Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Bọ Lập đề xuất giải Trần Nhân Tông cho người Việt

Nguồn quechoa


Huân chương được trao cho Tổng thống Myanmar, ông U Thein Sein và Chủ tịch Đảng đối lập NLD – bà Aung San Suu Kyi.

Ngày thứ bảy nói chuyện phiếm cho vui. Mình đang nhức đầu chẳng muốn nói chuyện gì khác.

 Số là có một giải thưởng quốc tế mới ra đời mang tên  Trần Nhân Tông, ông vua Number one của Việt Nam. Ai chưa biết xin  vào đây để đọc: Bấm vào đây!. Đây là giải thưởng về sự hòa giải, một chủ đề rất lớn của quốc tế, với nước ta lại càng lớn. Tiêu chí của giải thưởng này trao cho 2 người ở 2 phía đối lập, xung đột, bắt tay, hoà giải với nhau. Giải Trần Nhân Tông đầu tiên được trao cho  cặp đôi người Myanmar  là tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi. Mình chắc rằng cả thế giới sẽ nhất trí cái rụp vì họ quá xứng đáng.

Nhà báo Hữu Nguyên viết bài đặt vấn đề:  Bao giờ có hai người Việt Nam nhận Giải thưởng Trần Nhân Tông? (tại đây): "Tuy nhiên, có lẽ một điều mong chờ mà cũng là niềm khao khát vô biên của mọi người Việt Nam ngày nay rằng đến bao giờ mới xuất hiện hai người Việt Nam đủ các điều kiện để nhận Giải thưởng quốc tế mang tên Trần Nhân Tông? Một giải thưởng quốc tế mang tên một người Việt Nam đã làm rạng danh lịch sử dân tộc với nội hàm sâu sắc về hòa giải, yêu thương, đoàn kết để cùng phát triển các giá trị, di sản của người Việt mà biết bao thế hệ đã phải đổ xương máu giữ gìn cho tới tận hôm nay, bao giờ sẽ được trao cho hai người Việt Nam hiện tại. Hai người sẽ thật sự chân thành bắt tay nhau và cùng nhau hành động vì tương lai, vì lợi ích quốc gia – dân tộc, cho dù trước đó ít lâu họ có thể được coi như là thù địch về chính trị."

Đặt vấn đề rất hay. Ừ nhỉ,  giải mang tên ông vua Việt mà người Việt không dính giải thì buồn cả. Nhưng đề cử cặp đôi nào bây giờ? Cái này tâm quốc gia, quốc tế mình chỉ tầm đáy giếng không bàn được. Nhưng dù thế nào mình cũng là người Việt không nghĩ tới không được.

Mình nghĩ tới mấy cặp đôi, ví dụ nhà thơ Trần Mạnh Hảo và nhà thơ Đỗ Minh Tuấn ( Ông Tuấn gọi ông Hảo là cái ca bốt của Đảng, ông Hảo gọi ông Tuấn là cái ca bốt rách của Đảng). Vì dụ nhà thơ Hoàng Quang Thuận với hai nhà thơ Lê Thiếu Nhơn và Trần Nhương ( blog hai ông này đăng bài về ông Hoàng Quang Thuận nhiều nhất, kết quả là  blog của hai ông trước sau đều bị đánh sập).

Như thế thì  nhiều ví dụ lắm, ví dụ blogger Beo với blogger Osin chẳng hạn, hi hi. Nhưng các cặp đôi này tầm nó hơi bị… không lớn, khó ăn giải quốc tế lắm.

A, phải rồi. Một cặp đôi cực kì nổi tiếng, kể từ khi có Công văn số 7169/VPCP-NC của Văn phòng Chính phủ thì cặp đôi này  nổi tiếng trùm khắp bốn cõi, đó là cặp đôi blogger Quan làm báo và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. A ha ha hay, hay lắm. Bây giờ chỉ cần ngồi rung đùi chờ một ngày đẹp trời TT Nguyễn Tấn Dũng ôm chầm lấy blogger Quan làm báo, nói anh hiểu sai chú mày.  Nếu ngày xưa anh nghe chú mày thì đâu đến nỗi như bây giờ…Khi đó mình lập tức điện cho GS Thomas Pat­ter­son, chủ tịch giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông, để đăng kí ứng cử viên của giải. Bảo đảm ăn giải chăm phần chăm.

He he tui đề xuất rứa có phải không bà con?

Nguyễn Quang Lập

=======================


Nguồn thongcao55

Mình vì mọi người ở Miến Điện

"Mình vì mọi người", câu khẩu hiệu ấy còn một vế nữa "mọi người vì mình", được coi là thuộc sở hữu, bản quyền của cách mạng, tôi nghe từ hồi còn bé tí. Cụ Hồ hay nhắc đến câu này để răn dạy cán bộ. Những bức tường ở miền Bắc hồi xưa nhan nhản khẩu hiệu, trong đó câu trên được kẻ vẽ nhiều nhất.

Đã có thời, xa lắm rồi, nhiều cán bộ đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo cấp cao nói riêng, thực sự sống theo phương châm "mình vì mọi người". Khi còn tại vị, họ là tấm gương, khi qua đời, họ được người dân thương tiếc ca ngợi. Giờ thì hiếm lắm. Tiếc thay.

Hôm nay bất chợt đọc cái tin giải thưởng hòa giải hòa hợp Trần Nhân Tông được Viện Trần Nhân Tông (Đại học Harvard, Mỹ) trao cho hai nhà lãnh đạo Myanmar (Miến Điện): tổng thống U Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi. Lại nhớ dạo cách đây chưa lâu người xứ ta rất coi thường Miến Điện, họa chăng chỉ có khen gạo Miến Điện trắng ngon. Mà người Việt ta lạ thật, dù mình chưa là cái đinh gì trên bản đồ thế giới nhưng rất giỏi coi thường người khác. Họ chẳng thèm nhớ xứ Miến ấy từng có cả Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc U Thant chắc ghế suốt 10 năm trời (1961-1971), xứ Miến hồi giữa thế kỷ trước đã có những năm tháng phát triển rất ấn tượng khi ta chỉ mải đánh nhau. Xứ Miến không may khi nảy nòi ra bộ máy độc tài chuyên chế cầm quyền, nhà binh hóa gần như trăm phần trăm đội ngũ lãnh đạo. Chính quyền kiểu gì mà toàn những thống chế, tướng lĩnh, mở miệng ra là thét gào trừng trị, bắn giết, mỗi lần động chân động tay là lũ lượt dân chúng vào tù. Cả nước như chốn lao tù. Giới quân nhân hoành hành biến đất phật Miến Điện xinh đẹp, hiền lành thành nơi cả thế giới khinh ghét, coi thường. Ở Miến Điện không có trời bởi giới quân nhân cầm quyền là trời. Cao hơn trời, to hơn trời, vững như bàn thạch không gì lay chuyển được. Vì vậy Miến Điện cứ thế tụt hậu, ai cũng nghĩ là vô phương cứu chữa. Thủ tướng nhà ta còn cầm lòng không đậu đã sang khuyên bảo họ điều này điều nọ, rằng nên học Việt Nam. Kể ra lằng nhằng thế để thấy rằng có những thứ tưởng đổ bê tông chắc khừ, nhất thành bất biến, bất di bất dịch, vậy mà đổi thay, thay trong phút chốc, thay đến kỳ diệu, lạ lùng.

Có mấy ai dám hình dung ra ngày chính quyền quân sự Miến Điện sẽ hồi lại tâm tính, thức tỉnh bước khỏi cơn mê quyền lực, dám hy sinh chính mình để vì quyền lợi dân tộc. Không nghĩ có ngày họ lại chịu bắt tay San Suu Kyi kẻ thù không đội trời chung. Độc tài chuyên chế mà lại cùng chiếu với dân chủ ư? Chuyện lạ. Vậy mà họ làm được, làm nhanh, làm tốt. Tổ chức bầu cử tự do, tôn trọng đảng phái đối lập, chấp nhận San Suu Kyi đắc cử, thả ào ạt tù chính trị, cho phép tự do ngôn luận tự do báo chí... Bầu trời Miến Điện trở nên tươi sáng, xã hội Miến Điện thoát khỏi sự ngột ngạt, con người Miến Điện được làm quen với tự do. Một cuộc cách mạng thật sự, không gây chết chóc đau thương, mở ra tương lai tốt đẹp cho xứ này. Tại sao họ làm được như thế? Một người bạn tôi bảo vì xứ Miến Điện thấm nhuần tinh thần Phật giáo, dù có thời điểm nào đó bị thế lực hắc ám thống trị nhưng căn bản tâm hồn con người Miến Điện vẫn là hòa hợp, hòa giải, yêu thương, từ bi hỉ xả. Điều đó chẳng sai, nhất là trên đất nước mà đạo Phật là quốc giáo. Riêng tôi còn thấy rằng, một nguyên nhân rất quan trọng là những người cầm quyền đã giác ngộ thực sự, biết quên mình đi, biết "mình vì mọi người". Họ không thèm hô khẩu hiệu ấy nhưng lời nói, việc làm, nghĩ suy của họ thấm nhuần tinh thần "vì mọi người". Không đăng đàn diễn thuyết, không hình thức tổ chức học tập làm theo này nọ, không xảo trá nói một đằng làm một nẻo, không trát phấn tô son cho cái lỗi thời, rác rưởi. Họ xóa bỏ hận thù, chặt bớt cái tôi to đùng trong mỗi con người, sẵn sàng phục thiện, sẵn sàng nhận lỗi xin lỗi, sẵn sàng tôn vinh "kẻ thù" nếu "kẻ thù" hay hơn, tốt hơn, được lòng dân hơn mình.

Chưa dám khẳng định Miến Điện đã qua cơn tăm tối, đã hết bĩ cực để vào thái lai. Nhưng Miến Điện đang tràn đầy hy vọng. Hạnh phúc không ở ngưỡng cửa nữa mà đã lan tỏa trong nhà. Tôi đồ rằng những nhà thông thái của ủy ban xét tặng giải thưởng hòa bình Nobel Na Uy chắc chẳng ngại ngần gì mà không ghi tên ngài tổng thống Thein Sein vào danh sách, đưa vào top 10, top 5 hoặc vào chung kết. Nếu giây phút xướng danh, tên của vị thống chế ghê gớm ngày nào được hô lên thì chắc những người yêu hòa bình, hòa giải, hòa hợp trên trái đất này cũng chả lấy làm ngạc nhiên. Bởi vì ông hoàn toàn xứng đáng. Sau giải Nobel hòa bình của San Suu Kyi, thêm giải nữa cho Miến Điện, cho Thein Sein, ai dám bảo là không nào.

Học người để sửa mình. Nay để học, chả cần xuống tàu bến Nhà rồng đi Âu-Mỹ làm chi cho xa, cứ bước vài bước qua xứ Miến đã khối điều hay. Mới hôm nào mình (cứ tưởng mình giỏi mình tài) khuyên bảo họ, nay họ làm tốt hơn, sang mà học. Lẽ thường, chả có gì xấu hổ.

Cơ bản là có muốn học hay không, có muốn "mình vì mọi người" hay không? Hay chỉ muốn kẻ khẩu hiệu trên tường?

23.9.2012, ngày Nam bộ kháng chiến
Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét