Song Chi
Câu chuyện về Cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai bị cách chức và vợ ông ta, bà Cốc Khai Lai bị bắt giam để điều tra vì tình nghi có liên quan đến cái chết của ông Neil Heywood, một doanh nhân người Anh được xem là một vụ tai tiếng chính trị tệ hại nhất suốt mấy chục năm nay ở Trung Quốc.
Báo chí thế giới những ngày qua tràn ngập thông tin về cặp vợ chồng mới đây còn tượng trưng cho quyền lực tột đỉnh, giàu sang tột bậc, hiện đại, đẹp đôi, đầy tham vọng, được ví như Jack và Jackie Kenedy của Trung Quốc. Đúng với thành ngữ "giậu đổ bìm leo", không chỉ tiểu sử, hồ sơ chính trị, những "thành tích" lẫy lừng trong việc tiêu diệt tham nhũng lẫn thanh trừng người khác của ông Bạc Hy Lai, mà mọi thứ thuộc về đời tư của ông Bạc bà Cốc đều được báo chí khai thác triệt để. Từ cuộc sống của cậu con trai cưng duy nhất đang theo học tại Mỹ, người vợ cũ của ông Bạc, những người tình, những lời đồn đại về đời sống phóng khoáng không kém gì ông chồng của bà Cốc Khai Lai và mối quan hệ thân mật với ông Neil Heywood...tất tần tật được phơi ra trước bàn dân thiên hạ. Cũng nhờ vậy, người dân các nước cũng như người Việt mới được biết một phần nào đời sống của các chính trị gia hàng đầu của Trung Quốc với những thông tin cực kỳ gây sốc, những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực trong nộti bộ cấp cao của đảng cộng sản nước này-vốn được nhà cầm quyền bưng bít rất kỹ, thuộc loại "bí mật quốc gia" chẳng khác nào những thâm cung bí sử thời phong kiến.
Mà thật sự thì hệ thống chính trị của Trung Quốc xét về một khía cạnh nào đó có khác gì một nhà nước phong kiến, nhưng không phải một mà là 9 "ông vua" trong Ban thường vụ Bộ Chính trị cùng chia nhau nắm quyền lãnh đạo đất nước. Các "ông vua" này đều không do dân bầu ra, ngược lại, không phải một người dân thường nào dù tài giỏi đến đâu có thể hy vọng leo lên những chức vụ này thông qua những cuộc bầu cử công khai minh bạch, mà phải qua quá trình "phấn đấu" lâu dài trong đảng cộng sản, và đều thuộc thành phần có gốc gác con ông cháu cha cả. Đến đời họ lại tiếp tục chuẩn bị con đường hoạn lộ cho con cái từ khi còn rất trẻ, cất nhắt từng bước đi lên.
Từ các ông vua trong Bộ chính trị cho đến hầu hết quan to quan nhỏ nằm trong bộ máy của đảng và của nhả nước cộng sản Trung Quốc đều có tài sản của chìm của nổi gấp nhiều lần mức lương thực tế, đời sống giàu sang xa hoa hết mực, con cái thì được ăn học trong những điều kiện hết sức tốt đẹp, không chỉ là những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc mà là những trường danh giá nhất, đắt tiền nhất của nước ngoài. Các ông vua ông quan này muốn làm gì thì làm, luật pháp, truyền thông báo chí cũng không dám sờ đến họ, đặc biệt lả những thông tin đời tư. Chỉ trừ khi một ông nào đó xui xẻo "bị lộ" do hớ hênh quá mức đến độ đảng và nhà nước cũng không thể bao che nổi, hoặc bị ngã ngựa do đấu đá nhau như vụ Bạc Hy Lai vừa rồi, thì báo chí Trung Quốc mới được phép bật đèn xanh mà khai thác.
Những thông tin từ vụ Bạc Hy Lai khiến nhiều người dân Trung Quốc và thế giới phải choáng. Không chỉ đời sống xa hoa, sự giàu có đến mức không thể tưởng tượng nổi của họ, mà là cái cách họ kiếm tiền, rửa tiền bằng những con đường nào, cách họ sử dụng quyền lực chẳng khác nào những ông hoàng bà chúa đứng trên cả luật pháp, có thể làm tất cả để bảo vệ tiền bạc, quyền lợi, vị trí chính trị của mình mà không hề có chút cắn rứt lương tâm. Từ việc dùng tiền để bôi trơn bộ máy, mua ghế, giữ ghế, mua danh dự nhân phầm của người khác cho đến bịt miệng người, sẵn sàng mưu sát người để diệt khẩu, tra tấn thuộc cấp, thanh trừng, loại bỏ những đối thủ kinh doanh hoặc chính trị … Những câu chuyện nghe qua cứ như trong những bộ phim truyền hình gay cấn nhiều tập.
Trong những quốc gia có thể chế chính trị tự do dân chủ không phải không có những vụ tham nhũng, hay những vụ tai tiếng chính trị kiểu như các chính khách, quan chức bị dính vào tình ái, cáo buộc mua dâm, cưỡng dâm, kể cả giết người. Nhưng trong những quốc gia như vậy mọi quan chức kể cả Tổng thống, Thủ tướng cũng như mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật, và đểu bị báo chí truyền thông soi xét không có ngoại lệ miễn trừ. Ngành tư pháp hoàn toàn độc lập và có thể lôi cổ bất cứ ai ra tòa, báo chí có quyền đưa bất cứ thông tin gì về bất cứ ai ra trước công luận (tất nhiên, nếu thông tin không chính xác thì báo chí sẽ bị kiện và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm). Chứ không phải chỉ có những "đồng chí xui xẻo" hoặc từ những vụ đấu đá nhau thì mới có chuyện bị lộ như ở Trung Quốc hay Việt Nam chẳng hạn. Còn bình thường, ở Trung Quốc hay ở Việt Nam người dân làm sao biết được tài sản của các vị như thế nào, các vị sống ra sao, tiền đâu mà con cái các vị có thể theo học toàn các trường đắt tiền nhất của các quốc gia tư bản hàng đầu thế giới, các vị đã khai gian bằng cấp, mua quan bán chức, lăng nhăng tình ái con rơi con rớt tùm lum v.v… và v.v… như thế nào.
Thứ hai, trong những quốc gia tự do dân chủ có hệ thống luật pháp minh bạch, rõ ràng, có thể có chuyện một vài chính trị gia nào đó bị dính vào một vụ tai tiếng chính trị bất cứ theo kiểu nào. Nhưng chỉ có trong một quốc gia độc tài ở đó nhà nước nắm trong tay từ luật pháp, báo chí, cho đến sinh mệnh nhân dân…thì chuyện tham nhũng, mua quan bán chức, cha truyền con nối leo lên các chức vụ cao ngất ngưởng, chuyện lạm dụng quyền lực, thanh trừng nội bộ và muôn vàn tội ác nằm trong bóng tối khác mới có thể tồn tại thành cả một hệ thống từ trên xuống dưới trong bộ máy đảng, bộ máy nhà nước, các mối quan hệ đặc quyền đặc lợi mới có cơ hội phát triển dây mơ rễ má chẳng chịt như vậy.
Bài báo "Three Questions for Beijing" ("Ba câu hỏi dành cho Bắc Kinh" của tác giả Minxin Pei đăng trên tờ The Wall Street Journal nói về những vấn đề nghiêm trọng trong hệ thống chính trị của Trung Quốc, và "Rotting From Within-Investigating the massive corruption of the Chinese military"("Thối nát từ bên trong- Điều tra về tham nhũng lớn của quân đội Trung Quốc") của tác giả John Garnaut đăng trên tờ Foreign Policy nói về nạn tham nhũng nghiêm trọng, tệ mua quan bán chức trong quân đội Trung Quốc… đã nói lên điều này. (Độc giả có thể đọc bản dịch tiếng Việt trên trang Anh Ba Sàm).
Và tất nhiên, nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với một mô hình thể chế chính trị giống hệt như một bản sao của nhà nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa, cũng không tránh khỏi tình trạng thối rữa từ bên trong bởi những "căn bệnh" tương tự. Và cũng giống như Trung Quốc, quan chức ở VN, nhất là hàng ngũ lãnh đạo cao cấp, là thành phần bất khả xâm phạm, nếu có vụ tham nhũng hoặc làm ăn sai trái nào đó bị lộ, một vài cá nhân nào đó bị bắt thì đó cũng chỉ là những con chốt thí. Tuy nhiên, qua đó người dân cũng biết được một phần rất nhỏ chân dung đời sống của các quan chức cũng như những vụ đấu đá nhau phía sau hậu trường chính trị của họ.
Và cũng như Trung Quốc, như chế độ phong kiến cha truyền con nối ngày xưa, các quan cũng lần lượt đưa con cái vào thay nhau nắm những "ngôi vị" quan trọng nhất trong đảng. Một vài ví dụ: đại hội lần thứ XI của đảng, với Nông Đức Tuấn là con trai ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Nguyễn Thanh Nghị là con trai ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Anh là con trai lớn của nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Nguyễn Văn Chi…được bầu vào trung ương đảng…
Không chỉ được chuẩn bị sẵn về con đường chính trị, các "hoàng tử, công chúa, thái tử đỏ" như cách gọi của người dân còn được chuẩn bị kỹ về đường học hành, để nếu không làm quan thì cũng nắm những vị trí quan trọng trong bộ máy kinh tế quốc gia. Mà đôi khi chính truyền thông chính thống cũng vô tình để lộ ra.
Ví dụ như ba người con của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều ăn học ở nước ngoài. Cô con gái rượu Nguyễn Thanh Phương sinh năm 1980, đã từng học thạc sỹ quản trị tài chính tại Đại học Geneva, Thụy Sỹ, 27 tuổi đã nắm quỹ đầu tư với số vốn trên trăm triệu đô la, còn hiện tại là Chủ tịch Hội đồng quản trị 4 công ty lớn trong các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, chứng khoán và đầu tư tài chính-tất cả đều mang thương hiệu Bản Việt (Viet Capital). Con trai lớn, Nguyễn Thanh Nghị kể trên, 36 tuổi, có bằng tiến sỹ ở Mỹ, được cha bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Xây dựng vào cuối năm 2011, là thứ trường trẻ nhất trong nội các của ông Dũng. Con trai út, Nguyễn Minh Triết, 23 tuổi, theo học kỹ thuật hàng không ở Đại học Queen Mary ở Anh, là cán bộ đoàn đang làm việc tại Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Mới đây dư luận lại xôn xao trước thông tin cô con gái Tô Linh Hương của ông Tô Huy Rứa, một trong 14 ủy viên Bộ chính trị, sinh năm 1988, nghĩa là mới có 24 tuổi, tốt nghiệp Cử nhân Báo chí nhưng lại được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của một công ty xây dựng lớn Vinaconex- PVC có gần 2000 cán bộ công nhân viên.
Bèo bọt như ông Nông Đức Tuấn do học vấn quá kém, trí thông minh cũng cỡ như ông bố Nông Đức Mạnh, từng có thời gian đi xuất khẩu lao động ở Đông Đức, cũng là Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang.
Đó là chỉ mới nói đến khía cạnh con ông cháu cha, còn đời tư các ngài thì dám chắc là khối chuyện hay ho mà đôi khi chỉ rò rỉ chút ít ra bên ngoài. Bắc Kinh hay Hà Nội thừa hiểu rằng nếu sự thật về nhân thân, cuộc sống của các ông vua ông quan cũng như con đường đi lên hoạn lộ của họ mà lộ ra thì nhân dân sẽ bức xúc mà nổi loạn ngay. Các thông tin loại đó thực sự còn nhanh chóng làm sụp đổ chế độ hơn cả những bài viết của các blogger, luật sư, những người bất đồng chính kiến… mà nhà nước này vẫn tô vẽ như những "thành phần cực kỳ nguy hiểm cho đất nước, cho nhân dân".
Nói tóm lại, chỉ có trong một xã hội dân chủ đa đảng nơi quyền lực được chia sẻ giữa chính phủ, quốc hội, ngành tư pháp, các đảng phái thì kiểm soát lẫn nhau, bên cạnh đó báo chí lại có quyền lực riêng, và người dân có đầy đủ quyền tự do dân chủ của mình… thì mới có thể bớt đi tình trạng đặc quyền đặc lợi bất khả xâm phạm của một số người, phe nhóm, thành phần xã hội nào đó, bớt đi những mảng tối, những tội ác không bị trừng trị và sự bất công đã trờ thành chuyện bình thường như hiện nay ở Trung Quốc, Việt Nam hay những quốc gia độc tài độc đảng khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét