ lực) là trái luật (phạm pháp) thì một người chống lại việc làm phạm pháp, cho dù có xảy ra án mạng cũng không thể quy kết cho họ tội danh "giết người" một cách tùy tiện. Hơn thế nữa, một "công vụ" phạm pháp thì đương nhiên là hành động phạm pháp, vậy người chống trả lại hành động phạm pháp không thể bị quy kết vào tội "chống người thi hành công vụ"...

Ngoài ra quyết định đình chỉ công tác của Thành ủy Hải Phòng đối với Lê Văn Hiền và Nguyễn Văn Khanh (chủ tịch và phó chủ tịch UBND Tiên Lãng) là vi hiến, qua mặt chính quyền và tòa án. Quyết định nói trên còn sai trình tự kỷ luật Đảng ở chỗ, ngày 7/2/2012 Thành ủy Hải Phòng họp báo công bố ra quyết định đình chỉ công tác 2 nhân vật vừa kể, nhưng đến tận ngày 9/2/2012 thì họ mới về họp với Huyện ủy Tiên Lãng để bỏ phiếu thống nhất quyết định kỷ luật đã ban hành trước đó rồi (!). Đồng thời trong quá trình "làm việc" của công an, tòa án, và chính quyền các cấp trong vụ Tiên Lãng đều có nhiều biểu hiện bất minh…     

Vậy căn nguyên vấn đề lộn xộn trong quản lý đất đai, rộng hơn là những hỗn loạn trong quản lý nhà nước cũng như phát triển xã hội hiện nay ở Việt Nam là gì? Đó không phải là lỗi của các văn bản luật (trong đó có Luật đất đai), và chắc chắn nó không còn là "lỗi hệ thống" nữa. Nếu xác định đây là lỗi, thì tất nhiên đó không phải là tội! Nhưng vì mắc lỗi mà gây ra tội thì mọi tội trạng đều cần phải được xét xử, và những kẻ phạm tội buộc phải trả gía cho tội lỗi của mình để đảm bảo sự công bằng. 


Muốn cho những cảnh này không tái diễn 
xã hội VN cần một cuộc cách mạng thể chế chính trị
Ai là người phải chịu trách nhiêm trả giá cho tội trạng gây nên sự yếu kém trong quản lý nhà nước và bất minh trong thi hành pháp luật? Đó chính là Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) – tổ chức đang nắm quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội. Để trả gia cho tội trạng của mình, bằng con đường ôn hòa, ĐCSVN cần phải được giải tán, hay ít nhất tổ chức chính trị ấy cũng cần phải bị tước quyền độc tôn lãnh đạo đất nước. Chỉ có cách thiết lập thể chế chính trị Đa nguyên Đa đảng thì mới có thể gỡ bỏ ĐCSVN ra khỏi vị trí độc tài hiện nay. Và đó chính là cách tốt nhất để tránh xảy ra những vụ xả súng đau lòng như vụ Tiên Lãng…

Lê Nguyên Hồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét