Tham nhũng, lãng phí đã trở thành căn bệnh trầm kha, không chỉ cản trở mà còn triệt tiêu hết động lực của sự phát triển; không chỉ nhức nhối, khó chịu, phản cảm mà còn làm băng hoại thuần phong, mỹ tục, đảo lộn các chuẩn mực đạo đức xã hội, khiến văn hoá suy đồi. Văn hoá – Nền tảng tinh thần của mọi sự phát triển mà suy đồi, xuống cấp thì thử hỏi nước Việt rồi sẽ về đâu trước những biến thiên của lịch sử.
Nói vậy để thấy mức độ tàn phá khủng khiếp của tham nhũng, lãng phí do một bộ phận không nhỏ có chức, có quyền, là đảng viên Đảng Cộng sản (đương nhiên rồi) gây ra. Ấy thế nhưng từ nhận thức đến hành động của những người có trách nhiệm lại thiếu nhất quán, lúng túng và hoàn toàn bất lực trước nạn nội xâm này.
Còn nhớ, tại các cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, Đại biểu Quốc hội, Giáo sư Nguyễn Phú Trọng lại ví von: "Tham nhũng lớn cũng có, tham nhũng nhỏ cũng có như ngứa ghẻ, rất khó chịu".
Đây là cách ví von rất không ổn, nếu không muốn nói là nhầm lẫn. Tham nhũng, lãng phí nguy hiểm gấp bội lần. Ghẻ chỉ là bệnh ngoài da, rất dễ chữa. Thậm chí, trong dân gian, nếu nhà nghèo, không có tiền mua thuốc có thể dùng "dầu luyn" bôi cũng có thể khỏi!. Còn tham nhũng lãng phí thì hết ngày dài lại đêm thâu, hết nghị quyết này đến nghị quyết khác, hết cuộc vận động này, đến cuộc vận động khác dù vô cùng tốn công sức, tiền của nhưng lạ thay, càng hô hào, càng quyết liệt phòng, chống thì bệnh lại càng quyết liệt trầm kha như thách thức, như trêu ngươi cả hệ thống chính trị.
Cũng tại các buổi tiếp xúc cử tri, ĐBQH, Giáo sư Trọng còn bộc bạch ông có thể nói hàng mấy tiếng đồng hồ về tham nhũng và lợi ích nhóm… Người viết trộm nghĩ, không hiểu giáo sư Trọng sẽ bàn về điều gì ? Phải chăng (lại phải chăng!) là về thực trạng tham nhũng lãng phí và những kết quả đạt được trong phòng chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua ? Nếu thế thì quả thật không cần thiết vì giáo sư có nói bao nhiêu thời gian đi nữa cũng không đủ đầy bằng báo cáo của Tổng kiểm toán Nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội…Dù rằng, các báo cáo nói trên vẫn chỉ là một nửa của sự thật, vẫn là phần nổi của tảng băng chìm tham nhũng lãng phí. Chỉ có tai mắt nhân dân, chỉ có công luận mới là người am tường chân tơ, kẽ tóc, mới biết được đường đi lối về của tham nhũng lãng phí. Tiếc thay, hoặc là ý kiến của nhân dân không được lắng nghe một cách thực tâm để xem xét, xử lý một cách rốt ráo theo đúng các quy định của pháp luật; hoặc là nhân dân mất hết niềm tin do thói nói một đằng làm một nẻo của các cấp lãnh đạo trong phòng chống tham nhũng, lãng phí…; hoặc là nhân dân dù căm phẫn cùng cực trước những hành vi ăn cướp của một bộ phận không nhỏ nhưng chưa đứng lên tố cáo vì còn thiếu một nhân tố cốt lõi: Tính dân chủ công khai trong đời sống xã hội và cơ chế bảo vệ người tố cáo.
Giáo sư Trọng cũng đã rất bức xúc trước vấn nạn lợi ích nhóm và đã cố gắng trìu tượng hoá "một bộ phận không nhỏ". Nhưng khi nghe Giáo sư thông báo rằng hầu hết nhân dân nhất trí kinh tế nhà nước vẫn là chủ đạo trong sửa đổi hiến pháp tới đây thì người viết lại thấy giáo sư đang mâu thuẫn với chính mình. Thật vậy, Giáo sư Trọng cũng như các đại biểu quốc hội Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng đi đâu cũng đề nghị "người ta" coi mình là kinh tế thị trường, tại sao lại đi "xin" những thứ mà hoàn toàn trong một thời gian ngắn ta có thể làm được. Xấu hổ chết đi được, như thể là giáo sư, tiến sĩ xin đặc cách nợ bằng này, chứng chỉ nọ vậy. Chủ đạo của kinh tế nhà nước thì hiểu thế nào cho đúng khi hàng ngày hàng giờ đang phơi ra những quả đấm thép, chủ đạo trong ăn cắp, trong lợi ích nhóm và lãng phí vô tội vạ. Các đại biểu quốc hội thực hiện chức trách của mình thế nào mà lại để EVN – Chủ đạo của chủ đạo, nòng cốt của nòng cốt đưa cả biệt thự, bể bơi, sân tennis vào giá điện; Chủ tịch và Tổng Giám đốc EVN mua xe gấp 2,5 lần quy định, trong lúc đất nước đang kiệt quệ, nhân dân lầm than, hàng nghìn, hàng vạn cháu nhỏ đang đói rách cơ hàn, vẫn hàng ngày nhai khoai sắn với muối…Dĩ công vi thượng là thế phải không, an sinh xã hội là thế phải không ?
Khi đánh giá về tình hình kinh tế xã hội, giáo sư Trọng cũng lại cực kỳ mâu thuẫn. Giáo sư cho rằng tuỳ vào cách nhìn để đánh giá, rằng phải biện chứng…Theo cách nhìn của Giáo sư thì khó khăn chỉ là tạm thời, bằng chứng là các chỉ tiêu do Đại hội XI, cũng như Quốc hội đề ra hàng năm đều đạt khá…GDP thì thế này, ổn định kinh tế vĩ mô thì thế này, lạm phát thì thế này…Thưa giáo sư, ĐBQH Nguyễn Phú Trọng, nó mâu thuẫn ở chỗ, giáo sư nói phải biện chứng khi đánh giá nhưng thật ra giáo sư lại rất siêu hình. Đồng ý là có nhiều cách nhìn để đánh giá tình hình kinh tế xã hội, nhưng dù nhìn thế nào thì cũng phải dựa trên những chuẩn mực nhất định. Giáo sư là nhà khoa học về Xây dựng Đảng, có thể không có điều kiện chuyên sâu. Nhưng có thể nói, với tất cả lòng kính trọng, xin thưa với Giáo sư, từ trước đến nay và từ nay về sau, khi đánh giá tình hình KTXH, dù đứng ở góc nào thì cũng phải hết sức quan tâm đến mức tăng của Năng suất lao động, mức tiết kiệm trong tiêu hao vật chất trên một đơn vị sản phẩm; tính hợp lý trong phân bổ, sử dụng nguồn lực quốc gia, không cần biết ai là chủ đạo mà chỉ nhằm mục tiêu tạo ra thật nhiều của cải đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Ngoài ra khi đánh giá KTXH còn căn cứ vào sự công bằng trong phạm vi có thể mức độ thụ hưởng thành quả phát triển của các tầng lớp nhân dân, sự hài lòng của của xã hội…Chỉ như vậy thôi cũng đủ thấy tình hình đang không ổn. Hãy nghe Ông Vương Đình Huệ thốt lên đầy kinh ngạc: "Không biết GDP chạy đi đâu…"để thấy những thống kê về GDP, về lạm phát vừa qua cũng lại có vấn đề. Rồi thì vấn đề nợ xấu ngân hàng, đến nay vẫn mờ mờ, ảo ảo, không biết chính xác bao nhiêu để có cách giải quyết chính xác; vấn đề Bất động sản đang góp phần làm tê liệt nền kinh tế; vấn đề Doanh nghiệp nhà nước lãng phí, tham nhũng, lợi ích nhóm chưa cách gì khắc phục được; vấn đề tranh chấp đất đai và được mùa rớt giá của nông dân…Toàn những vấn đề gai góc và sống còn cả.
Trả lời cử tri về việc nhất thể hoá chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước trong sửa đổi hiến pháp tới đây, Giáo sư, ĐBQH Nguyễn Phú Trọng đã có những lo lắng rất chân thành, đại ý, cần bàn tiếp vì nếu chọn đúng người thì phúc cho đất nước nhưng chọn sai người thì hiểm hoạ là khôn lường. Điều đó đúng nhưng người viết rất băn khoăn vì Giáo sư thẳng thừng bác bỏ "tam quyền phân lập". Trong khi có đến 99,99% những người mà người viết quen đều cho rằng nếu có tam quyền phân lập thì lo lắng của Giáo sư Trọng coi như đã được giải quyết!.
Không ai nghi ngờ về sự nghiêm túc, thẳng thắn, chân thành của Giáo sư, ĐBQH Nguyễn Phú Trọng khi gặp gỡ cử tri. Tuy vậy, nhiều lúc người viết vẫn thấy có gì đấy như là sự thiếu tôn trọng cử toạ của Giáo sư. Đó chính là sự mâu thuẫn, thiếu lôgich và không tương xứng với tư cách là bậc thầy của phép duy vật biện chứng. Phải chăng là khi ta 20 thì muốn làm gì được nấy, muốn nói gì trúng phóc cái đấy, còn khi ta mấy 20 thì làm gì cũng khó…Đáng tiếc, thời gian cứ vô tình, chẳng đợi ai và cũng chẳng đợi dân tộc nào…
Nhân đây, cũng xin được nhắc lại một vài phát biểu của các vị công bộc của dân mà có thể nói là rất thiểu suy nghĩ nhưng lại thừa …"thiểu năng trí tuệ": 1. Nộp phí đường bộ (cao) là yêu nước. 2. Đồ sơn và Quất lâm không có mại dâm. 3. Cứ thấy tăng giá là phản đối thì khó phát triển lắm. 4. Quá trình bổ nhiệm Ông Dương Chí Dũng là đúng quy trình. 5. Mua xe vượt tiêu chuẩn và xây biệt thự, bể bơi…là việc làm nhân văn…Và còn nhiều nữa.
Liệu nhân dân có thể trông cậy gì vào những vị công bộc này đây ? Họ hoặc là đang sống ở thế giới khác, tự nhiên về đây họp hành, chỉ đạo nên quên mất vẫn nói theo thế giới mà họ sống hoặc là họ đang sống cùng nhân dân nhưng họ không hiểu biết gì, thư ký cho gì đọc nấy. Thế thì làm sao mà lãnh đạo ?. Thật gay lắm thay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét