Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Hiệu Minh : Lan man về…quân tử

Nguồn hieuminh

Khổng Tử. Ảnh: internet

Nghe nói mấy hôm nay BCT họp kiểm điểm lần hai. Nhiều nơi cũng kiểm điểm xong lần một.

Chả hiểu có ai bị khiển trách phê bình gì không, mà toàn thấy thông báo, đã làm xong, về cơ bản đại đa số là tốt, trừ một số không nhỏ, nghe mãi rồi đâm chán.

Thời cải cách ruộng đất sai lầm, cụ Hồ còn đứng lên xin lỗi trước Quốc hội, rồi vài ông chóp bu mất chức hay bị thuyên chuyển công tác.

Thời nay chưa có ai nhận khuyết điểm cả, toàn người tốt. Có lẽ đúng như TBT Nguyễn Phú Trọng nói "Nếu không thật tự giác, chân thành thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình."

Nhân chuyện bàn về tự phê bình, Tổng Cua đang gặp chuyện tương tự. Mấy hôm nay tôi lo chuẩn bị cho một hội thảo nhóm nhằm cải thiện dịch vụ trợ giúp IT cho văn phòng vì có vài bất cập do khách hàng kêu ca tới sếp to.

Ông sếp thông báo đã gặp vài đồng nghiệp để góp ý thì ai cũng nghĩ là dịch vụ đang rất tốt, chẳng cần phải cải tiến.

Họp riêng với mình, lão nháy mắt bảo, người ta ở trong một căn phòng bị bốc mùi từ rất lâu, mũi quen rồi, không thấy đâu. Nhưng người lạ vào đó sẽ nhận ra mùi hôi thối.

Mình nghe rất đau, nhưng lão nói đúng. Thấy sai phải sửa, phải hành động, nếu không muốn mất việc.

Khi họp nhóm, tôi báo cáo lại những gì lão sếp nói, bàn nhau làm tốt hơn. Tôi còn kể thêm một chuyện tương tự.

Năm 1950, một nhà báo Mỹ viết cuốn sách về lớp tiện dân Ấn sống bẩn thỉu, vô văn hoá, bị cả nước Ấn độ lên án ầm ầm. Có người Ấn viết hẳn cuốn sách chửi lại Mỹ cũng sống bẩn không kém.

Người cha tinh thần Mahatma Gandhi đọc xong cuốn sách, nghĩ vài ngày, rồi nói với các tông đồ "Đây là cuốn sách nói về vệ sinh cộng đồng. Chúng ta nên đi cọ chuồng xí thì hơn."

Nói rồi, Mahatma cùng các tông đồ đi quét dọn nhà vệ sinh. Từ đó, người Ấn không còn tầng lớp tiện dân.

Đại loại, thấy ai chê mình bẩn thì trước hết hãy ngửi quần áo, đầu tóc mình trước rồi hãy cãi. Đó là một cách tu thân của người quân tử.

Khi còn sống, cha tôi thích Khổng Tử, dù ông chẳng biết tý chữ Nho nào. Ông cho rằng, các vị lãnh đạo đất nước cần hành xử như quân tử. Cụ treo ảnh của mười mấy vị lãnh đạo, từ chủ tịch nước, tổng bí thư đến đại tướng và coi đó là gương cho các con noi theo.

Ngày xưa, người làm quan được coi là quân tử, kẻ không đủ tư chất được gọi là ngụy quân tử, dân thường được gọi là tiểu nhân.

Cha tôi dạy con, quân tử là người luôn sống ngay thẳng, hành động theo lẽ phải và không khuất tuất vụ lợi cá nhân và phải đủ ngũ thường: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, trong đó Nhân là quan trọng nhất.

Tôi nhớ lời cha thưở nào và nghĩ 14 vị BCT của ta hiện nay cũng phải đứng vào hàng ngũ quân tử. Thành quân tử rồi mà vẫn phải tự kiểm điểm chứng tỏ đảng ta rất muốn hoàn thiện thêm trước mắt dân.

Ngụy quân tử. Ảnh: internet

Để hiểu thế nào là quân tử, tôi tra trên internet (wiki) và copy lại cho bà con đọc. Biết đâu chúng ta biết cách nhận ra ai là quân tử, ai là ngụy quân tử hay ai là tiểu nhân trong thời buổi hỗn mang này.

Quân tử phải có đủ 5 đức tính, 9 tiêu chuẩn và 8 thang hành động.

Ngũ thường: Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín

  1. Nhân: người với người đối xử với nhau trên cơ sở tình thương yêu. Cái gì bản thân mình không muốn hoặc người không muốn thì không làm cho người. Cái gì người muốn thì tích tụ lại cho người. Mình muốn đứng vững thì làm cho người khác đứng vững. Mình muốn thành đạt thì giúp đỡ cho người khác thành đạt.
  2. Lễ: Ngoài chuyện tôn trọng thánh thần, trời phật, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, thì cũng phải tuân theo pháp luật và giữ vững kỷ luật cá nhân.
  3. Nghĩa: Chỉ làm và nên làm những việc nhằm duy trì đạo lý, lẽ phải.
  4. Trí: Trí thức để suy xét, hành động, làm theo mệnh trời và dòng thời cuộc.
  5. Tín: Việc làm nhất quán với lời nói, giữ lời hứa bởi "nhất ngôn kí xuất, tứ mã nan truy".

9 tiêu chuẩn

  1. Con mắt tinh anh để nhìn rõ vạn vật.
  2. Thính giác tinh tường để nghe rõ vạn vật.
  3. Sắc mặt luôn ôn hòa.
  4. Tướng mạo luôn được giữ cho khiêm cung, cẩn trọng, cung kính với người trên, thân ái, hòa đồng với người dưới.
  5. Lời nói luôn giữ bề trung thực.
  6. Hành động phải luôn cẩn trọng.
  7. Có điều nghi hoặc phải luôn hỏi han để làm cho rõ.
  8. Kiềm chế: Khi nóng giận phải nghĩ đến hoạn nạn có thể xảy ra, không giận quá mất khôn.
  9. Thấy lợi phải luôn nghĩ đến nghĩa, không vì lợi mà quên nghĩa, có quyền lợi chính đáng phải biết nghĩ đến người khác, lộc bất tận hưởng.

8 hành xử: Cách vật, Trí tri, Thành ý, Chính tâm, Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình Thiên hạ

  1. Cách vật: Luôn tiếp xúc, nghiên cứu kỹ sự vật, sự việc để nhận rõ thực chất, phải trái.
  2. Trí tri: Luôn ngẫm nghĩ để thấu hiểu điều mình đã nhận thức được.
  3. Thành ý: Luôn chân thật, không dối người và cũng không dối mình.
  4. Chính tâm: Luôn suy nghĩ, hành động ngay thẳng, chính trực và làm chủ bản thân mình.
  5. Tu thân: Luôn nghiêm khắc với bản thân mình, sửa chữa những thiếu sót, không bảo thủ để nhận rõ sai sót nhằm hoàn thiện bản thân.
  6. Tề gia: Làm cho gia đình mình tốt đẹp, tề chỉnh, có nề nếp, gia phong.
  7. Trị quốc: Lo toan việc nước, cai trị đất nước cho có kỷ cương, phép nước.
  8. Bình thiên hạ: Khiến cho thiên hạ thái bình, lòng người quy thuận.

Chuyện vui về loài ghẻ

Con ghẻ. Ảnh: internet

Kết thúc entry bằng câu chuyện vui. Chả là người đời chửi con ghẻ gây ngứa ngáy khó chịu, chui vào trong da đục khoét, ăn bám, rất khó trị.

Nhưng chúng lý luận, dân ghẻ có đủ ngũ thường. Này nhé. Nhân: tùy người mà lây; Nghĩa: ghẻ không lây lên mặt; Lễ: hai tay xoa vào nhau để gãi như vái lạy; Trí: toàn tìm chỗ kín để sinh sôi nảy nở; Tín: đến theo mùa.

Chúc bà con vui cuối tuần.

HM. 21-9-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét