Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Tạ Phong Tần - TÁC ĐỘNG DƯ LUẬN XÃ HỘI ĐẾN ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

Nguồn conduongvietnam

Nhân dịp phiên tòa xử 3 bloggers trong đó có nhà báo tự do Tạ Phong Tần đang diễn ra, chúng tôi xin giới thiệu lại một bài viết về đề tài truyền thông - báo chí tự do phản ánh khách quan tình hình xã hội đã thu hút được sự quan tâm của người dân hơn hẳn so với truyền thông một chiều của nhà nước và dù có bị cấm đoán thì tự do ngôn luận vẫn phát triển và ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội. Bài viết của chị đăng từ tháng 3 năm 2008 nhưng lại mang tính thời sự nóng hổi của tình hình hôm nay

Thuật ngữ "Dư luận xã hội" (Public Opinion) có nghĩa là ý kiến, quan điểm của công chúng, công khai. Hiện nay, ở các nước đang phátt triển đều có Viện Dư luận xã hội, Viện Dư luận xã hội lớn nhất hiện nay là Viện của Mỹ.

Dư luận xã hội là một hiện tượng đặc biệt biểu thị sự phán xét, đánh giá, thái độ của các nhóm xã hội đối với vấn đề có liên quan đến lợi ích. Dư luận xã hội được hình thành qua các cuộc trao đổi, thảo luận công khai.

Dư luận xã hội cũng là một hiện tượng tinh thần nhưng gắn chặt với thực tiễn cuộc sống, xuất phát từ thực tiễn rồi tác động trở lại thực tiễn đó. Vì vậy dư luận xã hội là ý kiến về một vấn đề gì mà dư luận xã hội là tổng hợp của ý thức xã hội, bao gồm: tâm tư, tình cảm, trí tuệ… thể hiện trong sự phán xét, đánh giá và thái độ của các nhóm xã hội về một vấn đề có liên quan đến lợi ích vật chất hoặc tinh thần.

Vì vậy, dư luận xã hội bao giờ cũng có hai vế: chủ thể của dư luận và khách thể của dư luận. Chủ thể của dư luận xã hội có thể là ý kiến của các nhóm xã hội, hay là ý kiến của cộng đồng; khách thể của dư luận xã hội có thể là những vấn đề ở tầm vĩ mô (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… ) hay chỉ một vấn đề thuộc về cá nhân nào đó (Ví dụ: đời tư của một "ngôi sao")

Dư luận xã hội khác với tin đồn ở chổ dư luận xã hội xuất phát từ hiện thực khách quan, lan truyền với độ chính xác cao và liên quan đến lợi ích của người truyền tin. Ví dụ: dư luận xã hội phản ứng trước thông tin sẽ thu phí xe gắn máy để… chống kẹt xe do Sở Giao thông – Công chánh Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất. Còn tin đồn thì thực giả lẫn lộn, người truyền tin thường bỏ bớt chi tiết và hư cấu, thêm thắt suy nghĩ của mình vào cho thêm phần hấp dẫn người nghe. Ví dụ: tin đồn về việc thần thiêng, chữa bệnh bằng cách dùng tay sờ, nhân điện, v.v…

Dư luận xã hội dựa vào chuẩn mực xã hội để đánh giá. Chuẩn mực xã hội có thể thay đổi theo không gian, thời gian, do đó, đánh giá của dư luận xã hội cũng thay đổi theo. Dư luận xã hội còn sắp xếp, điều hòa các quan hệ xã hội, chỉ ra những việc nên làm và những việc không nên làm, phát huy những truyền thống tốt đẹp trong quá khứ để hoàn chỉnh hiện tại (ôn cố tri tân). Dư luận xã hội không đơn thuần là ý kiến mà là tổng hợp ý thức xã hội nên nó tác động mạnh vào ý thức cá nhân, buộc ý thức cá nhân hòa với cộng đồng. Trong thực tế, không phải lúc nào cũng có sự can thiệp của pháp luật, nhất là những vấn đề thuộc về cá nhân, gia đình nhưng dư luận xã hội sẽ có ý kiến để điều chỉnh hành vi sai lệch.

Thời phong kiến, dân ta đánh giá tư cách con người qua các chuẩn mực đạo đức Nho giáo, người quân tử phải đủ "tam cương, ngũ thường", người phụ nữ phải gồm "tam tòng, tứ đức", ai vi phạm các chuẩn mực ấy thì bị xã hội khinh rẻ, xem thường. Xã hội hiện đại ngày nay không còn gò bó theo tiêu chuẩn ấy mà được mở rộng thêm những tiêu chuẩn mới như: năng động, sáng tạo, tác phong công nghiệp, v.v… và dư luận xã hội cũng lên án những thói hư tật xấu như: lười biếng, ăn chơi sa đọa, thực dụng, đua đòi… Người ta sợ bị xã hội, người thân, bạn bè, làng xóm… khinh khi, rẻ rúng hơn là sợ bị chính quyền trừng phạt, tù đày cho chúng ta thấy sức mạnh của dư luận xã hội. Thực tế, đã từng xảy ra nhiều trường hợp vì áp lực dư luận xã hội làm cho nạn nhân phải tự tử hoặc bỏ làng biệt xứ.

Dư luận xã hội còn kiểm soát, kiểm tra không chính thức bộ máy Nhà nước và các cán bộ có cương vị lãnh đạo xem hoạt động có phù hợp với lợi ích tập thể hay không, cần thiết phát hiện ra những vấn đề giúp cơ quan tư pháp, hành pháp thi hành tốt nhiệm vụ. Điều này thể hiện rõ nhất là người dân có thể biết rất rõ vị cán bộ nào có bao nhiêu tài sản của chìm của nổi, mấy vợ mấy con, "hành tung bí ẩn" như thế nào; trong khi đó, bản kê khai tài sản của cán bộ nọ không hề thể hiện và tất cả các vụ việc tham nhũng được phát hiện từ trước đến nay là từ phía quần chúng và báo chí, không có vụ nào do cơ quan, tổ chức Đảng hay đoàn thể vị cán bộ đó phát hiện.

Dư luận xã hội thống nhất ý kiến và kiến nghị nên cũng làm luôn chức năng tư vấn cho Chính phủ. Cụ thể là Chính phủ vẫn kêu gọi nhân dân góp ý các bản dự thảo Luật, các nước tư bản đều có luật trưng cầu ý dân.

Thông thường, sự kiện càng lớn thì quy mô hình thành dư luận xã hội càng cao. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ban đầu có nhiều người tham gia do tưởng rằng có liên quan đến lợi ích của mình, nhưng sau đó hiểu rằng không liên quan thì người ta không tham gia nữa.

Xã hội càng mở rộng dân chủ thì dư luận xã hội càng có điều kiện phát huy. Ngược lại, nếu xã hội không dân chủ thì thay vào chổ của dư luận xã hội sẽ là những tin đồn ảnh hưởng đến đời sống chính trị, xã hội do người ta không được công khai bàn bạc, thảo luận, không có điều kiện kiểm chứng thực hư sự kiện xã hội.

Xã hội đang phát triển thì dư luận xã hội cũng mang tính tích cực, ngược lại, xã hội đang khủng hoảng thì dư luận xã hội cũng mang tính tiêu cực.

Do đó, dư luận xã hội có ý nghĩa là thước đo bầu không khí chính trị, xã hội; là tấm gương phản hồi đường lối, chính sách, pháp luật của Chính phủ; phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân; đánh giá năng lực, phẩm chất của người lãnh đạo; có thể dựa vào dư luận xã hội để dự báo được những diễn biến sắp tới của đời sống xã hội; phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, tăng cường mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân, ngăn ngừa tệ quan liêu, xa rời quần chúng, v.v… Vì vậy, người làm công tác quản lý phải biết điều tra dư luận xã hội, phải biết thu thập, xử lý và phân tích thông tin để có quyết định đúng đắn, chấn chỉnh kịp thời các khiếm khuyết trong đường lối, chính sách, đáp ứng yêu cầu của quần chúng nhân dân.

Như vậy, biện pháp tốt nhất để điều chỉnh dư luận xã hội theo hướng lành mạnh là Chính phủ phải công khai, minh bạch tất cả các loại thông tin. Khi người dân biết rõ vấn đề một cách chính xác, được quyền công khai thảo luận vấn đề đó bất cứ nơi đâu thì người ta không cần phải rỉ tai, nói nhỏ lén lút, "sai một ly đi một dặm", sự kiện trở thành tin đồn tai hại.

Trong thời đại bùng nổ thông tin từ mạng Internet toàn cầu, người ta có thể tìm thấy bất cứ thông tin nào từ một cái click chuột, thì việc cấm đoán, giới hạn, siết chặt quản lý truyền thông… chỉ làm cho truyền thông Nhà nước mất sức cạnh tranh với truyền thông tự do. Ngày nay, truyền thông tự do (các website, blog cá nhân) là một kiểu dư luận xã hội thời kỹ thuật số. Không thể nói tự do trên báo chí chính thống, người dân tìm đến những phương tiện khác, và các website, blog cá nhân là công cụ đắc lực giúp họ thực hiện quyền tự do ngôn luận dù đôi khi để giành quyền được nói, người nói phải ẩn danh.

Dân gian có câu: "Nắm người có tóc, ai nắm kẻ trọc đầu". Nếu cùng phản ánh một sự kiện với quan điểm và cách thể hiện giống nhau, giữa truyền thông Nhà nước và truyền thông tự do, người đọc sẽ tin truyền thông Nhà nước hơn bởi hai chữ "Nhà nước" như một thứ "tem bảo đảm chất lượng hàng hóa" có "cầu chứng tại Tòa", khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại còn có chổ để kiện ra Tòa, còn căn cứ vào truyền thông tự do thì khi bị xâm hại biết kiện ai nếu người viết ẩn danh.

Tuy nhiên, khi truyền thông Nhà nước cứ nói mãi một chiều hoặc không nói đến sự việc nổi bật mà người dân đang nhìn thấy diễn ra trước mắt mình; trong khi truyền thông tự do thông tin với đầy đủ bằng chứng, hình ảnh minh họa thì người dân đương nhiên sẽ tin vào truyền thông tự do và quay lưng với truyền thông Nhà nước. Đến một lúc nào đó, đại đa số người dân tin vào truyền thông tự do thì khi đó truyền thông tự do đã giành quyền kiểm soát, định hướng dư luận xã hội.

Ai cũng biết quy luật cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng, kiến trúc thượng tầng tác động trở lại cơ sở hạ tầng, khi cơ sở hạ tầng thay đổi sẽ tác động làm thay đổi kiến trúc thượng tầng. Khi dư luận xã hội không đồng tình với một quyết sách nào đó thì dùng biện pháp cứng rắn đến mấy ép buộc cũng khó lòng thực hiện được, mà lại gây nên sự căm phẫn, tức giận trong nhân dân thì hậu quả khôn lường.

Hoặc khi dư luận xã hội thờ ơ với chính quyền, không quan tâm đến các hoạt động của chính quyền, người dân hành xử kiểu đối phó với các chính sách của chính quyền thì chính quyền đó có vấn đề không bình thường, cần phải được xem xét, chấn chỉnh, kiện toàn…

Hoặc khi một sự kiện xâm hại đạo đức, xâm hại conngười, xâm hại xã hội nào đó đáng lên án lại bị dư luận xã hội xem là "chuyện thường ngày ở huyện" thì dư luận xã hội tự nó bộc lộ cho chúng ta thấy sự băng hoại đạo đức xã hội, Nhà nước cần có biện pháp can thiệp thích hợp để điều chỉnh tình hình, làm lành mạnh hóa đời sống xã hội.

"Dân ý như Thiên ý", "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh" là nguyên tắc bất di bất dịch đối với một Chính phủ của dân, do dân, vì dân. Vì vậy, nếu một Chính phủ biết quan tâm, biết lắng nghe dư luận xã hội để điều chỉnh đường lối, chính sách đáp ứng dư luận xã hội, cũng là đáp ứng mong mỏi của nhân dân là việc làm chính đáng, phúc đức chung cho cả dân tộc, quốc gia.

Tạ Phong Tần


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét