Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

RFA trao đổi với gia đình và luật sư của 3 bị cáo hoạt động vì quyền lợi người lao động

Post lại từ RFA
 

Tòa phúc thẩm y án 3 nhà hoạt động trẻ

2011-03-19

Hôm 18-3 tại Trà Vinh đã diễn ra phiên tòa phúc thẩm xử án 3 người trẻ tuổi hoạt động cho quyền của người lao động tại Việt Nam.

Photo courtesy of UBBV

Ba nhà dân chủ trẻ Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh.

Thông tín viên Tường An tiếp xúc với gia đình và luật sư của 3 bị cáo và gửi về bài tường trình sau đây:

Không có gia đình, nhân chứng tham dự

Sáng sớm ngày 18 tháng 3, lúc 7 giờ sáng cả gia đình của anh Đoàn Huy Chương (tức Nguyễn Tấn Hoành), Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và chị Đỗ Thị Minh Hạnh đã có mặt tại Trà Vinh để tham dự phiên tòa xử thân nhân của mình. Nhưng khi đến nơi, cả ba gia đình đều bị công an không cho vào. Chị Mạnh, vợ anh Chương đang đứng trước tòa án cho đài Á Châu Tự Do biết:

"Con đang ở ngoài quán nước, ba gia đình không có ai được vô hết, ở ngoài này không, đâu có dự được phiên tòa, nói chuyện đâu nghe được, chỉ đứng ở cổng một chút, vô trong nó còn đuổi nữa."

Bố của chị Minh Hạnh bị công an cấm vào dự phiên tòa xử con gái mình, ông bức xúc nói:

"Ngồi ngoài hành lang bên ngoài để theo dõi thôi chứ không vào được. Không cho vô, không có nhân chứng, không có gì hết. Chỉ có công an với phạm nhân thôi."

Qua điện thoại, chúng tôi nghe giọng nói hoảng hốt của Mẹ chị Hạnh lúc đó. Sau khi bình tĩnh lại, bà Ngọc Minh cho chúng tôi biết:

"Lúc đó chúng tôi đến trước, 7 giờ là đã có mặt rồi, thì đến 8 giờ xe công an đến hết rồi, công an đến đông lắm. Trong tòa án, ngoài sân, tòa án ngoài đường súng ống, dùi cui đủ thứ hết. Sau đó có 1 cái xe chở công an, 1 cái xe chở thẩm phán ở đâu trên Đà Lạt xuống. Rồi hai xe bít bùng chở các cháu đến, đến một lúc lâu thật lâu mới mở cửa cho các cháu xuống.

Một cháu như vậy là có hai người kèm theo, tay còng. Hai đứa kia đi thì cũng bình thường mà cái mặt lầm lì, còn riêng bé Hạnh thì nghinh cái mặt lên, cái mặt con Hạnh nó nghinh lên trời, nó coi trời bằng vung, nó trề môi, nó bĩu môi, nó khinh bỉ."

Ngồi ngoài hành lang bên ngoài để theo dõi thôi chứ không vào được. Không cho vô, không có nhân chứng, không có gì hết. Chỉ có công an với phạm nhân thôi.

Bố của chị Minh Hạnh

Khi xe mang các bị cáo đến thì công an đã dầy đặc từ trong tòa án đến ngoài đường, nhưng thân nhân thì không được vào bên trong tòa án. Lúc đầu, ngay cả luật sư cũng bị ngăn không cho vào. Bà Ngọc Minh kể tiếp:

"Trong lời kêu gọi khi mà đi vô thì công an, thẩm phán, thư ký tòa án ôm một cọc hồ sơ to, nặng lắm đi vô. Sau đó mới dẫn tù vô.

Các thân nhân chuẩn bị bước vào thì công an chận lại không cho vô. Họ hỏi là ai thì nói là Mẹ, Cha thân nhân thì nói không cho ai vô hết, không được vào. Khi mà ông Luân đến thì cũng không được vào, đứng ngoài cửa. Ông Luân bảo là cho gặp thư ký tòa án, trong khi đó ông Bằng không ra.

Một lúc sau thì công an vào nói cái gì với bồi thẩm đoàn, thì ra mời ông Luân vào lại thôi. Còn lại thì thân nhân ở ngoài hết. Tôi tức quá, tôi mệt tim. Ba cháu la làng lên, ba cháu nói: Phiên tòa không cho thân nhân vào là phiên tòa không có giá trị."

Luật sư Đặng Thế Luân là luật sư biện hộ cho ba người này cũng xác nhận hành vi trái phép của công an khi không cho người thân vào tham dự phiên tòa. Ông nói:

"Tôi là người bào chữa cho bị cáo trong phiên tòa này từ đầu đến cuối nên tôi biết rất rõ về các diễn biến. Diễn biến của phiên tòa này cũng diễn ra bình thường như những phiên tòa khác. Nhưng mà khi mở đầu phiên tòa xét xử thì không có người khác vào, chỉ có công an trong đó thôi."

Tòa chấp nhận đề xuất của viện kiểm sát nhân dân

Cuối cùng, trong phiên tòa chỉ có ba bị cáo, 1 luật sư và bồi thẩm đoàn cùng với rất nhiều công an. Không có nhân chứng và gia đình tham dự. Phiên tòa bắt đầu khoảng 8 giờ sáng và chấm dứt khoảng 11 giờ 30 trưa. Luật sư Luân cho biết kết quả của phiên tòa như sau:

"Kết quả của phiên tòa thì y án phúc thẩm, giữ nguyên bản án phúc thẩm chứ không có thay đổi gì cả, tuyên bố các bị cáo là phạm tội phá rối an ninh. Mỗi bị cáo bị xử theo mức án cũ, tức là bị cáo Nguyễn Hoàng Quốc Hùng 9 năm tù. Bị cáo Đỗ Thị Minh Hạnh và bị cáo Đoàn Huy Chương mỗi bị cáo 7 năm tù. Các phần khác trong bản án sơ thẩm cũng được giữ nguyên. Tóm lại là y án sơ thẩm.

Họ chỉ nói rằng là căn cứ vào điều 89 bộ luật hình sự của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thôi. Họ nhận định là các bị cáo phạm tội phá rối trật tự an ninh và họ đề xuất với hội đồng xét xử là giữ nguyên bản án phúc thẩm.

Tôi cho rằng các bị cáo không phạm tội phá rối an ninh, đó là quan điểm trung thực và thẳng thắn của tôi với trách nhiệm của một công dân, với đạo đức, lương tâm nghề nghiệp của một người luật sư tôi phát biểu thẳng thắng, có phân tích cơ sở pháp luật để cho rằng các bị cáo không phạm tội phá rối an ninh. Bởi vì các bị cáo thực hiện các hành vi đó, nhưng các hành vi đó không có dấu hiệu –về mặt khách quan- của tội phá rối an ninh.

Tôi đã phân tích rất kỹ trong bài bào chữa của tôi, nhưng Hội đồng xét xử không chấp nhận ý kiến của luật sư mà chấp nhận ý kiến đề xuất của vị đại diện viện kiểm sát nhân dân."

Luật sư: không phạm tội

Tòa án phúc thẩm đã giữ y án của tòa sơ thẩm vào tháng 10 năm 2010. Tức là 7 năm tù cho anh Đoàn Huy Chương và chị Đỗ Thị Minh Hạnh, 9 năm tù cho anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng. Luật sư Luân cho rằng bản án nặng nề này theo luật pháp không đúng với những gì mà ba người này đã làm.

Ông nói rằng: 3 người này không hề phạm tội phá rối an ninh như trong bản cáo trạng buộc tội. Trong phiên tòa, Luật sư Đặng Thế Luân phân tích những tội phạm của các bị cáo và ông đã biện hộ như sau:

"Tôi cho rằng họ đã áp dụng pháp luật không chính xác để định tội. Trong bảo vệ của tôi tại phiên tòa, tôi nói là. Nếu hành vi của các bị cáo mà có dấu hiệu của một tội khác thì các bị cáo cần phải được điều tra, xét xử vì điều đó, chứ không thể buộc bị cáo vì một tội danh mà bị cáo không thực hiện.

Bởi vì tôi phân tích 4 yếu tố cấu thành của tội phạm. Bốn yếu tố này, thì trong đó các bị cáo không có dấu hiệu phạm vào mặt khách quan của tội phạm này. Đồng thời cũng không có ý thức chủ quan để chống phá nhà nước Việt Nam. Cho nên theo quan điểm của tôi là bị cáo không phạm tội. Không phạm tội vào tội này. Nhưng mà công tố viên thì cho rằng các bị cáo vẫn phạm tội và hội đồng xét xử cũng đã tuyên án như vậy. Tất cả những diễn biến thì nó dài dòng, nhưng tôi chỉ nói những điều cơ bản như vậy thôi."

Mặc dù với quyết định như thế của tòa phúc phẩm, luật sư Luân vẫn khẳng định là cả ba người trẻ tuổi này đều không phạm tội như trong bản cáo trạng đã ghi:

Thế nhưng bây giờ Hội đồng xét xử vẫn quyết định bản án như vậy thì theo quan điểm của tôi các bị cáo vẫn không phạm tội phá rối an ninh.

LS Đặng Thế Luân

"Tôi đã trình bày rất là rõ ràng mạch lạc. Với trách nhiệm của 1 công dân, với lương tâm nghề nghiệp của 1 luật sư, tôi đã nói trung thực, thẳng thắng những điều mà tôi thấy cần nói tại phiên tòa. Hội đồng xét xử cũng được nghe rất rõ về bài bào chữa của tôi. Thế nhưng bây giờ Hội đồng xét xử vẫn quyết định bản án như vậy thì theo quan điểm của tôi các bị cáo vẫn không phạm tội phá rối an ninh.

Tôi cũng nói rằng nếu các bị cáo có hành vi phạm vào một tội khác- thí dụ như vậy - thì cơ quan pháp luật có quyền khởi tố, điều tra, xét xử họ về tội danh đó, chứ không thể cáo buộc họ về một tội danh mà họ không thực hiện. Quan điểm của tôi trước sau vẫn thế. Về mặt chuyên môn, về mặt luật học là tôi có quan điểm như vậy."

Chương, Hùng và Hạnh cũng thẳng thắng nhìn nhận những hành động mình đã làm, nhưng cũng như luật sư biện hộ, họ khẳng định là những hành vi của họ không vi phạm điều 89 của bộ luật hình sự:

Họ thừa nhận, họ không phủ nhận hành vi của họ thực hiện Nhưng hành vi đó, họ cũng cho rằng họ không vi phạm điều 89 bộ luật hình sự về tội phá rối an ninh. Thì quan điểm của họ cũng giống như quan điểm của luật sư.

Phiên tòa không có giá trị, không công bằng

Vào khoảng 11 giờ 30 cùng ngày thì phiên tòa chấm dứt trong sự bức xúc của cả ba gia đình, Ông Đỗ Ty, Bố của chị Hạnh thất vọng:

"Mẹ bé Hạnh đau tim. Tôi là Bố nó mấy ngày hôm nay cũng đau xương đâu có đi được mà cũng ráng mà qua nhìn tường tận xem cái lý lẽ nó như thế nào . Qua những phán xét thì gia đình không đồng ý, thứ nhất, thứ hai nữa là kể cả các bị cáo là không tâm phục khẩu phục. Nhưng quyết định của phiên tòa vẫn là quyết định của phiên tòa thôi. Gia đình ở nhà thấp cổ bé họng thì làm sao kêu đến đâu cho nó ra cái chân lý được."

Khi nghe kết quả, ông đã la lớn ngoài cổng tòa án để nói lên sự bất tín nhiệm đối với phiên tòa này:

"Toàn bộ các gia đình đây là không nhất trí bản án vừa rồi. Có nghĩa là phản đối bản án vừa rồi không có giá trị đối với ba gia đình này. Trước cửa phiên tòa rất là đông người tôi nói là tôi không chấp nhận những lề lối xét xử như vậy. Nếu mà xét xử không có thân nhân vào tức nhiên là phiên tòa không có giá trị. Tôi tuyên bố rất là lớn trước cổng phiên tòa luôn."

Ông Hùng, Bố của anh Hùng cũng rất là bức xúc:

"Gia đình tính vô dự phiên tòa mà cũng không vô được, nhiều lúc thấy bức xức quá. Mà bức xúc cũng đâu có nói gì được với người ta đâu. Chỉ ra ngoài thôi, ngồi ngoài quán rồi đi về nhà."

Nhưng đây không có sự công bằng thì không xứng đáng lãnh đạo nhân dân.

Bà Ngọc Minh

Mạnh, người vợ chơn chất của anh Chương đau buồn tâm sự:

"Con thấy xử không có công bằng gì hết trơn đó. Y án 7 năm, con thì không chấp nhận án 7 năm. Hạnh thì nói là «tôi không phục! tôi không phục!» anh Cương thì la làng: «xiết tay tô ! xiết tay tôi!» Có anh Luân thấy từ đầu mùa chí cuối. Nhìn thấy tội lắm cô ơi!"

Bà Ngọc Minh, Mẹ của Hạnh thì rất phẩn uất. Bà không còn tin tưởng ở cán cân công lý của chính quyền, một chính quyền mà bà hơn nửa đời người phục vụ. Bà nói:

"Theo tôi nghĩ thì chúng tôi quyết tâm kháng cáo, kháng cáo để thay đổi, để tòa xem xét lại, hiểu cho các cháu. Nhưng rồi bản án đã sắp sẵn mà không ai hiểu gì cả. Một phiên tòa tôi thấy là bất minh. Và tôi kết luận một câu như thế này: Với tôi là một con người của Cộng sản và tôi tôn trọng chế độ Cộng sản cũng như chấp hành mọi qui định của Cộng sản từ trước đến nay. Hôm nay tôi tuyên bố, tôi không tin vào nhà nước nữa. Tôi không tin vào các cấp lãnh đạo nữa.

Bởi vì đây là chỗ cầm cán cân nẩy mực, là nơi đại diện cho pháp luật tối cao của nhà nước để mà đem lại sự bình ổn cho đất nước, cho nhân dân, đem lại sự công bằng cho nhân dân. Nhưng đây không có sự công bằng thì không xứng đáng lãnh đạo nhân dân."

Một phiên tòa diễn ra nhanh chóng, không có gia đình, không có nhân chứng tham dự. Và tại hãng giầy Mỹ Phong ở Trà Vinh, nơi xảy ra cuộc biểu tình lớn năm 2010, nơi mà ba bị cáo đã bị kết án là cầm đầu cuộc biểu tình này. Không một công nhân nào được tham dự.

Theo luật sư và gia đình, quá trình điều tra của công an cũng như việc xử án có rất nhiều điểm còn khuất tất. Chúng tôi sẽ tìm hiểu và tường trình đến quý vị nhiều chi tiết mới trong các bài sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét