Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

DƯƠNG DANH DY: VỀ CUỘC ĐẤU TRANH NỘI BỘ TẠI TRUNG QUỐC HIỆN NAY

Nguồn xuandienhannom

Ông Bạc Hy Lai. Ảnh: AFP
Một vài nhận xét bước đầu:
Về cuộc đấu tranh nội bộ tại Trung Quốc hiện nay
Dương Danh Dy
- gửi riêng NXD -Blog

Đã gần 26 năm trôi qua kể từ cuộc đàn áp đẫm máu tại quảng trưòng Thiên An Môn(4/6/1986) do nhà đương cục Bắc Kinh lúc đó-đứng đầu là Đặng Tiểu Bình tiến hành. Trong thời gian hơn ¼ thế kỷ này, tình hình nội bộ Trung Quốc nhìn chung "có vẻ yên ổn" hơn thời Mao Trạch Đông( mà qua những cuộc đấu tranh như chống phái hữu, cách mạng văn hoá v.v. với những Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu, "lũ bốn ngưòi" và nhiều nhân vật nổi tiếng khác của Trung Quốc bị giết, bị đầy đoạ đến chết…, và hàng mấy chục triệu cán bộ và dân thưòng bị chết oan vì đói và vì trăm thứ lý do không ai tin được…) cũng như mấy cuộc thanh trừng cấp cao liên tiếp dưói thời Đặng Tiểu Bình( như vụ cách chức chủ tịch ĐCS Trung Quốc Hồ Diệu Bang hay giam lỏng Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc Triệu Tử Dưong cho đến chết).


Tuy vậy cần nhắc lại mấy sự kiện sau: năm 1998 nhà cầm quyền Bắc Kinh đã  kết án Trần Hy Đồng, Uỷ viên Bộ Chính trị ĐCSTQ, Bí thư thành uỷ Bắc Kinh 16  năm tù giam vì tội tham ô và không làm tròn nhiệm vụ; năm 2008 đã kết án Trần Lương Vũ, Uỷ viên Bộ Chính trị ĐCS TQ, Bí thư thành uỷ Thượng Hải 18 năm tù giam vì tội nhận hối lộ và lợi dụng chức quyền. Đây không phải là những vụ án hình sự mà là sự thanh trừng những người âm mưu chống lại chính quyền TW theo cách  thưòng làm của Trung Quốc! Xin nhấn mạnh thêm, sở dĩ mấy cuộc đấu tranh phe phái đó không gây ra những "xôn xao, ồn ào.." dư luận, một phần lớn là do phái "thắng trận" vẫn còn dựa được vào chút "uy thừa" của Đặng Tiểu Bình, nên đã "hạ bệ" đối phương theo đúng ý định.

Thế nhưng thời thế bây giờ đã khác. Gần đây công luận Trung Quốc bắt đầu lên tiếng về một số hành vi "chơi không đẹp" của Đặng Tiểu Bình với Hoa Quốc Phong và nhất là với Hồ Diệu Bang(xem một phần nhật ký của Dương Thượng Côn vùa được công bố)  và công khai phản bác một số chủ trương của ông ta trước đấy vốn được coi là "quốc sách" như "giấu mình chờ thời', "gác tranh chấp cùng khai thác" …, cho rằng chúng đã lạc hậu, không cần phải tuân theo v.v. Những điều đó chứng tỏ "uy tín" của ông ta đã và đang mất dần tại Trung Quốc, và  khó có phe, phái nào thể lợi dụng được chút "tàn uy" của ông ta trong cuộc đấu tranh nội bộ sắp tới.

Ngoài ra cần thấy, thời hạn kết thúc "hiệp đấu " cũng tới , bởi vì muốn gì thì thì muốn, đại hội ĐCSTQ lần thứ 18 cũng phải họp vào mùa thu năm nay, và tới lúc đó mọi "dàn xếp" phải xong !

Chính vì những lẽ đó mà việc xử lý Bạc Hy Lai, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị ĐCSTQ kiêm bí thư thành uỷ Trùng Khánh-một thành phố trực thuộc TW như Bắc Kinh, Thượng Hải v.v.  đã mang nhiều ý nghĩa hơn là cuộc thanh trừng 2 ngưòi lãnh đạo thành phố nói trên trước đây.

Chưa bao giờ các phương tiện truyền thông Trung Quốc được viết được nói.., hết sức thoải mái về các mưu ma chước quỷ cũng như tội ác, những trò chơi truỵ lạc.. của "ngưòi lãnh đạo một thành phố và cả vợ con, tay chân.. của ông ta"- người một thời đã được chính họ tung hô hết sức náo nhiệt, như Bạc Hy Lai(và không biết vì sao lần này phương tiện truyền thông Việt nam lại được phép công khai ăn theo nhiều đến như thế?).

Khác với hai lần trước, không có UV Thưòng vụ Bộ Chính trị nào bị "dính líu", lần này công luận Trung Quốc đã để lộ, chí ít đã có 1 vị có liên quan hay là "chủ mưu" (như lời khai của Bạc Hy Lai rằng ông ta chỉ là ngưòi chấp hành). Người đó chính là Chu Vĩnh Khang, một trong chín UV Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Uỷ Ban Chính  pháp  của TW ĐCSTQ.

Chính vì có thêm nhân vật cấp cao dính líu vào mà cuộc đấu tranh nội bộ lần nay mang tính chất phức tạp và gay gắt hơn nhiều. Đã một dạo, Chu Vĩnh Khang không "ra mắt" vào mấy dịp ông ta lẽ ra phải ra mắt, nhưng rồi ông ta "lại ra mắt" vào dịp khác.(Bạn đọc nên nhớ rằng sự "xuất diện" hay "không xuất diện" của một chính khách ở Trung Quốc là một tiêu chí quan trọng thể hiện ngưòi đó còn "vai trò" hay là "không còn vai trò" trên chính trưòng) Tuy vậy rõ ràng là "chiếc ghế" đang ngồi của Chu Vĩnh Khang đã và đang bị "lung lay". Ông ta có "tai qua nạn khỏi" hay không vẫn còn là một vấn đề khó nói.

Trước đây khi trong hay trên ban lãnh đạo tối cao của Trung Quốc còn một ngưòi cầm trịch như Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình, nói chung các cuộc đấu đá nội bộ thuờng kết thúc theo ý định của ngưòi nắm quyền, nhưng khi những nhân vật như vậy không còn nữa thì những "bất ngờ" đã xẩy ra. Ít ai  đoán được số phận của "lũ bốn ngưòi" đã kết thúc ngay khi Mao vừa chết chưa đầy một tháng. Và bây giờ  khi "tàn uy" của Đặng đã hết, trong nội bộ chẳng còn "mèo nào hơn mỉu nào" thì khi lâm vào thế cùng, chẳng "anh nào" cam chịu ngồi yên chịu chết đâu!

Chính vì vậy cuộc đấu tranh trong nội bộ cấp cao của Trung Quốc hiện nay đày rẫy những yếu tố gay gắt, bất ngờ, khó dự đoán.

Chỉ có một điều có thể khẳng định, vụ Bạc Hy Lai chỉ là một cái "mở màn" kèm theo điều dễ thấy: ngưòi dân lưong thiện Trung Quốc còn chưa được yên, họ còn phải hứng chịu nhiều tai hoạ nữa!
                                                                     
Hà Nội ngày  22/4/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét