Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Ghé thăm các Blogs: 10/10/2013 (Diễn đàn Thế kỷ)

Nguồn diendantheky


BLOG VŨ QUÝ HẠO NHIÊN

1.
Có người chê chiến thắng Điện Biên là một cuộc "nướng quân" – nhất tướng công thành vạn cốt khô. Tớ không đồng ý với nhận định đấy.

Để so sánh, trong Hell in a Very Small Place của sử gia Bernard Fall, có một chi tiết là vì bị bao vây và mất đường tiếp tế, trong những ngày trước khi quân Việt Minh tràn vào, Pháp bị thiệt mạng mất 1,037 người trong những cuộc hành quân ra ngoài vành đai, mà chả được kết quả gì.
(Trước khi in sách, Bernard Fall có viết một bài báo, cũng khá nhiều chi tiết, các bác có thể đọc ở đây. Ông bảo: "By the time the battle started in earnest on March 13, 1954, the garrison already had suffered 1,037 casualties without any tangible result.")
Vậy cái đó có kể là "nướng quân" không?

2.
Trận Điện Biên không phải thắng vì nướng quân. Bernard Fall và hầu hết mọi nhà phân tích khác đến sau ông (thí dụ), đều cho rằng Pháp thua vì Pháp không ngờ Việt Minh mang được pháo lên tới sườn núi, vậy mà họ đã làm được.

Quân số Việt Minh tại Điện Biên Phủ đông gấp nhiều lần quân Pháp. Đó là vì phía Việt Minh nhận định (đúng) rằng thắng Điện Biên là thắng tất cả, nên trong tay có bao nhiêu quân đem ra xài hết. (Tư duy đó không xa lắm so với Chủ thuyết Powell trong chiến tranh Kuwait là phe ta phải áp đảo phe địch thì mới đánh.)

Có rất nhiều người chết, bị thương, trong trận này, tất nhiên. Bên Pháp chết và bị thương ước lượng từ 6,700 tới 8,900 người. Bên Việt Minh chết và bị thương 13,000 người theo con số của VM và 23,000 theo ước tính của phía Pháp. Nếu tin vào con số của Pháp, tỷ lệ là 3:1.  Tỷ lệ này không phải là nặng, nhất là nếu so sánh với các trận đánh khác trong suốt 100 năm chống Pháp.

Trận Ba Đình khi Pháp tấn công lực lượng của Đinh Công Tráng, chẳng hạn, được sách Pháp ghi lại là hàng ngàn quân khởi nghĩa thiệt mạng, phía Pháp mất 19 người chết, 45 bị thương.
Trận Tuyên Quang, Lưu Vĩnh Phúc tấn công đồn Pháp, phe Pháp chết 50, bị thương 224, trong khi phía quân Cờ Đen và lính nhà Thanh chết tới 1000 và bị thương 2000. Và Cờ Đen thua.

Các trận đánh khác cũng chắc cỡ vậy, nhưng số liệu thì không rõ vì sử Việt không ghi số người khởi nghĩa bị giết. Thí vụ trong trận Phan Đình Phùng đánh Vụ Quang, sử Việt Nam ghi lại là giết 100 giặc Pháp, nhưng không ghi số thiệt mạng của phe nghĩa quân.

Với lịch sử như vậy, nên chuyện hy sinh ở Điện Biên Phủ, và những câu trả lời phỏng vấn của tướng Giáp kiểu "tôi không hối hận" phải nhìn dưới góc độ tinh thần của kháng chiến khi đó.

Thêm nữa, tất cả những binh lính, dân công này đều là người tình nguyện, không có nghĩa vụ quân sự, không có bắt lính quân dịch. Rất nhiều người trong số họ con nhà khá giả, có học (và cũng vì vậy nhiều người trong số họ sau đó là nạn nhân Cải cách ruộng đất). Tớ đồ rằng khá đông người trong số họ hiểu tinh thần Nguyễn Thái Học là "không thành công thì cũng thành nhân."

Cho nên, chuyện hy sinh 3 đổi 1 không những không phải là con số chênh lệch lớn, mà là con số xưa này các trận nghĩa đánh Tây đều như vậy, và cũng là con số chính những người lính đó hiểu và chấp nhận.

Hoàn cảnh như thế, không thể gọi là chuyện "nướng quân" được.

3.
Nói chung thì dân trong nước đánh quân đội chiếm đóng thì bao giờ cũng sẵn sàng chết nhiều hơn, một bài học vẫn còn kéo dài tới thời Việt Nam xâm lăng Kampuchea, Liên Xô chiếm Afghanistan, Mỹ đánh Iraq.

4.
Trận Điện Biên cộng với chiến tranh Algeria ngay sau đó dẫn tới sự sụp đổ nền Đệ Tứ Cộng Hòa của Pháp và giúp đưa đến sự tan vỡ của hệ thống thuộc địa toàn cầu. Trận Điện Biên là trận đánh cuối cùng của cộng sản mà có chính nghĩa.

Thế nhưng sau Geneve nhiều chiến sĩ Điện Biên bị đày đọa, nhiều gia đình kháng chiến bị quy tội địa chủ (thí dụ), bị đấu tố trong Cải cách rượng đất, bị thanh trừng trong Vụ án Xét lại. Sau thống nhất, tướng Giáp bị đẩy ra bên ngoài quân đội, đưa đi làm một việc tuy quan trọng nhưng ngoài vòng quyền lực chính trị và chẳng liên quan gì đến kinh nghiệm của ông.

Cho nên cuộc cách mạng mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên, đã bị đảng Cộng Sản của hôm nay phản bội từ lâu rồi. Ngay cả đến hình thức bên ngoài, đảng CSVN cũng còn chả giữ được; Đã từ lâu, ít nhất là trong hơn chục năm trở lại đây, mỗi năm lễ tưởng niệm chiến thắng Điện Biên chỉ diễn ra trong vòng các cựu chiến binh, không có đại thần triều đình, trừ tấn tuồng hời hợt "TBT đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp."

Đảng Cộng sản Việt Nam của ngày hôm nay không phải là hậu duệ của chiến thắng Điện Biên. Năm tới kỷ niệm 60 năm Điện Biên các ông có tổ chức tưng bừng thế nào đi nữa cũng quá trễ và không đủ. Nói theo tiếng Mỹ là too little too late. Nói theo tiếng Teen là có một sự vơ vào nặng.


FACEBOOK THUY TRANG NGUYEN
CÔNG AN BỘ ĐỘI CẮM TRẠI - DIỄN TẬP CHỐNG NHÂN DÂN

Phóng viên VFP (Vietnam Free Press) đã lọt vào bên trong cuộc diễn tập, cho biết quân số công an và bộ đội được điều động về Nghệ An chính xác khởi đầu là 2,600 quân, nhưng tuần này họ sẽ điều động con số có thể lên gần 6,000 quân.

Số ngày diễn tập chống Bạo Động là 20 ngày. Trớ trêu thay, hành động này được diễn giải trong buổi thực tập đầu tiên. Cán bộ cho biết mục tiêu nhắm là nhằm vào Giáo Dân ở Nghệ An và các Giáo Xứ Đạo thuộc Miền Trung VN.

Cuộc thực tập chống Nhân Dân khởi đầu đã huy động tổng cộng 600 sinh viên, dân phòng, phường đội, xã đội, du kích. Các sinh viên cho biết là họ bị bắt buộc bỏ học để đi diễn tập, nếu không đi sẽ bị ghi điểm xấu trong học bạ.

Dân phòng, phường đội, xã đội được trả mỗi người là 200 nghìn/ ngày, trong khi đó sinh viên thì không được trả tiền nhưng được hứa là cho hạnh kiểm tốt.

Cuộc diễn tập chống Nhân Dân rất qui mô với trực thăng yểm trợ cho cánh quân dưới đất. Trong ngày đầu, 2 chiếc trực thăng của bộ đội Quân Khu 3 điều về, phối hợp công an diễn tập. Máy bay được trang bị lựu đạn cay phóng từ trên xuống và trang bị cả súng máy, nếu trường hợp biểu tình không giải tán thì sẽ được xử lí bằng loạt đạn của súng máy từ trên cao.

Trong tuần lễ nầy Quân Khu 3 sẽ đưa thêm 5 chiếc nữa để diễn tập. Khung cảnh diễn tập được xảy ra tại Km2 - Đại lộ Lê Nin - TP.Vinh - Nghệ An, trước trường Công nghệ Kỹ thuật trung cấp (SARA). Ngôi nhà được tập trung cho cuộc diễn tập là tòa nhà DAVICO 30.

Trong vòng bán kính 2 Km, tất cả mọi phương tiện sẽ không được qua lại khu vực nầy. Trên trục đường Lenin nhiều nơi đã bị công an, bộ đội, dân phòng và CSGT kiểm soát chặt chẽ các phương tiện giao thông qua lại bắt đầu từ cầu 3/2 thuộc đường Lenin.

Các sinh viên cho biết họ đến từ các trường Cao Đẳng Sư Phạm Nghệ An, Đại Học Vinh và trường Kỹ Thuật 3. Trong các trường nầy, số sinh viên được điều động chính xác con số là 400 cùng với 200 dân phòng, du kích, giả làm Nhân Dân biểu tình chống chính phủ.

Phía bên chính phủ thì có gần 3,000 quân gồm công an và bộ đội, dân phòng, du kích. Trong tuần nầy, không những họ điều động thêm 5 chiếc trực thăng ra, phía Không Quân còn đưa thêm 2 chiến đấu cơ để sẵn sàng dội bom trên đầu nhân dân nếu cần thiết.

Số vũ trang được quân chính phủ sử dụng cho cá nhân là AK47, súng máy và pháo 12ly7 được gắng vào quân xa. Ngoài cánh quân của công an và bộ đội Nghệ An ra, xe cứu hỏa từ các tỉnh như Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Huế cũng được đưa về cho cuộc diễn tập CHỐNG NHÂN DÂN vĩ đại này.

(*) Hình ảnh cuộc diễn tập với những đoàn xe dài chỡ quân đi

Tường Trình Từ Vinh
Nguyễn Thùy Trang


FACEBOOK MNH KIM

Đổ tiền cho nghiên cứu và phát triển nhiều chỉ thua Mỹ nhưng khoa học Trung Quốc vẫn không vượt qua khỏi giới hạn địa lý của Vạn Lý Trường Thành. Sao vậy? 

Khi giành Nobel Vật lý năm 1957, Dương Chấn Trữ đang làm việc cho Viện nghiên cứu cấp tiến (IAS) tại Princeton (New Jersey); và người cùng nhận giải, đồng hương Lý Chánh Đạo, lúc đó làm việc tại Đại học Columbia (New York). Khi đoạt Nobel Vật lý năm 1998, Thôi Kỳ làm việc tại Đại học Princeton. Và khi giành Nobel Lý năm 2009, Cao Côn là nhà nghiên cứu của Standard Telecommunication Laboratories (Harlow, Anh) đồng thời dạy tại Đại học Hong Kong. Tóm lại, trong suốt hơn 6 thập niên kể từ khi đi theo con đường Mao đã chọn, nền giáo dục XHCN Trung Quốc chưa sinh ra nhà khoa học nào lọt vào bảng vàng Nobel.

Vấn đề, như vậy, không phải nằm ở yếu tố tài chính, yếu tố con người, yếu tố địa lý, yếu tố ảnh hưởng thiên nhiên…, mà nằm ở yếu tố chính trị. Sự chọn lựa chính trị của Trung Quốc đã mang lại những tác động và ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển xã hội nói chung và khoa học nói riêng. Theo mô hình quản lý tập trung, với mọi kế hoạch phát triển đều dựa vào cách nhìn "bao quát" của vài cái đầu trong Bộ chính trị, với cơ chế Đảng quyết định tất cả, khoa học Trung Quốc trong nhiều thập niên vẫn chịu tác động từ vai trò giám sát nhà nước. Nhà nước hoạch định chiến lược, nhà nước cấp vốn và khoa học cứ vậy làm theo, không được cãi, không được lộn xộn tự ý tìm tòi, và không được... khôn hơn những cái đầu trong Bộ chính trị! 

Nếu hiểu khoa học là sáng tạo thì sự sáng tạo đã bị bóp chết từ trong trứng nước đối với khoa học Trung Quốc. "Cơ chế Đảng" phát triển sâu và rộng đến mức thường thì chỉ đảng viên mới được bổ nhiệm hiệu trưởng đại học hoặc viện trưởng nghiên cứu… Và những người này, dù xuất thân từ dân khoa học, lại trở thành người đại diện của Đảng, người gác cổng của Đảng, người giữ tiền của Đảng, người truyền mệnh lệnh và chỉ thị của Đảng để bên dưới theo đó mà làm. Đóng vai trò như con ốc vít trong một guồng máy mà tất cả phải được quán triệt tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, khoa học gia bắt đầu trở thành công chức. Sẽ rất là không bình thường nếu tài năng và chất xám được thăng hoa và phát triển tối ưu trong môi trường như vậy. Trung Quốc không thể có những viện đại học và viện nghiên cứu với văn hóa làm việc tương tự các nước phương Tây. Đại học Thanh Hoa khó có thể so với Đại học Harvard, nơi đến nay đã có 147 giải Nobel! 

Vấn đề, như đã nói, nằm ở sự chọn lựa, với "bản sắc" riêng, của hệ thống chính trị Trung Quốc. Nó là cái gốc của mọi cái gốc…


 BLOG BÀ ĐẦM XÒE


Bà Đầm xòe
Đại tướng thật vĩ đại. Mỗi gia đình Việt Nam đều có lý do riêng để mang trong tim một nỗi đau hay dán trên ngực một băng tang như nhà thơ Hoàng Quý hô hào: "Hãy cùng cài băng tang trên ngực"

Tổ chức nhà nước sẽ có Điếu văn. Nhiều người đã có, sẽ có điếu văn.

Trong không khí đó, Bà Đầm xòe, người lính năm xưa của Đại tướng, cũng có Điếu văn riêng tiễn biệt. Mời bạn đọc chia sẻ.

Nghĩa trang liệt sĩ Độc lập ở Điện Biên

Thế là Đại tướng đã ra đi vào một ngày cuối Thu, đầu Đông mát mẻ. Chẳng biết Đại tướng có phải là nhân vật trọng yếu cuối cùng của thế hệ làm nên cách mạng tháng Tám, ra đi hay không?

Đại tướng ơi! Hồi cháu mới mươi mười lăm tuổi, cháu đã nghe câu như là Sấm lưu truyền trong dân gian:
"Bao giờ thạch nổi, mao chìm
Hồ khô, đồng cạn búa liềm vứt đi".

Đá qua nung vôi đã nổi, lông bẩn thỉu đã chìm, hồ cũng cạn khô, nhiều cánh đồng ở Quảng Ngãi cũng không còn nước, may nhờ còn có Đại tướng mà búa liềm chưa vứt đi, vẫn hiên ngang ngạo nghễ tung bay.

Đại tướng ơi! Đại tướng tuổi đã cao. Sự ra đi của Đại tướng là sự ra đi thuận theo quy luật.

Người sống muốn Đại tướng sống mãi mãi, nhưng người chết, đặc biệt là những thanh niên trai trẻ, sức sống của dân tộc, đã hy sinh ở Điện Biên, ở Trường Sơn, ở miền Nam yêu dấu thì đã đợi Đại tướng từ lâu lắm rồi, có chiến sĩ đợi Đại tướng tới 70 năm rồi.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh TLG

Đại tướng "sống khôn, chết thiêng".

Về dưới âm phủ, Đại tướng tiếp tục làm Tổng Tư lệnh, tập hợp âm binh, chỉ đạo binh sĩ đào hầm, "Bám thắt lưng địch mà đánh"; phiêu diêu hành quân "Còn cái lai quần cũng đánh"; đánh bọn "diễn biến hòa bình" cho đến người Việt Nam cuối cùng; đánh cho đến khi dân tộc không còn gì cũng đánh, miễn có độc lập tự do là được rồi.

Bà Đầm xòe cũng từng là người lính của Đại tướng, cũng đang ốm đau, bệnh tật liên miên, cứ tưởng đi trước Đại tướng cơ đấy. Nay nghe tin Đại tướng mất, lục phủ ngũ tạng bị kích hoạt, nỗi đau trong lòng người lính năm xưa của Đại tướng tràn vào mọi ngõ nghách của cơ thế, làm cơ thể khó chịu vô cùng.

Đại tướng ra đi, người lính năm xưa của Đại tướng thấy mừng hơn là buồn. Cứ tưởng tượng đến các tướng lĩnh dưới trướng Đại tướng, mấy triệu binh sĩ trong đội quân của Đại tướng, ở dưới âm phủ đợi Đại tướng đã lâu, nay quân, tướng được gặp mặt nhau, "tay bắt mặt mừng", nói nói cười cười, tâm tâm tư tư… thì Đại tướng như trở về Đại gia đình binh sĩ, chỉ có vui chứ làm gì có buồn?

Vui, nhưng Đại tướng đừng quên, có lúc Đại tướng làm Trưởng ban Dân số, lo sinh, lo đẻ đúng kế hoạch cho dân nước mình nữa đấy.

Chúc cho Đại tướng, dù ở đâu cũng là nhà quân sự tài ba, đánh nhau giỏi; nhà kiến trúc lỗi lạc, chăm lo cho dân  nước mình sinh đẻ đúng kế hoạch.

Âm phủ như thế là vẹn cả đôi đường. Có tướng tài, có người làm lính cho Đại tướng cầm quân đi đánh nhau, lo gì cách mạng xã nghĩa của nước mình không tiến lên đến thế giới đại đồng, lo gì nhân dân không ngưỡng mộ, lo gì thế giới không ngợi khen?

Nghĩa trang liệt sĩ Trường sơn ở Quảng Trị

Người lính năm xưa của Đại tướng chỉ lưu ý với Đại tướng một điều, Đại tướng chớ đem chữ "Nhẫn" ra dạy cho sĩ quan và binh lính để hưởng sự yên ổn, thái bình. Đại tướng mà dạy như thế chẳng ai chịu đi lính, chẳng ai chịu hy sinh cho Đại tướng nữa đâu. Như thế Đại tướng lấy đâu quân lính, lấy đâu ra "nhất tướng công thành vạn cốt khô" để Đại tướng làm Đại tướng, làm Tổng Tư lệnh? Như thế sự nghiệp chấn hưng Chủ nghĩa xã hội dưới âm phủ của Đại tướng sẽ không thành.

Nỗi niềm đau không cạn.

Công, tội của một đời người có Trời biết, Đất biết. "Người trần mắt thịt" làm sao có thể biết được!

Đại tướng yên tâm mà ra đi nhé.

Vĩnh biệt Đại tướng, người lính năm xưa của Đại tướng xin thề:
Trung với đảng
Kiếm với dân
Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành
Khó khăn nào cũng vượt qua
Kẻ thù nào cũng đánh thắng.
BĐX


FACEBOOK ANH CHÍ

Trên mạng và báo chí nhà nước đang phát sốt với hình ảnh người lính dân tộc Mông, Phàng Sao Vàng đi hàng trăm km để xuống viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bức ảnh được hàng trăm tờ báo, hàng nghìn trang mạng lan truyền làm cho biết bao nhiêu người rơi nước mắt về tình cảm của ông.

Vâng, cũng con người ấy ở một góc chụp khác trong một hoàn cảnh khác thì KHÔNG một tờ báo nào của nhà nước đưa lên cho bạn đọc biết. Nó chỉ được lan truyền trên những trang blog cá nhân của những blogger "dở hơi" chuyên lo "chuyện bao đồng" và được chính quyền coi là "những kẻ phản động". 

Xin được hỏi 2 câu hỏi, một dành cho giới truyền thông nhà nước, một dành cho các cấp cầm quyền Việt Nam:
1) Dành cho giới truyền thông: Khi người lính già ấy giương khẩu hiệu kêu oan ở Vườn hoa Dân Oan (tức vườn hoa Lý Tự Trọng) ngay bên Hồ Tây lộng gió thì các bạn ở đâu, sao không đưa tin và ảnh lên?
2) Dành cho giới chức cầm quyền Việt Nam: Thế lực nào đã đẩy ông ra nông nỗi như vậy: Người Pháp, người Mỹ hay bọn "phản động"?

Nào các bạn đọc, các bạn đã rơi nước mắt khi thấy hình ảnh cảm động của người lính già đi viếng vị tướng, xin các bạn một lời bình cho bức ảnh thứ hai. Có tiếc gì nước mắt mà hà tiện chứ, phải không các bạn. Còn tôi, nước mắt đã khô, đởn giản vì tôi đã khóc cho những người dân oan như thế này đã quá nhiều rồi. 

BLOG ĐOAN TRANG

Khi bức ảnh "dân oan Phàng Sao Vàng" xuất hiện trên mạng xã hội cùng với hình "người cựu chiến binh Phàng Sao Vàng", câu hỏi được đặt ra là:

1) Dành cho giới truyền thông: Khi người lính già ấy giương khẩu hiệu kêu oan ở vườn hoa Dân Oan (tức vườn hoa Lý Tự Trọng) ngay bên Hồ Tây lộng gió thì các bạn ở đâu, sao không đưa tin và ảnh lên?

2) Dành cho giới chức cầm quyền Việt Nam: Thế lực nào đã đẩy ông ra nông nỗi như vậy: Người Pháp, người Mỹ hay bọn "phản động"?

(Facebooker Anh Chí - người đầu tiên công bố bức ảnh "dân oan Phàng Sao Vàng")

Ngay sau đó, những người có xu hướng "bênh chính quyền" đã đưa ra các phản bác. Chẳng hạn, các ý kiến này xoáy vào chuyện ông Phàng Sao Vàng "không biết có phải cựu chiến binh thật không", "có vấn đề về thần kinh", "tâm thần, hoang tưởng", "là đối tượng có tiền án", "bản án phúc thẩm xử ông là đúng người đúng tội; việc đòi bồi thường oan sai của ông mới là vô căn cứ" (trích báo Quân Đội Nhân Dân số ra ngày 17/10/2012 trong mục Ghi ở phòng tiếp dân), v.v.

Một số người cho rằng bản thân ông Phàng Sao Vàng hoặc "thế lực thù địch" đã chủ động âm mưu chụp ông ở hai vai trò khác nhau (cựu chiến binh và dân oan) để tung lên mạng nhằm lợi dụng bôi nhọ chính quyền, và nhà báo nào "trót" ca ngợi hình ảnh người cựu chiến binh đến viếng Tướng Giáp là đã mất cảnh giác, thiếu nhạy cảm chính trị, sa vào cái bẫy của thế lực thù địch, gây hậu quả này khác. Ý kiến khác lại đặt vấn đề quan trọng về việc có đúng ông Phàng Sao Vàng đã đi hàng trăm kilomet từ Sơn La về Hà Nội để viếng Tướng Giáp không, hay ông đang sẵn ở Hà Nội, tranh thủ ghé qua nhà Đại tướng, không xa xôi gì lắm.

Chúng ta thấy gì qua hai bức ảnh?

Nếu quan tâm đến dân oan hơn một chút, bạn sẽ biết họ không sống ở Hà Nội, TP.HCM hàng ngày, mà thường "vạ vật" dài ngày, sau đó hết tiền hết bạc thì lại về quê, được ít lâu lại lên thành phố để tiếp tục con đường khiếu kiện, đòi công lý đầy mệt mỏi và vô vọng. Ông Phàng Sao Vàng chỉ là một trong số đó. Ông có vượt hàng trăm cây số từ Sơn La về Hà Nội thật không, hay đang ở Hà Nội, tiện thể ghé nhà Đại tướng, điều đó không ảnh hưởng đến việc bản chất ông là một dân oan, tức là người cho rằng mình bị oan ức, bị đối xử không công bằng trước pháp luật, và đang tìm đủ cách để đòi công lý.

Nếu hiểu về báo chí hơn một chút, bạn cũng có thể thấy rằng về nguyên tắc làm truyền thông, nhà báo chỉ đưa những thông tin mới, những điều ít ai biết, gọi chung là "có giá trị tin tức", và những câu chuyện thú vị, hấp dẫn hoặc cảm động (nhưng cũng phải mới mẻ). Và như vậy, việc báo chí không đề cập đến dân oan – bất chấp sự tồn tại vật vờ của hàng chục, hàng trăm dân oan ở các thành phố lớn – chính là do chuyện đó không còn mới và có lẽ cũng không gây xúc động lòng người nữa. Trên thực tế, cảnh dân oan chầu chực ở cổng cơ quan nhà nước, vạ vật nơi vườn hoa, công viên, giương khẩu hiệu đòi công lý, đã thành "chuyện thường ngày ở đô thị" nhiều năm nay.

Nếu quan tâm đến hệ thống tư pháp ở Việt Nam hơn một chút, bạn sẽ biết tỷ lệ án oan sai ở Việt Nam rất cao, tỷ lệ giải quyết các vụ án tồn đọng rất thấp, và năng lực của các tòa án cũng như đội ngũ cán bộ tư pháp, đặc biệt ở địa phương, là rất "có vấn đề". Cho nên, trong số hàng trăm dân oan kia, người nào là oan thật, người nào không oan, ta không thể biết được vì có ai điều tra đâu, và làm sao giải quyết cho xuể?

Nếu quan tâm đến dân oan và tiếp xúc với họ hơn một chút, bạn cũng có thể thấy rằng dường như một số người có biểu hiện không bình thường về tâm lý. Tại sao họ lại như thế, cũng như tại sao tỷ lệ mắc chứng trầm cảm, hoang tưởng… ở Việt Nam lại có vẻ tăng cao trong những năm vừa qua, thì không khẳng định được. Chưa có nghiên cứu xã hội nào về sức khỏe tâm thần của người dân Việt Nam như thế nào, hiện trạng xã hội tác động tới tâm lý người dân ra sao, khủng hoảng kinh tế-chính trị có mối liên hệ gì đến tỷ lệ trầm cảm hay không, v.v. Nói chung, chẳng có cái đề tài nghiên cứu nào kiểu ấy cả.

Lời kết

Vậy, điều đọng lại sau hai bức ảnh là gì? Đầu tiên là mọi công dân – từ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, đến người dân oan Phàng Sao Vàng, đến Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – đều có thể đến viếng một người đã khuất với sự cho phép của tang quyến. Các cách đặt vấn đề như "không rõ có phải cựu chiến binh không", "có tiền án", "có tội, không oan", "có biểu hiện tâm thần", v.v. đều chỉ là một lối tấn công cá nhân tồi tệ.

Quan điểm cho rằng bản thân ông Phàng Sao Vàng đã lợi dụng lễ viếng Tướng Giáp để gây chú ý, hoặc "thế lực thù địch" âm mưu giăng bẫy, lợi dụng chuyện dân oan để bôi nhọ chính quyền, thì lại càng đáng phê phán hơn. Bởi lẽ, khi nghĩ như thế, người ta đã nghiễm nhiên đặt dân oan vào vị thế đối lập với chính quyền, thay vì nhìn nhận rằng: 1. Dân oan khiếu kiện là một vấn đề nghiêm trọng của hệ thống tư pháp và của xã hội, nhưng lại đang bị biến thành chuyện bình thường, không có gì mới, không có giá trị tin tức để báo chí phải quan tâm. 2. Xã hội của chúng ta đang đẩy nhiều người, đặc biệt là những người dân thấp cổ bé họng, đến cuộc sống bất thường, bất ổn và không lối thoát.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét