Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

BBC. Tương lai Vân Phong, một bằng chứng nữa về quản lý yếu kém?

Nguồn BBC

Tiếp tục xây cảng Vân Phong sau 2015

Cập nhật: 15:24 GMT - thứ bảy, 29 tháng 9, 2012


114 cọc thép của dự án cảng Vân Phong bị ngưng tại Khánh Hòa

Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị với chính phủ tạm ngưng dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.

Cảng Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) sẽ được tiếp tục xây dựng sau năm 2015 "bằng hình thức xã hội hóa từ các nhà đầu tư đủ năng lực trong nước cũng như quốc tế", Thứ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Hồng Trường, được trang mạng Đài tiếng nói Việt Nam trích thuật.

Hồi đầu tháng này, Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn tới Bộ Giao thông Vận tải thông báo quyết định của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc dừng thực hiện dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong dựa trên đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Dự án cảng Vân Phong là cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của Việt Nam được giao cho Vinalines làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 3,6 tỷ USD và được đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới phát lệnh khởi công vào ngày 31 tháng 10/2009.

Theo báo mạng Sài Gòn Tiếp Thị, Vinalines đã tổ chức khởi công dự án trên khi chưa có tổ chức tài chính nào bảo đảm vốn đầu tư cho dự án và tờ báo này trích dẫn: "Vinalines đã 'phóng tay' chi 4,144 tỉ đồng để tổ chức sự kiện này" trong khi theo quy định, lễ khởi công chỉ được phép tiêu tối đa 50 triệu đồng.

Vẫn theo Sài Gòn Tiếp Thị, "theo tính toán của các chuyên gia, việc cảng chậm tiến độ gây thiệt hại nặng. Trong đó, chỉ riêng việc không khai thác được hàng trung chuyển, hàng hoá phải trung chuyển qua cảng nước ngoài đã làm thiệt hại mỗi năm hơn 100 triệu USD."

Tương lai cảng Vân Phong

Nay, trang mạng báo Đầu tư trích thuật ông Nguyễn Mạnh Ứng, Phó tổng giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển, nói cơ hội khởi động lại Dự án đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, sau khi công trình này được tạm chuyển giao cho Cục Hàng hải Việt Nam (Vinamarine) quản lý, là "Cảng Vân Phong khó có thể trở thành cảng trung chuyển quốc tế ít nhất trong 15 - 20 năm nữa."

"Lãng phí lớn nhất với Dự án Cảng Vân Phong không chỉ là vài trăm tỷ đồng vật tư thi công dang dở cùng chi phí bồi hoàn hợp đồng với nhà thầu, mà là việc để lỡ cơ hội phát triển Cảng Vân Phong thành cảng trung chuyển quốc tế", ông Nguyễn Mạnh Ứng được báo Đầu Tư trích thuật.

Hãng tin AP trong bài viết chuyên đề về dự án này đã miêu tả "những gì còn lại từ dự án xây dựng một cảng nước sâu chính của Việt nam là 114 cọc thép (114/1.729 cọc, chiếm 6% số cọc) chạy dài xuống biền Đông và một xà lan toàn những máy móc rỉ".

Vẫn theo hãng AP, các nhà đầu tư nước ngoài đang tránh xa dự án trị giá 3,6 tỷ đô la này còn Vinalines, công ty chủ đầu tư dự án, thì bị chính phủ cáo buộc là "yếu kém về tài chính" và khả năng tái tục dự án này là rất nhỏ nhoi.

Thiếu năng lực quản lý

Các nhà chỉ trích nói rằng dự án bị ngưng này là một biểu tượng về tình trạng thiếu năng lực của đất nước do Đảng cộng sản cầm quyền và cần có cải tổ với hàng loạt tổng công ty nhà nước đang kìm hãm nền kinh tế từng một thời phát triển mạnh.

Ụ tàu nổi 83M

Việc Vinalines mua ụ tàu nổi 83M đã dẫn tới thất thoát khoảng 5 triệu đô la Mỹ

Các nhà chỉ trích cũng cho rằng nó cho thấy các công ty do nhà nước và chính quyền địa phương sở hữu được phép theo đuổi những dự án cơ sở hạ tầng thường là đầy tham nhũng, rất tốn kém và "bị lừa" để rồi kết quả là một số người thì nhờ đó làm giàu nhưng mà không đem lại phát triển kinh tế để 87 triệu người dân có thể được hưởng lợi.

Nay chính phủ đang kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước cho dự án này sau khi Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã bị gạt ra ngoài. Nhưng các phân tích gia cho biết điều này khó xảy ra vì dự án trên diện tích khoảng 750 ha, gồm 37 bến (chiều dài toàn bến khoảng 12.564m), lại không gần một cơ sở sản xuất quan trọng nào trong vùng và ngay từ đầu đã không thực tế.

Hãng AP trích thuật ông Vũ Tú Thành, đại diện cho US-ASEAN có trụ sở ở Washington, Hoa Kỳ, nói rằng các nhà đầu tư có tiềm năng muốn chính phủ Việt Nam phải thực hiện những cải cách kinh tế trên phạm vi rộng dẫn tới loại bỏ các công ty quốc doanh yếu kém nhất.

Thiếu tính cạnh tranh

Năm 2010, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) gần như phá sản với các món nợ lên tới 4,5 tỷ đô và đã bị chủ nợ khiếu kiện tại tòa ở London khiến Việt Nam bị hạ bậc tín dụng quốc gia và vụ việc này đã rung tiếng chuông cảnh báo về một yếu điểm lớn trong nền kinh tế nước này.

Sau Vinashin, những yếu kém của Vinalines cũng bị bộc lộ khi cảnh sát bắt một số quan chức cao cấp của doanh nghiệp nhà nước này vì những quản lý sai trái và việc mua ụ tàu nổi 83M dẫn tới thất thoát khoảng 5 triệu đô la Mỹ.

Tới tháng Năm năm nay, các thanh tra chính phủ đưa ra báo cáo cho thấy Vinalines nợ 1,1 tỷ đô và đã mua 73 tàu nước ngoài mà nhiều trong số này lỗ hàng triệu đô trong khi cựu Tổng giám đốc Vinalines, ông Dương Chí Dũng, bị truy nã và mới bị bắt hồi đầu tháng Chín.

Việt Nam có bờ biển dài 3.200 cây số và ở vị trí quan trọng tại Biển Đông với những tuyến đường hàng hải trong số lớn nhất thế giới. Nhưng việc thiếu những cơ sở hạ tầng được kết nối đã khiến các cảng của Việt Nam kém cạnh tranh so với các trung tâm thương mại quốc tế đã được thành lập lâu năm như Singapore, Thượng Hải và Hong Kong.

Kết quả là nhiều nhà sản xuất tại Việt Nam đã buộc phải gửi hàng tới các cảng lớn nói trên và từ đó chuyển tiếp tới châu Âu và Bắc Mỹ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét