Người nghệ sĩ của đường phố
Tiếng đàn phát xuất từ mười ngón tay của Tạ Trí Hải, một khuôn mặt thân quen của người biểu tình chống Trung Quốc không phải mới bây giờ mà đã bắt đầu từ năm 2007 khi ông còn lững thững giữa khu vực Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Tiếng đàn ấy nổi lên giữa những giận dữ của từng buồng phổi mở căng. Âm thanh hiền hòa của tiếng vĩ cầm nhỏ bé làm người nghe cảm nhận được rằng, người nghệ sĩ già với gương mặt phong trần này đang khơi gợi lòng yêu nước thiết tha qua từng cung bậc của một loại nhạc cụ mảnh mai nhất trong vô số các nhạc cụ hiện đại hôm nay.
Theo dõi những vụ biểu tình chung quanh bờ hồ trên nhiều trang mạng, trong đó phải kể đến Nguyễn Xuân Diện và Basàm, người đọc luôn thấy hình ảnh của ông loáng thoáng trong đám đông với chiếc nón bất hủ và cây vĩ cầm trên vai, Ông như một sức hút đối với người đi đường. Ban đầu là nhìn ngắm, sau đó là tham dự vào đám đông cốt để tìm hiểu thêm về con người kỳ lạ này.
Người nghệ sĩ ấy, từng làm việc nhiều chục năm trong bộ máy nhà nước và đã về hưu. Ông không hề sống lây lất bằng tình thương hay sự bố thí của người khác. Trước và trên hết, đúng như cái tựa của tác giả Nguyễn Vũ Long, ông là một nghệ sĩ đường phố, sống và lãng tử trên hai thành phố quê hương: Hà nội - Sài gòn. Bên cạnh cây vĩ cầm mà ông khó khăn lắm mới có được, người nghệ sĩ cho chúng ta biết ông bắt đầu vào cuộc chơi này như thế nào:
"Hồi ở Hà Nội học Violon thực tế ra nó khó khăn lắm vì ngày xưa kiếm cây đàn cũng đã khó rồi. Lần đầu tiên được biết cây đàn đó do chú em học ở trường nó chơi thì mình nghe mình thấy thích và đam mê quá rồi cũng lao vào học và tự học thôi. Anh em trong nhà chỉ cho nhau, thế thôi!
Tôi đi khắp các miền đất nước, hang cùng ngỏ hẻm. Mang tiếng đàn đi để làm vui cho các trẻ thơ, các trẻ em khuyết tật và đồng bào ở miền sâu miền xa, đại để thế!Nhạc sĩ Tạ Trí Hải
Lớn lên có một ông bạn là Khắc Huề, là sô-lít một của nhà hát giao hưởng, cả gia đình hồi ở Hà Nội sau 1954 được gọi vào loại nổi tiếng nhất của Việt Nam đấy, bấy giờ thì mình lại càng đam mê nữa vì tiếng đàn nó thu hút.
Thế là từ hồi trẻ cứ đi học mò, do thích thì mình tự học thôi. Nhưng tự học thì khó quá, nhưng do đam mê nên lúc đó cũng say sưa lắm, tìm mọi cách, ngay cả đến đàn cũng không có mà học, đi mượn rất khó khăn. Mà ở nhà thì sau năm 54 nhà cửa nhà nước gọi là chính sách nhà cửa, bốn mét vuông một đầu người, trước nhà anh em mỗi người một phòng thu hẹp lại rất nhỏ, cho nên học đàn này nó khổ lúc đầu, nó cứ cò cưa cò cưa làm khổ tai người khác lắm."
Không riêng gì những cuộc biểu tình chống Trung Quốc mới có sự tham dự của ông mà Tạ Trí Hải còn hiện diện ngay tại những nơi không ai chú ý. Những mảnh đời cơ nhỡ xa xôi, những ánh mắt trẻ thơ bất hạnh khi nghe tiếng đàn của ông có lẽ sẽ dấy lên chút tin tưởng hơn vào người lớn. Ông mang đến cho cuộc đời những món quà nhỏ nhoi bằng tiếng đàn của mình mà không cần biết xã hội phản ứng ra sao khi đồng tiền hơn lúc nào hết chế ngự mọi thứ ngay cả lòng tốt của một nghệ sĩ như ông:
"Tôi đi khắp các miền đất nước, hang cùng ngỏ hẻm. Mang tiếng đàn đi để làm vui cho các trẻ thơ, các trẻ em khuyết tật và đồng bào ở miền sâu miền xa, đại để thế!"
Tiếng đàn thay lời hét
"Năm 2007 có nghe người ta nói biểu tình. Tôi không có internet gì cả, chỉ có nghe truyền tai nhau thôi. Lúc đó tôi tôi nghe phong thanh và tôi xuống Nhà Thờ Đức Bà, chỗ đấy là nơi tôi hay chơi đàn. Công an ở Quận Nhất họ biết tôi quá rồi.
Tôi ra đến chỗ bưu điện thì họ chặn lại. Họ có hỏi là bây giờ bác đi đâu, tôi mới bảo là tôi đi ra Nhà Thờ Đức Bà tôi đàn, và nghe đâu hôm nay có biểu tình chống Trung Quốc giết đồng bào mình, giết người dân đánh cá của mình."
Sau năm ấy, từ Sài Gòn, ông bay ra Hà Nội với chiếc vé máy bay do một công ty bảo trợ nhằm tôn vinh ông vì là một trong 100 khuôn mặt nổi tiếng của Hà Nội nhân dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long.
Từ lần trở về này, ông thực sự sống lại với đường phố Thăng Long, đánh thức những vui buồn từ thuở thiếu thời với những con đường Hà Nội. Những nơi chốn gắn bó và thân thương trong suốt hơn bảy mươi năm làm người nghệ sĩ chân đất này nhớ lại đây cũng chính là nơi nuôi nấng tiếng đàn của ông từ lúc bắt đầu bằng những âm thanh đơn giản nhất trong ngôi nhà bé nhỏ nơi ông từng trải qua.
Thời bọn tôi còn trẻ mà, thế bây giờ tôi bảo tại sao trước đây thì chống Mỹ vì cho là nó xâm lược mình, vậy mà bây giờ Tàu nó xâm lược mình trắng trợn như thế mà tại sao mình chống Tàu lại bị ngăn cấm?Nhạc sĩ Tạ Trí Hải
Với số tuổi thất thập gần đất xa trời người nghệ sĩ ấy vẫn không có một mái nhà đúng nghĩa để trú thân. Tiếng đàn vẫn trung thành theo ông trong nhịp sống ngày một yếu hơn bởi quỹ thời gian không còn nhiều nữa. Mặc dù làm việc trong hệ thống đã nhiều chục năm nhưng quá khứ bất đồng với các cơ quan ông từng trải qua khiến mọi chính sách đóng cửa trước mặt người nghệ sĩ già này. Vậy mà ông vẫn nhởn nhơ, vẫn xem chuyện đời là hư không và nhất là vẫn hào sảng khi nhận xét về hệ thống mà ông từng cộng tác trong nhiều chục năm trời.
Khi được hỏi có bao giờ ông tham gia vào đảng Cộng Sản hay không, ông khẳng khái cho biết:
"Không! Nhẽ ra là bác vào đảng năm 55 rồi, nhưng bác không vào. Bác chấp nhận không vào đảng. Bác biết là bác vào thì cuộc đời mới nở hoa, nhưng bác nhìn thấy ngay từ tuổi trẻ, cái lý tưởng cộng sản mà trước đó bác theo thì nó đẹp nhưng mà dần dần bác thấy nó không hay, không tốt và nó thực tế là dối trá, lừa đảo và bịp bợm, cho nên bác chấp nhận không vào. Và chính vì bác không vào đảng cộng sản cho nên cuộc đời bác mới thế này."
Có lẽ thao thức với những gì đang xảy ra chung quanh cuộc sống khiến người nghệ sĩ này gần gũi và chia sẻ với người biểu tình nhiều hơn. Khó ai nghĩ rằng những tiếng hô vang vang trên bờ hồ Hà Nội hôm nay đã nhắc nhở người nghệ sĩ quãng thời gian mà ông có trước đây khi tham gia vào các cuộc biểu tình chống Mỹ do nhà nước tổ chức trong thời gian chiến tranh Việt Nam.
"Ô! Lúc đó, đi biểu tình tôi nhớ lại năm tháng hồi trẻ chính nhà nước này đã tổ chức đi biểu tình. Ngày xưa là thời Hồ Chí Minh, bảo là biểu tình chống Mỹ. Thời bọn tôi còn trẻ mà, thế bây giờ tôi bảo tại sao trước đây thì chống Mỹ vì cho là nó xâm lược mình, vậy mà bây giờ Tàu nó xâm lược mình trắng trợn như thế mà tại sao mình chống Tàu lại bị ngăn cấm? Rõ ràng, tôi bảo như thế là không thể chấp nhận được.
Vào lúc đó có dịp là tôi thể hiện luôn thôi, mặc dầu tiếng đàn lúc đó bị tiếng loa của công an rồi tiếng hô nó lấn át hết cả, nhưng tôi vẫn thể hiện được bằng ấy một cách mạnh mẽ đến nỗi đánh đứt cả dây đàn luôn nữa mà."
Toàn dân Nam ơi, đứng lên chống Tàu cứu nước Giành lại Hoàng Sa – Trường Sa quân Tàu ăn cướp Tàu ô quân sói lang, ngàn năm cướp nước ta, hòng sai quan nước Nam làm tôi tớ chư hầu.
Còn gì nhục bằng đồng bào ơi!
Vùng lên tranh đấu diệt bành trướng
Đập tan áp bức, bóc lột, bất công,
Cộng Trung Hoa kia hết hồn khiếp vía
Diệt hết lũ cướp nước: giặc phương Bắc kia Quân cướp ngày ác tham ngậm máu phun người.
Dân Nam ơi, vùng lên diệt hết nhục
Dân Nam ơi, đâu còn đất nước Việt nô lệ Tàu ô giết dân Việt Nam Bắc Kinh bạo chúa thực dân cướp ngày.
Người nghệ sĩ càng nói càng tỏ ra phấn khích khi có cơ hội nhắc lại cho ông những buổi biểu tình bên các người bạn trong đó không ít nguời có tuổi đời khá trẻ so với dạn dày mà ông đã trải qua. Già hay trẻ đối với nghệ sĩ Tạ Trí Hải cũng đều là đồng chí vì họ cùng một giọng nói chống lại phương Bắc. Hai chữ đồng chí đã khá lâu ông không còn có dịp nhắc tới bởi mỗi lần nhắc là ông lại ngậm ngùi cho số phận riêng mình…
Popout
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét