Sun, 04/22/2012 - 19:12 — canhco
Cư dân mạng lúc gần đây tỏ ra thất vọng về một nhân vật mà chỉ vài tháng trước nhiều người xem như thần tượng vì những tuyên bố chỉa thằng vào những nhóm lợi ích khó nuốt nhất Việt Nam, đó là Bộ trưởng Tài chánh Vương Đình Huệ.
Ông Huệ được người ta đánh giá là một bộ trưởng hiếm hoi nhất trong nhiều đời bộ trưởng. Ông là người có bằng cấp cao và "thật". Ông làm việc đúng với vị trí được đào tạo cũng như nối tiếp đào tạo lại cho hàng ngàn sinh viên trong lĩnh vực tài chánh. Không ai nghi ngờ khả năng và tư cách của ông trong vai trò Bộ trưởng Tài Chánh cũng không ai không vỗ tay khi vào tháng 9 năm 2011 chính ông đã nả phát pháo vào hệ thống chằng chịt của nhóm Petrolimex khi ông với kinh nghiệm của một Tổng kiềm toán nhà nước đã phân tích sự kêu lỗ của tập đoàn này là giả dối và cốt yếu chỉ muốn tăng giá xăng, bất kể những khó khăn khác xảy ra.
"Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được nhà nước" là câu nói nổi tiếng của Bộ trưởng Huệ khi Petrolimex liên tục đòi tăng giá xăng và kêu lỗ triền miên trong khi tập đoàn này là một trong những đơn vị kinh tế quan trọng của nhà nước.
"Không ai dọa được nhà nước" nghe có vẻ cường điệu, nâng vấn đề lên trên mức cần thiết nhưng Bộ trưởng Huệ đã gửi một thông điệp cho Petrolimex thấy rằng ông sẽ thẳng tay làm sạch những hồ sơ mà từ trước tới nay ông biết nhưng không làm được. Bây giờ trong vai trò Bộ trưởng tái chánh ông sẵn sàng tuyên chiến với tập đoàn này.
Báo chí ngay sau đó lên tiếng tung hô ông Huệ như một Bộ trưởng tài đức song toàn sẽ trong sạch hóa một nhóm lợi ích đã và đang lũng đoạn nhiều khâu chủ yếu trong nền tài chính của đất nước. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những bài viết lo lắng cho lời tuyền chiến này và cho rằng ông Huệ không chóng thì chầy cũng sẽ bị đốt vì tầm nhìn và sự cương trực của ông đối với một hệ thống vô cùng phức tạp có chân rết khắp nơi và với quyền lực quá nhỏ bé của một Bộ trưởng không dễ gì ông sẽ làm sạch được những gì ông muốn và nói.
Tiên đoán này đã đúng và sau đó thì ông Huệ hầu như không làm gì khác hơn là chấp nhận cho tăng giá xăng cùng với sự im lặng không một lời giải thích đối với những gì ông cáo buộc trước đây.
Người dân được xem một vở kịch hay nhưng quá ngắn. Màn hạ rồi nhưng mấy thằng gian không hề nhúc nhích còn ông Huệ Bộ trưởng lại không buồn nói tại sao...Cư dân mạng cũng thôi không còn hứng khởi vì vụ án Tiên Lãng đã vô tình làm ông Huệ mất hút trong sự xôn xao của cộng đồng mạng.
Chuyện ông Huệ gần đây xoay sang một góc khác. Lần này người ta ngỡ ngàng nhận ra một ông Huệ thứ hai hoàn toàn khác với ông Huệ thứ nhất. Ông thứ hai này có thể gặp bất cứ ở đâu trong các cơ quan công quyền khi tờ Sài Gòn Tiếp Thị loan tải bản tin (nhưng ngay sau đó đã bị gỡ xuống) như sau:
"Sáng 5/4, hàng chục cơ quan báo chí đã được Bộ Tài chính "trân trọng mời đến tham dự và đưa tin" về hội nghị học tập, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 của bộ này. Nhưng tại đây, các nhà báo đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ dành cho một bất ngờ.
Khi phát biểu về chủ đề báo chí và truyền thông, Bộ trưởng Huệ nói khá dài, đại ý hiện nay báo chí và truyền thông phát triển, nhưng cũng vì thế mà việc quản lý trở nên khó khăn, nhất là đối với báo điện tử, blog...
Rồi ông bày tỏ sự không hài lòng về việc các báo hiện nay thường đề cập đến các nội dung không phải "của mình". "Tôn chỉ mục đích có rồi sao không theo? Báo của tổ chức này sao lại nói về lĩnh vực của tổ chức khác? Vì sao báo về tiếp thị lại đi viết về chính trị?"
Ngay trong câu phán của ông Huệ người đọc thấy ngay tâm lý một người nông dân rất chăm chỉ với việc trồng lúa và phản ứng gay gắt trước trào lưu khuyến khích phải biết tiếp thị nông phẩm với thương lái nhằm bảo vệ quyền lợi của họ. Người nông dân cảm thấy bị thách thức khi lao vào một lĩnh vực mà họ không hề biết và vì vậy họ chống đối, yên phận với con trâu và sào ruộng của mình.
Tiếc một điều ông Huệ không phải là nông dân. Ông là một trí thức, và là một trí thức có quyền lực.
Và ông Huệ tỏ ra thù ghét dân chủ một cách vô thức.
Trí thức của ông Huệ gói trọn trong phạm vi mà ông học để lấy bằng. Học để chống lại nghèo đói, thua sút người khác trong làng khi ông còn nhỏ tí (như lời mẹ ông kể cho nhà báo trong bài viết "Tuổi thơ dữ dội" nói về cuộc đời gian khổ của ông). Ông đi nước ngoài nhưng hình như không bao giờ đọc báo để biết rằng kinh tế tài chánh là lĩnh vực được báo chí bàn cãi ngang ngữa với chính trị. Những liên kết không thể tách rời đó không được ông Huệ chú ý. Ông chỉ chú ý một điều: Bằng cấp.
Ông Huệ học mài miệt để tiến lên kết quả tột đỉnh của sự cố gắng: Bộ trưởng Bộ Tài chánh. Không những có tâm huyết với chiêc ghế của ông, mà trước câu nói được cho là "sảy miệng" người ta còn thấy ông có tâm huyết với cả lĩnh vực mà ông không hề hiểu biết: báo chí.
Ông Huệ không sảy miệng. Ít người tin ông sảy miệng. Người ta tin ông muốn lái báo chí theo lề phải, theo chủ trương chung mà một bộ trưởng dù tâm huyết cách mấy cũng không thể nói lời khác với dàn hợp xướng mang tên "quản lý".
Ông quen với việc phê phán doanh nghiệp nhà nước kinh doanh ngoài chức năng và ông nghĩ báo chí đang đi vào vết xe đó. Tiếp thị mà nói chuyện chính trị là ...nói sai ngoài chức năng chăng? Than ôi, sự thật của một nền giáo dục coi dân chủ là thế lực thù địch và báo chí đương nhiên được chính quyền buộc phải mặc đồng phục và ca những bài ngợi ca thành quả của các "quả đấm thép" như Vinashin, như EVN như Petrolimex...
Thiệt hại về kinh tế còn có thể bán tài nguyên quốc gia để bù lại nhưng thiệt hại về tư duy như câu nói thay Bộ Truyền thông của ông Huệ thì vĩnh viễn không biết lấy gì mà bù đắp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét