Trang Foreign Policy có bài "The Terrible Tiger", được nhiều trang báo tiếng Việt chuyển dịch với những cái tựa "Con Hổ khủng khiếp", "Con Hổ tồi tệ", "Con Hổ hung dữ", và tôi xin tạm đặt cho bài báo tựa khác: "Con Hổ gớm ghiếc".
Trang TTHN hôm nay dẫn bài "Vietnam edges towards casino capitalism" từ trang Xcafevn.org chuyển ngữ với tựa tiếng Việt "Việt Nam dần đi đến (một) chủ nghĩa tư bản cờ bạc" (1).
Mỗi bài báo là một nét nhìn về tổng thể hoàn cảnh kinh tế – chính trị – xã hội Việt Nam hiện tại, có xâu chuỗi và kết nối với quá khứ trên dưới 30 năm kể từ sau 1975 và tiến hành "đổi mới" vào giữa thập niên 80′ thế kỷ trước.
Cả hai bài báo đều đúc kết quá trình "tư bản hóa" là con đường cần phải trải qua không thể tránh khỏi, dù giới cầm quyền Việt Nam vẫn đang né trên phương diện lý thuyết bấy lâu nay với "nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" – nơi khái niệm "đánh bài" – không được chấp nhận chính thức, đặc biệt đối với người dân trong nước – với tên gọi dân dã: sòng bạc. Có vẻ chữ này dễ làm người dân hoài niệm về xã hội trước 1975 với "Đại thế giới" một thời vang bóng đất Saigon. Bên cạnh đó, nhân quyền cũng đã được mang ra so sánh và kết nối với phát triển kinh tế, trong lúc Myanmar đang trở thành ngôi sao mới Asean với những bước đi uyển chuyển, khéo léo của Khôi nguyên Nobel Hòa Bình 1991 – Aun Sang Suu Kyi – đang dần làm thay đổi bộ mặt khắc khổ và lạnh lùng của giới cầm quyền Myanmar.
Có vẻ đúng như nhận định của hai bài báo, khi nền kinh tế Việt Nam đang lao đao khát vốn trong khi nhân quyền Việt Nam đang khắc khoải chờ mong một tín hiệu bao dung hơn từ phía cầm quyền. Sẽ rất nhiều người không tin cả kinh tế, cả nhân quyền thay đổi chút ít nào đó trong ngắn hạn hay trung hạn, từ "tài" quản lý & điều hành của ĐCSVN dưới tên gọi Chính phủ.
Việt Nam, cho đến nay vẫn không chấp nhận phê phán, chỉ trích từ phía người dân về nhân quyền, điều mà Dustin Roasa cho rằng "đã đến lúc[...] phải trở thành vấn đề trung tâm trong các giao dịch của phương Tây với Việt Nam", tất nhiên trong đó không thể thiếu Hoa Kỳ.
Dustin Roasa cho rằng, Việt Nam đã nhận nhiều ưu ái từ quốc tế cho phát triển kinh tế nội địa, với bằng chứng gần nhất là tấm thẻ hội viên WTO, nhưng không bị buộc phải nhân nhượng về quyền dân sự & chính trị mà người Việt Nam có quyền hưởng như người dân nước khác.
Mặc dù người Việt Nam chứng tỏ họ cũng đã chấp nhận hy sinh và trả giá khốc liệt không kém người Miến Điện, người Tây Tạng hay người Trung Hoa, nhưng – theo tác giả -
người Việt Nam vẫn chưa được phương Tây và Hoa Kỳ ghi nhận bằng một sự vinh danh cần thiết, ví như giải Nobel Hòa bình mà bác sĩ Nguyễn Quốc Quân (anh trai BS. Nguyễn Đan Quế) phàn nàn "Chúng tôi phải làm việc rất cực khổ để được mọi người chú ý. Mọi người vẫn không muốn nói về Việt Nam bởi vì cuộc chiến tranh…".
Chưa hẳn đúng, nếu chỉ nghĩ về chiếc medal Nobel Hòa Bình được trao từ Oslo, bởi dù Khôi nguyên Aun Sang Suu Kyi bị kiềm tỏa hơn 20 năm, trước khi được trả tự do hoàn toàn và giành chiến thắng mới nhất trong cuộc bầu cử mới đây, bởi phía sau lưng bà vẫn có hậu thuẫn là đảng LND (dù bị kiểm soát chặt chẽ, nhưng vẫn tồn tại mạnh mẽ tại Myanmar) cùng một gia thế quá nổi tiếng từ người cha đáng kính của riêng bà. Cũng nên nhắc thêm, tổng thống Thein Sein là người mến chuộng Phật Giáo và cho đến nay Myanmar vẫn là một trong những quốc gia xem Phật giáo là Quốc giáo với trên 89% dân số theo đạo này (2).
Nobel Hòa Bình là quan trọng và người Việt Nam xứng đáng được vinh danh bởi nó, nhưng bản thân chiếc medal này vẫn chưa hội đủ yếu tố để làm nên một sự đổi thay ngoạn mục cho Việt Nam. Hãy nhìn lại Lưu Hiểu Ba của Trung Quốc. Có vẻ, Việt Nam ngoài giải Nobel Hòa Bình, vẫn đang cần lắm vài vị lãnh đạo thật sự hiểu biết về Tôn giáo (dù là Phật giáo hay tôn giáo khác) và có tâm hồn hướng thiện như Thein Sein? Đó là câu hỏi thật giản dị nhưng thật khó trả lời, khi giới cầm quyền Việt Nam hiện nay nhìn Tôn giáo dưới hình thức công cụ cũng như tỏ ra không dung thứ, đặc biệt là Thiên Chúa Giáo!
Trong khi một bộ phận dân chúng đặt Phật giáo vào trong môi trường kinh doanh để kiếm lợi nhuận, cùng với việc thờ cúng mưu cầu lợi ích vật chất, tinh thần cá nhân, gia đình, dòng tộc hơn là hướng về một sự bình an tâm hồn (peace of mind) riêng rẽ hoặc cho cả cộng đồng?!
Thật khó khăn, nếu như ai đó hỏi người Việt Nam: "Có ai đó trong giới lãnh đạo hiện nay mến chuộng Tôn giáo? Hay một điều gì có thể tạm gọi là đức tin tồn tại trong họ?". Dù hình ảnh Hồ Chí Minh vẫn đang được sử dụng như vậy, tuy nhiên nhiều người Việt Nam tin rằng, đó chỉ là bình phong không hơn không kém. Dù muốn hay không, hình ảnh Hồ Chí Minh đang nhạt nhòa và mai một dần, nếu có thể xem đó là một hình thức đức tin khả dĩ! Giới cầm quyền Việt Nam hiện nay đang chới với trước hình ảnh "lãnh tụ" mà có thể họ vừa muốn vừa không muốn, giữa một nội bộ khủng hoảng về đoàn kết và chia rẽ nghiêm trọng. Khá giống với Trung Quốc hiện nay, chỉ còn thiếu một "Bạc Hy Lai Việt Nam" là thành bản sao toàn bích.
***
Với hiện trạng kinh tế tàn tệ như hiện nay, việc chấp nhận trò "đánh bạc" và trò "chơi gái" có phải là lối thoát để tìm nguồn đầu tư mới cho đất nước đứng hàng thứ 172/179 trên thế giới về tự do báo chí năm 2011? Liệu nó có giúp giải thoát những hình ảnh ghê rợn như một nhà báo bị vợ đốt chết hay một viên trung tá công an mất mạng do bị vợ đầu độc cũng từ bài bạc, đánh đề mà ra? Trong khi đó, nhiều người tin rằng, những vụ lạm dụng tình dục, hiếp dâm trẻ em sẽ giảm bớt và bệnh tật xã hội dễ kiểm soát& khống chế khi "kỹ nghệ" tình dục được công nhận trong xã hội.
Tất nhiên con Hổ đói thì hung dữ hơn khi nó no. Việt Nam đã từng mê đắm với sự tung hô của thế giới với tên gọi "con Hổ mới của Châu Á", "con Rồng thức giấc" hay đại loại một cái gì đó làm cho giới lãnh đạo chếnh choáng hơn 20 năm về trước. Ngày nay, con Hổ có vẻ vừa đói vừa bị dịch "lở mồm, long móng" lan rộng trong "nội bộ nhà Hổ" mà xem ra những phương thức cứu nguy cho Hổ dạo gần đây không thấy hiệu nghiệm là mấy, mà nhiều người hay gọi là xức cù là cho bệnh ung thư di căn giai đoạn cuối.
"Thử liều nhắm mắt đưa chân
Thử xem con tạo xoay vần ra sao"
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Nàng Kiều trong trắng, tài sắc vẹn toàn, khi quẫn bách cũng đành thử liều một phen để cứu gia đình bằng 300 lạng vàng.
Việt Nam có nên "liều một phen" với "cờ bạc & gái" để vực dậy nền kinh tế? Giới cầm quyền cũng nên suy nghĩ, bởi Thúy Kiều đã dám nói với Kim Trọng:
"Chữ trinh còn một chút này…"
dù nàng chỉ hoàn lương sau 15 năm ở chốn lầu xanh.
Trinh tinh thần vẫn tốt mà! Cứu "gia cang" vẫn hơn là giữ màn trinh "vật chất"!
Và người Việt Nam, biết đâu đấy, từ "cờ bạc & gái" được kiểm soát chính thức từ phía cầm quyền sẽ nhanh chóng thay đổi nhận thức chính trị – yếu tố quan trọng cho tiến trình dân chủ hóa, bởi người Việt Nam vẫn xứng đáng với hai chữ "Bao Dung" (3).
Phần còn lại, từ phía cầm quyền, nếu họ thật sự muốn rút ngắn khoảng cách lạc hậu 158 năm đối với Singapore.
Biết đâu đấy!
Nguyễn Ngọc Già
________________
http://vi.wikipedia.org/wiki/Myanma#T.C3.B4n_gi.C3.A1o (2)
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/68710/sao-nguoi-viet-nam-khong-ghet-nguoi-my-.html (3)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét