07/01/2012
Nguyễn Trọng Vĩnh
96 tuổi đời, 73 tuổi Đảng
Từ khi thực dân Pháp xâm lược, thống trị nước ta, dân ta sống cuộc đời nô lệ, lầm than. Đảng Cộng sản ra đời đi vào dân, tuyên truyền, giác ngộ, tổ chức dân nhằm mục đích phá xiềng nô lệ, giành lại độc lập tự do. Có những lúc phong trào chưa rộng khắp và chưa đúng thời cơ nên các cuộc nổi dậy đã thất bại. Đảng lại gượng dậy, tuyên truyền, tổ chức dân, dân vẫn theo sự lãnh đạo của Đảng. Những năm 1936 – 1937, tại chính quốc, "Mặt trận bình dân" do Đảng Xã hội Pháp lên cầm quyền, không khí thuộc địa bớt nghẹt thở. Đảng chủ trương thành lập "Mặt trận dân chủ Đông Dương", tổ chức các hội đoàn ở thành thị và nông thôn (chủ yếu là "Hội Ái hữu"), đưa ra khẩu hiệu đòi tự do dân chủ, dân sinh, đòi tăng lương, ngày làm 8 giờ, bỏ cúp, phạt cho công nhân, giảm thuế cho nông dân. Nhân dân hưởng ứng, phong trào được mở rộng. Năm 1939, Chính phủ Bình dân ở Pháp đổ, phái hữu lên cầm quyền lại bắt đầu khủng bố, đàn áp phong trào, lạnh lùng bắt Cộng sản. Đảng rút vào hoạt động bí mật, đề ra chủ trương lập "Mặt trận nhân dân phản đế", hướng tới giải phóng dân tộc. Đảng vẫn bám dân, tuyên truyền vận động, bất chấp bắt bớ tù đày. Dân vẫn theo Đảng, ủng hộ, che giấu đảng viên hoạt động, cơ sở Cách mạng được giữ vững, phong trào tạm lắng xuống. Đến khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước, thành lập "Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh" gọi tắt là Việt Minh, phong trào mở rộng ra khắp cả nước tạo nên lực lượng to lớn đồng loạt nổi dậy làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám thành công.
Điểm lại quá trình trên đây để thấy rằng: dưới chế độ thực dân thống trị hà khắc, chỉ có đàn áp, khủng bố, Đảng Cộng sản không có chút quyền hành nào, không thể ra lệnh được cho ai mà vẫn làm lãnh đạo được dân, được dân tin tưởng. Được thế là vì chủ trương của Đảng đưa ra hợp với nguyện vọng của dân và từ lãnh đạo đến đảng viên một lòng vì dân vì nước, sẵn sàng hi sinh, không chút vụ lợi cá nhân nào.
Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời được thành lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc đó lực lượng vũ trang còn ít ỏi, tản mát ở cá địa phương, tiền chỉ có hơn 1 triệu đồng, nạn đói chưa chấm dứt, đê sông Hồng bị vỡ. Mọi chi tiêu của Chính phủ đều nhờ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm yêu nước. Tình hình rất khó khăn. Trung ương chủ trương mở "Tuần lễ vàng", Hồ Chủ tịch kêu gọi nhân dân ủng hộ để lấy tiền mua sắm vũ khí giữ nước và đáp ứng chi tiêu của Nhà nước, nhân dân hăng hái quyên góp, những nhà giàu như các ông Trịnh Văn Bô, Nguyễn Văn Đước, Nguyễn Thị Năm, v.v. ủng hộ hàng trăm lạng vàng, người trung bình tháo vòng xuyến, khuyên tai ủng hộ, người có chiếc nhẫn, thậm chí tháo răng vàng đóng góp.
Tiếp đó 20 vạn quân Tàu do tướng Lư Hán và Tiêu Văn kéo vào rải rác đến vĩ tuyến 16, danh nghĩa là để giải giáp quân đội Nhật đã đầu hàng "Đồng minh", mang theo cả chỉ thị của Tưởng Giới Thạch "diệt cộng cầm Hồ" (diệt cộng sản, bắt Hồ Chí Minh). Bọn Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mạng đồng minh hội thân Tàu, thành lập từ Trung Quốc cũng vào theo hòng mượn oai quan thầy giành lại chính quyền từ tay Việt Minh. Tình thế Chính phủ ta bấy giờ như "ngàn cân treo sợi tóc". Các đảng viên và hội viên Việt Minh tích cực phân công nhau tỏa vào nhân dân thông báo tình hình, vận động quần chúng biểu tình ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh. Thế là nhân dân Hà Nội và dân các tỉnh xung quanh kéo vào trung tâm thủ đô đến 50 vạn người biểu tình tuần hành, hô vang khẩu hiệu "ủng hộ Việt Minh", "ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh" ngày ngày qua ngày khác. Khí thế hừng hực, sức mạnh của 50 vạn dân đã vô hiệu hóa ý đồ của bọn Lư Hán, Tiêu Văn và bọn Việt quốc, Việt cách. Chính cuộc biểu tình yêu nước vĩ đại cùng với tài ngoại giao của Bác Hồ đã giúp Chính phủ cụ Hồ của chúng ta thoát khỏi hiểm nghèo và đứng vững.
Thế mà biểu tình yêu nước ngày nay lại bị đàn áp.
Quá trình vận động cách mạng cho đến khi giành được chính quyền cho thấy mối quan hệ giữa Đảng với dân, giữa dân với Đảng, phải khăng khít như một. Dân không có sự lãnh đạo của Đảng thì chỉ là đám đông đảo rời rạc, không thành sức mạnh, dân phải được Đảng tuyên truyền, giác ngộ tập hợp thành tổ chức phát động lên mới thành sức mạnh; Đảng không có dân thì cũng không có sức mạnh nào, cũng không thể làm nên sự nghiệp gì.
Thực tiễn đã chứng minh như vậy, không ai phủ nhận được.
Khi Đảng đưa ra chủ trương hợp với nguyện vọng của dân thì dân nhiệt liệt hưởng ứng và tự giác làm theo.
Pháp và Trung Hoa dân quốc ký thỏa thuận với nhau, Đảng và Hồ Chủ tịch chủ trương nhân nhượng cho Pháp đưa 1.500 quân ra Bắc thay quân Tàu, để đuổi quân Tàu rút nhanh khỏi nước ta, bớt đi một kẻ thù. Sau khi quân Tàu Tưởng rút đi, thực dân Pháp gây hấn, đem quân viễn chinh sang hòng cướp nước ta một lần nữa. Đảng chủ trương quyết đánh Pháp giữ vững độc lập tự do, ngày 19/12/1946 Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn dân kháng chiến, trong lời kêu gọi của Người có câu: "Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Toàn dân một lòng theo Đảng: nam nữ Thủ đô "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh", trai tráng cả nước nô nức tình nguyện đi bộ đội chiến đấu, nông dân hăng hái đóng thóc nuôi quân, trung niên, thanh nữ tầng tầng lớp lớp đi tiếp lương, tải đạn phục vụ chiến trường… Qua 9 năm gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, quân dân ta đã đánh thắng thực dân Pháp, giải phóng hoàn toàn miền Bắc.
Sau thắng Pháp, Đảng chủ trương "xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam"… Dân vẫn theo sự lãnh đạo của Đảng vừa tích cực khôi phục kinh tế, củng cố miền Bắc vừa tiếp tục cùng đồng bào miền Nam chiến đấu. Khi đế quốc Mỹ đổ quân vào với khối lượng vũ khí phương tiện hiện đại to lớn, chiến tranh vô cùng ác liệt, qua chặng đường dài mưa bom, bão đạn tàn khốc, cuối cùng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân ta đã thực hiện được mục tiêu "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", Bắc Nam sum họp một nhà.
Trong thời kỳ hoạt động bí mật, dưới sự thống trị của thực dân Pháp và qua hai cuộc kháng chiến thắng lợi cho thấy: "Chỉ cần chủ trương của Đảng hợp với nguyện vọng của dân thì dân tin theo, Đảng vẫn lãnh đạo được dân, không cần phải có uy quyền, cũng không cần phải có điều 4 ghi trong Hiến pháp".
Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, chúng có đủ tàu chiến, máy bay, xe tăng, đại bác, ban đầu ta chỉ có gậy tầm vông và vũ khí bộ binh ít ỏi; đế quốc Mỹ có 50 vạn quân, không kể quân chính quyền, quân ngụy, tàu chiến, máy bay, xe tăng, vũ khí phương tiện hiện đại hơn ta rất nhiều lần. Cuối cùng cả Pháp và Mỹ đều chịu thất bại. Điều đó chứng thực rằng chỉ có ưu thế tuyệt đối về vũ khí và phương tiện chiến tranh không thôi, cũng không quyết định được chiến thắng. Bá quyền nước lớn Trung Quốc, có lực lượng hải quân hơn ta tuyệt đối, bắt nạt ta, đe dọa ta, ta không việc gì phải sợ.
Đáng tiếc, sau khi giải phóng miền Nam, chủ trương cải tạo công thương nghiệp triệt tiêu mất tính năng động của một vùng kinh tế, ở miền Bắc thì chậm xóa bỏ bao cấp, vẫn giữ hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ "bình công chấm điểm", kìm hãm sản xuất cho nên có một thời gian kinh tế tiêu điều, đời sống khó khăn. Đó cũng là vì "không hợp nguyện vọng của dân". Năm 1981, Trung ương ra "Chỉ thị 100", nông dân được tự do sản xuất trên ruộng đất của mình, lương thực, thực phẩm tăng, đời sống bớt khó khăn. Đến năm 1986, Đảng ta đổi mới tư duy, xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ, mở rộng nhiều thành phần kinh tế. Nhờ đó kinh tế có phát triển, đời sống khá hơn và cũng nhờ đó khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ Việt Nam ta vẫn đứng vững.
Nhưng đang tiếc là từ 10 năm lại đây, tiêu cực ngày càng phát triển, đã có nhiều việc làm và chủ trương không như mong muốn của dân.
Phá hội trường Ba Đình, di tích lịch sử quan trọng nhất của nước ta, không phải là nguyện vọng của dân.
Ký cho Trung Quốc khai thác bôxít Tây Nguyên, chiếm lĩnh cao điểm chiến lược quan trọng của Đông Dương, phá hoại môi trường, di họa bùn đỏ cho hàng triệu đồng bào, mất không tài nguyên mà chẳng được lợi lộc gì, có khi còn lỗ vốn, không phải là nguyện vọng của dân.
Mở rộng thủ đô quá lớn, sáp nhập cả một tỉnh nông nghiệp, không phải là nguyện vọng của dân.
Bán (cho thuê 50 năm) rừng đầu nguồn, biên giới, không phải là nguyện vọng của dân.
Thu hồi bờ xôi ruộng mật của nông dân, làm giàu cho các kẻ đầu tư địa ốc, nông dân thất nghiệp, không phải là nguyện vọng của dân.
Phát triển đô thị quá mức, xây nhà cao tầng, tràn lan thừa ế mà công nhân và người thu nhập thấp không thể mua được nhà ở, không phải là nguyện vọng của dân.
Nước ta hẹp mà phát triển 120 sân gôn, phục vụ cho một số người giàu, mất bao nhiêu là đất, không phải là nguyện vọng của dân.
Cho các công ty Trung Quốc trúng thầu hàng loạt công trình, đưa vào máy móc thiết bị cũ, kỹ thuật lạc hậu, tự do đưa vào hàng vạn lao động phổ thông (phần nhiều là lính phục viên) rải khắp nơi (là thủ đoạn di dân) nguy hiểm cho an ninh quốc phòng, không phải là nguyện vọng của dân.
Học phí tăng cao, viện phí tăng cao mà bệnh nhân 2, 3 người nằm 1 giường, giá cả nhiều thứ tăng vọt, không phải là nguyện vọng của dân.
Các tập đoàn kinh tế nhà nước được rót vốn rất lớn mà đa số thua lỗ, thất thoát hàng nghìn tỉ, các ngân hàng có nợ khó đòi cũng thất thoát hàng nghìn tỉ, nợ nước ngoài chồng chất mà hiệu quả kinh tế không nhiều… trách nhiệm quản lý điều hành thuộc về ai?
Những chủ trương và việc làm ngược với nguyện vọng của dân, không phù hợp với lợi ích của đất nước làm cho dân mất tin tưởng vào Chính phủ, vào lãnh đạo là tất yếu. Tình hình này sẽ đưa đất nước đi đến đâu?
Thêm vào đó còn nhiều điều gây bức xúc nữa.
- Mất dân chủ. Dân không dám nói sự thật, không được biết sự thật, báo chí lề phải không được thông tin tự do, không được bình luận trái với chủ trương của Chính phủ, của lãnh đạo, hàng nghìn ý kiến can ngăn việc làm và chủ trương sai trái không được tiếp thu, hàng chục kiến nghị có tính xây dựng không được xem xét, dân không được ứng cử tự do theo Hiến pháp. Các chức danh đưa ra để bầu thì đã được định trước, bỏ phiếu chỉ là hình thức, hơn nữa chỉ độc diễn thì làm gì có lựa chọn, v.v.
- Trung Quốc mồm thì nói hữu nghị, nhưng làm biết bao nhiêu việc trái lại, thiệt hại cho ta, mà lãnh đạo nín nhịn mãi, lấn biển, cướp đảo, bắt, bắn ngư dân, đâm chìm, bắt tàu cá, gây hấn, hoành hành ngang ngược, dân không được đấu tranh yêu nước, biểu tình thì bị đàn áp.
- Giá cả mọi thứ tăng cao, con cá, lá rau cũng đắt gấp 2, 3 lần; đời sống người nghèo, người có thu nhập thấp, khốn khổ hết chịu nổi, người thu nhập trung bình cũng phải thắt lưng buộc bụng. Người nắm quyền thì nhà to đất rộng, trang trại dinh thự, mà công nhân không có nhà ở, người nghèo kiếm được căn ổ chuột cũng khó.
Nếu bức xúc tích lũy kéo dài, người dân bị dồn nén quá ngưỡng, liệu đến lúc nào đó có "tức nước vỡ bờ" không?
Thực trạng trên đây đòi hỏi có sự cải cách quyết liệt thì mới đưa đất nước tiến lên được.
1 – Phải thật tâm chỉnh đốn Đảng, trước hết là bộ phận nắm quyền từ dưới lên trên, , đặc biệt quan trọng là bộ phận nắm quyền cao nhất, để có bộ phận chủ chốt trong sạch, dùng chức quyền lo cho dân cho nước thay vì lo làm giàu cho cá nhân, gia đình, họ hàng, thân thuộc. Cần thay đổi, điều chỉnh để những vị trí quan trọng phải do những người thực sự có tâm huyết, có thực tài đảm nhiệm; ai trót có sai phạm thì nên tự xét, hồi tâm chuyển ý, rũ bỏ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, sửa mình, làm tốt bất cứ nhiệm vụ gì đảm nhiệm.
Bộ phận nắm quyền chủ chốt phải nhìn thẳng vào sự thật, đồng hành với dân, khiêm tốn, không biểu thị uy quyền, không cho mình là giỏi nhất, đúng nhất, phát huy bản tính tự lực, tự cường, tinh thần độc lập tự chủ, hết lòng lo cho đời sống và phúc lợi của dân, cho sự giàu mạnh của Tổ quốc. Chính phủ chân chính, dân chủ, chí công vô tư thì không bao giờ xảy ra "hoa nhài, hoa sói…", không phải đề phòng đối với dân.
2 - Thực hiện dân chủ, có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình như Hiến pháp đã ghi để lấy lại lòng tin của dân, tạo không khí hồ hởi chung tay xây dựng, phát triển đất nước. Dân và báo chí được nói thẳng nói thật, lãnh đạo không ngại phân biệt công khai, nghe nhiều, cấm ít, từ đó chắt lọc lấy kế hay ý tốt, kịp thời sửa chữa chủ trương, chính sách không phù hợp, thực sự cầu thị thì mới tiến lên được. Độc đoán chuyên quyền chỉ là đi vào ngõ cụt.
3 – Trọng dụng nhân tài. Trong nước ta cũng có nhiều chuyên gia kinh tế giỏi, trí thức có chân tài, thực học, trong kiều bào không thiếu những trí thức ưu tú có tâm huyết với Tổ quốc. Cần trân trọng và trọng dụng họ để họ đóng góp cho công cuộc phát triển, quản lý đất nước; có những phòng thí nghiệm chuẩn để trí thức nghiên cứu, phát minh sáng chế góp phần vào sự nghiệp hiện đại hóa đất nước.
4 – Thực hiện đúng chính sách ngoại giao mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Hợp tác hữu nghị với Trung Quốc đồng thời cũng hợp tác hữu nghị với các nước lớn khác. Các nước làm ăn với nước ta phải tôn trọng chủ quyền của nước ta, tuân thủ luật pháp của nước ta, Trung Quốc cũng vậy. Hợp tác cũng có đấu tranh. Ta không chủ trương đối đầu quân sự với Trung Quốc, nhưng ta phải đấu tranh công khai với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền biển đảo của ta. Những cứ liệu lịch sử và pháp lý của ta, ta cần tuyên truyền rộng rãi ra thế giới, trong dân ta với cả nhân dân Trung Quốc, để rõ chính nghĩa thuộc về ta. Trong làm ăn kinh tế cần phấn đấu để thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Cần dừng ngay dự án bôxít Tây Nguyên, vô cùng nguy hiểm và thiệt hại cho nước ta. Trong thế cô lập trước thế giới hiện nay cũng như trong nội bộ Trung Quốc đầy rẫy mâu thuẫn dễ bùng nổ đương tồn tại, Trung Quốc chưa dám tùy tiện đánh ta dù hung hăng đe dọa. Chúng ta cũng cần tăng cường thích đáng lực lượng hải quân của mình phòng khi vạn bất đắc dĩ phải nghênh chiến theo tinh thần và truyền thống "lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn" của nhân dân ta. Thực tiễn đã chứng minh chỉ có ưu thế về vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại không thôi, vẫn thất bại.
5 – Gắn bó với dân, xóa bỏi mọi thành kiến, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, huy động mọi tiềm năng và trí tuệ của đồng bào trong, ngoài nước chung tay thực hiện dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.
N. T. V.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét