Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Lẩm cẩm thiên hạ sự - Vài lời tiếp nối bài báo “…nghĩ về… những bàn tay rô bốt”

Nguồn BVN

Lẩm Cẩm Lão Gia

Cách đây mấy ngày, www.boxitvn.net đã đăng bài viết Vọng niệm 3: Ngày 30 – 4 nghĩ về… những "bàn tay rô bốt" - của nhà báo Nguyễn Thượng Long. Lẩm Cẩm Lão Gia tôi mạo muội đóng góp vài lời.

Trước năm 1975, ở miền Nam, cùng với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có rất nhiều nhạc sĩ nổi danh khác như nhạc sĩ Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng, Lam Phương, Nhật Ngân (còn viết chung với nhạc sĩ Trần Trịnh dưới bút hiệu Trịnh Lâm Nhân), Anh Bằng (và nhóm Lê Minh Bằng), Nhật Trường Trần Thiện Thanh, Phạm Đình Chương, Nguyễn Văn Đông, Từ Công Phụng, Văn Phụng, Nguyễn Ánh 9, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Lê Uyên Phương… và còn rất nhiều người nữa.

Âm nhạc là món ăn tinh thần không thể thiếu của con người chúng ta. Mà đã là "ẩm thực" thì phải đa dạng và phong phú mới hấp dẫn. Do đó không lạ khi nhạc sĩ này thì chuyên về tình yêu đôi lứa. Những bài nhạc theo trường phái này thì thường chia làm hai loại. Đam mê thắm thiết và đổ vỡ mà mỗi khi người nữ ca sĩ cất giọng oanh vàng thì có thể thấy cả một phương trời màu hồng khi say đắm hoặc là một màu đen thui của đêm 30 tháng Chạp khi chia ly xa cách. Còn vị nhạc sĩ kia thì chuyên về người lính và sự tang thương mất mát bởi chiến tranh. Vị khác nữa thì chuyên về quê hương với những vùng quê ngọt ngào….

Có như vậy thì âm nhạc mới sống động và thu hút. Bởi lẽ, cuộc đời đâu thể nào mãi là quê hương ngọt ngào như viên kẹo ngọt. Hay những cuộc tình đâu phải luôn vẹn toàn với kết cục tươi sáng là cặp tình nhân cùng dắt nhau lên xe bong… Và khi yêu, người nhạc sĩ thường sẵn sàng moi cả con tim của mình dâng cho người yêu. Phần đông chúng ta sẽ bảo họ điên (hay hâm). Thực ra họ không hâm. Bởi lẽ, sống mà không biết yêu thì có khác nào chỉ là cái thây ma biết đi. Đã yêu mà còn tính thiệt thua hơn kém thì đó là "tình yêu thời hiện thực XHCN" chứ đâu phải là Tình yêu. Anh chàng "hâm" Bryan Adam đã được thế giới biết đến bởi ca khúc (Everything I Do) I Do It For You (Tạm dịch: Mọi thứ anh làm, anh đều làm cho em). Trong khi đó thì nhóm Bò Cạp đã khiến người nghe nhạc khó quên loại côn trùng độc địa nhưng ngon miệng này với ca khúc Still Loving (Tạm dịch: Anh vẫn còn yêu em).

Tuy miền Nam có nhiều nhạc sĩ tài hoa, nhưng sau năm 1975 thì hình như chỉ có dòng nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được công chúng biết nhiều hơn hết. Có lẽ, vì một số nhạc sĩ tài hoa khác đã kịp di tản ra nước ngoài trong những ngày tàn của cuộc chiến. Phần còn lại thì phải vào chốn lao tù. Bởi họ, những người trai thời loạn thì đương nhiên phải đăng lính bên này hoặc là vào bưng biền đi lính bên kia. Đi bên nào cũng không phải lỗi của họ, vì sống dưới thời Trịnh Nguyễn phân tranh thì phải thế. Và với những vị nhạc sĩ tài hoa đăng lính "bên này" thì khi chiến cuộc tàn, họ cùng chung số phận với những người đồng đội khác của mình là bị tù đày, và đương nhiên những đứa con tinh thần của họ cũng bị đọa đầy, cấm đoán. Sau năm 1975, dòng nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ít bị cấm đoán hơn hết. Do đó, công chúng biết đến dòng nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhiều hơn cũng là điều dễ hiểu.

Đã có quá nhiều bài viết về thân thế và sự nghiệp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Như vậy, sẽ là một điều thừa thãi khi phải cố moi từ nặn chữ để viết về tác giả của dòng nhạc được nhiều người ưa thích này. Do đó, Lẩm Cẩm Lão Gia tôi không dám lạm bàn về dòng nhạc của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn.

Điều khiến tôi nể phục nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không phải là vì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được nhiều người mến mộ mà là vì ông dám viết ra những gì mình nghĩ, dù có thể nó sẽ gây phiền hà cho ông không ít. Đây là cốt cách của loài "Tùng, Bách". Trong bài viết của mình, nhà báo Nguyễn Thượng Long đã trích dẫn bài "Tình Ca Của Người Mất Trí". Một ca khúc mà người nghe khó thể nén lòng bởi sự tang thương, bởi những cái chết đau thương.

Nhưng sau 1975 cũng có rất nhiều cái chết như thế. Chết trên biển trong hàm cá mập. Chết dưới làn đạn của công an biển. Chết trong sự đau khổ bởi sự hành hạ của bọn hải tặc không chút tính người. Chết nơi lao tù. Nhiều, và nhiều lắm…

Theo lời của nhà báo Nguyễn Thượng Long thì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết bài nhạc "Tình Ca Của Người Mất Trí" vào năm 1967. Và cũng theo lời của nhà báo Nguyễn Thượng Long thì có thể nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có những phút xuất thần "tiên tri" được những điều mà phải đến những mấy năm sau mới xảy ra. Tuy nhiên, hình như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không có ca khúc nào dành cho những người bất hạnh trên đây trong khoảng thời gian 1975-1985. Dù những cái chết đầy thương tâm đó đều là hiện hữu chứ không cần phải "tiên đoán" như bài "Tình Ca Của Những Người Mất Trí".

Lẩm Cẩm Lão Gia tôi nghĩ rằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn đầy ắp tình thương yêu đồng loại giống nòi như những ngày ông sáng tác các ca khúc trong tập Ca Khúc Da Vàng. Nhưng có lẽ, trước năm 1975, ông không phải đối đầu với cơ quan "Tuyên giáo", hay với những "chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng" lúc nào cũng sẵn sàng đánh phá những người bị cho là "đối nghịch và phản động". Cũng có lẽ, không có vị lãnh đạo nào sau năm 1975 yêu nhạc và say mê thưởng thức nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như ông Nguyễn Cao Kỳ (theo lời của nhà báo Nguyễn Thượng Long). Và quan trọng hơn hết, trước năm 1975, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn được đùm bọc giữa những người yêu mến – từ sinh viên học sinh cho đến những người lính đang cầm súng ngoài chiến trường, để nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có thể ngồi nhà sáng tác và đàn hát một cách bình an. Bởi thế, không quá ngạc nhiên khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã phải thốt lên "Cần phải có một Tấm lòng" để trả lời câu hỏi "Sống ở đời cần nhất điều gì?" của nữ ca sĩ Khánh Ly. Bởi có lẽ sự nổi tiếng của ông có được cũng từ chính những tấm lòng của những người trên đây.

Con đường đi do chính mỗi người chúng ta lựa chọn. Ai cũng có quyền chính đáng để lựa chọn con đường cho mình. Lẩm Cẩm Lão Gia có lẽ hiểu được tại sao nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã không sáng tác bài nhạc nào để khóc thương đồng loại bỏ mình nơi ngọn sóng hay dưới họng súng đen ngòm của bọn hải tặc hung ác nơi biển cả. Nhà thơ Hữu Loan đã vất vả một đời chỉ vì bài thơ "Màu Tím Hoa Sim". Tấm gương của Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Quán, Phùng Cung, nữ sĩ Thụy An… và còn biết bao nhiêu người khác đã phải sống trong ngục tù, đày đọa bởi họ không chịu làm những "chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tưởng văn hóa"… Họ chỉ mong mỏi được sống như chính họ – có thể nói những gì mình muốn và viết những gì mình nghĩ. Nhưng đường đời luôn lắm chông gai và họ đã phải chịu cảnh ngục tù lao tối chỉ vì muốn sống thật một cuộc đời thật – cái điều mơ ước nhỏ nhoi của một kiếp người.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời năm 2001. Tám năm sau ngày ông qua đời, hai cái bao su bẩn thỉu cũng đủ đưa ông luật sư Cù Huy Hà Vũ vào tù. Con người Việt Nam hôm nay không khác gì những con gà con để làm mồi cho lũ diều hâu bù cắt. Nào đạp mặt nào bóp cổ.

Những người trí thức như tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ (bút hiệu Hà Sĩ Phu), bác sĩ Nguyễn Đan Quế, bác sĩ Lê Hồng Sơn và còn nhiều người khác vẫn đang bị quản thúc bao vây từ kinh tế đến khủng bố tinh thần. Nhà báo Nguyễn Văn Hải phải vào lao tù ngục tối nhiều năm với tội "trốn thuế mấy chục triệu đồng". Trong khi đó thì con tàu không bến Vinashin mang theo xuống biển sâu hàng tỷ đô la mà không có vị lãnh đạo nào từ chức. Tập đoàn Dầu khí thất thoát sơ sơ hàng mấy chục ngàn tỉ đồng nhưng con đường quan lộ của ông Đinh La Thăng vẫn thẳng tiến như diều gặp gió.

Trong bài viết của mình, nhà báo Nguyễn Thượng Long có nhắc đến trường hợp thương tâm của bà Bùi Thị Minh Hằng. Chỉ vì muốn làm con cháu Bà Trưng, Bà Triệu mà phải gánh lấy khổ ải trần ai nơi ngục tối. Có lẽ không ngoa khi nói rằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã may mắn khi sinh ra ở Miền Nam và nổi tiếng trước năm 1975. Bởi ở nơi đó, ông có thể tự do tự tại sáng tác những gì mình muốn cũng như được nhàn nhã ôm đàn ngồi ca những ca khúc mình sáng tác.

Đến hôm nay, chỉ còn mấy ngày nữa là 30-4. Những nhạc sĩ tài danh ngày nào nay đều đã ở tuổi chiều tà xế bóng. Không ít người đã ra đi mãi mãi, trong số này có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Dù họ đã ra đi mãi mãi hay đang ở tuổi chiều tà xế bóng thì những gì họ để lại cho đời đều là những món quà vô giá, bởi chúng được làm thành bởi Máu và Nước mắt. Cầu mong những người còn sống và cho cả chúng ta mọi sự An Lành, cầu mong những người đã ra đi được yên nghỉ Bình An nơi cõi vĩnh hằng. Chắc ở nơi đó, họ có thể tha hồ sáng tác mà không phải sợ những cái đầu rô-bốt và những bàn tay rô-bốt cũng như sự đọa đày của ngục tù nơi trần thế…

Xin được thắp một nén nhang lòng tưởng nhớ những người đã ngã xuống để chúng ta biết được giá trị của Tự Do.

L.C.L.G.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét