Phạm Viết Đào.
Điều 41 Điều lệ Đảng Cộng sản VN đã thể chế Điều 4 Hiến pháp 1992 bằng một điều cốt tử như sau :
"1. Đảng lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội bằng Cương lĩnh chính trị, chiến lược, chính sách, chủ trương; bằng công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ và kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
2. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ.
3. Đảng giới thiệu cán bộ đủ tiêu chuẩn để ứng cử hoặc bổ nhiệm vào cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội.
4. Tổ chức đảng và đảng viên công tác trong cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, chỉ thị của Đảng; tổ chức đảng lãnh đạo việc cụ thể hóa thành các văn bản luật pháp của Nhà nước, chủ trương của đoàn thể; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả."
Có thể coi những quy định trên là nền tảng pháp lý để Đảng trùm lên Nhà nước dưới cái chiêu bài, vỏ bọc " lãnh đạo "; những quy định này dân gian vẫn quen gọi chúng là " luật đảng "; Đảng trùm lên nhà nước và " luật đảng " trùm lên luật nhà nước...
Cái sự trùm này được ẩn dấu đằng sau cái vòi bạch tuộc " công tác tổ chức cán bộ " mà Đảng nắm toàn quyền bằng các quy định tại mục 1,2,3 của Điều 41 ( Cán bộ quyết định hết thảy-Lê Nin )?
Sự trùm lấp của Đảng lên nhà nước có khi, khi thì kín đáo, tinh vi, tinh quái; khi thô bạo, thô bỉ cục cằn, trắng trợn ấy là do bởi đặc thù của thể chế chính trị-kinh tế-xã hội và là nét đặc thù thuộc về lịch sử nên Đảng được " mặc định " các quyền sinh quyền sát đó hay do Đảng " ăn gian" quyền lực, "cả vú lấp miệng em" do nắm trong tay đội quân " còn Đảng còn mình" nên Đảng muốn làm gì thì làm?
Để hiểu rõ thêm điều này chúng ta hãy cùng xem định chế Đảng lãnh đạo Nhà nước được áp dụng trên thế giới như thế nào? Hiện nay định chế Đảng lãnh đạo Nhà nước là một định chế được áp dụng nhiều quốc gia; ở Việt Nam khác các nước là cái quyền lãnh đạo tối thượng này được mặc định trao vào tay Đảng Cộng sản; ở các quốc gia khác Đảng nào thường chiếm đa số trong các cuộc bầu Quốc hội, Nghị viện thì Đảng đó được quyền đứng ra thành lập Chính phủ, lãnh đạo nhà nước...Để hiểu rõi điều này chúng ta cùng tìm hiểu thêm thuật ngữ Lãnh đạo:
Theo WikiPedia:"Lãnh đạo là một trong những khái niệm quan trọng nhất trong khoa học về tổ chức - nhân sự. Đó là một quá trình ảnh hưởng mang tính xã hội trong đó lãnh đạo tìm kiếm sự tham gia tự nguyện của cấp dưới nhằm đạt mục tiêu của tổ chức[1]. Lãnh đạo là quá trình gây ảnh hưởng và dẫn đắt hành vi của cá nhân hay nhóm người nhằm hướng tới mục tiêu của tổ chức. Môn nhân sự hiện đại đề cao vai trò của lãnh đạo nên đối tượng này càng được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
Lãnh đạo được miêu tả là 'một quá trình ảnh hưởng xã hội cái mà một người có thể tìm kiếm sự giúp đỡ và hỗ trợ của những người khác nhằm đạt được thành công cho một mục tiêu chung". Tất nhiên cũng xuất hiện nhiều cách lí giải khác sâu hơn.
Lãnh đạo là "tổ chức một nhóm những người để đạt mục tiêu chung". Người lãnh đạo có thể có hoặc không có quyền lực đặc biệt. Những nhà nghiên cứu về lãnh đạo đã đưa ra những lí thuyết bao gồm những đặc điểm, những sự tác động qua lại do các yếu tố bên ngoài, chức năng, ứng xử, tầm nhìn và giá trị, uy tín, và trí thông minh, cùng với nhiều thứ khác. Người mà mọi ngừoi sẽ tuân theo phải có khả năng hướng dẫn hoặc định hướng cho người khác."
Người lãnh đạo có thể có hoặc không có quyền lực đặc biệt."
Có mấy điều khác biệt cơ bản giữa khái niệm lãnh đạo doi WikiPedia đưa ra với Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam:
1.WikiPedia cho rằng: "Người lãnh đạo có thể có hoặc không có quyền lực đặc biệt..."; Trong khi đó đối với " luật đảng " của Việt Nam thì lại quy định đã là lãnh đạo phái nắm được quyền lực nhà nước, điều này được thể hiện rõ tại các điều 1,2,3 của Điều 41 Điều lệ Đảng...
2. Qua định nghĩa của WikiPedia thì cái cốt lõi của khái niệm lãnh đạo đó "quá trình ảnh hưởng mang tính xã hội trong đó lãnh đạo tìm kiếm sự tham gia tự nguyện của cấp dưới nhằm đạt mục tiêu của tổ chức[1]. Lãnh đạo là quá trình gây ảnh hưởng và dẫn đắt hành vi của cá nhân hay nhóm người nhằm hướng tới mục tiêu của tổ chức..."; "tìm kiếm sự giúp đỡ và hỗ trợ của những người khác nhằm đạt được thành công cho một mục tiêu chung"...
Phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với bộ máy nhà nước Việt Nam không dừng lại ở việc ra nghị quyết, khuyến nghị để gây ảnh hưởng, tìm kiếm sự tham gia tự nguyện mà trực tiếp làm; Đảng thực chất nắm trực tiếp " công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ và kiểm tra, giám sát việc thực hiện..." các đảng viên của mình, kể cả đảng viên nắm trọng trách nhà nước từ Chủ tịch nước tới Thủ tướng ? Như vậy Đảng thật sự đã trở thành " Thái Thượng Hoàng " đối với nhà nước...Vậy nhà nước sai có Đảng sửa, vậy Đảng sai ai sửa; khi Đảng lại hoạt động biệt phái, biệt lập riêng và nhiều quy định về các hoạt động trong nội bộ Đảng lại trái ngược với Hiến pháp và pháp luật...Xin lấy một vài ví dụ để chứng minh...Một trong những điều thiếu biện chứng, rất phi luật pháp được thế hiện trong Điều lệ Đảng tại Điều 9, Chương II Nguyên tắc tổ chức và cơ cấu tổ chức của Đảng; Xin được nêu dưới đây một vài nôi dung:
Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung cơ bản của nguyên tắc đó là:
"1. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
4. Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.
6. Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên..."
Quy định này là bình thường đối với một đảng chính trị không nắm quyền lực lãnh đạo nhà nước; còn khi một đảng tranh nắm quyền lực nhà nước, một thứ quyền lực đầy sự cám dỗ vì gắn với quyền lợi vật chất thì nguyên tắc: thiếu số phục tùng đa số này rất dễ dẫn tới tình trạng đảng viên vào hùa với nhau, kéo bè kéo cánh với nhau chia chác, làm bậy, để tham ô, hối lộ, thậm chí giết người, bức hại dân lành bởi cái nguyên tắc " thiểu số phục tùng đa số " này sẽ cô lập lẽ phải...
Trong một cơ quan, tổ chức nhà nước xảy ra nhiều tệ nạn, số muốn đứng ra đấu tranh, bảo vệ luật pháp, bảo vệ lẽ phải thường là thiểu số nếu họ là đảng viên, còn nếu họ là người dân, cán bộ công chức bình thường thì ý kiến của họ phải qua cửa Đảng, màng lọc Đảng rồi mới lên cấp trên...Đã có vô vàn ví dụ thực tiễn chứng minh cái sự thật đau lòng về việc người lương thiện bị bức hại, đảng viên trung kiên bị cô lập phải thúc thúc bởi cái nguyên tắc " tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số " cho dù cái đa số đó phần là bọn người trộm cướp, hoặc mũ ni che tai...
Cái nguyên tắc " đa số" thống trị số ít chứ không phải luật pháp mới là thứ phải được thượng tôn làm cho không ít người hoài nghi về kết quả, khả năng cán đích của cuộc vận động chỉnh đốn Đảng lần này ? Khi nhóm lợi ích đang chiếm số đông, ví dụ như trong Ban chấp hành Trung ương Đảng, phần đa đều nắm trọng trách quyền lực nhà nước; vậy trong số này có được bao vị dám chống lại số đông, bỏ phiếu chống, phủ quyết cả chính mình? Hay nhờ có một phép mầu nào đó làm cho các vị này ngộ ra chân lý, lẽ phải, ngộ ra quyền lợi tối thượng dân tộc nó đối kháng hoàn toàn với quyền lợi ích kỷ, bản vị, phe nhóm của các vị nên các vị tự giác bỏ phiếu ủng hộ cái đúng, phủ quyết cái sai, cái xấu, cách chức, bỏ tù hàng loạt quan chức đang làm nghèo đất nước?
Nhà văn Sê-khốp có một câu nổi tiếng đại ý: Sự thật, chân lý đôi khi lại thốt ra từ miệng của những thằng rồ và những bà nhũ mẫu; Đòi hỏi chân lý được minh bạch, sáng tỏ sau những cuộc bầu bán của các tổ chức Đảng là điều mà hiếm người tin vì đó là chân lý của số đông không trong sáng, bị hoen ố, cãm dỗ bởi quyền lợi vật chất. Kỷ cương phép nước làm sao không bị rối loạn khi mà chân lý được điều khiển, định đoạt bởi quyết nghị của số đông không công khai minh bạch; Khi đã không minh bạch thì số đông nào đông hơn, chân lý sẽ thuộc về họ...
P.V.Đ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét