Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Gió Chướng Từ Âu Châu - Và vách núi của Hoa Kỳ

Nguồn dainamax

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Tribune 120427 

Và vách núi của Hoa Kỳ


 * Ca khúc "Hò Leo Núi" trên thị trường tài chánh - đốc đỏ là gánh nặng công trái 
của các nước công nghiệp hoá, nền xanh là sản lượng. Hình ảnh của Der Spiegel * 



Sau vòng sơ bộ hôm Chủ Nhật 22, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp là hồi chuông cảnh báo.

Đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy chỉ được 27%, thua ứng cử viên François Hollande của đảng Xã Hội cỡ điểm rưỡi, trong khi ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen của Mặt trận Quốc gia đạt số phiếu kỷ lục là 18%. Dù cố thu hẹp khoảng cách trong những tuần cuối, ông Sarkozy vẫn chỉ về nhì và sẽ gặp ông Hollande ở vòng chung kết vào mùng sáu Tháng Năm.

Qua ngày Thứ Hai 23, các thị trường tài chánh lớn của Âu Châu đón nhận kết quả thật ra chẳng bất ngờ với màu đỏ: cổ phiếu sụt giá 3-4% và đồng Euro rơi rụng lả tả, kéo theo các thị trường Hoa Kỳ và Á Châu.

Vì hôm đó Âu Châu lãnh thêm cơn gió chướng là Thủ tướng Hòa Lan Mark Rutte tuyên bố giải tán nội các vì không đạt thỏa thuận về giảm chi ngân sách. Trong khi ấy, Tây Ban Nha vẫn ngắc ngoải với nền kinh tế quá lớn để Âu Châu mặc nhiên cho trôi xuống vực như Hy Lạp, mà cũng lại quá nặng để Âu Châu có thể cứu. Hai ngày sau, Anh quốc chính thức thông báo là kinh tế lại bị suy trầm nữa – đụng đáy hai lần – một sự đình trệ dài nhất thời bình kể từ trăm năm nay.

Khủng hoảng của Liên hiệp Âu châu chưa dứt mà đang vào hồi nguy kịch làm các tổ hợp đa quốc của Mỹ đều xanh mặt vì đầu tư quá nhiều vào Âu Châu, hơn hẳn ngạch số đầu tư vào các thị trường khác trên thế giới. Trong những tháng tới, hiệu ứng Âu châu mà dội về Mỹ, kinh tế Hoa Kỳ lại bị chấn động. Và đấy sẽ là bài học sắp tới cho nước Mỹ.


***


Các thị trường đầu tư vốn phi chính trị, mà chỉ lạnh lùng tính toán về triển vọng sinh lời và rủi ro bị lỗ khiến doanh nghiệp thải người và kinh tế lại bị suy trầm nữa sau bốn năm chưa khởi sắc. Các thầy mo thầy pháp lạc hậu mà ngồi dưới đáy giếng suy đoán lăng nhăng về những nhận định chính trị là thiên về Cộng Hoà hay Dân Chủ ở bên Mỹ thì nên tìm hiểu nhiều hơn về hiện tượng này!

Trước hết, cả khối Âu châu đã sống quá lâu trong chế độ bao cấp được tô hồng là "quan tâm đến xã hội" mà không tìm hiểu xem là lấy tiền đâu ra để trang trải các khoản phúc lợi xã hội dồi dào hơn khả năng sản xuất.

Nếu liên minh giữa đảng Xã hội và cánh cực tả Pháp thắng cử tháng tới, như người ta dự đoán, nước Pháp càng trôi vào con dốc bao cấp nguy hại này. François Hollande khuyến dụ cử tri qua chương trình kinh tế chống kiệm ước và khắc khổ. Bằng cách tăng chi và tăng thuế, tới 75% cho thành phần giàu nhất có lợi tức trên một triệu Euro. Giữa cơn khủng hoảng tài chánh Âu châu xuất phát từ nạn lạm chi kéo dài quá lâu, người có hy vọng lên lãnh đạo nước Pháp chủ trương là phải tăng chi hơn nữa và nếu ngân sách bao cấp mà thiếu tiền thì cứ việc tăng thuế là xong!

Phát huy tinh thần quốc gia rẻ tiền là chống lại cam kết giảm chi của 25 nước Âu châu, cánh tả tại Pháp muốn áp dụng chánh sách kinh tế Obama - hay Robin de Bois, ấn bản Pháp: lấy của nhà giàu chia cho người nghèo là cách hốt phiếu gọn nhất. Chẳng khác gì Chính quyền François Mitterrand 30 về trước – vào các năm 1981-1982 – với hậu quả ra sao thì nhiều người đã quên. Hoặc nếu còn ngồi trong đáy giếng thì chưa hề biết.

Nước Pháp đang góp phần tích cực cho cơn khủng hoảng Âu châu lây lan và kéo dài – đến ngày Euro tan rã.

Ban đầu, các nước Nam Âu như Hy Lạp, Ý hay Tây Ban Nha lâm nạn trước tiên – vì chi nhiều hơn thu và cứ thoải mái xài đồng Euro nhờ sức mạnh kinh tế Đức – làm đảng cầm quyền theo nhau sụp đổ. Khi ấy Hoà Lan cười khẩy với vẻ chế nhạo. Ngày nay, liên minh cầm quyền xứ này lại không thống nhất nổi quan điểm về giảm chi để đạt chỉ tiêu của Âu châu, là giữ mức bội chi không quá 3% của Tổng sản lượng. Với đà này, ngân sách Hoà Lan năm tới sẽ bị bội chi 4,6%.

Là một nước giàu có hạng nhất Âu Châu, lại gần như cột trụ của khối Euro sau Đức và Pháp, nếu Hoà Lan cũng lại xé rào và bội chi – mà Hội đồng Âu châu không thể cản được – tương lai đồng Euro sẽ còn bi thảm hơn quá khứ vốn dĩ đã quá đen tối từ hai năm qua.

Trường hợp Tây Ban Nha còn khốn khó hơn vậy sau khi trái bóng địa ốc bị bể tan tành. Mà cho đến nay, hậu quả kinh tế của tình trạng lạc quan tếu ngày xưa nay vẫn chưa dứt. Kinh tế Anh có thể đụng đáy hai lần chứ Tây Ban Nha chưa thấy đâu là đáy: giá nhà có thể còn sụt thêm 35% và sẽ sụt nữa vì lương lậu gì cũng giảm. Nhìn từ Hoa Kỳ thì trái bóng địa ốc vừa bể của Mỹ thật ra vẫn còn là nhỏ so với bong bóng Tây Ban Nha. Và xứ này hiện đã mắc nợ tới mức nguy khốn là 90% Tổng sản lượng.

Giới nghiên cứu kinh tế định ra là xứ nào có gánh nợ cao quá 90% khả năng sản xuất thì rất khó phục hồi. Việc trả nợ sẽ đánh sụt đà tăng trưởng và kinh tế có thể suy trầm cả chục năm, thậm chí suy thoái.

Nhưng vì sao khủng hoảng tại Âu Châu lại là bài học cho Hoa Kỳ?


***


Cho đến năm ngoái, nền kinh tế của gần 500 triệu dân trong 27 nước Liên Âu hiện vẫn là lớn nhất thế giới: tính cho dễ nhớ theo mệnh giá thì một năm Âu Châu sản xuất ra gần 18 ngàn tỷ đô la, hơn cả Hoa Kỳ với hơn 300 triệu dân làm ra sản lượng là 15 ngàn tỷ.

Chế độ bao cấp lưu cữu của Âu Châu, với dân số bị lão hóa nhanh hơn Hoa Kỳ, khiến các nước Liên Âu mắc nợ. Hiện nay nếu tính trung bình thì gánh công trái Âu Châu đã quá 80% Tổng sản lượng và năm nay sản lượng kinh tế có thể sụt thêm 2%. Nhưng nhìn qua Hoa Kỳ, họ vẫn có thể tự hào là chưa đủ bao cấp – lý luận rất... Hollandais – vì gánh nợ của nước Mỹ đã lên tới 16 ngàn tỷ, tức là hơn 100% Tổng sản lượng. 

Với chính sách kinh tế và ngân sách quốc gia của Chính quyền Obama trong ba năm qua, mỗi năm nước Mỹ sẽ lại vay thêm ngàn tỷ dù mức bội chi ngân sách hiện đã lên tới 10%. Mà kinh tế vẫn chưa thể phục hồi.

Khi đã mắc nợ quá nhiều, người ta không thể tiếp tục tăng chi để tăng trưởng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế vừa tính ra là các nước trên thế giới đã tăng chi cả thảy 14 ngàn tỷ để kích thích kinh tế mà vô hiệu.

Nhìn cỗ xe Âu Châu đang lao xuống vực với gánh nợ là 83% tổng sản lượng, người ta có thể thấy trước đường tuyến bi đát của kinh tế Mỹ với gánh nợ đã vượt 100%. Nếu dân Mỹ không quyết định chọn một hướng khác thì bỗng dưng một ngày nào đó giới đầu tư – bọn nhà giàu gian ác – sẽ không muốn cho nước Mỹ vay tiền nữa.

Rầm một cái, phân lời trái phiếu sẽ vọt lên trời!

Một kẻ gian ác khác, Lenin, đã nói về một chuyện khác: "có những thập niên mà chẳng có chuyện gì xảy ra. Thế rồi có những tuần mà nhiều thập niên lại xảy ra (there are decades when nothing happens and there are weeks when decades happen).

Đấy là lúc Hoa Kỳ sẽ bất thần đâm vào vách nếu các chính khách tiếp tục tăng chi và đi vay – để đem lại phúc lợi cho cử tri.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét