Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Bùi Tín : Trận cuối trớ trêu của đại tướng

Nguồn danchimviet

9/10/2013

giap

Từ tháng 12/1986, sau cái gọi là « Đại hội của ông Sáu », tướng Giáp không còn trong Ban chấp hành trung ương, cũng không được là Cố vấn như 3 ông Trường Chinh, Phạm văn Đồng và Lê Đức Thọ, đành bước xuống đài để nghỉ ngơi. Ông có thể hài lòng, được an ủi là dù sao đã hưởng công danh phú quý, tiếng vang để lại cho hậu thế, có chỗ đứng vinh dự trong lịch sử quân sự thế giới.

Thế nhưng ông vẫn không được yên. Cuộc đời của ông ở đoạn cuối thật không vui. Hậu vận không sáng. Ông bị một kẻ vốn là thuộc cấp của ông chiếu tướng và đe dọa gay gắt.

Đó là Lê Đức Anh, một cai đồn điền thời thuộc Pháp, người gốc Thừa Thiên, vào đảng Cộng sản một cách mờ ám, không ai giới thiệu; là cán bộ cấp tiểu đoàn khi tập kết ra miền Bắc sau Hiệp định Geneve 1954, năm 1964 khi trở vào Nam là Cục phó cục tác chiến Bộ tổng tham mưu, cấp thượng tá; năm 1969 là tư lệnh Quân khu IX cấp đại tá. Quân khu IX – miền Tây Nam bộ là vùng ít chiến trận nhất. Cuối năm 1974, trước khi bước vào trận chiến cuối cùng, ông Anh được đặc cách phong vượt cấp từ đại tá lên trung tướng, cùng với ông Đồng Sỹ Nguyên – chỉ huy đường chiến lược Hồ Chí Minh.

Ông Anh được ông Lê Đức Thọ ưu ái đặc biệt, đưa vào ban chấp hành trung ương năm 1976 – Đại Hội IV, Tư lệnh Quân tình nguyện ở Cambốt năm 1978, vào Bộ chính trị năm 1982 – Đại Hội V, bộ trưởng Quốc phòng từ năm1987 đến năm 1991, rồi Chủ tịch Nước từ 1992 đến năm 1997, sau đó là Cố vấn của ban chấp hành trung ương, khi 77 tuổi, rồi về nghỉ hưu cùng ông Đỗ Mười, khi quá tuổi 80.

Sau khi từ bộ trưởng Quốc phòng được đưa lên làm Chủ tịch Nước, tướng Anh cải tổ ngay cơ quan quân báo vốn là Cục II của quân đội thuộc bộ tổng tham mưu thành Tổng cục II, cơ quan an ninh – phản gián – tình báo của quốc gia trực thuộc Bộ trưởng quốc phòng, do Chủ tịch Nước trực tiếp nắm, với nhiệm vụ rộng lớn không hạn chế. Tướng Anh đưa Nguyễn Chí Vịnh lên cấp đại tá, rồi quyền Tổng cục trưởng Tổng cục II, thay chân tướng Vũ Chính – bố vợ của Vịnh, về nghỉ hưu. Tổng cục II dựng lên một loạt hồ sơ, theo dõi các nhân vật lãnh đạo bị coi là có ý thức chống đảng, cơ hội hữu khuynh, bị CIA lôi kéo, mua chuộc, từ Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phan Văn Khải, đến Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang …cho đến cả Mai Chí Thọ, Phan Diễn, Võ Thị Thắng …

Sau khi nắm trọn trong tay bộ máy quân đội, an ninh, đối ngoại, Nhà nước, từ năm 1995 – 96, tướng Anh càng lộng hành, ra mặt nói xấu, hạ uy tín, vu cáo tướng Giáp, dùng một tên từng bị khai trừ đảng do hạnh kiểm xấu là Đặng Đình Loan – cùng quê ở Thứa Thiên, làm công cụ đi tuyên truyền nhiều nơi, nhân danh phái viên tin cẩn của Chủ tịch Nước. Loan còn viết một tập tiểu thuyết lịch sử dài 4 tập, gần 2 ngàn trang, mang tít là « Đường Thời Đại », xuyên tạc lịch sử, vùi dập người này, tâng bốc kẻ khác rất tùy tiện. Trong một buổi nói chuyện hẹp, rất mật do thường vụ tỉnh ủy Thừa Thiên tổ chức năm 1996, Đặng Đình Loan kể lể 7 tội của tướng Giáp (theo kiểu Thất trảm sớ khi xưa của Chu Văn An), từ chuyện là con nuôi chánh mật thám Pháp, nhát gan, dành công trạng của người khác, đến tội cầm đầu nhóm Xét lại chống đảng, làm gián điệp cho Liên Xô, suy đồi đạo đức, có mưu đồ phản nghịch.

Cuộc vật lộn, sống mái giữa 2 đại tướng ngấm ngầm mà quyết liệt. Hai hành trình đi ngược nhau. Tại Đại hội V, năm 1982 khi tướng Giáp ra khỏi Bộ chính trị thì tướng Anh vào Ban chấp hành trung ương. Tại Đại hội VI năm 1986, khi tướng Giáp ra khỏi Ban chấp hành trung ương thì tướng Anh vào Bộ chính trị. Đến năm 1992, tướng Anh nhận chức Chủ tịch Nước, cao hơn ông Giáp đến vài bậc, vì chức cao nhất của tướng Giáp là Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Quốc phòng. Có lẽ do được đưa lên quá cao, rất nhanh như thế, lại nắm trọn trong tay khối quyền lực tập trung: Nhà nước, Quốc phòng, Đối ngoại, An ninh – như chưa từng ai có được – nên tướng Anh nuôi cuồng vọng hạ bệ triệt để tướng Giáp để tự làm nổi bật mình. Ông còn cao hơn người hùng Điện Biên.

Tướng Giáp được biết mọi chuyện trên đây, vì ông vốn rất quan tâm nghe ngóng dư luận xã hội, nhất là dư luận về bản thân mình, nhưng vẫn như trước, ông giữ mình, thủ thế, không tỏ một thái độ, không có một phản ứng chính thức nào.

Phải chờ đến đầu năm 2004, khi cặp Mười – Anh đã về nghỉ hoàn toàn, tướng Giáp mới nghĩ đến chuyện phản công. Sao lại là đầu năm 2004 ? Vì đã có quyết định 2004 là 50 năm, nửa thế kỷ chiến thắng Điện Biên Phủ. Sẽ tổ chức kỷ niệm lớn, xuất bản lại, bổ sung những tác phẩm, tài liệu lịch sử, hồi ký, kể chuyện, gặp gỡ, khen thưởng thêm các cựu chiến binh, dựng tượng đài…
Ngay từ đầu năm, ngày 3/1/2004, tướng Giáp viết một lá thư dài 7 trang lớn, gửi Ban chấp hành trung ương, tổng bí thư, bộ chính trị, ban bí thư, ban kiểm tra trung ương đảng với nội dung là góp ý kiến cho các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội X sẽ họp vào năm 2006. Trong 7 ý kiến lớn, quan trọng nhất là ý kiến cuối cùng, thứ 7, góp ý về « công tác bảo vệ chính trị nội bộ đảng ».
Trong đoạn này, ông nêu rõ những vụ án lớn còn tồn đọng, nhấn mạnh: « điển hình nghiêm trọng là vụ Tổng cục II, đặc biệt ngiêm trọng là vụ Sáu Sứ, nghiêm trọng hơn nữa là vụ T4 mà bộ chính trị khóa VIII đã bàn giao cho bộ chính trị khóa IX, bộ chính trị khóa IX đã chỉ đạo Ban điều tra liên ngành tiến hành điều tra và bộ chính trị đã kết luận ».

Bức thư được truyền tay khá rộng, rồi lan ra nước ngoài. Dư luận lần đầu nghe đến những vụ án nghiêm trọng trong nội bộ đảng, được chính tướng Giáp đánh giá là « siêu nghiêm trọng », « yêu cầu xử lý kiên quyết, dứt điểm, nghiêm minh, theo đúng điều lệ của đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội, dù người đó là ai, ở bất cứ cương vị nào, không được phép bao che, né tránh, mà phải kiên quyết xử lý cả những kẻ bao che ».

Mới đầu nhiều người hy vọng. Hàng loạt tướng lĩnh lên tiếng, từ đại tướng Chu Huy Mân, đại tướng Nguyễn Quyết, thượng tướng Phùng Thế Tài, thượng tướng Hoàng Minh Thảo, thượng tướng Nam Khánh cùng với hàng chục trung tướng, thiếu tướng và không biết bao nhiêu sỹ quan cấp tá, vô vàn cựu chiến binh tỏ rõ thái độ bênh vực tướng Giáp, yêu cầu công khai kết luận và xử lý kẻ phạm tội.

Ba nhân vật kỳ cựu của đảng gốc miền Nam như Phạm Văn Xô hơn 90 tuổi, Đồng Văn Cống, Nguyễn Văn Thi cũng công khai lên tiếng ủng hộ tướng Giáp, chứng minh tội lỗi của ông Lê Đức Anh – Cai Anh ở đồn điền thực dân Pháp thời trước, cần truy tố và xử tội. Các sỹ quan từng ở trong Tổng cục II và ở Bộ tổng tham mưu, các đại tá Như Thiết, Hùng Cường, Vũ Minh Ngọc cũng công khai nói rõ những hành động mờ ám, phi pháp của ông Lê Đức Anh và của nhóm Nguyễn Chí Vịnh, lộng hành, tham nhũng, phá đảng, phá quân đội.

Nếu là một chế độ thượng tôn luật pháp, tư pháp nghiêm minh thì những kẻ như Lê Đức Anh và Nguyễn Chí Vịnh đã không thể thoát tội, – tội cực nặng nữa, vì đã vu cáo các nhân vật nhà nước cao nhất, vậy mà họ vẫn yên thân, còn lên cao, thách thức xã hội. Bao nhiêu tướng lĩnh, bao nhiêu đảng viên kỳ cựu, bao nhiêu trí thức ngay thật hy vọng một thời, để dần dà thất vọng sâu cay.

Về nhân cách của tướng Anh tôi nhớ thái độ khúm núm của ông khi bê đĩa trứng vịt lộn lại trước tướng Giáp mời, khi tướng Giáp vào Quân khu IX tháng 5/1975, miệng luôn nói « dạ, dạ, dạ … », « dạ thưa dạ thưa…, dạ, dạ… » theo gịong rất Huế, để đến nay vu cáo cấp trên không chút ngượng ngịu.

Lý giải chuyện cực kỳ phi lý, ngang ngược này là uy lực và mưu kế thâm sâu của cặp Mười – Anh được Bắc Kinh tận lực tiếp sức, có trong tay bộ máy an ninh cực kỳ sắc nhọn, với tổng bí thư họ Nông cực kỳ non yếu, không chút bản lãnh đã rắp tâm bóp chết vụ án lớn, tìm cách tiêu hủy bản báo cáo tuyệt mật của Ban kiểm tra chuyên ngành.

Do đó, đến Đại Hội X 2006 mọi sự lắng xuống. Bản kết luận của bộ chính trị sau khi nhận báo cáo điều tra của Ban kiểm tra liên ngành cũng được hủy bỏ, phá hủy, theo đề nghị của ông Mạnh. Nhóm lãnh đạo cao nhất Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Sinh Hùng thu trọn quyền lực, trượt sâu thêm vào con đường Bắc thuộc, đảng tha hóa thêm nặng, đạo đức xã hội băng hoại không gì kìm nổi, tham nhũng bất trị tràn lan sâu rộng, những vụ án tưởng như phải được giải quyết minh bạch, bị chìm dần một cách bi thảm cho đất nước, cho đảng cầm quyền. Gian tà đen tối nấp sau sức mạnh ghê gớm của Thiên triều vẫn ngự trị đàng hoàng. Những vụ án siêu nghiêm trọng bị chìm dần chính là do « công đầu của cặp Mười – Anh » vẫn còn sử dụng rất đắc lực công cụ an ninh – tình báo – gián điệp Tổng cục II, được Cục Tình báo Hoa Nam chỉ vẽ. Các ông Sáu Xô, Hai Cống, Năm Thi qua đời. Tướng Giáp vào bệnh viện, thoi thóp, chờ ngày đi xa. Đại tá Nguyễn Chí Vịnh lên thiếu tướng, nhảy lên trung tướng, nay là thượng tướng thứ trưởng Quốc phòng đầy quyền lực.

Có thể nói trận chiến đấu cuối cùng của người hùng Điện Biên khai hỏa từ đầu năm 2004, dai dẳng kéo dài 7, 8 năm đã lâm vào thất bại. Đây là nỗi niềm uất hận cay đắng của tướng Giáp khi từ giã cõi đời này. Trừ phi rồi đây đất nước đổi đời, giã từ độc đoán độc đảng để chuyển sang dân chủ hiện đại, các vụ án tồn đọng được xem xét và kết luận rõ ràng minh bạch, dù rằng quá muộn.

© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét