Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Kí ức về chủ nghĩa khủng bố nhà nước

 

NGÀY 09 THÁNG 3 NĂM 2011

Leonardo Moledo (Pagina 12, Argentina, 02/03/2011) – Kí ức về chủ nghĩa khủng bố nhà nước

Phạm Nguyên Trường dịch
Bản dịch được thực hiện nhằm kỉ niệm 55 năm (25/02/1956-25/02/2011) ngày Khrushchev công bố báo cáo: Về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó. 
Lịch sử có ít những vụ khủng bố tương tự như vụ khủng bố của Stalin. Nhà sử học mà chúng tôi cùng đàm đạo trong số báo này nghĩ về những việc cần làm đối với kí ức về những tội ác ở Nga cũng như ở Argentina. Không nên đọc vào ban đêm!

Página12: Ông là một nhà sử học chuyên nghiên cứu về khủng bố ở Liên Xô. Ở Moskva ông còn đứng đầu tổ chức bảo vệ nhân quyền-giáo dục-tìm hiểu lịch sử có tên là Momerial (Đài tưởng niệm). Ông có thể kể cho bạn đọc về cá nhân mình và mục đích của chuyến viếng thăm Arhentina lần này?
 Arseny Roginsky: Tôi tới Argentina theo lời mới của Trung tâm nghiên cứu thế giới Slav và Trung Quốc (Cemech) thuộc trường đại học quốc gia mang tên St. Martin để tham gia hội nghị quốc tế có tên là Khủng bố nhà nước ở Liên Xô và kinh nghiệm Nam Mĩ, sẽ diễn ra ở thư viện quốc gia vào hồi 6 giờ 30 tối ngày thứ sáu tới. Về học vấn, tôi là một nhà sử học. Năm 1975 tôi bắt đầu xuất bản tạp chí lịch sử bí mật đầu tiên mang tên là Kí ức, trong đó, bên cạnh những vấn đề khác, có nói đến việc đàn áp những người cách mạng không có chân trong đảng Bolshevik cũng như các đảng theo đường lối xã hội chủ nghĩa, được tiến hành sau năm 1917. Vài năm sau đó thì tôi bị cấm dạy tại trường tổng hợp, tôi có đi dạy ở trường phổ thông một thời gian, nhưng theo lệnh KGB, năm 1979 tôi bị đuổi khỏi trường. Năm 1981 chính quyền "đề nghị" tôi lưu vong sang phương Tây, nhưng tôi không chịu. Tôi bị bắt và bị kết án bốn năm tù ở Siberia.
– Tờ tạp chí bí mật này là như thế nào? Nó có vai trò gì?
- Tờ tạp chí này chuyên nghiên cứu lịch sử khủng bố ở Liên Xô, từ đầu cho đến những năm đầu 1960. Đây là đề tài bị cấm đoán, không được nghiên cứu, thậm chí không được tự do nhắc tới nữa kia. Chúng tôi công bố các tài liệu và tiến hành điều tra các vụ đàn áp về chính trị. Mục đích là giữ lại kí ức chân chính của dân tộc chứ không phải là quảng bá những trò dối trá do nhà nước tuyên truyền.
– Ở Nga thuật ngữ "khủng bố nhà nước" có ý nghĩa như thế nào?
- Khủng bố nhà nước được hiểu là khủng bố do nhà nước Liên Xô tiến hành nhằm đàn áp những người đối lập về mặt chính trị …
– Đối lập thật sự..., tiềm tàng hay là bịa đặt...
– Dĩ nhiên. Các cơ quan nhà nước thực hiện theo lệnh và dưới sự kiểm soát của chính quyền cấp trên. Số lượng nạn nhân trong thời gian giữa năm 1922-1923 (chấm dứt nội chiến) cho đến khi kết thúc chế độ Xô Viết là khoàng 11 đến 12 triệu người, trong đó hơn một triệu người bị bắn, mấy triệu người (chúng tôi còn chưa biết chính xác) bị chết trong các trại tập trung và nhà tù. Khủng bố là một trong những biện pháp cai trị chính.
- Ông liên kết kiến thức lịch sử với quyền con người nhu thế nào?
 – Chúng tôi làm việc nhằm khôi phục lại sự thật lịch sử, mà không có kí ức đã được nhận thức thì không thể làm được. Chúng tôi cảm thấy mình vừa là những nhà sử học lại vừa là những người hoạt động xã hội nữa. Những vấn đề mà chúng tôi đặt ra rộng hơn nhiều lần công việc của các nhà sử học hàn lâm. Chúng tôi cố gắng thu thập các dữ liệu lịch sử, phân loại và suy nghĩ về chúng. Nhằm mục đích đó, chúng tôi làm việc trong các kho lưu trữ, nghiên cứu hồ sơ cá nhân, chuẩn bị các bài viết và tổ chức các hội nghị, nhưng chúng tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất là giáo dục nhân dân, cho nên chúng tôi tổ chức triển lãm, tổ chức các buổi thao luận công khai, chúng tôi thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, cộng tác với viện bảo tàng các tỉnh và các trường trung học. Chúng tôi muốn nhắc lại quá khứ, lập các biểu tượng kỉ niệm tại những nơi đã xảy ra đàn áp, cũng như giúp cải thiện điều kiện vật chất và tinh thần cho các nạn nhân.

– Một quan niệm về kí ức bao trùm lên tất cả... 
- Vâng, chúng ta cần phải biết không chỉ những hành động tội ác mà còn phải hiểu tại sao nó lại xảy ra, ai, cơ quan hay tổ chức nào phải chịu trách nhiệm. Chỉ nghiên cứu quá khứ thôi thì chưa đủ. Chúng tôi thường xuyên làm việc với hiện tại, va chạm với những vấn đề vi phạm quyền con người trong giai đoạn hiện nay.
– Để cho thuận lợi chúng ta sẽ sử dụng từ "xã hội", mặc dù nếu chúng ta tôn trọng các khái niệm lịch sử thì ở Liên Xô cũng như trong giai đoạn đầu thời hậu-Xô Viết đã không hề tồn tại một xã hội nào cả. Có mối liên hệ như thế nào giữa xã hội và hiện tượng khủng bố và giữa xã hội và bạo lực kể từ ngày Khrushchev tố cáo tội ác của Stalin?
- Bắt đầu từ thời Khrushchev đã có sự đồng thuận về việc dứt khoát không sử dụng bảo lực làm công cụ giải quyết các vấn đề chính trị và xã hội nữa. Sự đồng thuận này dựa trên kinh nghiệm hãi hùng của thế kỉ XX, của thời chiến và khủng bố. Sự đồng thuận đó được thể hiện bằng sự kiện là sự tan rã của Liên Xô diễn ra một cách tương đối hòa bình. Nghĩa là không chấp nhận bạo lực đã ăn sâu bén rẽ vào trong nhận thức của quần chúng. Hiện nay thành phần có học trong xã hội thống nhất trong việc lên án gay gắt hiện tượng khủng bố. Kết quả của nhiều cuộc thăm dò dư luận quần chúng chứng tỏ điều đó.
– Ông biết rằng một phần xã hội Argentina và có lẽ cả xã hội Nga vẫn còn tự hỏi về nhu cầu "kí ức về chủ nghĩa khủng bố nhà nước".
 – Chính thế. Nhiều người cho rằng có thể tiến lên mà không cần giải quyết những vấn đề của quá khứ. Cá nhân tôi tin rằng đấy là quan điểm sai lầm. Vẫn có quá nhiều dấu vết của nạn khủng bố và hậu quả của chúng.
– Thí dụ?
 – Nỗi sợ hãi trước nhà nước, ý tưởng cho rằng nhà nước là giá trị cao nhất, còn con người chỉ là hạt cát mà nhà nước muốn làm gì thì làm, không tin vào tòa án, luật pháp, các định chế dân chủ, thiếu vắng sự tương trợ và những hiện tượng khác nữa – tất cả đều là hậu quả của nạn khủng bố, trong suốt 70 năm qua nó đã trở thành một phần của bản chất của con người. Chỉ có thể vượt qua được những dấu vết của nó nếu ta giữ được kí ức về nó, nếu ta nhớ rằng nhà nước Liên Xô là cội nguồn của những tội ác đó.
  – Ông biết rằng đối với hàng triệu người trên toàn thế giới thì Cách mạng Tháng mười có nghĩa là một cố gắng bước đầu của quá trình giải phóng thực sự, còn Stalin là biểu tượng của chiến thắng chủ nghĩa phát xít Đức.
– Đương nhiên là không được vẽ lịch sử bằng hai màu đen-trắng. Nhà sử học vĩ đại và cũng là nhà bất đồng chính kiến Mikhail Gefter, khi được hỏi bao giờ cũng bắt đầu như sau: "Tất cả phức tạp hơn rất nhiều". Có thể áp dụng cả cho trường hợp này nữa. Cách mạng Tháng mười có thể, như Bạn nói, "đã giải phóng con người", nhưng hôm nay ta biết rõ rằng hậu quả mang tính logic của Tháng mười là khủng bố ngày càng gia tăng. Nhà nước toàn trị cũng là hậu quả của Cách mạng Tháng mười. Còn nói về "Stalin bách chiến bách thắng" thì cũng có thể nhìn ông ta từ phía khác, bắt đầu từ cái giá phải trả cho chiến thắng. Tôi muốn nói rằng Stalin - bằng những chiến dịch thanh trừng của mình - đã làm cho quân đội Liên Xô yếu đi ngay trước khi xảy ra chiến tranh với Đức; ngoài ra, do những hành động tội lỗi của ông ta trong thời gian chiến tranh mà hàng triệu người đã hi sinh hoặc đã bị bắt làm tù binh. Thêm nữa, do quyết định của chính ông ta, hàng triệu người khác bị lưu đày, mà đấy là toàn bộ dân tộc, thí dụ như người Tatar ở Creamé ..v.v..
 - Năm ngoái ông đã công bố một bài báo, trong đó ông đề nghị chính phủ Nga theo gương Argentina trong vấn gìn giữ đề kí ức về chủ nghĩa khủng bố nhà nước. Sáng kiến này dựa trên cơ sở nào?
– Chưa có phiên tòa xét xử chế độ Xô Viết, tương tự như phiên tòa ở Nurember. Chưa có tên tội phạm nào phải đứng trước vành móng ngựa cả. Kết quả là tội  ác trong quá khứ chưa bị lên án. Không có phiên tòa như thế thì thái độ đúng đắn với những tội ác đó không thể bén rễ vào nhận thức tập thể được. Không có phiên tòa như thế thì không thể giảng dạy lịch sử trong trường học, không thể tổ chức triển lãm, không thể thành lập viện bảo tàng được. Lên án về mặt chính trị do các nhà lãnh đạo nhà nước đưa ra là chưa đủ, nó chưa có đủ uy lực và có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Nếu nhìn vấn đề từ chính sách bảo tồn kí ức thì việc lên án về mặt pháp lí là cần thiết, trước hết là để tách nước Nga hiện tại khỏi những tội lỗi của chế độ Xô Viết. Chúng tôi rất quan tâm tới những bản án được tuyên ở Argentina, đấy là bằng chứng chứng tỏ rằng tội ác chống lại nhân loại nhất định sẽ bị trừng phạt, rằng bọn tội phạm đã phải đứng trước vành móng ngựa cho dù sau đó nhiều năm. Chúng tôi cảm thấy ghen với Argentina, nước này đã chứng minh rằng họ có đủ dũng khí và ý chí để kết án quá khứ tội lỗi của mình.

Dịch theo bản tiếng Nga tại địa chỉ: http://inosmi.ru/history/20110303/167029560.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét