THỨ SÁU, NGÀY 25 THÁNG BA NĂM 2011
NÊN CHỈ RA ĐÂU THẬT SỰ LÀ "QUỐC NHỤC" CỦA VIỆT NAM ?
NHÀ BÁO XUÂN BA BÀN VỀ QUỐC SỈ - QUỐC NHỤC
Hạ Long. Tranh của Đặng Tin Tưởng.
Kính gửi TS Nguyễn Xuân Diện
Và tôi đã viết... Bài Quốc sỉ được đăng cũng trên tờ Văn Nghệ năm Thân ( nhờ TS tra hộ xem là năm bao nhiêu? Vì cá nhân tôi không có báo lưu)
Chúc TS mạnh và giỏi!
Xuân Ba
Quốc sỉ
Ghi chép của Xuân Ba
Tiện lối rẽ qua Văn Nghệ để lấy tờ báo có đăng loạt bài Quốc phục, Quốc tửu, Quốc hoa... nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn đã chặn ngay ở chân cầu thang với bàn tay nặng chịch trên vai nhưng thân ái như mọi bận này đang thiếu mục quốc nhục nữa đấy nhá...
Bài viết này định có tên là Quốc nhục... Nhưng lật giở cuốn Đại từ điển tiếng Việt dày 1890 trang khổ lớn của NXB Văn hóa thông tin vốn dùng lâu nay, chỉ thấy quốc sỉ ( điều nhục chung cho cả một nước) chứ mãi chẳng thấy từ quốc nhục thuần Việt đâu cả? Băn khoăn bởi trước nay trong 120.000 mục từ ( từ điển trên) của người Việt, chẳng hình như nữa rồi mà là không có từ quốc nhục?
Không hiểu sao từ lâu lắm rồi giới viết cũng như nói, ít hoặc chưa đề cập đến một sự kiện có thể nói là hy hữu (mà gọi là độc nhất vô nhị cũng chẳng phải là ngoa) trong nền ngoại giao Đại Việt trước đây và Việt Nam sau này. Sự kiện sứ thần Lê Quang Bí.
... Năm Bính Dần (1566) xôn xao một sự kiện triều nhà Mạc sai tới hai vị thượng thư lên tận Mục Nam Quan để đón sứ thần Lê Quang Bí về nước. Nguyên là vào năm Mậu Thân (1548) Lê Quang Bí được cử đi sứ lo việc triều cống hàng năm. Ông đến Nam Ninh bị người Minh ngờ là giả mạo bắt phải chờ để tra xét thực hư. Tra mãi xét mãi nhưng Lê Quang Bí cứ phải chờ, phải chờ... Ròng rã năm này qua năm khác. Bấy giờ Mạc Phúc Nguyên mấy năm bỏ bẵng việc tiến cống nên ngại (hay sợ) không dám tâu xin (!?) Mãi đến năm Quí Mùi (1563) viên quan Lưỡng Quảng thương tình mới sai người đưa 25 lạng bạc và cho đoàn sứ bộ tiếp tục về Kim Lăng (Yên Kinh- Bắc Kinh) Khi tới Bắc Kinh lại bị nghi ngờ tiếp, lại phải nằm ở quán dịch để chờ tra xét... Mặc dù dằng dặc thời gian đợi chờ nhưng Lê Quang Bí vẫn chịu đựng kiên nhẫn kính cẩn giữ mệnh chúa không tỏ ra bực tức. Việc làm của Lê Quang Bí đã khiến viên Đại học sĩ nhà Minh là Lý Xuân Phương kính phục bèn tâu vua Minh cho dâng nộp lễ phẩm và cho Lê Quang Bí về nước! Vậy là kỷ lục 18 năm đi sứ của Lê Quang Bí chưa có ai và thời đại nào phá nổi! Lúc ra đi tóc mây xanh mướt khi trở về râu tuyết bạc phơ! Người nhà Minh đã ví ông như Tô Vũ xưa đi sứ sang Hung Nô vậy! Tô Vũnăm 100 trước CN vâng mệnh Hán Vũ Đế đi sứ Hung Nô bị quý quốc láng giềng đày đọa bắt chăn dê đằng đẵng 19 năm ở ven hồ Bai can quanh năm không một bóng người phải đào hang bắt chuột, đào rễ cây để ăn với lời đe của Thiền Vu Hung Nô bao giờ dê đực đẻ con thì nhà ngươi mới được về Hán! Vậy mà Tô Vũ vẫn chẳng hề lung lay tiết tháo làm nhục mệnh vua, trung trinh với cố quốc. Mười chín năm của Tô Vũ và 18 năm của Lê Quang Bí, phỏng các sứ thần thời nay có được mấy người? Nhờ có quốc sỉ mà Lê Quang Bí lẫn Tô Vũ tránh được hai chữ quốc nhục! Chả phải đến cái thời Lê Quang Bí, mà trước ấy lâu lắm, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã cảnh báo sự vô cảm rằng không biết quốc sỉ quốc nhục là cái họa mất nước trong Hịch tướng sĩ: Nay các ngươi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn ( nhữ đẳng tọa thị quốc nhục tằng bất vi ưu. Thân đương quốc sỉ tằngbất vi quý).
Gẫm gương người xưa mà để hãi việc thời nay. ám vào tôi mãi cái buổi chiều mùa thu năm ấy ở sân bay Sheremetyevo 2 của Maxcơva. Trong dòng người Việt dài dặc đợi nhập cảnh vào Nga có nhạc sĩ kiêm ca sĩ Trung Đức. Các nhà chức việc Nga hỏi Trung Đức mày làm nghề gì? Trung Đức kiêu hãnh: ca sĩ kiêm nhạc sĩ quốc gia... Một nhân viên cười hô hố rằng người Việt chúng mày hay nói dối(?!) lắm, nếu là ca sĩ thì mày hát xem? (Thời điểm những năm đầu chín mươi vỡ trận lao động xuất khẩu ấy, hàng vạn con dân nước Việt đột nhiên hoảng lọan nhếch nhác, lang thang người thì từ các nước Đông Âu tràn vào Nga hoặc ngược lại người thì trong nước đi chui sang... Thôi thì hộ chiếu hết hạn có cả hộ chiếu giả nữa. Công an hải quan Nga và không ít các nhà chức việc Nga vớ bẩm bởi tiền của đám con dân nước Việt dấm dúi cho họ cốt để được việc! Đã quá nhờn với việc ăn tiền nên không hiếm cảnh những tấm hộ chiếu chĩnh chiện dòng chữ CHXHCN Việt Nam bị những nhà chức việc Nga do không được đútđã xé toạc xé đôi ra trước những ánh mắt sững sờ ngạc nhiên đau đớn!) Trở lại việc Trung Đức, nghe vậy vừa bực vừa nhục, ca sĩ Trung Đức hai tay giang rộng nước mắt lưng tròng tim con rung lên khi nghe tiếng mẹ... Thật bất ngờ, giai điệu bài hát quen thuộc của Liên Xô Máma bằng chất giọng teno ấm áp mượt mà vốn có của ca sĩ như làm rung cánh cửa kính cơ quan nhập cảnh! Không chỉ những người Việt khi ấy đương có mặt mà tôi thấy rất nhiều người Nga khác nghe Trung Đức hát đều rơm rớm đều ầng ậng nước mắt. Những giọt nước mắt tủi nhục. Những giọt nước mắt bị xúc phạm!
Chao ôi, thời điểm tao loạn nhớn nhác của người Việt ở nước Nga ở Đông Âu ấy, các sứ thần nhà ta có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho công dân Việt Nam theo thông lệ quốc tế đi mô cả rồi? Nói chi xa, lần các nhà báo chúng tôi được bám theo một chuyến thăm quan trọng đến Nga. Đoàn sang đúng vào thời điểm chuyện mấy tay người Việt vô danh nào đó ăn cắp cước điện thoại bằng cách câu trộm gọi lén sao đó từ trước nên cơ quan chức việc Nga đã làm cái việc giận cá chém thớt! Thay sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để tìm ra thủ phạm để trị thật nghiêm thì họ lại làm cái trò trong một thời gia dài, hễ máy nào nhấn cốt ( mã số về Việt Nam) thì họ tức khắc tự động cắt! Báo hại cho cánh báo chí chúng tôi dùng điện thoại hay FAX để truyền bài vở tin tức về đều không được. Kể cả cái khách sạn sang trọng mà chúng tôi đang ngụ. Kể cả dùng điện thoại hay máy FAX của Sứ quán. Nghe một nhân viên sứ quán gợi ý, nghe mà thê thảm (mặc dầu anh rất nhiệt tình đôn đáo đây đó để giúp chúng tôi truyền bài về) rằng các anh có người nhà ở nước ngoài nào ( tất nhiên không phải Nga!) truyền FAX sang đó rồi nhờ họ FAX lại về Việt Nam cho!? Nháo nhác lúng túng suốt cả một ngày rồi chúng tôi cũng nhờ được đường dây nóng của ông trưởng phân xã TTX Việt Nam thường trú ở Maxcơva. Băn khoăn lắm bởi cái lẽ, tại sao các sứ thần của mình bên đây, nếu không làm được cái việc giải thoát can thiệp về liên lạc viễn thông cho cộng đồng người Việt bên Nga thì chí ít trong một chuyến thăm tầm quốc gia như thế này cũng phải làm việc trước hoặc là can thiệp với cái khách sạn mà chúng tôi đang trú ngụ? Băn khoăn đến khó hiểu là trước đó, một đồng nghiệp bên TTX là H.T cũng tháp tùng một chuyến đi toàn cỡ VIP sang Nga. Phóng viên H.T đã bị công an một cái đồn nào đó ở Maxcơva nhốt mấy tiếng vì quên không mang theo giấy tờ! Sau đó anh này đã nghĩ ra kế thoát hiểm bằng cách lót tay vài tờ đô lẻ. Mình chả là gì mà còn bị thế, nữa là bà con? Bà con, là từ để chỉ hàng vạn người Việt ở Maxcơva đang làm ăn kinh doanh buôn bán. Mừng thì có mừng cho cái sự ăn nên làm ra, cho bà con tự phải tìm công ăn việc làm trong khi trong nước đang có nhiều người thất nghiệp nhưng cứ cảm thấy mong manh bất trắc thế nào? Chuyện không có hộ chiếu hoặc quá hạn. Rôi chuyện làm ăn nếu không may mà trục trặc thì cơ quan đại diện cho quyền lợi chính trị và kinh tế của CHXHCN Việt Nam giúp bà con mình, cộng đồng mình ra làm sao nhỉ? Thôi thì sự ấy có lẽ cũng là vặt mà là việc lớn khác kia! Cái lớn ấy là Việt Nam mình hiện giờ đã có Đại sứ lẫn cơ quan ngoại giao ở mấy chục quốc gia. Các sứ thần Việt Nam từ ngài đại sứ đến ông đại biện, ông thương vụ, anh đại diện thương mại... mỗi một nhiệm kỳ của mình chắc đã phải hao tâm tổn lực nhiều lắm cho việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra trường quốc tế lẫn thị trường nước ngoài. Tận lực cố gắng nhiều nhưng cũng có khi sót? Ây là không hiếm lần các đồng nghiệp đi hành nghề ở nước này nước khác đã ngạc nhiên khi có người xứ ấy hỏi nước mình hiện nay đã hết chiến tranh chưa?
Vấn đề XKLĐ từ đầu thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước vẫn lê thê đến tận giờ. Rồi hình ảnh, tư thế người lao động Việt Nam khi ở xứ người... Vấn đề ấy nóng hổi ở các diễn đàn Quốc hội cả vào phiên chính ( năm hai lần) lẫn phiên phụ ( kỳ họp của các ĐB chuyên trách). Có nhiều ý kiến trong phiên phụ mới đây rằng sự kiện ta đưa nhanh lao động ở Libăng về nước là một cố gắng vượt bậc của ngành ngoại giao ta lẫn cơ quan có trách nhiệm. Rằng đây là cuộc thử sức, là thắng lợi đầu tiên của tân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao... Rằng các cơ quan lẫn cá nhân có trách nhiệm hơn, tiến độ di tản được nhanh hơn bởi có sự riết róng đeo bám dai dẳng của nhiều cơ quan báo chí ( nhất là tờ Tuổi Trẻ) Nếu đúng thế thì mong cho mỗi sự kiện tương tự ( cầu trời cho ít hoặc đừng xảy ra) đều có ngay sự dai dẳng lẫn riết róng ấy! Nhưng cũng có ý kiến khi xảy ra sự cố ở Libăng mới té ngửa ra cái điều sứ quán mình bên đó không có con số thực người Việt đang làm việc ở Libăng? Hình như trước sự cố, chưa có cơ quan nào lo quản con số ấy cả? Rồi việc xuất khẩu Ôsin sẽ làm ảnh hưởng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế?! Y kiến của ông Nguyễn Viết Chức, Phó CNUBVHGD của QH đề nghị rằng nên hạn chế xuất khẩu người giúp việc bởi lương họ thì chẳng được bao nhiêu lại làm ảnh hưởng hình ảnh của Việt Nam trên tưrờng quốc tế. Ông Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại QH cũng đồng thuận quan điểm này khi ông nói nhiều lần ra nước ngoài thấy người Việt ăn mặc xộc xệch vi phạm quan hệ nam nữ tạo hình ảnh xấu về con người Việt Nam!
Là phải quá đi rồi khi các vị Dân biểu lo lắng cho hình ảnh lao động người Việt nhếch nhác trên trường quốc tế. Có cả ý kiến, chính phủ là công bộc của dân nhưng những công bộc đó phải ra nước ngoài làm thuê làm nô bộc của người thì có khác chi bêu xấu chế độ? Nhưng có thể nói, XKLĐ là một mũi nhọn chủ yếu trong bài toán nan giảiđầu ra của lao động Việt Nam hiện nay. Dân số mỗi năm như thế phình thêm một triệu. Số lao động đến tuổi cần giải quyết việc làm có đến hàng vạn. Mỗi năm ta đưa đi gần 70.000 lao động ( không rõ dạng Ôsin là bao nhiêu?). Có lẽ nên nghiêng về ý kiến rằng phải có những quy định chặt chẽ với các công ty môi giới xuất khẩu lao động. Làm sao phải có hợp đồng chặt chẽ với các công ty, các gia đình ở nước ngoài và có những điều khoản hợp lý để bảo hộ người lao động khi gặp sự cố lớn như ở Libăng vừa rồi và những trục trặc nhỏ hơn khi họ gặp những ông chủ, những gia đình bắt nạt chèn ép? Hay cái gốc để giảm thiểu những hình ảnh nhếch nhác ấy là các khu công nghiệp đang dần dà được mở ra khắp nước? Tại đó người lao động được đào tạo chuyên nghiệp trong công việc, thu nhập ngày một nâng cao để lao động Việt Nam có một cuộc sống ổn định mà không phải tha phương cầu thực ở xứ người?
Một biến thái của quốc sỉ, nếu đã là con dân nước Việt có lẽ ai cũng thấy xót xa khi nghe ông Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận trả lời phỏng vấn công khai trên một tờ báo. Đó là bệnh nói dối! Xót xa nhưng hình như có như thế? Ông Thuận huỵch toẹt ra như thế này cơ chế hiện nay đang tạo điều kiện cho nạn tham nhũng vơ vét tiền bạc của nhà nước. Không tham những mới là lạ. Nhưng cái chúng ta mất không phải hàng chục hàng trăm tỷ mà cái ta mất lớn hơn đó là đạo đức. Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối nhau để sống! Thói quen đó lặp lại nhiều lần thành đạo đức mà cái đạo đức đó là rất mất đạo đức. Đấy là một cái nguy, nhưng tôi thấy ít người quan tâm, chỉ chăm chắm vào vụ tham những này vụ tham nhũng kia...
Đã có một người Trung Quốc xấu xí với kiểu nhìn thẳng nói thật nhưng độ lượng pha chút hài hước. Thể chế đất nước hình như được xây dựng trên tính cách dân tộc? Rất nhiều đức tính tốt nhưng người Trung Quốc cũng phải đối mặt cũng phải vuợt qua vô số đức tính xấu khác để mà hòa nhập để mà vươn lên. Hình như Việt Nam cũng vậy? Khi giảng bài cho lớp cán bộ đầu tiên trong tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội, Bác Hồ đã nói thẳng người Việt mình bên cạnh những đức tính tốt nhưng có nhiều cái xấu nên tránh nên khắc phục như miếng giữa làng hơn sàng xó bếp rồi tính tự cao tự đại người làm quan cả họ được nhờ vv... Bây giờ có một ông Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, thay mặt cho, có lẽ là cho số đông, cho rất nhiều người Việt xót xa thừa nhận một thực trạng nguy hơn tham nhũng là thứ tiếp tay cho thứ họa nội xâm ấy là chúng ta phải tự nói dối nhau để sống!
Thực trạng chất lượng giáo dục của một số địa phương Hà Tây, có lẽ bạn đọc đã chứng kiến qua tâm sự và câu chuyện của thày giáo Khoa. Nhưng đấy là chuyện chủ động dối trá cỡ PTTH. Thương tâm hơn là chuyện bị động phải dối trá của các cháu độ tuổi PTCS . Theo quy định của Bộ GD&ĐT, một lớp phổ cập phải phân phối chương trình trong 21 tuần. Do gấp rút hoàn thành phổ cập nên tỉnh A. tổ chức nhiều đợt thi tốt nghiệp trong năm và cho phép rút ngắn thời gian học học của mỗi lớp phổ cập. Và để số học sinh không học một ngày nào được thi tốt nghiệp, một trường PTCS trong tỉnh đã làm học bạ giả, sổ đầu bài giả, sổ điểm giả với giáo viên chủ nhiệm giáo viên bộ môn cũng giả nốt! Từ 20-1-2004 đến3-9-2005 trường này đã hoàn tất chương trình cho lớp PTCS.. Với cách làm sáng tạo nâng cao dân trí như thế khi phóng viên hỏi dân ở đây thật thà là con cháu họ không đi học hoặc muốn đi học theo kiểu đó nhưng xã vẫn bắt phải đi thi tốt nghiệp như vậy?! Ngày đi thi, xã huy động lực lượng gom tất tật trò đưa lên ghe. Một phụ huynh ngán ngẩm rằng con tôi chưa học hết lớp 5. Không được dạy, không được học mà đi thi cái nỗi gì? Khi hỏi một em nhỏ khác đã đi thi, em lỏn lẻn rằng thày bày cho cách thi!
Chao ôi chuyện nói dối, trò nói dối có mà ngàn lẻ một thứ? Hình như nó diễn ra nó hiện diện ở mọi lĩnh vực mọi cấp mọi ngành lẫn tước vị? Phải nhấn hơi đậm trò dối trá bày cho cái độ tuổi học trò học sinh ấy bởi đời người, độ tuổi ấy là độ chín nục nhất của việc hình thành tính cách lẫn nhân cách. Sẽ ám sẽ đeo sẽ chi phối suốt cả một kiếp nhân sinh những thứ bày trò như thế! Những công dân Việt tương lai ấy sẽ ứng xử, sẽ dựng nghiệp ra làm sao với thứ hành trang với tính cách dối láo ấy? Bây giờ ngồi gõ những dòng này, nói đâu xa, ngay cái cơ quan tôi đang tòng sự , nhiều năm nay liên tục mở các cuộc thi. Những cuộc thi ấy là thái độ là ý thức chính trị. Thi tìm hiểu về Đoàn về Đội về trật tự an toàn giao thông, về... Cứ mỗi lần tổ chức, chúng tôi lại nhận được hàng chồng bài dự thi cao đến hàng thước từ cơ sở từ xã huyện tỉnh hoặc từ các doanh nghiệp quốc doanh gửi lên. Và không hiếm những tập bài giống nhau i sì từng cái dấu phảy! Hóa ra để được tiếng là đông đảo người thi hưởng ứng cuộc thi và cho có phong trào, nhiều người đã cùng chép, cùng sao từ một bài nào đó được coi là mẫu!?
Nan giải chăng? Hình như ngày trước nhà bác học Lê Quý Đôn đã có đề cập đến cái tính khí không thường này của người Việt. Mà hình như ông đã đưa ra một giải pháp? Cụ thể là vào cái năm 1764, Lê Quý Đôn dâng sớ xin thiết định pháp chế. Có một đoạn như thế này Nhân tâm thì không định. Thế biến thì không thường, do đó trị nước là một việc rất khó và chỉ có một cách là ước thúc nhân tâm và chế ngự thế biến. Đó là pháp chế mà thôi.
Con người sinh ra khí bẩm không đều. Có kẻ lương thiện có người ương ngạnh. Có người chỉ muốn yên phận làm ăn. Có kẻ thì vô lại. Muốn cứu tế đủ cho mọi người đó là điều Nghiêu Thuấn còn không làm nổi thì làm sao khiến cho người người đều sống theo sở thích của mình? Cho nên đấng anh quân phải đặt ra pháp chế để nắm vững quốc gia và dùng cái nguyên lý Đạo chi dĩ Đức, tề chi dĩ Lễ ( lấy Đức mà đưa đường cho dân, lấy lễ mà làm cho dân nhất trí) Nên chăng vận thêm một chút lời răn của người xưa cộng với những quyết sách của quốc gia, nhất là đường lối Đại hội X ngõ hầu tập trung mọi nguồn lực để giải ngay, giải hiệu quả cái quốc sỉ lớn nhất, thứ quốc nhục lớn nhất ấy là hiểm họa tụt hậu?
Mùa thu năm Tuất
XB.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét