1. Dân trí-nền tảng dân chủ:
Nhà ái quốc vĩ đại Phan Chu Trinh đưa ra một lộ trình để canh tân một đất nước nghèo đói, nhược hèn: khai dân trí-chấn dân khí-hậu dân sinh. Công thức trên được đưa ra gần 100 năm nhưng vẫn có giá trị thời sự hiện nay.
Có một thực tế-dân nào,chính phủ đó- như một qui luật, không thể khác được. Não trạng quốc dân còn tư duy nô lệ thì chính phủ ắt hẳn là chính phủ độc tài. Não trạng quốc dân còn tăm tối thì nhân tài, trí thức cũng bất lực, thúc thủ. Nhiều khi chính đám đông thiếu hiểu biết chẳng những không bảo vệ nhân tài mà còn góp tay cùng với nhà cầm quyền tiêu diệt nhân tài.
Đám đông thiếu hiểu biết được ném vào các lò bạo lực để rồi xây dựng một nền độc tài mới trên một tòa nhà độc tài vừa giật sập. Đó là bi kịch triền miên của loài người. Chỉ có một số ít quốc gia tránh được nhờ có quá trình khai mở trí tuệ công dân kịp thời như Nhật Bản.
2. Khai cái gì?
Nhiều người đồng ý là cải biến xã hội từ dân trí nhưng với câu hỏi: khai cái gì? Thì nhiều người lại không thống nhất. Người thì bảo hãy thoát á luận, thoát Trung Hoa luận, hay đi theo phương Tây, người thì bảo chủ nghĩa Mác Lê Nin cũng là sản phẩm của phương Tây đó thôi. Người thì ý kiến mỗi nước có một nền văn hóa lâu đời, ta thuộc nước châu Á có văn hóa cộng đồng, sống tình cảm làng xóm, hẳn sẽ không hợp với văn minh phương Tây đặt nặng chủ nghĩa cá nhân,….Những cuộc tranh luận triền miên không dứt làm cho quá trình khai dân trí cũng không nhất quán, không hiệu quả.
Theo tôi, người dân nên được khai mở ở những chủ điểm sau:
- Quyền con người: Có một sự thật chế độ độc tài thường đấu nhẹm vấn đề này hoặc lấp liếm nó ở kiến giải sự khác biệt văn hóa. Sự thật, nó là một giá trị phổ quát của nhân loại. Hiện nay, rất ít người VN biết các quyền căn bản của mình.
- Quyền công dân: Rất nhiều quyền công dân được hiến pháp, luật pháp bảo đảm nhưng bị nhà cầm quyền, bị công an chà đạp không thương tiếc. Người dân còn thiếu thông tin về quyền công dân trầm trọng.
- Kiến thức chính trị: Người dân chúng ta chỉ được nghe, được họ về chính trị Maclenin, đó là một sự bịt mắt nghiêm trọng. Chúng ta cần đưa đến cho người dân các tư tưởng triết học chính trị hiện đại của Plato, Aristolte, Jean-Jacques Rousseau, Mongtequie,…
- Kiến thức kinh tế: Không có kinh tế tư nhân, không có nền dân chủ
- Chủ nghĩa tự do: Nền dân chủ nào cũng được xây dựng trên chủ nghĩa tự do, không hiểu chủ nghĩa tự do thì rất có nguy cơ xây nền độc tài mới.
- Văn hóa ứng xử dân chủ: Muốn xây nền dân chủ ổn định, người dân cần phải trang bị văn hóa ứng xử dân chủ, đây là một chủ để rất lớn.
- Đạo đức công dân trong nền dân chủ: Dưới chế độ độc tài, người dân không cần phải tư duy-không cần phải lựa chọn-không cần phải quyết định hay tỏ ý tán thành. Tất cả những gì họ cần làm là phục tùng (….). Trái lại một nền dân chủ không thể tồn tại nếu không có đạo đức công dân…. (Trích: Phát triển là quyền tự do-Amartya Sen)
3. Cho ai?
Có một thực tế rằng, nhiều người cảm thấy tuyệt vọng, bất lực khi thấy phần lớn nông dân-mà nước ta có đến 70% là nông dân – ngày đêm đầu tắt mặt tối với ruộng đồng, nhận thức rất kém về chính trị, bị hệ thống truyền thông ngày đêm ru ngủ và tẩy não. Internet không tiếp cận được với họ, trên đầu họ ngoài lo toan mưu sinh hàng ngày chỉ biết ơn Đảng, ơn Bác.
Nhiều người ngao ngán khi thấy lớp thanh niên, rường cột nước nhà thì chỉ chú ý đến các trò chơi trên mạng hoặc quá thờ ơ hay sợ hãi mà không bao giờ xem một tin tức ở các diễn đàn phản biện.
Nhiều thanh niên, công chức, trí thức thì không buồn đọc sách, cả năm họ không đọc hết một cuốn sách về chính trị kinh tế,….
Đó là những thực trạng có thực, nó làm nhiều người muốn góp phần khai dân trí cũng trở nên bất lực vì không biết làm thế nào trong biển người mênh mông như vậy.
Thực tế hiện nay có rất nhiều người cũng đã hết lòng đóng góp cho công cuộc khai phóng dân tộc như: lập các diễn đàn, đưa sách về nông thôn,….
Theo tôi, cuộc vận động thay đổi xã hội hiện nay đến từ sinh viên, trí thức và nó đến từ đô thị, qua rồi cái thời búa liềm và nông dân. Tất nhiên nếu có nguồn lực và con người, khai trí ở nông thôn cũng tốt nhưng với nguồn lực có hạn chúng ta nên tập trung vào đúng vị trí để đạt được kết quả tốt nhất, tối ưu nhất. Chúng ta hãy tập trung vào đầu tàu thi vì cả con tàu.
Trong các đối tượng cần nâng cao dân trí, tôi nghĩ nên tập trung vào sinh viên, vì đây là tuổi trẻ, nhiệt huyết, tuổi ăn tuổi học và tương lai cuộc đời họ gắn với tương lai đất nước. Trí thức và công chức đi làm cũng là một đối tượng nhưng họ có nhược điểm là thường bị ràng buộc bỡi công việc, cơm áo, gạo tiền nên họ rất đắn đo khi lên tiếng và tham gia phong trào.
4. Bằng cách nào?
Tất nhiên, khai dân trí không gì tốt bằng sách vì ở sách các vấn đề trình bày đầy đủ, rõ ràng, nhất là các sách của các nhà tư tưởng kinh điển. Nước Nhật đã thành công với sách. Tuy nhiên, trong thời đại internet hiện nay, sách cũng chỉ là một phương tiện mà thôi. Rất nhiều diễn đàn có năng lực khai trí rất tốt. Dù rằng các diễn đàn còn hạn chế là chưa phát triển được lượng người quan tâm mới đủ nhiều. Nhiều diễn đàn chưa gây được sự chú ý, tạo sự tò mò để thu hút đọc giả trẻ.
Tôi có một ý tưởng thành lập một diễn đàn với hình thức talk show, mỗi tuần ra một chủ đề (ví dụ chủ đề đưa ra là "thị trường làm từ thiện như thế nào?"), ai có bài luận hay nhất giải đáp chủ để sẽ được thưởng (điện thoại Smart phone, sách,…), quyết định đạt giải do một hội đồng chuyên môn chấm và do đọc giả bầu chọn qua mạng.
Cách làm này sẽ thu hút được lớp trẻ vì họ chủ động tham gia, đóng góp công sức, sự hiểu biết vào ra sân chơi khai trí. Ngoài ra hình thức truyền thông bằng video thu hút người xem hơn bài viết. Các món quà nhỏ cùng với hệ thống chấm điểm qua bình chọn sẽ thu hút người tham gia.
5. Kết:
Trong tuần trước, tôi có đưa ra sáng kiến thúc đẩy cộng đồng đến với sách chấn hưng dân trí (https://danluan.org/tin-tuc/20131005/nguyen-van-thanh-sang-kien-cuoi-tuan-sang-kien-thuc-day-cong-dong-den-voi-sach-chan), cùng với sáng kiến hôm nay, tôi nghĩ nếu được thực hiện sẽ tạo ra một làn gió mới trong sự nghiệp khai dân trí.
Rất mong nhận được phản biện và chung tay của cộng đồng.
Trân trọng
Nguyễn Văn Thạnh
Tel: 0984973376
Email: thanhipi@gmail.com
—
* Xem phần 1: SÁNG KIẾN THÚC ĐẨY CỘNG ĐỒNG ĐẾN VỚI SÁCH CHẤN HƯNG DÂN TRÍ và Loạt bài của Nguyễn Văn Thạnh bàn về Xã hội dân sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét