Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

Kết thúc nào cho Muammar Kadafi? Ngọn gió hy vọng nào cho Việt Nam?

 
        Nguồn : Trần Bình Nam

        

Cuộc nổi dậy của người dân Libya chống chế độ Muammar Kadafi từ ngày 15/2/2011 đã được gần 3 tuần lễ. Qua tường thuật của các đài truyền hình Hoa Kỳ trên màn ảnh nhỏ, người ta tưởng chừng như Muammar Kadafi sẽ rũ áo ra đi trong ngày một ngày hai.

http://media.economist.com/images/images-magazine/2011/03/05/ma/20110305_mam951.gifNhưng nếu nhìn vào bản đồ Libya người ta thấy phe chống Kadafi  chỉ kiểm soát được vài thành phố như Brega, Benghazi, Toruk ở phía Đông và vài thành phố nhỏ phía tây như Zawiya, Misurata nằm trên xa lộ dài hơn 1,500 km chạy từ Đông sang Tây ven bờ biển Địa Trung Hải.

Lực lượng của Kadafi còn làm chủ thủ đô Tripoli và phần đất rộng lớn từ thành phố Sirte xuống miền nam nơi có nhiều bộ lạc trung thành với gia đình Kadafi. 

Muammar Kadafi có một Không lực hùng hậu gồm 18.000 lính tàu bay với 100 phản lực cơ Mig của Nga, 15 chiến đấu cơ Mirage của Pháp và nhiều trực thăng vận tải và hỏa lực. Ngoài ra Seif  Islam Kadafi con trai của Muammar Kadafi còn nắm trong tay một lực lượng bán quân sự tinh nhuệ  20.000 người trang bị vũ khí tối tân gồm dân các bộ lạc trung thành và những người lính đánh thuê tuyển mộ từ hai nước Niger và Chad. Đó là chưa kể đoàn quân chính gồm 50.000 lính động viên. Nắm những yếu tố đó Muammar Kadafi tin rằng chế độ của ông chưa có thể sụp đổ một cách dễ dàng. Nhưng đó là chưa tính đến yếu tố lịch sử.     

Bánh xe lịch sử bắt đầu chuyển bánh khi ngọn gió đòi quyền sống của người A Rập dưới các chế độ độc tài xuất phát từ Tunisia, thổi qua Ai Cập đang làm rung chuyển nền móng độc tài tại Trung Đông.

Hoa Kỳ đã dè dặt hy vọng người bạn đồng minh Ai Cập Hosni Mubarak nương theo luồng gió chấp nhận thay đổi để giữ chiếc ghế tổng thống nhưng không thành công. Lúc này ngọn gió thổi tới Libya mang đến cho Hoa Kỳ một sự khó xử khác.

Hoa Kỳ không thương gì chế độ Libya, nhưng nếu Libya đổ thì không có gì có thể ngăn sự sụp đổ của các chế độ đồng minh kiên cố và tương đối ổn định chính trị của Hoa Kỳ như Jordan, Saudi Arabia, Bahrain …

Hoa Kỳ đã tính trước ván bài Libya nên đã chuẩn bị giúp những thành phần chống đối tại Libya kiểm soát ngay vùng dầu hỏa phía Đông Libya, đặc  biệt là cảng Brega, đầu cầu chuyên chở dầu ra nước ngoài. Sau đó Hoa Kỳ dùng áp lực để đẩy dần Muammar Kadafi ra khỏi quyền hành.

Nhưng khi Muammar Kadafi cương quyết dùng các lực lượng vũ trang, nhất là Không quân, bảo vệ quyền hành của mình, Hoa Kỳ thấy một cuộc nội chiến có cơ kéo dài nâng giá dầu hỏa trên thế giới làm ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ đang bắt đầu thì tổng thống Obama không thể chờ đợi nữa.

Hôm Thứ Năm 3/3 ông tuyên bố : "Muammar Kadafi phải ra đi" (Kadafi must step down and leave), đồng thời bà Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton tuyên bố, để giải quyết vấn đề Libya "giải pháp nào cũng có thể dùng được" (nothing is off the table). Nói cách khác là nếu cần thì dùng vũ lực.

Khi tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố Muammar Kadafi phải ra đi mà Muammar Kadafi không ra đi thì tổng thống Hoa Kỳ phải ra đi (phiếu bầu tổng thống nhiệm kỳ hai năm 2012 đang chờ!) Trong phương trình chính trị đó người ra đi phải là ông Kadafi.

Việc Muammar Kadafi ra đi chỉ là vấn đề thời gian, và theo lý thì chỉ trong một thời gian ngắn. Số phận Muammar Kadafi sẽ như thế nào? Ông ta đã giết quá nhiều người nên sẽ không có nước nào chứa chấp. Cho nên nếu ông không bị dân Libya treo cổ như vợ chồng Nicolae Ceausescu của Romania năm 1989 thì ông chỉ còn đất các bộ lạc phía Nam để dung thân.

Hoa Kỳ đang tính gỉải pháp cấm máy bay của Kadafi bay trên không phận Libya (no-fly zone) để ông ta không thể dùng Không quân tấn công phe đối lập và nhất là không thể chuyên chở binh sĩ đến các mặt trận.

Hoa Kỳ  và khối NATO có đủ khả năng (dù có khó khăn) để thực hiện no-fly zone, nhưng cần có phép của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc mới huy động lực lượng dề dàng. Nhưng nếu Liên bang Nga và Trung quốc đồng ý chế tài Libya (qua biểu quyết nhất trí ngày 26/2 tại New York) chưa chắc việc thông qua quyết định áp đặt no-fly zone sẽ êm xuôi. Trung quốc sẽ lấy cớ không muốn "xâm phạm việc nội bộ của các quốc gia khác" để phủ quyết.

Hoa Kỳ không thể hành động vội vàng và hành động một mình nên phải chờ đợi. Chờ đợi cho đến khi sự tàn sát dân chúng của Muammar Kadafi làm xúc động thế giới và Liên bang Nga cũng như Trung quốc không còn một lý do gì để bỏ phiếu chống.

Kể từ khi hai Thượng nghị sĩ John McCain và Joe Lieberman đề nghị cần thực hiện no-fly zone, và tiếp tế vũ khí cho phe chống Muammar  Kadafi các giới chức quốc phòng Hoa Kỳ đều nêu ra các khó khăn của việc áp đặt no-fly zone để hoãn binh.

Khó khăn thì có khó khăn thật. Vì muốn áp đặt no-fly zone hữu hiệu cần tuyệt đối làm chủ vùng trời Libya, và muốn làm chủ vùng trời phải đánh phá 30 phi trường quân sự và các ổ hỏa tiễn SAM phòng không của Kadafi. Giá phải trả là lực lượng quốc tế phải chấp nhận tổn thất. Nhưng nếu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cho phép, Hoa Kỳ và khối NATO có thể có đủ khả năng hoàn tất nhiệm vụ.

Kịch bản khả dĩ nhất là Muammar Kadafi và lực lượng bán quân sự trung thành với ông rút về phía Nam trốn tránh trong các bộ lạc và thực hiện du kích chiến với chính quyền mới của Libya. Hoa Kỳ và thế giới, trong đó có Trung quốc không mất nguồn dầu hỏa, nhưng Hoa Kỳ và Anh Pháp không khỏi dính líu và một cuộc chiến khác. Các chính khách Hoa Kỳ sẽ có cơ hội mang hội chứng Việt Nam, hội chứng Iraq, hội chứng Afghanistan ra mổ xẻ. Nhưng hội chứng hay không hội chứng nếu liên hệ đến dầu hỏa thì Hoa Kỳ cũng phải hành động, như Bush đã phải hành động năm 2003 khi đổ quân đánh Iraq bất chấp sự không đồng ý của Liên hiệp quốc, dù phải ngụy tạo tin Saddam Hussein giúp nhóm al Qaeda tổ chức vụ khủng bố 911 và đang chế tạo vũ khí nguyên tử và vũ khí hóa học.

Một kịch bản khác là cuộc chiến giữa Muammar Kadafi và phe đối lập nhì nhằng và một giải pháp an tòan cho Muammar Kadafi được dàn xếp. Libya được ổn định trong tay những người Muslim ôn hòa.

Dù ấn bản nào xẩy ra, cuộc nổi dậy tại Libya và sự kết thúc sinh mệnh chính trị của Muammar Kadafi như thế nào, ngọn gió dân chủ phản ánh sự chống lại sự đàn áp bất công đã bùng lên trên thế giới sẽ thổi qua toàn thế giới không chừa một châu lục nào.

Ngọn gió sẽ thổi mạnh ở Trung Đông kể cả Saudi Arabia và Jordan là hai nước tương đối ổn định và ít đàn áp nhất. Và ngọn gió lành sẽ không chừa vùng lục địa Á châu và Đông Nam Á trong đó có Trung quốc và Việt Nam.

Ngọn gió mới có thể sẽ không đốn ngả chế độ đảng trị tại Trung quốc vì người dân Trung hoa đủ mọi khuynh hướng chính trị đều chấp nhận một mục tiêu chung mà đảng cộng sản Trung quốc đang theo đuổi là vươn lên hàng siêu cường trên thế giới trong thế kỷ này. Nhưng ngọn gió này có thể mang theo niềm hy vọng to lớn cho phong trào đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam lúc này hơn bất cứ một lúc nào khác.

Nhưng hy vọng cần được nuôi dưỡng hơn là hấp tấp bồng bột làm cho nó chết yểu. Niềm hy vọng của Việt Nam cần được nhìn và nuôi dưỡng dưới hai câu hỏi quan yếu:

         (1) tại Việt Nam đã có lãnh đạo chưa, nếu những người trẻ xuống đường đòi quyền tự do ngôn luận và công ăn việc làm?

         (2) yếu tố Trung quốc ảnh hưởng như thế nào đối với các biến chuyển chính trị tại Việt Nam?

Dựa vào thực tế câu trả lời là:

         (1) chưa có lãnh đạo tại Việt Nam, và hy vọng một sự lãnh đạo từ bên ngoài là một ảo tưởng.

         (2) Trung quốc sẽ ảnh hưởng to lớn đến tình hình Việt Nam. Nếu Trung quốc chưa thay đổi thì Việt Nam, trong tình hình hiện nay, khó thay đổi. Và Hoa Kỳ sẽ không đủ thế cũng như nhu cầu chính trị để thúc đẩy một sự thay đổi tại Việt Nam.

Bối cảnh đó nếu khuyến cáo chúng ta không nên hành động nông nổi, nhưng không ngăn cản thanh niên Việt Nam trong nước nuôi hy vọng và thúc đẩy các lực lượng đấu tranh cho dân chủ bên trong và bên ngoài phát huy sáng kiến để chuẩn bị cho một thời cơ đang chờ đón trước mắt.

Thanh niên Việt Nam kể cả thành phần đảng viên đảng cộng sản trong hay ngoài lực lượng vũ trang cần ý thức rằng vận nước ở trong tay họ, nếu họ không hành động sẽ không có ai hành động thay.

Các tổ chức đấu tranh bên trong cần  tổ chức mạng lưới tin học để thông tin và phối hợp, và bên ngoài cần yểm trợ kỹ thuật và tài chánh. Cần phổ biến nguyên tắc và phát huy sức mạnh của đấu tranh bất bạo động và cần biết chờ đợi tin tưởng rằng chúng ta đang đứng bên lề phải của lịch sử.

Mới đây trong một bài quan điểm đăng trên nhật báo Người Việt nhà bình luận Ngô Nhân Dụng có bàn đến nguồn "Hy vọng đã vươn lên". Đúng là hy vọng đã vươn lên và tập thể nào, tổ chức nào, nhân vật nào - không phân biệt đảng phái - biết tổ chức để nắm bắt thời cơ là tập thể hay con người lãnh đạo cuộc cách mạng mới của nhân dân Việt Nam./.

 

                 Trần Bình Nam

                 March 6, 2011

                 binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét