Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Nguyễn Công Huân – Thư ngỏ trả lời bác Mai Sỹ Xuân Lâm về Tự Do Ngôn Luận

Nguồn danluan

Chào bác Mai Sỹ Xuân Lâm,

Tôi đã nhận được lá thư ngỏ bác gửi tới cá nhân tôi đặt câu hỏi về chuyện kiểm duyệt phản hồi và bài viết trên trang ConDuongVietNam.org. Lúc đầu tôi không định trả lời thư "chất vấn" của bác, nhưng xét thấy đây có thể là suy nghĩ chung của nhiều người, nên tôi đã quyết định đăng tải nó và cũng như phần này trả lời công khai trên Dân Luận để mọi người cùng tỏ.

Lập luận trong bức thư ngỏ của bác có thể được tóm lược thành tam đoạn luận như sau: 1) Cách đánh số của phản hồi không liền mạch, chứng tỏ có phản hồi bị xoá. 2) Việc xoá phản hồi chứng tỏ trang web ConDuongVietNam.org kiểm duyệt tư tưởng và quan điểm của thành viên. 3) Việc kiểm duyệt tư tưởng và quan điểm của thành viên như vậy là trái với quyền tự do ngôn luận, đi ngược lại mục tiêu bảo vệ quyền con người mà phong trào đề ra. Dựa trên lập luận như vậy, bác đã mắng phong trào Con Đường Việt Nam là "đang nói láo! Nói láo công khai!!!!".

Quan sát của bác về số phản hồi không liền mạch, và lập luận rằng có phản hồi đã bị xoá là hoàn toàn đúng. Và người thực hiện việc xoá các phản hồi trên trang ConDuongVietNam.org chính là tôi. Nhưng từ quan sát này mà suy ra rằng ConDuongVietNam.org kiểm duyệt tư tưởng và quan điểm của thành viên thì bác hơi nóng vội. Có rất nhiều lý do khác nhau để tôi phải xoá phản hồi, không phải chỉ có chuyện nó không phù hợp với quan điểm của phong trào. Tôi xin đơn cử một số ví dụ:

  • Phản hồi bị gửi trùng: Độc giả gửi liền 2 – 3 phản hồi có nội dung giống hệt nhau, chúng tôi chỉ cho hiển thị một.
  • Phản hồi dạng thư rác: Trên mạng internet có những phần mềm tự động gửi các địa chỉ quảng cáo tới các diễn đàn và trang web. Tuy Dân Luận cũng như ConDuongVietNam.org có bật tính năng captcha để chống phần mềm gửi thư rác này, nhưng cũng có lúc chúng vượt qua được và gửi những thông điệp vô nghĩa lên phần phản hồi.

Như vậy việc bác kết nối điểm số (1) với điểm số (2) đã có vấn đề về logic, tức là lý do cách đánh số phản hồi không liền mạch có thể là do bài gửi trùng hoặc rác hoặc lý do khác, chứ không nhất thiết là bởi chúng tôi kiểm duyệt tư tưởng của độc giả. Đấy là chỗ sai thứ nhất trong lập luận của bác.

Điểm sai thứ hai liên quan đến câu hỏi: Liệu ủng hộ quyền tự do ngôn luận có đồng nghĩa với việc ủng hộ mọi quan điểm phải được chấp nhận, phải được tự do thể hiện hay không? Nói cách khác, quyền tự do ngôn luận có phải tuyệt đối, không có giới hạn gì cả?

Để trả lời câu hỏi này của bác, tôi đang ngồi dịch một bài trên Wikipedia giới thiệu về quyền tự do ngôn luận và sẽ đăng tải trên Dân Luận trong thời gian tới. Và đây là đoạn mở đầu của nó:

"Tự do ngôn luận (freedom of speech) là một quyền chính trị, là quyền được truyền đạt ý kiến và tư tưởng của một cá nhân qua lời nói. Khái niệm tự do biểu đạt (freedom of expression) đôi lúc được sử dụng với cùng nghĩa, nhưng bao hàm cả những hành vi như tìm kiếm, thu nhận và phổ biến thông tin hoặc tư tưởng trên tất cả các phương tiện truyền thông khác nhau. Trên thực tế, quyền tự do ngôn luận không phải là tuyệt đối tại bất cứ quốc gia nào, và quyền này thường bị hạn chế bởi những lý do như phỉ báng, vu khống, khiêu dâm hay khuyến khích người ta phạm tội."

Như bác thấy đó, quyền tự do ngôn luận không phải là tuyệt đối dù trong những xã hội dân chủ và trình độ dân trí phát triển như Mỹ, Anh, Úc hay Bắc Âu, và nó bị hạn chế các quyền con người khác, bởi "nguyên tắc gây hại" (harmful principle) hoặc "nguyên tắc xúc phạm" (offense principle). Nguyên tắc gây hại do John Stuart Mill đề ra, ông là người cổ vũ tự do ngôn luận ở mức rộng nhất có thể, và điều duy nhất có thể dẫn tới hạn chế tự do ngôn luận là khi nó gây hại trực tiếp tới cá nhân khác. Lấy ví dụ như có một tên trộm chó, bị dân làng bắt. Ông trưởng làng đọc một bài diễn văn bi thương về những con chó bị chết, lên án kẻ trộm chó. Điều này dẫn tới dân làng bị kích động và tên trộm chó bị thiêu chết cùng chiếc xe máy. Trong trường hợp này, bài diễn văn của ông trưởng làng lúc tên trộm chó bị bắt, trước một làng đang tức giận đã phạm vào nguyên tắc gây hại và như thế nó có thể bị cấm đoán mà không bị coi là vi phạm quyền tự do ngôn luận. Còn nguyên tắc xúc phạm do Joel Feinberg đưa ra nói rằng tự do ngôn luận cần phải được hạn chế hơn nữa (so với nguyên tắc gây hại của Mill), và rằng những phát biểu mang tính xúc phạm nghiêm trọng cần phải bị cấm để tránh cá nhân hay tổ chức hay công chúng bị kích động quá mà vi phạm pháp luật hay đạo đức. Một ví dụ về ngăn cản tự do ngôn luận dưới nguyên tắc xúc phạm này là nước Úc cấm chiếu bộ phim Bais-Moi của Pháp năm 2002 vì nội dung bộ phim này mang tính xúc phạm của nó. Luật ở Đan Mạch cấm cởi truồng ở những nơi công cộng cũng vì lý do tương tự.

Sự giới hạn của quyền tự do ngôn luận cũng được đề cập tới trong Công ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị (1966), như sau:

Điều 19:

1. Mọi người đều có quyền giữ vững quan niệm mà không bị ai can thiệp.

2. Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.

3. Việc hành xử quyền tự do phát biểu quan điểm (ghi ở khoản 2 nói trên) đòi hỏi đương sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu:

a. Tôn trọng những quyền tự do và thanh danh của người khác.

b. Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý.

Vì thế, nếu giả sử độc giả gửi tới ConDuongVietNam.org những phản hồi có nội dung khiêu dâm, kích động sự thù địch giữa các phe (ví dụ đòi diệt CS hay chửi cộng đồng hải ngoại ngu dốt theo chân ngoại bang), xúc phạm (chửi bới cá nhân hay tổ chức khác một cách vô căn cứ), vu khống hay tiết lộ thông tin cá nhân v.v… thì việc chúng tôi kiểm duyệt và loại bỏ các phản hồi này cũng không có gì là vi phạm tự do ngôn luận hay đi trái lại mục tiêu bảo vệ quyền con người của mình. Bác Mai Sỹ Xuân Lâm đừng nhầm lẫn rằng phải bảo vệ mọi quan điểm, mọi phản hồi thì mới là bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Từ điểm số (2) sang điểm số (3) bác cũng mắc sai lầm về logic, có lẽ do bác không hiểu quyền tự do ngôn luận là gì.

Một vấn đề khác liên quan đến tự do ngôn luận mà tôi gần đây có dịp bàn tới tại Dân Luận, đó là: Một phong trào hay một trang web cổ suý cho tự do ngôn luận cũng cần phải thực thi tự do ngôn luận, hiểu theo nghĩa là phải đăng tải mọi thứ độc giả gửi tới. Nếu anh không làm như thế, tức là anh giống hệt Đảng CSVN!!!

Đây là một hiểu nhầm hết sức tai hại về khái niệm "tự do ngôn luận". Quyền "tự do ngôn luận" cho phép anh cái quyền tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền đạt thông tin và tư tưởng của mình, nhưng nó không đảm bảo rằng các cơ quan báo chí và tổ chức phải giúp anh thực hiện cái quyền. Anh không thể lôi quyền tự do ngôn luận ra để ép CNN phải đăng tin con mèo nhà anh bị ốm sắp chết; họ có quyền từ chối nếu thấy bản tin không đem lại lợi ích gì cho họ hay độc giả của họ. Nếu không muốn mất tiền đăng quảng cáo, xin mời anh tự mở blog hay lên các mạng xã hội hay bắc loa ra ngoài quảng trường mà thực thi cái quyền tự do ngôn luận của mình. Một xã hội tôn trọng tự do ngôn luận sẽ tôn trọng hành vi đó của anh.

ConDuongVietNam.org có thể sẽ không chấp nhận đăng các ý kiến không phù hợp với quan điểm bảo vệ quyền con người của mình, nhưng cũng không ngăn cản ai mở blog hay tìm cách đăng các quan điểm đó ở nơi khác. Trên thực tế, tuy không đăng các quan điểm trái chiều về phong trào Con Đường Việt Nam, nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận cho độc giả gửi liên kết antiptcdvn.wordpress.com, một trang web tập hợp các ý kiến phản đối phong trào, lên ConDuongVietNam.org. Nếu các bác thấy ý kiến của mình không được đăng tải, xin mời sang trang web kia gửi bài, họ có thể sẽ giúp các bác đăng. Rõ ràng ở đây quyền tự do ngôn luận vẫn được đảm bảo, và tôi nghĩ rằng Con Đường Việt Nam cho tới nay không hề đi trái với tôn chỉ của mình.

Mến,

Nguyễn Công Huân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét