Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

BÁO NGƯỜI VIỆT PHỎNG VẤN LS NGUYỄN VĂN ÐÀI RA TÙ: 'SỐNG VÌ LÝ TƯỞNG, SẼ CHẾT VÌ LÝ TƯỞNG'

Post lại từ diendantheky
 

MONDAY, MARCH 7, 2011

Luật Sư Nguyễn Văn Ðài, năm nay 42 tuổi, hết hạn tù ngày 6 tháng 3 kết thúc bản án 4 năm vì bị vu cho tội "tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 88 Luật Hình Sự. Vào buổi trưa cùng ngày, báo Người Việt phỏng vấn LS Nguyễn Văn Ðài khi ông được công an chở từ nhà tù Nam Hà về Hà Nội.


Luật Sư Nguyễn Văn Ðài trong ngày đi đưa ra xử về tội 
tuyên truyền chống nhà nước.

Ông bị bắt ngày 6 tháng 3, 2007 cùng với Luật Sư Lê Thị Công Nhân vì tổ chức thuyết trình cho một nhóm sinh viên về dân chủ và nhân quyền tại văn phòng Luật Sư Thiên Ân, Hà Nội, mà ông là trưởng văn phòng và LS Lê Thị công Nhân là luật sư cộng tác.

Ông bị kết án 5 năm tù và 4 năm quản chế trong khi nữ LS Lê Thị Công Nhân bị 4 năm tù và 3 năm quản chế ở phiên tòa sơ thẩm ngày 11 tháng 5, 2007.

Cả hai đã kháng án vì cho rằng mình không làm điều gì sai trái với luật pháp và Hiến Pháp Việt Nam cũng như các Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị của Công Dân mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Trước áp lực quốc tế, chế độ Hà Nội đã giảm cho mỗi người một năm tù còn giữ nguyên án quản chế.
Trong cuộc phỏng vấn dưới đây, ngoài việc nói về mình, LS Ðài còn nói về những người khác bị giam trong tù.

- Người Việt: Anh khỏe không?

- LS Ðài: Tôi sức khỏe tốt. Chỉ ăn và tập thể dục. Mấy tuần lễ đầu trong tù, họ xếp tôi vào loại kém vì không chịu nhận tội. Tôi không chịu làm lao động gì nên chỉ có chơi. Họ luôn luôn bảo tôi là kẻ xâm phạm an ninh quốc gia. Nhưng tôi bảo họ khi bị bắt "làm việc" rằng cách anh xử tôi về nhóm tội phạm các quyền về chính trị thì chúng tôi là tù chính trị chứ không phải xâm phạm an ninh quốc gia. Xâm phạm an ninh quốc gia là tội bạo loạn, tội khác. Thế rồi họ nói anh biết thì anh giữ trong đầu chứ không được nói ra, tuyên truyền cho người khác. Vậy là họ không tranh luận với tôi về chuyện đó nữa.

- NV: Nhưng họ vẫn tuyên truyền bên ngoài rằng anh là người vi phạm pháp luật nên bị bắt bỏ tù.

- LS Ðài: Vâng.Tôi đã không bao giờ nhận tội nên không được họ giảm án.

- NV: Nếu anh nhận tội thì được giảm án không?

- LS Ðài: Hai năm 2008 và 2008, họ có bảo nếu nhận tội thì sẽ được giảm án nhưng tôi không chấp nhận.

- NV: Trong tù, anh có gặp một số người anh em bị bắt dạo sau này không?

- LS Ðài: Tôi có gặp Ngô Quỳnh, Nguyễn Mạnh Sơn, Trần Ðức Thạch. Riêng ông Thạch thì ở cùng buồng. Mấy người kia thì ở gần buồng nên thỉnh thoảng có thể gặp lén lút được.

- NV: Anh có biết luật sư bào chữa cho anh ở phiên tòa phúc thẩm, Luật Sư Lê Công Ðịnh hiện đang bị tù với bản án 5 năm vì bị vu cho tội âm mưu lật đổ chế độ không?

- LS Ðài: Có biết. Báo chí, truyền hình có đưa tin nên trong tù cũng biết anh Ðịnh đang ở tù.

- NV: Tinh thần anh bây giờ ra sao?

- LS Ðài: Nói chung, từ trước đến giờ vẫn vậy. Bản lĩnh thậm chí còn phong phú hơn ngày xưa. Trước đây, bọn tôi hoạt động theo cảm tính, không trải qua kinh nghiệm gì. Không ai dạy dỗ, nghĩ sao làm vậy. Giờ trải qua 4 năm tù, kinh nghiệm phong phú thêm nhiều. Nói chung, mình biết cách làm sao cho tốt hơn.

- NV: Trong tù, anh có bị ăng ten theo dõi không?

- LS Ðài: Ăng ten thì ở đâu cũng có. Họ giám sát tôi suốt ngày, 4 tới 5 ăng ten. Nhưng mặc kệ họ thôi. Biết họ làm ăng ten thì mình cư xử để giảm thiểu tác động tiêu cực của họ. Tù chính trị thì buồng nào cũng có ăng ten cả. Nhiều khi họ còn kích thích để mình nói nữa.

- NV: Anh ăn uống trong đó ra sao?

- LS Ðài: Ðồ ăn nếu không được gia đình tiếp tế thì không chịu được. Cơm thì đủ, rau thì tàm tạm. Lúc tôi mới đến trại, một tháng chỉ được ba bữa có thịt, sau này họ nâng lên một chút. So với nhu cầu của người bình thường thì không đáp ứng được.

- NV: Trong đó có ai không có gia đình tiếp tế không?

- LS Ðài: Có nhiều. Nhất là những người (Thượng) Tây nguyên, không được gia đình tiếp tế, bọn tôi phải san sẻ cho họ.

- NV: Dường như ở phân trại mà Phạm Văn Trội và mấy tù chính trị vào cùng đợt bị đối xử tệ hơn?

- LS Ðài: Bên chỗ Trội thì bị đối xử khắc nghiệt hơn. Phân trại này bị bắt lao động.

- NV: Tôi có nghe nói Trội, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Hùng và mấy người kia tuyệt thực phản đối vì họ bị nhốt gần một cái lò gạch, tối ngày thổi khói bụi, ô nhiễm không khí, tổn hại sức khỏe nên họ đã bị biệt giam. Anh biết không?

- LS Ðài: Có biết. Lúc gặp ông Hùng chuyển sang chỗ tôi thì biết.

- NV: Họ phản đối rồi vợ của họ cầu cứu tòa Ðại Sứ Mỹ. Tòa Ðại Sứ Mỹ đến thăm và nhờ vậy mà lò than đã bị dẹp.

- LS Ðài: Sau khi tôi về, tôi tin họ sẽ cho Trội về trại này, vì tôi còn ở đây thì họ ngại (chúng tôi) gặp nhau. Buồng tôi ở thoải mái nhất, tốt nhất trong khu nhà tù này.

- NV: Hết hạn tù, họ thả Ðài ra rồi tự động về nhà?

- LS Ðài: Không. Sáu giờ sáng, họ cho xe chở về Hà Nội, tới thẳng phường làm thủ tục quản chế. Làm xong, ký giấy tờ họ mới đưa tôi về nhà.

- NV: Họ có dặn dò gì không?

- LS Ðài: Trại thì chúc mình về mạnh khỏe, may mắn thôi. Nhưng một tuần lễ trước, đại diện phường, bộ (Công An), thành phố đến trại yêu cầu chấp hành tốt lệnh quản chế. Tôi hỏi họ tại sao các anh lại sợ đa nguyên, đa đảng? Ða đảng là tốt cho chính trị vì người dân có thực quyền chính trị của mình. Họ nói câu hỏi của anh sợ quá.

- NV: Vậy họ sợ đa đảng?

- LS Ðài: Họ rất sợ đa đảng, rất sợ các từ tự do, dân chủ, nhân quyền. Tôi có làm mấy bài thơ trong đó có những từ như dân chủ, nhân quyền. Họ bắt xé hết chứ không cho mang về.

- NV: Trong cái lần trao đổi một tuần lễ trước khi về đó, họ hỏi gì anh?

- LS Ðài: Họ hỏi khi về thì anh có kế hoạch gì? Tôi nói tôi ở đây 4 năm, tình hình kinh tế chính trị (của đất nước) thay đổi nhiều. Việc xã hội tôi không có kế hoạch gì cả. Tôi chỉ có công việc riêng của gia đình. Gia đình tôi đang xây nhà. Tôi về xem cố gắng hoàn thiện nhà cho xong để có chỗ ở tốt hơn. Tôi lấy vợ chưa có con thì sẽ có con. Còn công việc xã hội thì về mới biết được.

- NV: Họ có hỏi gì về tình hình Trung Ðông không?

- LS Ðài: Tôi nói, qua báo chí, truyền hình thì tôi cũng nắm được. Họ hỏi thế là thế nào? Tôi nói nguyện vọng của nhân dân các nước họ muốn thay đổi chính phủ, chế độ để tốt hơn. Phần lớn các chính phủ đó đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Họ hỏi Việt Nam thì sao? Tôi nói hoàn cảnh chính trị xã hội văn hóa Việt Nam khác. Tôi hỏi họ là khi nhân dân Việt Nam đòi hỏi thay đổi thì chế độ Cộng sản đáp ứng chứ? Họ im lặng. Từ đó không tranh luận nữa. Họ có vẻ bức xúc.

Họ hỏi tôi anh có biết tình hình (VN) đang phức tạp, căng thẳng thế nào không? Tôi nói tôi làm sao biết được. Họ dọa nếu tôi quậy phá thì họ sẽ gây khó khăn. Sau đó, họ hỏi nhỏ tôi một câu: Nếu tình hình căng thẳng quá sẽ phải bắt anh lại, anh có sợ không? Tôi nói ông không phải là người đầu tiên hỏi tôi câu này. Rất nhiều người quan tâm đến tôi đã hỏi trước khi tôi rời trại giam. Nói thật với các ông: tôi đã sống theo lý tưởng thì tôi sẽ chết theo lý tưởng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét