(phát biểu tại Hội nghị thường niên lần thứ 3 của báo Sài gòn Tiếp thị)
Sau một thời gian dài gặp khó trong sản xuất kinh doanh, ngân hàng thắt chặt tín dụng, thị trường chứng khoán đi xuống, các doanh nghiệp Việt Nam (DN) có lẽ hơn bao giờ hết hiểu được tầm quan trọng của vốn và khó khăn trong việc đi huy động vốn (HĐV). Câu hỏi đặt ra là: Có những công cụ tài chính nào để DN huy động vốn và DN cần chuẩn bị những gì để đạt được thành công trong các giao dịch HĐV?
A. Các công cụ tài chính để HĐV thường gặp ở Việt Nam:
Nợ dài hạn – Nợ dài hạn thường được các DN vay để tài trợ cho các dự án phát triển sản xuất – kinh doanh, tức là DN phải có dự án cụ thể. Yêu cầu cơ bản đối với DN đi vay dài hạn là phải có tài sản thế chấp, thường là bất động sản và nhà xưởng. Các khoản vay dài hạn được giải ngân theo tiến độ thanh toán và các hồ sơ thanh toán, ví dụ cho nhà thầu. Lãi suất của vay dài hạn thường ở mức cao và được thả nổi. DN có thể đàm phán cấu trúc trả lãi, gốc theo các mốc thời gian thích hợp với ngân hàng. Ngân hàng sẽ có thể yêu cầu quản trị dòng tiền vào – ra của DN. Chi phí giao dịch để vay được nợ dài hạn trong nhiều trường hợp là không hề nhỏ.
Nợ ngắn hạn/hạn mức tín dụng – Nợ ngắn hạn thường có hạn mức tín dụng không cao và thường được dùng để tài trợ vốn lưu động. Ngân hàng không đòi hỏi tài sản thế chấp nhưng có thể yêu cầu quản trị dòng tiền vào – ra của DN. Ngân hàng có thể không giải ngân nếu điều kiện không cho phép. DN phải chịu lãi suất cao, thường là thả nổi, và áp lực trả nợ thường xuyên (theo tháng hoặc quý).
Trái phiếu – Trái phiếu chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn, có tiếng tăm trên thị trường. Người mua cũng chủ yếu là định chế tài chính, người mua lẻ hầu như không tham gia. Về mặt lí thuyết, trái phiếu không được bảo lãnh bằng tài sản. Tuy nhiên để DN muốn phát hành trái phiếu thành công thì thường là cần phải có một ngân hàng đứng ra bảo lãnh. Ngân hàng lại thường yêu cầu DN có tài sản bảo đảm, chủ yếu là bất động sản và nhà xưởng. Lãi suất trái phiếu cao và thường thả nổi nên về bản chất trái phiếu cũng không khác nhiều so với các khoản vay dài hạn. Chi phí phát hành nhiều lúc không hề nhỏ, bao gồm phí tư vấn và phí bảo lãnh phát hành.
Trái phiếu chuyển đổi – Đây là công cụ đã từng có thời gian rất được ưa chuộng bởi các DN Việt Nam. Trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) là trái phiếu có khả năng chuyển đổi thành vốn cổ phần (hay cổ phần) của công ty. Vì thế nó là công cụ cho phép nhà đầu tư được hưởng tính an toàn của người cho vay, vừa có khả năng hưởng lợi nhuận cao trong trường hợp công ty làm ăn tốt và nhà đầu tư chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần.
Với những đặc điểm trên, đối tượng phát hành của TPCĐ cũng rộng hơn so với trái phiếu, thường là các nhà đầu tư tổ chức. Lãi suất của TPCĐ cũng thấp hơn do nhà đầu tư đã được khá nhiều ưu tiên. Phát hành TPCĐ không yêu cầu tài sản bảo đảm trừ một số trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, cũng như trường hợp phát hành trái phiếu thường, một số nhà đầu tư yêu cầu trái phiếu chuyển đổi phải có ngân hàng đứng ra bảo lãnh thanh toán. Trong trường hợp đó, ngân hàng bảo lãnh yêu cầu DN tài sản bảo đảm thường là bất động sản hoặc nhà xưởng. Chi phí phát hành trái phiếu chuyển đổi thường theo chuẩn mực có sẵn trên thị trường.
Case Study: CTCP Vincom (VIC-HOSE) phát hành 185 triệu USD TPCĐ
Cuối tháng 3, 2012, CTCP Vincom thông báo đã phát hành 185 triệu USD TPCĐ. Trái phiếu không có tài sản bảo đảm, kỳ hạn 5 năm, phát hành bằng Đô la Mỹ, lãi suất 5%/năm, trả lãi định kỳ 6 tháng. Mệnh giá trái phiếu là 100.000 USD, giá chuyển đổi 112.200 VNĐ/cổ phiếu, tương đương 1 trái phiếu có thể chuyển đổi thành 18.627 cổ phiếu.
Giá cổ phiếu VIC đầu tháng 4 là khoảng 90.000 VNĐ/cổ phiếu, tương đối thấp so với giá chuyển đổi. Nhà đầu tư, như vậy, sẽ có xu hướng không chuyển dổi trái phiếu thành cổ phiếu nếu trái phiếu đang trong thời hạn chuyển đổi.
Nợ có khả năng chuyển đổi – Về cơ bản, nợ có khả năng chuyển đổi không khác gì nhiều so với trái phiếu chuyển đổi và thường được các định chế tài chính phi ngân hàng mua (thí dụ quỹ đầu tư). Nợ chuyển đổi khác với TPCĐ ở một số điểm như: khó xé lẻ và thường có đảm bảo trực tiếp bằng tài sản.
Cổ phiếu – Là công cụ cho phép người mua trở thành chủ sở hữu trực tiếp của DN phát hành. Đặc điểm của phát hành cổ phiếu là không có đảm bảo tài sản, không có lãi suất, và do vậy, an toàn hơn đối với DN về tài chính vì không có sức ép phải trả nợ. Tuy nhiên, DN phát hành thường phải chịu sức ép thực hiện một số cam kết với nhà đầu tư như: Cam kết về lợi nhuận trong vòng một vài năm sau đầu tư, cam kết về quản trị và điều hành (chế độ báo cáo, phân quyền, kiểm toán...), cam kết không chuyển nhượng cổ phiếu trong một thời gian nhất định, v.v...
Ngoài các cam kết giữa nhà đầu tư với DN, trong nhiều trường hợp còn có các cam kết giữa NĐT và cổ đông sáng lập hoặc cổ đông điều hành DN bao gồm: cam kết về quản trị và điều hành (VD: số ghế trong HĐQT), các quyền mua, quyền bán (put option, call option, tag-along, drag-along, rights of first refusal, v.v...), cam kết không cạnh tranh (non-competition – không thành lập công ty, sở hữu cổ phần, tư vấn hoặc làm việc cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp), cam kết chia cổ tức cho cổ đông nhỏ lẻ, v.v...
Một điểm cần lưu ý trong phát hành cổ phiếu là quyền sở hữu của cổ đông hiện hữu bị pha loãng, thậm chí mất quyền chi phối. Do vậy DN phải hết sức cân nhắc khi lựa chọn NĐT. Bên cạnh đó, việc phát hành thành công hay không phụ thuộc khá nhiều vào sự tăng giảm chung của thị trường tài chính. Chi phí phát hành trái/cổ phiếu thường theo chuẩn mực có sẵn trên thị trường.
Case Study: CTCP Xây dựng Cotec (CTD-HOSE) phát hành 10,43 triệu cổ phiếu cho Tập đoàn Kusto
Cuối tháng 3, 2012, CTCP Xây dựng Cotec (Coteccons) đã phát hành 10,43 triệu cổ phiếu cho Tập đoàn Kusto. Giá phát hành là 50.000 VNĐ/cổ phiếu, tổng giá trị đợt phát hành là 521.5 tỷ đồng (tương đương 25 triệu USD). Cổ phiếu mới phát hành bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm.
Giá cổ phiếu Coteccons đầu tháng 4 là khoảng 38.000 VNĐ trong khi giá trị sổ sách cuối tháng 12, 2011 là xấp xỉ 43,000 VNĐ. Như vậy, có thể thấy mức giá 50.000 VNĐ/cô phiếu khá tốt cho Coteccons, phần nào phản ánh tiềm năng tăng trưởng của công ty.
Cổ phiếu ưu đãi – hiện tại vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam. Cổ phiếu ưu đãi thường không có quyền biểu quyết. Một số ưu đãi của cổ phiếu ưu đãi: Quyền nhận cổ tức (nhận cổ tức trước cổ phiếu thường), quyền ưu tiên chia tài sản trong trường hợp doanh nghiệp giải thể, quyền chuyển đổi thành cổ phiếu thường.
Bất kỳ một doanh nghiệp nào trong quá trình hình thành và phát triển cũng đều phải sử dụng đến một số công cụ tài chính kể trên. Có lẽ hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, đều từng vay nợ ngân hàng và vì thế đều biết các bước chuẩn bị để làm việc này. Phần viết tiếp sau sẽ để dành cho các công cụ tài chính còn lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét