Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

RFA. Mậu Thân- Huế, đi tìm những phản đề

Nguồn RFA.

2012-02-07

Trận chiến Mậu Thân vẫn là một trải nghiệm nghịch lý giữa hai miền Nam Bắc khi nhìn lại con người và sự kiện. Trên Wikipedia, cuộc chiến về Tết Mậu Thân vẫn có hai định đề khác nhau.

Wiki-Commons photo

Hài cốt nạn nhân bị tàn sát tập thể- Wiki-Commons photo


Trong khi một trang đặt tên là "Thảm sát Huế Tết Mậu Thân" đưa lên những con số về các nạn nhân đã bị giết hoặc chôn sống trong các hố chôn tập thể thì ở một trang khác của Wikipedia được gọi rất nhẹ nhàng là "Sự kiện tết Mậu Thân" chỉ nói đến nguyên nhân, quá trình cũng như kết quả của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968. 

Trang "Thảm sát Tết Mậu Thân" gọi cuộc thảm sát này là "hành động tàn bạo ở quy mô lớn đã được thi hành ở Huế và vùng lân cận trong 4 tuần do quân giải phóng miền Nam chiếm giữ"  Còn trang "Sự Kiện Tết Mậu Thân"  lại cho rằng "số đông thường dân bị giết chết trong cuộc chiếm lại thành phố Huế bởi đạn pháo kích của Mỹ"

Vợ khóc chồng- quanvan.net photo
Vợ khóc chồng- quanvan.net photo

Ngay cả những con số về cả các chiến binh tử trận cũng không thống nhất. Trang "Thảm sát Tết Mậu Thân" cho biết  "Quân đội Hoa Kỳ và QLVNCH chịu khoảng 4 ngàn 400 lính thương vong và MTDTGPMNVN cũng tổn thất trên 4 ngàn quân" thì ở trang "Sự Kiện Tết Mậu Thân" lại đưa ra bảng thống kê với 44 ngàn 824 bộ đội chết và 4 ngàn 511 mất tích.

Về số thường dân bị chết trong Tết Mậu Thân Huế, số liệu từ các nguồn khác nhau cũng  không thống nhất. Có nguồn nói là 6 ngàn 700, có nguồn lại đưa ra con số 7 ngàn 600 người chết. 

Biến cố Mậu Thân đã ghi lại một vết chém lịch sử trong lòng người dân cố đô. Cư sĩ Trí Lực, người đã chôn cất những xác chết nằm lại sau biến cố Mậu Thân không bao giờ quên được nổi kinh hoàng lúc đó:

"Khi đó tôi đang ở chùa Thiên Mụ, tôi về thăm gia đình ngày mùng một Tết, dân  chúng cố đô Huế ăn Tết bình thường, nhưng khuya mùng một rạng mùng hai Tết thì tôi thấy bộ đội Cộng Sản miền Bắc lũ lượt từng đoàn kéo nhau vào. 

Vùng tôi ở là Tây Lộc, họ đi vào cửa Chánh Tây nườm nượp. Đúng vào ngày hôm sau thì máy bay hai bên giáp chiến. Cà nông, đại bác diễn ra một trận chiến tranh kinh hoàng. Tôi và gia đình đi tản ở vùng Tây linh, cách vùng Tây lộc khoảng 2 cây số. Trên đường đi tản cư thì tôi thấy rất nhiều xác chết của bộ đội miền Bắc cũng như dân chúng và binh lính Việt nam Cộng Hòa. 

Hai mươi sáu ngày sau, sau khi cố đô Huế bình định trở lại thì tôi tận mắt chứng kiến những hầm chôn tập thể được khai quật lên từ vùng Bãi Dâu Gia Hội, những người xấu số đã bị trói quật lại sau lưng và có những mảnh xương sọ bị vỡ nát. Cảnh kinh hoàng là cảnh Cộng sản đã chôn sống bao nhiêu người dân vô tội.   

Khi đó tôi theo hầu Thầy làm lễ cầu siêu  thì tôi chứng kiến hàng trăm cỗ quan tài được khai quật lên từ Bãi Dâu Gia Hội, Sau đó làm một đám tang tập thể đưa từ trường trung học Gia Hội lên nghĩa trang Ba Đồn. Khi đó tôi thấy một cuộc chiến tranh hết sức là kinh hoàng. Bây giờ bốn năm mươi năm nhớ lại tôi vẫn còn in rõ mồn một trong trí của tôi. Thật là một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn"  

Nhà văn Đinh Lâm Thanh, hiện sống tại Pháp, cũng là chứng nhân của biến cố Mậu Thân:

"Gia đình của tôi của vùng Phủ cam là một, vùng An vân thượng là hai, Gia Hội là ba. Bà con xa bà con gần của bên họ ngoại của tôi là gồm cả thảy 12 người. Trong 12 người đó, có người bị chôn sống, có người bị bắn tại chổ, có người bị chặt đầu, có người bị mổ bụng" 

Cho đến nay vẫn còn có những nghi vấn về trách nhiệm của những người đã nhúng tay vào cuộc thảm sát Mậu Thân Huế. Hai trong những người được nhắc đến nhiều nhất là hai người con của Huế: Hoàng Phủ Ngọc Tường (HPNT) và Nguyễn Đắc Xuân (NĐX)

Trong một dịp đến Pháp năm 1997 ông HPNT đã trả lời phỏng vấn của bà Thụy Khuê :"Trong "Giải Khăn Sô cho Huế" Nhã Ca nói rằng Phủ (tức HPNT) không về Huế và nếu có về thì cũng không giết người,  thành thật cám ơn chị Nhã ca đã dành cho tôi điều thành thật rất quan trọng này"

Và ông tiếp: 

"Đã không có mặt thì làm sao tôi – HPNT- lại có thể làm cái việc ghê gớm gọi là "đồ tể" Mậu Thân ở Huế được"

Đúng thế, ở chương 7 của "Giải khăn sô cho Huế", nhà văn Nhã ca có viết "Tôi hỏi gặng mãi em gái tôi có nhìn thấy Phủ không. Có ai nhìn thấy Phủ không? Nó quả quyết là nó không thấy, cả bạn bè của nó đi họp cũng nói không thấy. Tôi hơi yên tâm và mừng thầm cho kẻ phản bội" 

Những hài cốt chưa nhận ra căn cước- WikiCommons photo
Những hài cốt chưa nhận ra căn cước- WikiCommons photo
Trong một bài phỏng vấn do phóng viên Dương Minh Long thực hiện cách đây 4 năm mà trang nhân dân VN đã đăng lại, ông Nguyễn Đắc Xuân khẳng định HPNT không hề có mặt ở Huế mùa Xuân 1968:

"Nhiều dư luận và cả sách báo lâu nay ngộ nhận rằng nhà giáo Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có mặt ở Huế trong tết Mậu Thân 1968. Nhân đây tôi xin đính chính: Suốt thời gian chiến dịch mở ra, nhà giáo (nay là nhà văn) Hòang Phủ Ngọc Tường đều ở tại địa đạo Khe Trái trong vùng núi phía tây huyện Hương Trà để làm việc với các vị nhân sĩ trong Mặt trận Liên Minh chứ không hề bước chân về chiến trường Huế. Cho nên tất cả những "thông tin" nói nhà giáo Hòang Phủ Ngọc Tường làm việc này việc nọ ở Huế trong những ngày tết Mậu Thân 1968 đều là thông tin bịa đặt"

Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường là thầy dạy Việt văn trung học của ông Nguyễn Phúc Liên Thành, theo ông Liên Thành thầy giáo HPNT dạy môn Triết và Việt văn rất giỏi, ông giảng rất hay và không bao giờ nhìn vào sách. Ông Liên Thành rất ngưỡng mộ thầy giáo HPNT. Ông Liên Thành nguyên là Trưởng ty Cảnh sát Đặc biệt trong những năm 68. Ông đưa ra 4 bằng chứng để chứng minh ông HPNT đã có mặt ở Huế vào Tết Mậu Thân :

"Tôi xin đưa ra 4 trường hợp để chứng minh HPNT đã không thành thật về việc nói y không có mặt tại Huế trong dịp Tết Mậu Thân :
Thứ nhất, năm 72 tôi bắt được tên trung tá điệp viên Hoàng Kim Loan, chính Hoàng Kim Loan khai rằng y và Hoàng Lanh như là Hoàng Phương Thảo là Ủy viên thành phố Huế. Khi thành lập tòa án Nhân dân tại Huế thì chính ba cán bộ thành ủy này đã đề cử HPNT vào ghế Chánh án tòa án Nhân dân tại trường trung học Bãi Dâu Huế.

Cái thứ hai, theo lời tường trình của một số nhân chứng xác nhận rằng kẻ ngồi xử tại tòa án Nhân dân Huế tại trường trung học Gia Hội vào năm 1968 và kết quả sau đó chúng tôi đã khai quật 204 xác nạn nhân tại trường trung học. Cái người ngồi xử đó chính là giáo sư Hoàng Phủ Ngọc Tường nguyên là giáo sư về môn Triết và Việt văn ở Huế.

Cái xác nhận thứ ba: Định là sinh viên y khoa năm thứ hai Huế, cũng là bạn của Hoàng Phủ Ngọc Phan, em HPNT, xác nhận rằng, trong những ngày đầu của Tết Mậu Thân thì chính HPNT và HPNP đã đến nhà ông Định ở đường Nguyễn Du để tìm bắt ông Định. Chính HPNT đứng ở ngoài và HPNP vào nhà để tìm bắt nhưng cha ông Định đã nói một cách để che chở, cuối cùng ông Định trốn trong nhà mà không bị bắt.

Nhưng cái điều quan trọng là chính HPNT đã xác nhận có mặt trong thời gian biến cố Mậu Thân xảy ra. HPNT có trả lời phỏng vấn với một nhà làm phim Mỹ, phim "VietNam Television History" của ông Burchett. Y nói rằng  y đã từng đứng ngay trong một bệnh viện tại vùng Gia Hội, bệnh viện này đã bị Mỹ thả bom và trong đêm đó y dẵm lên một vũng bùn, y tưởng đó là bùn, khi mà y bật đèn thì thấy toàn là máu cả. Điều đó cho thấy sự hiện diện của HPNT tại bệnh viện ở trường trung học Gia Hội"

Riêng về sinh viên Nguyễn Đắc Xuân, năm 66 là trưởng đoàn thanh niên quyết tử và năm 68 là trưởng đoàn Thanh niên vũ trang thành phố Huế còn gọi là Lực lượng an ninh và bảo vệ khu phố. Trong giải khăn sô cho Huế, nhà văn Nhã ca có nhắc đến sinh viên NĐX đã giết một người tên là Mậu Tý, ông Liên Thành cũng khẳng định chi tiết này: 

"Nguyễn Đắc Xuân sử dụng hầu hết các cơ sở nằm vùng, chia ra từng toán, lục soát từng nhà một tìm bắt ngụy quân, ngụy quyền và nhiều cuộc xử bắn đã xảy ra. 

Sau này NĐX có chối tội nói rằng là trong trận đánh Huế thì tôi ở tuyến sau chứ không ở tuyến đầu. Nhưng nhiều nhân chứng đã kể lại những hành động dã man của NĐX trong đó NĐX đã bắn người bạn rất thân của nó là sinh viên Lê Mậu Tý vì nghi Lê Mậu Tý làm việc cho cơ quan tình báo của Việt Nam Cộng hòa hoặc là đảng viên đảng Đại Việt. 

Ngoài ra những cuộc hành quyết tại quận nhất, quận nhì và quận ba đều là do lực lượng an ninh bảo vệ khu phố của NĐX thi hành. Như bà Thái Hòa đã nói chính HPNP và NĐX đã bắn hai người anh của cô ta và bắn luôn ông nội của cô ta trước sự chứng kiến của bà Nguyễn thị Thái Hòa. 

ôi hy vọng một ngày rất gần, Ban Truy tố tội ác đảng CS do tôi đang lập hồ sơ để truy tố những tên này ra tòa án Quốc tế để nó phải trả lời trước dư luận Quốc tế và mong rằng đem lại sự công bằng, công đạo cho những người đã chết trong Mậu thân 68 Huế"

Câu hỏi vẫn thường được đặt ra là : Ai là kẻ thắng, người thua sau cuộc chiến này?

Quân lực VNCH và đồng minh đã thắng vì đã đánh bật quân Bắc Việt ra khỏi Sài Gòn và Huế.  Hay quân đội Bắc Việt đã thắng vì sau tổng tiến công Mậu Thân, VNDCCH đã áp lực được Mỹ ngồi vào bàn hội nghị? Trong cuộc chiến này, có lẽ không có kẻ thắng hay người thua mà chỉ có người dân là nạn nhân, oằn mình chịu đựng bao nỗi oan nghiệt của chiến tranh.

Nhà báo Bùi Tín, nguyên phó Tổng biên tập báo QĐND, cho biết quan điểm của ông:
"Mậu thân thì tôi đang công tác ở Hà Nội. Riêng về Tết Mậu thân thì ý kiến của tôi như thế này: Cuộc tổng tiến công và nổi đạy của phía Bắc Việt là thất bại nặng nề. Tất cả các đơn vị đều bị đánh ra khỏi các đô thị. Với cái tổn thất mà đến 2 năm sau mới phục hồi được, như vậy đánh giá về thực chất thì Bắc Việt đã thất bại rất nặng nề, do chủ quan, do không nổi dậy, do có tập kích rộng rãi những không giữ được do đó thiệt hại rất nặng đến 2, 3 năm sau. 

Các cơ sở lộ hết, nhất là ở đô thị cơ sở mất hết và ở nông thôn cũng mất từng mảng lớn và phải tạt qua tận Cam-bốt. Do đó mà phía đồng minh đã thắng, nhưng đã không duy trì được chiến thắng, tình báo kém lại bị cái tuyên truyền phản chiến ở Mỹ thổi phồng chiến thắng của Việt Cộng lên nên Quốc hội Mỹ rút khỏi chiến tranh VN. 

Do đó mà chiến thắng không được phát huy. Thực chất là chiến thắng nhưng lại chuyển thành thất bại. Chiến tranh là thất bại của nhân dân cả hai phía. Tôi thấy là cuộc chiến tranh này là cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn mà trong lịch sử chưa bao giờ mà cả hai bên chết đến như thế.    

Sinh mạng chết nhiều như thế mà nếu đất nước thống nhất mà có Tự do, Dân chủ thì đó cũng là điều an ủi. Đằng này tổn thất đến như thế, hòa bình trở lại, thống nhất được đất nước mà cũng không có hạnh phúc, không có hòa hợp dân tộc, cái tội của đảng Cộng sản rất là lớn, rất là nặng nề là như thế"           

Khai quật xác người bị CS tàn sát- Wiki-Commons photo
Khai quật xác người bị CS tàn sát- Wiki-Commons photo

Trả lời nhà phê bình văn học Thụy Khuê về trách nhiệm thuộc về ai cho cuộc thảm sát ở Huế, HPNT cho biết ông Lê Minh, tư lệnh chiến dịch Huế Mậu Thân nói rằng: 

"Trách nhiệm đó thuộc về những người lãnh đạo mặt trận Mậu Thân…. Điều quan trọng có thể làm và phải làm bây giờ, là những người kế nhiệm ở Huế phải thi hành chính sách minh oan cho những gia đình nạn nhân Mậu Thân Huế, trả lại công bằng trong sáng và những quyền công dân chính đáng cho thân nhân của họ"

Trong khi chờ đợi những thân nhân của những nạn nhân Mậu Thân Huế được trả lại công bằng và quyền công dân như nguyên Tư lệnh chiến dịch Huế Mậu Thân đã nói thì xin coi những hồi tưởng này, theo lời của nhà văn Nhã Ca, như"một bó nhang đèn góp giỗ. Và góp cho một ngày giỗ tương lai tại quê hương, nơi từng biết thế nào là tình yêu thương, sự ăn ở tử tế, như từng biết thế nào là văn hóa, lịch sử" 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét