Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Phạm Chí Dũng : Chính phủ nợ Vinashin?

Nguồn boxitvn

Phạm Chí Dũng

Bảo lãnh nợ = Nhận nợ

Sau một thời gian lắng tiếng canh chừng, giới lãnh đạo chính phủ đã lần đầu tiên hé lộ một xác nhận về mối liên đới nợ nần với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam: Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho công cuộc phát hành trái phiếu có giá trị 600 triệu USD của Vinashin, hầu mong thu ngoại tệ trả nợ cho con tài đắm này.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng Chính phủ chỉ bảo lãnh nợ chứ không phải "nhận nợ".

Nhưng dưới góc nhìn đa chiều của dư luận xã hội, xác nhận như vậy của một quan chức cao cấp trong Chính phủ vẫn luôn bị xem là biểu hiện hoàn toàn không bình thường giữa cơ quan điều hành cao nhất quốc gia với con nợ bị xem là "hại dân hại nước".

Tại sao Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho Vinashin phát hành 600 triệu USD trái phiếu quốc tế để tái cấu trúc khoản nợ doanh nghiệp tự vay trước đây trong khi cân đối ngân sách đang quá khó khăn? Đó là câu hỏi mà dư luận, báo chí trong nước và cả các đại biểu trong kỳ họp cuối cùng của năm 2013 đang xoáy vào về "nghĩa vụ trả nợ" của Chính phủ, về trách nhiệm của những người chịu trách nhiệm trực tiếp và gián tiếp đối với số nợ ít nhất 86.000 tỷ đồng của Vinashin.

Tương lai "Chính phủ bảo lãnh cho Vinashin" của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng gián tiếp xác nhận phần trách nhiệm đầy nghi vấn trên.

Sự nghi ngờ của người dân thật ra đã có quá nhiều tiền lệ trong lịch sử mối quan hệ bị nghi ngờ là khuất tất giữa Vinashin với giới chức Chính phủ. Vào lần này, người dân lại có thêm một câu hỏi đắng ngắt: món nợ 600 triệu USD là do Vinashin tự vay, không có bảo lãnh từ trước như món nợ trái phiếu Chính phủ 750 triệu USD trước đó mà Chính phủ đã hoàn toàn phải đứng ra gánh chịu; vậy tại sao Chính phủ vẫn phải và dường như bằng mọi cách phải che chắn cho Vinashin, ngược với các tuyên bố trước đó về cách giải quyết các khoản nợ đối với con nợ đã thành án quốc gia này?

Như một thường thức về kinh tế, giới chuyên gia tài chính trong vài ngoài nước đều nằm lòng việc nhận bảo lãnh nợ hay nhận nợ đều không có gì khác biệt. Trường hợp Vinashin có vẻ càng điển hình hơn: Bảo lãnh nợ hay thanh toán là Cam kết trả nợ hay thanh toán vô điều kiện bởi Người bảo lãnh (tức Chính phủ) thay Người được bảo lãnh (Vinashin) cho chủ nợ hay người Thụ hưởng (các định chế tài chính quốc tế), bất kỳ khi nào người được bảo lãnh không thực hiện cam kết và trách nhiệm trả nợ và thanh toán của họ vì bất kỳ lý do gì...

Quay ngược thời gian, 600 triệu USD mà Vinashin nợ nước ngoài chỉ là một phần nhỏ trong "gánh nặng sơn hà" mà đối tượng bị xem là "sâu chúa" này đã gây ra. Vào năm 2012, trong khi Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cố thuyết phục dư luận rằng Vinashin thực chất "chỉ" lỗ khoảng 13.000 tỷ đồng, còn con số 86.000 tỷ đồng là nợ chứ không phải thất thoát, một số đại biểu Quốc hội như ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Quốc hội, đã luôn dùng đến từ "thất thoát" cho 107.000 tỷ đồng tại "tập đoàn kinh tế quốc doanh chủ đạo" này, trong đó có trên 40.000 tỷ đồng là nợ nước ngoài và hơn 60.000 tỷ đồng từ nợ trong nước.

Các đại biểu Quốc hội cũng không quên so sánh: trong khi Vinashin bị thất thoát kinh hoàng như thế, suất đầu tư cho một phòng học của chương trình kiên cố hóa trường lớp học là khoảng 500 triệu đồng, suất đầu tư nhà văn hóa xã khoảng 1 tỷ đồng, trạm xá xã khoảng 2 tỷ đồng. Nếu Vinashin không thất thoát nợ đọng thì người dân Việt sẽ có thêm 214.000 phòng học hoặc 107.000 nhà văn hóa hay 53.000 trạm xá xã…

Ai nợ ai?

Trong lúc nhiều khuất tất về nợ còn chưa được điều tra làm rõ ở Vinashin, mới đây ông Vũ Văn Ninh – cấp phó của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – lại chính thức công bố: nợ trong nước của Vinashin cũng đã có phương án xử lý. Các tổ chức tín dụng trong nước đồng ý tái cơ cấu theo hướng xoá nợ 70%, 30% còn lại doanh nghiệp phải phát hành trái phiếu để trả.

Đó chính là kết quả đắc lực mà "sâu chúa" Vinashin cần có trong cái "ổ kén" của nó, bất chấp tập đoàn này phải lên kế hoạch cho nghỉ việc hơn một phần ba nhân sự vì thiếu "lối ra".

"Lối ra" ấy cũng như có quan hệ môi răng với một "chiến dịch vận động" – như đồn đoán của dư luận – suốt mấy năm qua của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước, với mục đích để các ngân hàng thương mại chủ nợ của Vinashin giảm hoặc xóa nợ cho con nợ đầy tai tiếng này.

Còn giờ đây, mọi chuyện đã trở nên "minh bạch" hơn rất nhiều: không chỉ giảm nợ, nhiều ngân hàng còn sẵn lòng xóa nợ.

Nhưng từ đâu sản sinh ra tấm lòng hào phóng như thế?

Những vận động hành lang luôn có thể dẫn đến những thỏa hiệp ngấm ngầm với quyền lợi có đi có lại – ứng với trường hợp "nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", hoặc một thứ "chủ nghĩa tư bản man rợ" ở Việt Nam mà giới chuyên gia độc lập cả trong lẫn ngoài nước phải lắc đầu kinh sợ. Lòng hào phóng cũng vì thế chỉ có thể được sinh sôi từ quyền lợi và được hợp đồng chặt chẽ cho những lối thoát liên quan đến trách nhiệm cá nhân nếu xảy ra hậu quả.

Đó cũng là nguồn cơn sâu xa để dư luận và công luận không ngừng nổi giận trong những năm qua: cơ chế nào và ai đã tạo ra một Vinashin với khuôn mặt thất thoát và tham nhũng đến mức phù thũng? Phải chăng Chính phủ đã "nợ" Vinashin đến mức không thể không trả, với một cái giá không chỉ thuộc về "uy tín"? Liệu các quan chức chính phủ có dính dáng, và nếu có thì với mức độ sâu đậm đến thế nào với những tỷ lệ thất thoát tại Vinashin?

Chủ trương "bảo lãnh nợ" của Chính phủ cho Vinashin càng khiến người dân có thêm cơ sở để suy đoán rằng đó sẽ là tiền lệ để Chính phủ phải bảo lãnh trả thay cho các món nợ "tự vay" khác của các tập đoàn kinh tế nhà nước khác – trong đó có những tập đoàn còn thấm đẫm sắc hương độc quyền hơn cả Vinashin. Một trong số đó là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với số nợ ngân hàng trong nước đang lên tới 118.000 tỷ đồng.

Nhưng đỉnh điểm bi kịch của nền kinh tế quốc dân chắc chắn là món nợ tổng hợp lên đến 1,3 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 60 tỷ UDSD và chiếm đến một nửa GDP quốc gia. Món nợ tích lũy sau hơn hai chục năm mở cửa này phải được xử lý trong vài ba năm tới, nếu không muốn hệ thống ngân hàng sụp đổ dây chuyền và kéo theo một cuộc khủng hoảng tài chính ở Việt Nam.

Cuối cùng, tất cả những chuyện bảo lãnh nợ, nhận nợ và sẵn sàng trả nợ thay như thế sẽ lấy tiền từ đâu?

Giấy!

Không phải ngẫu nhiên mà ngay trước kỳ họp cuối năm 2013 của Quốc hội, người đứng đầu Chính phủ đã lần đầu tiên phải thừa nhận tình trạng bội chi ngân sách và đề nghị được tăng trần bội chi. Ngay lập tức đã xuất hiện một làn sóng dư luận phản ứng gay gắt: tăng bội chi thực chất là vay thêm tiền của dân.

Trong tình cảnh ngân khố quốc gia đã có nhiều dấu hiệu bị suy kiệt và sức dân cũng bị "khoan" đến tận xương tủy bởi đủ các sắc thuế và độc quyền tăng giá, phương cách gần như duy nhất của thể chế điều hành kinh tế quá yếu kém và đậm đặc màu sắc nhóm lợi ích chỉ còn là phát hành "trái phiếu đặc biệt".

Nhưng những loại trái phiếu này về thực chất lại chỉ là giấy.

Sẽ không quá ngạc nhiên đối với dân chúng trong nước vốn mang trong đầu não trạng và trên mình thói quen cam chịu, nhưng có thể một sự kinh ngạc sẽ xảy đến đối với giới tài chính quốc tế, khi họ chứng kiến một chiến dịch phát hành trái phiếu ồ ạt chưa từng thấy của Chính phủ Việt Nam cùng các ngân hàng và cả những tập đoàn kinh tế nằm thường trực trong danh sách "ô nhiễm".

Nhưng thói cam chịu của người dân Việt cũng sẽ có giới hạn của nó: nhân dân sẽ một lần nữa phải cùng chịu trách nhiệm với những khoản thất thoát và tham nhũng khổng lồ của Vinashin và các tập đoàn kinh tế khác bằng vào những tờ giấy chẳng mấy giá trị?

Hay dân chúng sẽ cố tìm cách đốt sạch những tờ giấy đó?

P. C. D.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét