Ngẫm về tiêu chuẩn Đại biểu Quốc hội
Đăng bởi bvnpost on 20/03/2011
Nguyễn Quang A Người dân kỳ vọng vào kỳ bầu Đại biểu Quốc hội kỳ này. Nhưng nghe người ta bàn tán trên báo, xem các vị đại biểu có chính kiến không được giới thiệu tiếp tục vì "đã hết tuổi", xem "các cử tri" ở nơi làm việc thống nhất 100% với gợi ý của cấp trên,… thì chắc ít có thay đổi. Các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, của nhà nước, của mặt trận đưa ra ý kiến về tiêu chuẩn của các "ứng viên" và các "cử viên", về cơ cấu, về tỷ lệ của người ngoài Đảng,… vân vân. Ngẫm nghĩ một chút lả thấy ngay các ý kiến kiểu ấy vi phạm quyền công dân, quyền của cử tri một cách nghiêm trọng. Có báo nhấn mạnh "tiêu chuẩn chủ yếu của Đại biểu Quốc hội kỳ này là không tham nhũng", và bạn đọc không thể không suy luận về chất lượng của Đại biểu Quốc hội các lần trước và lần này.
Làm sao biết được một người cụ thể nào đó là không tham nhũng? Nếu họ không là quan thì chắc chắn thỏa mãn tiêu chuẩn này, vì dân thì lấy đâu ra quyền để lạm dụng nên không thể tham nhũng. Đấy là tiêu chuẩn "chủ yếu" thì còn ra thể thống gì. Đã tham nhũng thì phải trừng trị, không tham nhũng phải là chuyện bình thường tối thiểu, sao lại thành tiêu chuẩn chính? Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách một đảng chính trị, có toàn quyền đưa ra các tiêu chuẩn cho các ứng cử viên của mình. Như thế nếu các quan chức nhà nước, mặt trận nói về tiêu chuẩn của các ứng cử viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì chẳng ai bàn cãi gì cả. Đấy là việc bình thường của bất cứ đảng chính trị nào trong quá trình chuẩn bị cho một cuộc bầu cử. Nhưng đặt ra các tiêu chuẩn chi tiết hơn quy định của luật cho tất cả các ứng viên là vi phạm luật. Điều 2 của Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội (được thông qua năm 1997 sửa đổi năm 2001) quy định: "Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật". Đặc điểm kỳ cục của các luật hiện hành của Việt Nam là thường gắn thêm cụm từ "theo quy định của pháp luật" như được nhấn mạnh ở điều được trích ở trên. Và chính vì cái đuôi mập mờ "theo quy định của pháp luật" này nên rất nhiều luật khá mâu thuẫn, điều này đá điều kia. Có thể thấy khá nhiều điều mâu thuẫn nhau trong 90 điều của luật bầu cử đại biểu quốc hội. Các quy định về hiệp thương, về lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú và nơi làm việc thực sự mâu thuẫn với bản chất quyền của công dân và cử tri, như được nêu ở phần đầu của Điều 2 kể trên, nhưng lại được cái đuôi "theo quy định của pháp luật" mở đường hợp pháp hóa và những ý kiến mà tôi cho là vi phạm quyền tự do của công dân, của cử tri lại "được hợp pháp hóa" và những người vi phạm đó lại "đúng luật". Không sửa những vấn đề cơ bản thì có hy vọng mấy cũng chỉ là hy vọng và khó có thể thành sự thực, làm xói mòn lòng tin vào luật pháp, đi ngược lại hoàn toàn mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền. Quyền của dân phải là trên hết. Đã đến lúc nên xem xét lại toàn bộ luật này (cũng như các luật khác) để sao cho quyền tự do của người dân được tôn trọng, trong trường hợp cụ thể của luật này là quyền tự do lựa chọn việc có ứng cử hay không, việc bầu cho ai bằng lá phiếu của mình. Các ứng viên phải công khai thông tin, có cơ hội nói rõ cho cử tri về mình, về ý định của mình. Và cử tri là người đưa ra tiêu chuẩn lựa chọn. Họ có thể chọn sai, nhưng họ có quyền chọn lại bằng lá phiếu của mình. Không có cạnh tranh thực sự, thì mọi tiêu chuẩn chỉ là hình thức. Không sửa đổi tận gốc thì "nhà nước của dân, do dân và vì dân" liệu còn mấy ý nghĩa, và những việc bàn luận lạ kỳ như ta thấy trên báo chí còn tiếp diễn và quan trọng hơn nó tạo ra cho toàn dân một nếp suy nghĩ sai lệch rất có hại cho sự phát triển của đất nước. N. Q. A. Tác giả gửi trực tiếp cho BVN |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét