Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Cu Làng Cát : Cháy xe đến qua Tết (Tết nào? và khi nao mới ... ngừng?!)

Nguồn culangcat
          Đã có rất nhiều vụ cháy xe máy, xe ô tô nhưng các cơ quan chức năng chưa dám đưa ra các kết luận hay khuyến cáo nhân dân. Và trong các vụ cháy xe đã có hai người chết. Các đám cháy vẫn thường xuyên được cập nhật với nỗi lo vô cùng về sinh mạng người đi xe.
Lương phạn đàng hoàng mà các cơ quan chức năng chừa tìm ra thủ phạm gây cháy xe

          Hôm nay khác với 20 năm trước, hệ thống pháp lý dành cho các nhà sản xuất xe máy, ô tô và nhập khẩu xăng dầu được cập nhật đầy đủ. Pháp lý bảo vệ người tiêu dùng cũng được thắt chặt.

          Hai mươi năm trước không có quyền lợi người tiêu dùng. Thời buổi đó những chiếc xe "kim vàng giọt lệ", cup, cánh én, 81…nhập lậu tứ tung, người dân mua đi tràn đường nhưng tuyệt nhiên không thấy vụ cháy nào. Hàng lậu xe máy thời đó trải khắp mọi miền nhưng không có vụ cháy nào. Chứng tỏ, hàng tư bản sản xuất rất tốt.

          Nay đã có đầy đủ các yêu cầu pháp luật cho một nền sản xuất trong nước đi lên CNH nhưng xe của người dân đi lại càng bốc cháy rất nhiều. Khi xe bốc cháy, báo chí đưa tin, nhưng tuyệt nhiên chưa có lời giải thích nào thỏa đáng hàng chục triệu người đang phó thác sinh mệnh trên xe cộ là phương tiện đi lại, mưu sinh.

          Thật vô tích sự khi ông Vương Ngọc Tuấn, phụ trách Văn phòng tư vấn khiếu nại của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam nói với BBC: "Là một tổ chức xã hội bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, Hội quan tâm theo dõi các sự kiện xảy ra gây thiệt hại cho người tiêu dùng, sẵn sàng hỗ trợ khi nhận được các đề nghị hay khiếu nại từ người tiêu dùng". Hội này ăn lương từ đâu? Ngân sách ai trích? Nếu không là thuế của người tiêu dùng?

          Không lẽ cứ có đơn mới đi bảo vệ người tiêu dùng, còn không có đơn là ngồi chơi xơi nước? Một cách nói vô tích sự cho thấy việc làm vô tích hiện tại của hội này là trút bỏ trách nhiệm với người tiêu dùng mà đáng ra hội này phải bảo hộ một cách mạnh mẽ.

          Đáng chú ý rằng, ngày xưa đi xe lậu, không có cuộc cháy nào như hôm nay thì các cơ quan chức năng cần xem xét lại quy trình sản xuất, lắp ráp của các công ty sản xuất xe cộ. Biết đâu vì cánh hẩu với các cơ quan kiểm soát mà các đơn vị lắp ráp xe máy, xe ô tô làm ăn gian dối, ẩu tả?

          Người ta bác việc xăng là nguyên nhân gây cháy thì phải trả lời cho rõ ràng biết các nguyên nhân khác và các khuyến cáo rạch ròi. Đằng này xe càng cháy, thấy các cơ quan càng im lặng một cách khó hiểu.

          Sống trong một thiên đường mà lo sốt vó như ở Trung Đông, xe cháy cứ tưởng đánh bom xe. Kinh. Nếu không có những trả lời minh bạch nguyên nhân cháy xe, thì các vụ cháy vẫn có thể đến ra Tết.

Cu Làng Cát

*****************************
 
Nguồn rfablog

Cánh Cò :

Việc nhỏ không xong… Lại cứ mong làm lớn

Việc nhỏ không xong ...
Việc nhỏ ở đây là vấn đề cháy xe đang xảy ra trên toàn xã hội. Không hiểu sao báo chí cứ đưa tin, nhà nước cứ đọc tin và ..lúng túng. Ban đầu còn lên giọng khởi tố này nọ, nhưng càng ngày khi các vụ cháy xe càng tràn lan thì hình như các vị chức sắc trong các cơ quan thẩm quyền chừng như nhìn ra được cái vốn chuyên môn của mình đang bị thử thách nếu không muốn nói là nghèo nàn so với một vấn đề không lấy gì làm to lớn lắm.

Đâu cần phải lên cung trăng mới biết sức hút của trái đất như thế nào. Quý vị đang nhận bổng lộc của nhà nước trong các viện khoa học, trong các bộ có trách nhiệm về chất lượng xe cộ hay hóa chất đáng lẽ phải có những động thái vào cuộc điều tra ngay từ đầu. Đàng này khi chiếc xe Honda Supper Dream bị cháy gây ra chết người thì Công an vào cuộc và tuyên bố sẽ khởi tố. Lạ một điều là không biết phải khởi tố ai khi không có một bằng chứng khoa học nào về nguyên nhân gây nên vụ cháy nổ giết người tại Bắc Ninh mà hãng xe Honda là nơi có chiếc xe phát nổ.
Ông chủ hãng Honda Việt Nam Koji Onishilập tức xin lỗi gia đình nạn nhân và hứa sẽ điều tra phẩm chất của dòng xe này. Động thái tức thời này phản ảnh lại cách hành xử vô trách nhiệm của các công bộc nhà nước khi cứ lúng túng nghi ngờ đủ điều mà không rút ra một kết luận nào.
Người dân ngạc nhiên hết mực khi cơ quan điều tra tỏ ra thiếu logic khi không tiến hành xác minh từng vụ cháy một để rút ra những bằng chứng khả dĩ giúp tiến hành một quá trình có tính liên kết với nhau hầu tìm ra ẩn số.
Nghi ngờ được đưa ra nhưng không khai thác và điều tra đã làm cho mọi hướng nhìn của người dân càng thêm lơ láo. Cơ quan trách nhiệm đưa ra những nghi vấn như: chạm mạch điện, rò rỉ xăng, thậm chí do máy xe quá nóng gây nên cháy nổ…và cuối cùng là phẩm chất của xăng…những thông tin dạng này có cũng như không khi cơ quan đưa ra những nghi vấn lại chỉ biết khuyên người dân hãy…cẩn thận và nên làm một vài điều khác để tránh những vấn đề này.
Cái người dân muốn biết là những phát hiện hay nghi vấn đó có cơ sở hay không?
Khi nói rằng do rò rỉ thì cơ quan chức năng có làm những xét nghiệm gì về độ bền của các ống dẫn bằng nhựa tổng hợp khiến chúng rò rỉ và gây cháy? Nên nhớ rằng xe gắn máy đã xuất hiện tại Sài Gòn vào thập niên 60 nhưng chưa có sự cố nào tự cháy như thời gian gần đây. Honda là hãng có thâm niên nhất tại Việt Nam và họ có quyền lên tiếng về nghi vấn này nếu không được chứng minh trên cơ sở khoa học.
Nghi vấn chạm mạch điện cũng có thể tìm ra dễ dàng qua các khảo sát khoa học. Loại xe nào cháy và hiện trường để lại cho thấy có dấu hiệu chạm mạch điện thì xếp chúng vào danh sách cần kiểm nghiệm. Hở mạch điện không phải là việc quá khó để một kỹ sư điện bó tay.
Xe nóng quá gây nên cháy nổ ư? Cũng vậy, hệ thống làm nguội máy của loại xe nào có vấn đề? Ở thời điểm nào trong năm thì nhiệt độ có thể lên và chạy với tốc độ bao nhiêu sẽ tạo nên ma sát khiến xe nóng và bốc cháy?
Xăng có vần đề? Hãy điều tra người chủ có chiếc xe cháy nơi anh ta đổ xăng lần cuối. Tất cả các xe khác cùng đổ tại đây sao không cháy cũng là câu hỏi mà cơ quan điều tra không thể bỏ qua.
Nghe ông Nguyễn Quang Toản, viện trưởng Viện Kiểm Định và Phát Triển Chất Lượng trả lời đài RFA mà chóng mặt. Trả lời kiểu này thì một sinh viên có kiến thức tồi nhất cũng nói thay ông được. Ông nói như bà mẹ khuyên con gái sắp về nhà chồng: nào là phải giữ cái này, gìn cái kia…còn chuyện tại sao thì ông lờ đi như không phải phần việc của mình:
Trước hết là người tiêu dùng, người lái xe phải biết luôn luôn chăm sóc xe của mình cẩn thận. Phải đi bảo trì bảo dưỡng cẩn thận. Đường dẫn xăng phải được giữ thắt kín. Nó hở xăng ra, khi nào rò rỉ xăng thì sẽ có hiện tượng cháy của xăng. Cho nên chính những người lái xe, những người tiêu dùng xe phải tự bảo quản chiếc xe của mình. Nhà nước không có biện pháp nào để chế tài cho đến nơi đến chốn. Còn những nơi đơn vị pha thêm chất phụ gia vào xăng cũng không nhiều lắm. Khi mua xăng ta chọn những đơn vị nào mà ta tin cậy. Tự người tiêu dùng phải bảo vệ lấy mình. Chứ nhà nước cũng khó có chính sách để mà kiểm tra và giúp đỡ mình"
 
…cứ mong làm lớn.
Cháy nổ xe không phải chỉ Việt Nam mới có. Thế giới đã tốn bao công sức để ngăn ngừa tình trạng này trong nhiều chục năm. Việc làm của họ là nghiên cứu, điều tra để tìm cho ra nguyên nhân một cách cẩn trọng và nghiêm túc như điều tra một vụ án mạng. Nhà nước không thể bảo dân chúng tự lo cho mình khi họ ngồi trên xe đến sở cứ lo ngay ngáy không biết sẽ nổ lúc nào.
Những vụ cháy nổ chắc chắn sẽ còn xảy ra khi nhà nước không có một đối sách nào cụ thể. Người đã chết, tài sản tiếp tục ra tro nhưng suy cho cùng thì đây cũng chỉ là những việc nhỏ!
Việc lớn hơn, nghiêm trọng hơn và chắc chắn nếu xảy ra thì tài sản, sinh mạng của người dân bị thiệt hại hơn cả chục ngàn lần. Đó là khi một vụ cháy nổ "nhà máy điện hạt nhân" xảy ra tại Việt Nam!
Lạy trời, chỉ mấy chiếc xe con con bị cháy mà mấy nhà khoa học Việt Nam tìm không ra nguyên nhân, nếu cái nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận thành hình mà xảy ra cháy nổ thì các vị Giáo sư tiến sĩ khoa học của ta sẽ nghi vấn cái gì nữa đây?
Nghi vấn trước nhất và tuyệt đối của tôi là không tin vào tài năng của quý vị có thể tránh và giải quyết một vụ nổ như tại Fukushima.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét