Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Diễn Đàn Thế Kỷ - Ghé thăm các Blogs : 17/01/2013

Nguồn diendantheky



BLOG TRƯƠNG NHÂN TUẤN

 Trên mộ bia chung ghi tên các chiến sĩ đã hy sinh ở biển Đông, trong đó có 3 chiến sĩ hy sinh ngày 14-3-1988 tại Gạc Ma, có tạc dòng chữ như sau: "Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì hòa bình và ổn định khu vực."

Tức là những người này hy sinh không phải vì bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc mà "vì hòa bình và ổn định khu vực".

 Vấn đề là, tại sao lại phải hy sinh máu xương người Việt để bảo vệ "hòa bình và ổn định" cho người khác?

 "Khu vực" ở đây không phải của "người khác" thì của ai ? Của VN thì mình nói của VN chứ không nói là "khu vực".

 Những dòng chữ này chứng minh đảng CSVN đã đặt tinh thần quốc tế lên trên quyền lợi của tổ quốc. Điều này bình thường. Đảng viên cộng sản chân chính thì ai cũng có tinh thần quốc tế như vậy.

 Nhưng việc này có tác dụng tiêu cực đến hồ sơ chủ quyền của VN tại các đảo Trường Sa. Điều này hoàn toàn tương phản với lập trường và thái độ của phía VNCH trong cuộc chiến Hoàng Sa tháng giêng năm 1974. Trong cuộc chiến này, phía VNCH đã gọi đích danh "con chó là con chó, con mèo là con mèo".

 VNCH tuyên bố rằng :

 "Trước việc Trung Cộng trắng trợn xâm chiếm bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa, Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thấy cần phải tuyên cáo long trọng trước công luận thế giới cho bạn cũng như thù biết rõ rằng:

 Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên quần đảo ấy.

 Chừng nào còn một hòn đảo thuộc lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực thì chừng ấy Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chính đáng của mình."

 Tuyên bố của VNCH là một tuyên bố đơn phương, có giá trị trước pháp luật quốc tế, vì nó rõ rệt. Nội dung của tấm bia liệt sỹ ở trên là có thể hiểu như là một thái độ mặc nhiên từ khước chủ quyền của VN tại các đảo Trường Sa.

 Rõ ràng, những người đã chết cho cuộc chiến 14-3-1988, là chết vì "hòa bình và ổn định khu vực" chứ không vì bảo vệ các đảo Trường Sa, lãnh thổ của tổ quốc.

 Buổi lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa, được BBC mô tả mới đây, cho thấy báo chí trong nước đã nói về cuộc chiến "bảo vệ đất nước", thay vì cuộc chiến bảo vệ cho "hòa bình và ổn định khu vực". Nhưng họ vẫn không dám nói đích danh kẻ xâm lăng là Trung Quốc.

 Ăn cướp nó vào nhà mình mà mình không dám nói nó cướp của mình cái gì, không dám nói thằng ăn cướp đó là ai, thì mình là người như thế nào ? Hèn !

 Mình hèn như thế thì ai sẽ bênh vực mình ?

 Đó có phải là thái độ đúng đắn của tập đoàn lãnh đạo quốc gia hay không ?



THẾ HỆ P2012

Phe "chữa thẹn cho X." tìm thấy một chi tiết rất "đáng giá", và các "dư luận viên trong biên chế" tận dụng hết cỡ để phản pháo lại dư luận, rằng chị Kim Chi mới chỉ là "ứng viên" cho giấy khen gì đó, là một trong cả ngàn văn nghệ sĩ đang hóng chờ X. phát cho tờ giấy kèm một món hiện vật hoặc hiện kim nào đó. Họ trề môi "Chắc gì đã được nhận mà vội cành cao?"

Ừ nhỉ, chắc gì đã được nhận? Lêu lêu!

Mà chị Kim Chi có "ẻ quẹt" thì vẫn còn đó hàng ngàn, hàng chục ngàn các sĩ văn, sĩ nghệ sẽ rưng rưng gập mình đón nhận chữ ký của X., ôm vào lòng và mang về lộng kiếng, treo cao hơn ảnh thờ. Chị Kim Chi thì chỉ là một bộ phận nhỏ, quá nhỏ, không đáng kể.

Mình cũng "lêu lêu" chị Kim Chi, một cánh hoa trôi ngược dòng, lẻ loi, đơn độc. Chị cứ sống mà xem nhé, vắng mợ thì chợ vẫn đông, cho đến khi X. còn ngồi đó "làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân" thì vẫn còn khối kẻ cứ cuối năm, cuối kỳ là hì hục làm đơn, chạy vạy các kiểu và sau đó là ngồi chực chờ một…cái gì đó từ X.

Người ta lại còn moi móc các chuyện đời thường của Chị để rằng thì là thực ra thì bà này cũng chả phải anh hùng dũng sĩ gì. Ngay cả chuyện Chị mười năm ở chiến trường, ôi xời, cả triệu người vào chiến trường, hy sinh hoặc chết trong ấy, bà còn sống mà về được thì còn là may phước cho bà rồi.

Ừ nhỉ, văn công, hát hò múa may chứ có bắn được phát B40 nào, hoắng!

Duy cái câu nóng hơn nước sôi của chị về X.: "Kẻ làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân" thì người ta né, lơ, lờ…không dám phản bác, vì…khó quá. Chả ai dám phản bác một sự thật hiển nhiên, một sự thật ai cũng thấy, trừ một bộ phận nhỏ nào đó hoặc lú, hoặc lẫn, mà chưa nhìn nhận ra. Mình cứ chờ mãi chả thấy ai, hữu danh, vô danh nào đó, chuyên viết nâng bi, cho ra một bài "đập lại" chị Kim Chi về kẻ làm nghèo làm khổ kia.

Viết đi chứ? Các anh Ước, anh Phong…và các dư luận viên đâu cả rồi?

*
* *

Tối qua ngồi xem chương trình "Lục lạc vàng" trên ti vi.

Ở các vùng sâu, vùng xa có rất nhiều gia đình nghèo khổ, rất nghèo khổ. Cô phóng viên, "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ": Bao nhiêu lâu mẹ mới mua thịt cho anh em cháu ăn một lần?" Chú bé sáu, bảy tuổi trả lời ngay: "Dạ, một năm".

Trẻ con còn trả lời được, người lớn thì ngay cả về hoàn cảnh của mình cũng không biết nói thế nào. Họ quá khổ, quá nghèo và quá ít học để nói được một câu cho gãy gọn khi được hỏi.

Các doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm, dù đang phải gánh gồng đủ các khó khăn của thời khủng hoảng, vẫn đóng góp cho các chương trình nhân đạo kiểu Lục lạc vàng. Hôm qua, có 3 cặp bê được trao cho 3 gia đình nghèo miền núi.

Họ nghèo thì rõ rồi, nhưng tại sao nghèo, tại sao khổ thì nhiều người chưa biết.

Được hỏi về cảm tưởng khi nhận món quà từ chương trình, sau những ấp úng, lúng túng, một chị nói trong nước mắt: "Ơn đảng, ơn chính phủ chúng tôi mới có niềm vui hôm nay".

Hoan hô ngành tuyên giáo, khi mà người ta không biết nói gì khác thì vẫn còn nhớ câu thuộc lòng "ơn đảng ơn chính phủ"!

Các doanh nghiệp khi tài trợ cho chương trình chắc không mong chờ người dân "ơn doanh nghiệp", họ còn lo hàng tồn, lo lương thưởng, lo quà cáp cuối năm.

Chỉ có một khán giả cùng ngồi xem với mình buột miệng "Đ.M, dân nghèo mạt là do mấy chả chớ do ai!, mà hai con bò là của doanh nghiệp chớ đảng nào cho mà ơn?"

Thế đấy, có một cách "giữ lòng tin son sắt" là hãy làm cho người ta nghèo khổ tới mức không biết tại ai mà mình nghèo.

Và, chị Kim Chi nhé, không phải ai cũng còn đủ ăn được như chị đâu nhé! Đừng vội tưởng là ai cũng hiểu như mình, nhé!

Nguồn : Facebook Dong Nguyen



BLOG ĐINH TẤN LỰC

Tờ báo The Irrawady của Burma, số ra ngày 10-01-2013, có đăng bài bình luận của bỉnh bút Simon Roughneen , tựa đề Vietnam Jails Dissidents in Echo of Military-ruled Burma, tạm dịch thoát nghĩa là: (Nhà cầm quyền) VN bỏ tù các nhà đối kháng dội lại (hình ảnh của) chế độ quân phiệt Burma (trước đây).

Bên cạnh bức hình các Thanh niên Công Giáo & Tin Lành trong phiên tòa ở Vinh ngày 09-01-2013 (ảnh của Reuters/chú giải của Thông tấn xã VN), nội dung bài báo đề cập đến những điểm chính có thể kể như sau:
Lê Quốc Quân, từng bị bắt gần 6 năm trước, khi mới trở về VN sau chuyến tu nghiệp ở Mỹ. Ông là một trong những nhà đối kháng nổi bật ở VN, biết trước là sẽ bị bắt lần nữa khi ông nỗ lực cổ súy cho một tiến trình dân chủ hóa VN, bởi đối với nhà cầm quyền đương thời của VN thì điều đó được coi là thách thức lớn nhất đối với chế độ. Ls Quân cho biết là ông không sợ, và quả nhiên, ông bị bắt lại, ngày 27-12-2012, ngay trước phiên tòa ở Vinh vừa nói, bằng tội danh ...trốn thuế.

Các bản án mới nhất ở Vinh, từ 3 đến 13 năm tù giam, chưa kể 3 năm quản chế, cho từng người. Họ bị bắt từ hồi đầu tháng 8-2011, về tội danh định bởi điều 79 bộ luật hình sự: "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".

Trong năm 2012, có khoảng hàng tá người hoạt động xã hội và người cầm bút ở VN bị bắt giam bằng tội danh tương tự.

Mười ba người lãnh án trong phiên tòa hôm qua (09-01-2013) bị cáo buộc là có liên hệ tới đảng Việt Tân, một tổ chức vận động thay đổi chính trị/xã hội ở VN và bị nhà cầm quyền VN dán nhãn là một tổ chức khủng bố, điều mà chính quyền Hoa Kỳ khẳng định là một vu cáo không chứng cứ.

Tuyên bố của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại VN về các bản án ngày hôm qua (09-01-2013) có ghi rõ: "Cách hành xử của nhà cầm quyền đối với những cá nhân này xem ra bất nhất, đối với nghĩa vụ của Việt Nam đối với Công ước Quốc tế về quyền Dân sự và Chính trị, và đối với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền liên quan đến quyền tự do phát biểu và đúng thủ tục"... "Nhà cầm quyền đã huy động hàng trăm công an sắc phục và thường phục để ngăn cấm những người ủng hộ và thân nhân của các nạn nhân tụ họp trước tòa án. Hàng nhiều tá người ủng hộ, kể cả những cụ già và các linh mục đã bị đánh đập và bị bắt giữ".

Một trong 13 nạn nhân, ông Nguyễn Văn Duyệt, một người hoạt động cho quyền của người lao động, tuyên bố trong lời cuối trước tòa rằng: "Chỉ có Chúa Jê-su là hy vọng, tình yêu và chân lý của chúng ta. Tôi mong được gửi sự bình an đến mọi người!".

Ảnh hưởng của bản án đối với mối quan hệ giữa nhà cầm quyền VN với Giáo Hội ở đây thật mù mờ... Còn mối quan hệ giữa nhà nước VN với Tòa Thánh (Vatican) có khá lên đôi chút trong những năm gần đây, tuy nhiên, nhiều hàng giáo phẩm, cả trong lẫn ngoài VN, đã phải ưu tiên hóa việc cải thiện quan hệ với nhà cầm quyền, trong lúc những người Công giáo bị bắt giam về tội hoạt động xã hội... hoặc, nhà cầm quyền cố giành quyền kiểm soát việc bổ nhiệm trong nội bộ Giáo Hội ở VN.

Xem ra, thành viên của các nhóm chưa bị trừng trị thì bị đối xử còn tàn tệ hơn nữa. In hệt như Miến Điện dưới thời độc tài quân phiệt, nhà cầm quyền VN sử dụng lệnh quản chế để kềm chế hoạt động của  những nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng. Hòa thượng Thích Quảng Độ, thuộc Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất, ở Thanh Minh Thiền Viện, bị theo dõi nghiêm nhặt bởi những công an mật vụ giả dạng đọc báo, uống cà phê ở quán đối diện bên kia đường. Ông cho biết rằng nhà cầm quyền VN lo sợ những biến động theo kiểu Mùa Xuân Ảrập, với bối cảnh có hơn 30 triệu người Việt lướt mạng trong một nền kinh tế từng tăng trưởng một thời nhưng nay vỡ nát trong những quy kết khủng khiếp về nạn tham nhũng và quản lý kém ở các tập đoàn quốc doanh.

Một trọng tâm nổi giận khác của nhà nước VN là blog Dân Làm Báo, từng bị nhà cầm quyền mô tả là một "âm mưu mờ ám của thế lực thù địch"... Và các quan chức lại bực mình khi Dân Làm Báo "càng nham hiểm" hơn trong tuần rồi: Blogger Nguyễn Hoàng Vi thuật lại toàn bộ sự kiện công an đã phóng tay đánh đập, lột quần áo và kiểm tra âm đạo của cô trong lúc cô bị giam giữ ở đồn công an phường Nguyễn Cư Trinh, Sài Gòn, vào ngày 28-12-2013. Cô Vi nói: "Tôi đã cào tay họ, giật tóc họ, nhưng mà sức mạnh của một người không thể nào so với bốn người nhập lại. Cuối cùng, họ lột tôi trần truồng".

Nguyễn Hoàng Vi bị bắt ngay trước cửa tòa án sửa soạn diễn ra phiên xử (phúc thẩm) các blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần và AnhBaSàiGòn. Cả ba bị nhà nước bỏ tù về tội sáng lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do.

*

Với một ký giả ngoại quốc, ngần ấy dữ kiện trong một bài báo cho thấy:

Một là, nghiệp vụ của tay bỉnh bút Simon Roughneen không thấp, về một nền chính trị làm thui chột cả một đất nước tươi đẹp/một dân tộc thông minh;

Hai là, tờ báo The Irrawaddy xứng đáng với thương hiệu phủ sóng truyền thông Miến Điện và khu vực ASEAN, với những bài bình luận ở tầm quốc tế;

Ba là, trong thời buổi này, các thứ màn sắt màn tre (và cả tường lửa) đều thành tro dưới sức công phá của kỹ thuật số và kỹ thuật mềm, không cưỡng được;

Bốn là, các kiểu độc tài (bất kể CS hay không CS) đều trở thành đích nhắm giải trừ có tính toàn cầu của cả loài người, bất kể màu da hay ngôn ngữ;

Năm là, Simon so sánh nhà cầm quyền VN hiện tại với một nhóm lãnh đạo độc tài vang danh thế giới (đặc biệt khét tiếng qua trận càn phong trào 8888 vào năm 1988 ở Ngưỡng Quảng), bằng một giọng văn không giấu được niềm hãnh diện rằng Miến Điện đã vượt qua thời u mê sắt máu vô độ đó.

Sáu là, đã có thời, đất nước của Simon mang quốc hiệu là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Liên Bang Myanma (1974-1988), không khác gì quốc hiệu của VN hiện nay. Năm 2006, các tướng lãnh cầm quyền ra lệnh di dời thủ đô về một nơi có tên là Vùng Đất Của Những Ông Vua (Naypyidaw). Và đến ngày 22-10-2010 thì quốc hiệu chính thức của họ trở thành Cộng Hòa Liên Bang Myanma. Họ chính thức lột bỏ XHCN.
Bảy là, thấp thoáng trong suốt bài báo ẩn hiện một thông điệp: Ở đỉnh điểm bạo hành, các nhà độc tài quân phiệt Miến đã phóng tay đàn áp các thành phần yêu chuộng tự do dân chủ là thanh niên sinh viên và tôn giáo. Họ đã thắng trận càn đẫm máu đó, nhưng (các ông vua) không thắng nổi ý chí dân chủ hóa đất nước của người dân Miến Điện...

Riêng về tình hình VN, người VN còn thấy nhiều hơn và rõ hơn những điều Simon đã viết ra (và có thể là cả những điều Simon không tiện viết ra):

Đó là một hệ thống quyền lực đẻ ra tham nhũng và nuôi dưỡng tham nhũng, bằng tài nguyên đất nước và ngân sách quốc gia, tức là dùng tiền thuế của dân để chi trả cho công cụ tuyên truyền giáo dục ngu dân và công cụ vũ trang bạo lực giết dân, chỉ để bảo vệ chế độ.

Đó là một dàn lãnh đạo không do dân bầu ra, bán dần đất nước cho bọn giặc bá quyền phương bắc, nhân danh "tình anh em XHCN" mà đàn áp nhân dân kêu đòi chống giặc giữ nước, thậm chí, không dám mạnh dạn phản đối hành vi hung hãn của giặc, chỉ để bảo vệ chế độ.

Đó là một thể chế chính trị ma trận, trong đó, mọi phía đối xử với nhau bằng ma thuật để làm giàu hoặc để sống còn; và trong đó, bất cứ ai không chấp nhận trò chơi phi nhân này đều bị tiêu diệt bằng thứ luật pháp đã từ lâu biến thành phương tiện trả thù, chỉ để bảo vệ chế độ.

Đó là quy trình sử dụng một quá khứ tanh tưởi hy sinh nhiều triệu nhân dân để nhận tròng nô lệ Liên Xô rồi TQ, trở thành giới tư bản đỏ phá sản đất nước trong hiện tại, và chôn vùi tương lai dân tộc bằng các chính sách cai trị hủy diệt tính tình người, chỉ để bảo vệ chế độ.

Đó là nỗ lực phá hủy bệ phóng canh tân đất nước lẽ ra phải ngang tầm với các tiểu hổ trong vùng, lại còn gia tăng khả năng kềm hãm tiến độ phát triển cá nhân và tập thể, với hệ quả là kéo lùi sinh hoạt xã hội (cả nhân quyền lẫn dân quyền) về thế kỷ trước, chỉ để bảo vệ chế độ.

Đó là những phiên tòa hiện đại nhắc nhớ cho cả nhân loại về hệ thống pháp luật của chế độ quân phiệt mà nay Miến Điện đã từ bỏ; trong lúc VN vẫn xử người bằng quy trình đấu tố lấp lánh ánh mã tấu dưới ngọn đuốc đình làng cách đây hơn nửa thế kỷ, chỉ để bảo vệ chế độ.  

Đó là, sau khi bị bỏ rơi đàng sau những nước nghèo như Phi Luật Tân, Nam Dương, và thậm chí Lào và Campuchia... Việt Nam, dưới ánh sáng thần kỳ của định hướng XHCN, đang thiết lập một kỷ lục mới là chấp nhận thua cả Miến Điện hàng chục năm, chỉ để bảo vệ chế độ.  

Đó là, giới lãnh đạo Ích Tắc/Chiêu Thống hiện tại chấp nhận các nỗi nhục ngất trời đó để giành ngôi/ giữ ngai, chứ còn nhân dân Việt Nam thì không. Hãy nhìn thần thái của 14 anh hùng anh thư trong phiên tòa vừa rồi ở Vinh thì rõ: Cái cần được bảo vệ là đất nước này chứ không phải chế độ.

Đó là, ý thức bảo vệ quốc gia và canh tân đất nước đang bén lửa thành phong trào như một cuộc cháy rừng. Nữ nghệ sĩ ưu tú Kim Chi đã ném que diêm vào thùng thuốc súng bằng lời từ chối sự khen thưởng của kẻ đứng đầu chính phủ bất xứng: "Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân".

Vâng, một khi đã biết ưu lo cho tương lai của đất nước, của dân tộc, người ta phải chấm dứt tận gốc cái kiểu tư duy "một lòng chung thủy với thời đã qua" của dàn lãnh đạo ngu/hèn/tham/ác.

Cảm ơn Simon Roughneen đã viết về VN bằng sự hiểu biết hơn hẳn nhiều người Việt Nam, và bằng niềm tin như đang bùng ngọn ở nhiều triệu người Việt Nam.

Việt Nam sẽ thay đổi, không xa.

13-01-2013 - Kỷ niệm 72 năm ngày khởi nghĩa của Đội Cung ở Đô Lương để tiến về Vinh.



BLOG ĐÀO TUẤN

"Tất cả (các loại thực phẩm) sẽ phải dán tem mác đầy đủ để người dân khi ăn vào phải đảm bảo sức khỏe, không gây bệnh tật"- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tuyên bố chấn động trong chương trình Dân hỏi, Nhà nước trả lời hôm 13.1.

Cần phải nói ngay, những thường dân đang hàng ngày phải đối mặt với nguy cơ nhiễm K cao nhất thế giới hôm nay chắc chắn sẽ ủng hộ ý tưởng này. Đơn giản, miếng ăn vào mồm đang là một trong những nguồn gây K, hay "Lại", một trong tứ chứng nan y.

Tuy nhiên, chính sách này sẽ được thực thi thế nào lại là chuyện không dễ. Tuần trước, khi câu chuyện "kẹp chì cho lồng gà Bắc Giang" được đặt ra, đại biểu QH Dương Trung Quốc thẳng thắn bình luận đó là "tình thế", là một biểu hiện của việc "thiếu tầm nhìn vĩ mô… chỉ quen ứng phó". "Chính phủ đã không bảo vệ nổi lợi ích người nuôi gà trong nước để gà ngoại, gà "lạ", gà già, gà hết trứng nhập khẩu tràn lan, thì liệu Chính phủ có bảo hộ nổi cho gà Bắc Giang được không, mặc dù sự bảo hộ này cũng chỉ có thể là giải pháp tình huống, trước mắt và suy cho cùng là vi phạm luật chống độc quyền"- Ông Dương Trung Quốc nói trên báo điện tử Phụ nữ. Ông cũng nói ngay đến tình trạng sẽ xuất hiện "gà Bắc Giang dởm", bởi "Cái bằng tiến sĩ mà người ta còn làm giả được thì cái nhãn "made in Bacgiang" đáng là cái gì".

Và, chuyện cái kẹp chì, cho con gà Bắc Giang đang chỉ cho thấy  "Chính sách của chúng ta thì như gà mắc tóc".

Trở lại với Bộ trưởng Tiến, trong buổi "Dân hỏi, Nhà nước trả lời", có một bạn đọc đã đặt câu hỏi "Tại sao Bộ trưởng không đến những bữa ăn tập thể, khu chợ cóc, vùng thôn quê…để kiểm tra, mà lại đến các cửa hàng đã có uy tín, kinh nghiệm lâu năm ở Hà Nội?"

Bộ trưởng Tiến khẳng định ý kiến phản ánh đó đúng. Bởi chuyến đi đó chỉ mở màn cho cuộc kiểm tra của liên ngành từ trung ương đến địa phương. Sau đó, bà nói bản thân cũng thường xuyên "vi hành" qua những lần đi chợ phục vụ bữa ăn hàng ngày: "Là phụ nữ và cũng là công dân bình thường nên tôi thường xuyên đi chợ. Từ các cơ sở sản xuất đến những khu chợ dân sinh tôi đều đã ghi nhận. Đó là những cuộc vi hành tự phát mà không ai biết trước được".

Và sau đó, người dân được hứa hẹn về một tương lai, nơi họ sẽ được ăn những "bữa ăn an toàn", với "Rau có chứng nhận an toàn", "Trái cây chứng nhận an toàn"…

Nhưng đó là điều tốt đẹp ở thì tương lai.

Còn hiện tại, với các cuộc vi hành tự phát, như lời bà Bộ trưởng "Chúng ta ra chợ không biết thực phẩm nào sạch, thực phẩm nào an toàn".

Bởi một chuyến "vi hành" với báo chí tiền hô hậu ủng và sau đó "mọi thứ đều tốt", không phải là thứ mà người dân muốn thấy.

Bởi "Một xô nước rửa hàng trăm cái bát" cũng không, cũng chưa bao giờ là hình ảnh tiêu biểu của mối hiểm họa mang tên thực phẩm bẩn.

Và bởi một cuộc kiểm tra, cho dù trên toàn quốc, cho dù cao điểm, năm thì mười họa mới được tổ chức, cũng không phải là những giải pháp căn cơ.



BLOG BÙI VĂN BỒNG

BVB - Từ mấy thập kỷ gần đây, có một câu ngạn ngữ mới trong dân gian nước ta: "Ăn của tham, làm bằng miệng". Câu ngạn ngữ này ám chỉ vào những thói hư tật xấu, chủ yếu phê phán những vị 'quan cách mạng' không đổi mới mà 'tự chuyển hóa' đổi sang đời mới, tức những cán bộ có chức có quyền tham nhũng; mượn ghế, dựa thế chỉ để lo trục lợi, tư duy nhiệm kỳ tranh thủ vơ vét;  gian dối, nói mà không làm, hứa hão, hoặc nói hay làm dở; nói đằng Đông, làm đằng Tây. Nó cũng tương tự như ngạn ngữ xưa: "Nói như rồng leo, làm như mèo mửa", hoặc "Nói cho kiến trong lỗ bò ra, làm như ma sợ thầy phù thủy"…

Gần đây, trên công luận (nhất là báo mạng) và dư luận tập trung nói nhiều đến nhân vật lãnh đạo mới vừa được kéo từ Đà Nẵng lên Trung ương - ông Nguyễn Bá Thanh.

Cái Ban Nội chính Trung ương mà ông Thanh được phân công làm Trưởng ban thực chất đã ra đời và hoạt động suốt 40 năm (1966-2006). Từ 2007, sáp nhập vào Văn phòng bên Đảng (Trung ương Đảng, tỉnh ủy, thành ủy thuộc Trung ương), như một bộ phận chuyên trách, nhiệm vụ và biên chế bị khoanh lại rất nhiều. Người ta nói, coi như hơn 5 năm qua, Đảng mất đi quyền về giám sát, lãnh đạo về Nội chính và Kinh tế. Những quyền này được tăng cường cho Ban chỉ đạo phòng - chống tham nhũng, do Thủ tướng trực tiếp làm Trưởng ban.

Kê khai tài sản, nhớ đừng có đứng tên
là được rồi! Ô kê, A-le-hấp
Truy ta thì ta làm "anh hùng Nấp - Núp"

Ông Nguyễn Bá Thanh được giao trọng trách này khi Ban Nội chính Trung ương vừa được 'mã đáo' trở lại đường xưa do Đảng trực tiếp nắm và chỉ đạo. Sự hoàn trả này cũng gặp nhiều tranh cãi rắc rối, khó khăn, có vận động, có nghị quyết, có cả trao đổi và đánh đổi, nhưng rồi coi như Đảng thắng.

Sau khi nhận cương vị mới, cái 'dàn' nhân sự từ Ban Chỉ đạo PCTN bên Chính phủ chủ yếu theo 'mã đáo' về bên Trung ương Đảng. Người ta nói: "Thần thiêng nhờ bộ hạ". Cái bộ máy tham mưu, giúp việc, là những tay làm và chân chạy cho ông Thanh, có ủng hộ ông hay không thì may ra có trời mới biết. Nhưng dư luận đang cho rằng, dẫu ông Thanh có quyết tâm cao ở cương vị mới, nhưng 'một cánh én không làm nên mùa xuân'. Đúng thế, ông có bị cô đơn lạnh vắng, kể cả bị cô lập hay không? Ông có bị 'bộ phận không nhỏ' nhan nhản, đầy quyền lực bao vây và phản công không? Ông có bị rơi vào bẫy việt vị không? Ông có được quyền chọn và thay đổi dàn nhân sự hay không? Và nữa, ông có bình tĩnh, sáng suốt, đủ năng lực và bản lĩnh để làm ra tầm ra miếng gì không?...Rất nhiều câu hỏi của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân dù kỳ vọng nhưng vẫn đang đặt ra đối với ông Bá Thanh.

Gần đây, nhiều nơi ông phát biểu rất mạnh, tỏ rõ chí quyết, nêu bật bức xúc. Nhưng bộc trực và rung dọa hoặc lộ mục tiêu không phải là 'thượng sách' của nhà cách mạng. Mới đây, ông nói tại Đà Nẵng, nơi mà ông nắm trọn quyền Đảng, quyền Nhà nước, 'vua một cõi', ông đã nói ra rả, nói cho "báo chí' không kịp đăng. Khi đề cập đến vấn đề tham nhũng, một trong những vấn nạn đang gây ảnh hưởng trực tiếp lên nền kinh tế mà Ban Nội chính 'mặc áo mới' của ông có nhiệm vụ giải quyết, ông tuyên bố thẳng cánh: "Sắp tới tôi sẽ rà vô một số cái, cho hốt liền, không nói nhiều". Ông nói, đồng thời dường như tiết lộ khéo là đã xác định một vài mục tiêu nhất định khi nhận xét "một số ông giờ đang ngồi run". Lấy ví dụ từ việc cán bộ ngân hàng giúp doanh nghiệp nâng khống giá đất để được vay vốn nhiều hơn, ông Thanh tuyên bố sẽ 'bắt ngay những cán bộ ngân hàng "trời ơi" đó. Và "bắt liền chứ không cần phải đợi có bằng chứng chung chi gì hết"; "mấy cái ông đó lãnh đạo kiểu gì? Ông có phải học sinh mẫu giáo đâu, ổng quá trời lãi nhưng vẫn cố tình làm như thế để kiếm chác. Đó là ăn mà còn phá nữa nhưng chả ai nói gì"…

- Phải quyết đấu, phải quyết liệt, lần này
tao mà không chống được tham nhũng
 thì tao sẽ từ chức! Ọc...ọc...

Có chỗ ông nói đúng với khẩu khí, với phong cách từng quen mới 'từ khoảng trời riêng soi bóng sông Hàn rơi xuống'. Nhưng xem ra, với thể chế, nếp quen không văn bản và các thang bậc cấp ủy trực tiếp chỉ đạo án của ta, làm gì có chuyện "bắt liền chứ không cần phải đợi có bằng chứng chung chi gì hết". Đừng mơ, thời ông Bao Công bên Tàu cũng săn tìm bằng chứng nát nhừ Chiển Chiêu, liêu xiêu tứ quái 'Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ' mới bắt tội phạm, huống hồ cái lối mà thằng cơ chế đẻ ra 'có cả rừng luật nhưng làm theo luật rừng' như ta. Đã nhiều vụ tày đình, chứng cứ rành rành mà không bắt, mà có bắt lại tha, thậm chí dùng trò ảo điều động, cho đi học, hoặc 'kỷ luật hất lên ghế trên', làm gì mà dễ dàng "bắt liền" như cái vốn quý khí chất Hòa Vang của ông?

Cho nên, người viết bài này không gì hơn chỉ muốn can gián ông là cứ làm, đừng phát ngôn, phát biểu nhiều, đừng nói nhiều. Người ta thường nói: "Hữu xạ tự nhiên hương, phát sáng do nguồn lửa", ông cứ làm cho ngon, cho khéo, cho dứt điểm vụ việc đi, nói nhiều và nói mạnh cũng nguy lắm. Một cái lưỡi nhưng lại là con dao hai lưỡi. Có khi lợi bất cập hại, càng thêm nguy. Ví như vụ Tiên Lãng, vụ Ecopark Văn Giang  lình xình cả năm rồi đó, rối tinh rối mù, ông cứ mạnh tay và trổ tài làm sáng tỏ vụ việc, xử lý đúng bản chất vụ việc theo kỷ cương phép nước, là ngon rồi. Coi như Nghị quyết 4 như "thượng phương bảo kiếm" cho ông đấy!

"Nói như Rồng leo, làm như Mèo...lười"

Phút 89 mới là quyết định. Còn như thời điểm này, mới rà bóng vài đường gọi là khởi động, ông đừng vội hô to mà phí sức. Đối phương đang xói vào chân giầy mới cóng của ông đấy. Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, bạn thân của ông cũng có sự cảnh báo, tâm sự với ông trên báo Tuổi trẻ: "Nay anh cũng tròn 60 tuổi, tuổi sung mãn của một chính khách như thường thấy ở các nước khác, nhưng ở ta thì anh cũng đang ở "phút 89" như tôi năm nào. Có điều cái thế và lực của anh có khác hơn: ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Nội chính trung ương. Với thế và lực vượt trội này, nếu thành công, chỉ vài phút đầu lịch sử thì cái tuổi và nhiệm kỳ công tác của anh sẽ còn "thêm hai hiệp phụ" để dứt điểm cái thế nhùng nhằng với tham nhũng đã thành quốc nạn hiện nay! Tôi hi vọng và kỳ vọng ở anh." …

Ông Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Cố vấn Chính phủ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cũng nói: Trong các nhiệm kỳ của ông Thanh: "Đà Nẵng đã liên tục giữ vài trò và trở thành một cực kinh tế hàng thứ ba của Việt Nam". Và: "Thành phố này đang không ngừng cạnh tranh với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh".  Mới đây, trong một phỏng vấn với BBC Việt Ngữ ngày 7/1, nguyên Viện trưởng viện Kinh tế Trung ương, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận xét rằng việc bổ nhiệm ông Thanh vị trí Trưởng Ban nội chính chứng tỏ sự tín nhiệm của cấp lãnh đạo và cho rằng ông Thanh sẽ "không ngại va chạm" ... "Tôi nghĩ đã làm chính trị mà sợ va chạm thì thôi không nên làm nữa. Trên đời chỉ có hai người không phải va chạm gì đó là người đã chết rồi và người mới đẻ ra." Ông Doanh nói: "Ông Thanh không phải người như thế".

Vậy nên, chỉ mong ông đừng vướng vào cái tật mà ngạn ngữ đã đức kết, làm bằng tài năng, trí tuệ, chữ Tâm và nhiệt huyết vì dân, vì nước, có vụ phải ra tay cứu nước trong lúc này, đừng bao giờ 'làm bằng miệng'. Chúc ông tấn tới gặp nhiều thuận lợi, an toàn và thành công!



BLOG BÙI VĂN BỒNG

Ôi, củi ướt, than ẩm, chỉ lơ đễnh chủ quan chút xíu 
mà tắt ngóm hết lò rồi. Thổi mệt lắm!                                        
  MINH DIỆN

              BVB - Bài này, tác giả Minh Diện coi như tiếp nối Thử tả chân một trong 'Tứ trụ'.
          > Mái tóc bạch kim rạch đường ngôi thẳng thớm tạo bờm, cái trán ngắn có hai nếp nhăn mờ song song không đứt khúc, đôi mắt hẹp núp dưới cặp lông mày chim trĩ,  nhân trung khá sâu, hai đường pháp quyền hình cánh cung ôm lấy miệng, một gương mặt rất dễ dung hòa, dễ thăng tiến trong quan trường. Đó cũng là một con người rất chỉn chu giữ nếp nhà đồng thời rất bảo thủ, ít nhu cầu sáng tạo, không muốn thay đổi những gì đã có, không bứt phá…

Người sở hữu gương mặt ấy là ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư  Đảng Cộng sản Việt Nam.
                Hơn một năm trước, khi ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng bí thư, dù chả  bất ngờ, và cũng chẳng  kỳ vọng,  nhưng nhiều nhà báo đã nịnh hót thô thiển.

                Một tờ báo đưa lời cô giáo Đặng Thị Phúc, rằng cách đây 56 năm, khi cô 22 tuổi và trò Trọng đang học lớp 4, cô đã "rất tinh tế và chuẩn xác khi đánh giá trò Trọng rất có tài có đức, triển vọng làm lãnh đạo". Cũng tờ báo đó, dẫn lời  thầy giáo Nguyễn Gia Quế, chủ nhiệm lớp 9B, ca ngợi Nguyễn Phú Trọng là người có năng khiếu lãnh đạo tập thể rất tốt, ông nói: "Tôi rất nhàn khi trò Trọng làm bí thư chi đoàn kiêm trưởng lớp. Trong những buổi sinh hoạt lớp, tôi chỉ ngồi nhìn Trọng điều khiển!".

               Một thầy giáo khác ở trường phổ thông trung học Nguyễn Gia Thiều: "Tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy Uỷ viên bộ chính trị, Bí thư thành ủy Nguyễn Phú Trọng đi xe máy về dự buổi hợp mặt của trường !".
                Giáo sư Nguyễn Lân Dũng thì bốc thơm tài, đức  Nguyễn Phú Trọng  khi ông làm Chủ tịch Quốc hội: "Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII là nhiệm kỳ thành công nhất, công đó có vai trò rất quan trọng của chủ tịch Nguyễn Phú Trọng. Mặc dù ngày 20-6-2006, người đứng đầu Quốc hội phát biểu rất khiêm nhường, là chưa hiểu biết nhiều về công tác lập pháp và hoạt động nói chung của Quốc hội! Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng rất khiêm nhường, dù ngồi trên ghế chủ tọa, nhưng Chủ tịch nhường cho các phó chủ tịch điều khiển, khi ở ngoài hành lang hội trường, Chủ tịch rất giản dị chan hòa với các đại biểu".
                Đại văn hào Uyliam Sechxpia nói: "Sự giản dị và khiêm tốn là thứ xa xỉ nhất của bậc trưởng giả!".  Ông Nguyễn Phú Trọng đã biết sử dụng thứ xa xỉ ấy đúng lúc, đúng chỗ.

                Chuyện các thầy cô giáo già hoài niệm về người học trò thành đạt của mình không nói làm gì, nhưng một trí thức bậc thầy và là đại biểu Quốc mấy khóa liền, như giáo sư Nguyễn Lân Dũng lại khen nịnh như thế mà không biết ngượng mồm thì kể cũng lạ?

                Ai cũng biết, người thổi luồng gió mới vào Quốc hội, làm cho nghị trường có không khí dân chủ, những cuộc chất vấn  nhiều người muốn theo dõi là ông Nguyễn Văn An.  Luồng gió mới ấy, ông Nguyễn Phú Trọng đã ngăn lại, như ông Dũng nói, là " tiết chế căng thẳng" trong những phiên chất vấn.

               Ấn tượng Nguyễn Phú Trọng để lại sâu đậm nhất trong nhiệm kỳ làm chủ tịch Quốc hội là,  khi Trung Quốc cắt cáp ngầm tàu thăm dò địa chấn,  đâm tàu cá, bắt ngư dân Việt Nam, vẽ bản đồ đường lưỡi bò trùm lên biển đảo Việt Nam và các nước khu vực… làm biển Đông sôi sùng sục, đại biểu Quốc Hội đề nghị đưa vấn đề đó vào thảo luận, thì ông cười, thản nhiên: " Tình hình biển Đông không có gì mới, nói biển Đông mà không phải Biển Đông!".

                   "Nói biển Đông mà không phải  biển Đông" là nói cái gỉ? Ông Nguyễn Phú Trọng không nói ra, bỏ lửng một câu  đầy ẩn dụ, đến nay vẫn chưa có lời giải! Phải chăng cái không phải biển Đông là 16 chữ vàng, là 4 tốt, là đụng chạm tới "Tình đồng chí môi hở răng lạnh" (!?).

                    Nguyễn Phú Trọng nhảy lên Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, vinh quang tột đình sau 39 năm, kể từ ngày đầu tiên  đặt chân vào chốn quan trường,  không  một lần bị va vấp. Quãng thời gian bằng hơn nửa một  đời người  đó, hầu như ông chìm ngập trong đống sách vở lý luận chủ nghĩa Max-Lê: Phóng viên, biên tập viên, phó trưởng ban, trưởng ban rồi Tổng biên tập tờ Tạp chí cộng sản, cơ quan nghiên cứu lý luận độc nhất của Đảng cộng sản Việt Nam. Khi đã làm phó bí thư, rồi  bí thư thành ủy Hà Nội, ông vẫn là cây lý luận số một,  tác giả của Nghị quyết đại hội Đảng IX, X.  Người ta nói, ông là một lý thuyết  gia thuần túy  không phải là một nhân vật từng trải thực tế, ông vẫn tin vào chủ nghĩa xã hội, tin vào lý tưởng, là sẽ xây dựng được một nhà nước ưu việt thuần túy cộng sản ?

                    Về đời tư, Nguyễn Phú Trọng phần nào còn giữ được cái thanh liêm của những người cộng sản đi trước,  giữ được nếp nhà không để vợ con gây  tai tiếng. Đó là lợi thế của ông trong không khí ngột ngạt  bất mãn cao độ của nhân dân,  trước thực trạng cán bộ, đảng viên, trong đó một bộ phận không nhỏ là lãnh đạo lao vào hưởng thụ, bị những cám dỗ vật chất làm sa đọa.

                     Những ngày đầu làm Tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng tỏ thái kiên quyết làm trong sạch nội bộ đảng. Ông tạm gác khẩu hiệu: "Đồng tâm, đồng chí, đồng ý, đồng lòng" (Nói chuyện với cán bộ cao cấp nghỉ hưu Hà Nội 9-2-2012)để "loại trừ những  cán bộ đảng viên hư hỏng ra khỏi đội ngũ".

TBT giải thích về nhóm lửa với các cử tri Hà Nội

                     Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: "Một bộ phân không nhỏ trong đảng, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp thoái hóa hư hỏng đe dọa sự tồn vong của đảng và chế độ".  Ông  có một câu rất nổi tiếng "Đảng viên nhan nhản, cộng sản mấy người!". Thực ra, câu nói này không phải là phát kiến của ông, mà ông nhắc lại một luồng dư luận như thế đang rất phổ biến trong xã hội, để thể hiện TBT dám "nói thẳng nói thật". Câu nói này mà phát ra từ miệng người nảo đó, thỉ chắc chắn sẽ bị chụp ngay cái mũ "Thế lực thủ địch!". Nhưng đó là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông bày tỏ sự bức xúc thực tâm, và nó đã  thành  nội dung cốt lõi trong Nghị quyết trung ương 4: "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay!". Ông cũng không quên những câu nói thẳng nói thật khác trước đông đảo cử tri Hà Nội: "Tiêu cực, tham nhũng nhìn đâu cung thấy, sờ vào đâu cũng có, Trung ương cũng sốt ruột lắm". Nhưng rồi cái máu nghề nghiệp của thầy giáo triết học - đường lối, của nhà Tuyên giáo, của ông Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương năm nào lại xen vào: "Tuy vậy, xem xét, giải quyết phải hết sức khách quan, biện chứng"! Và quả nhiên điều đó là tất yếu đối với ông, chủ thể nếp tư duy vốn đã mặc định của nhà chuyên nghiệp phản ánh luận mácxít-lêninnít.

                    Chưa có nghị quyết nào của đảng được dân kỳ vọng đến thế và thất vọng đến thế, thất vọng ê chề!

                    Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá rất cao Nghị quyết trung ương 4.  Ông ví Nghị quyết trung ương 4 như một "cuộc tắm rửa vĩ đại nhất" trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam. Ông hạ quyết tâm  phải làm thật kỹ lưỡng, thật cụ thể, không xuê xoa, không bênh che, nể nang,  phải "loại trừ những cán bộ, đảng viên hư hỏng ra khỏi đội ngũ!".  Và ông đặt Đảng cộng sản lên thớt: "Đợt này mà không làm đến nơi đến chốn, không thành công thì không còn cơ hội nào nữa để đảng lấy lại hình ảnh và niềm tin trước dân!".

                 Một cuộc vân động rầm rộ, hơn 700 tờ báo chính thống cất lên một bản đồng ca, một cuộc thanh lọc nội bộ được nguyên Thượng tướng Tổng bí thư Lê Khả Phiêu ví như một chiến dịch cực lớn,  huy động đủ các loại xe tăng đại bác!

                  Không biết trong chiến dịch này, ngoài công sức, Đảng cộng sản Việt Nam ngốn hết bao nhiêu tiền của dân, nhưng kết quả cuối cùng là một gương mặt méo mó, một giọng nói nghẹn ngào như bật khóc: "Bộ Chính trị đã thống nhất 100% xin được nhận một hình thức kỷ luật, và xin hình thức kỷ luật một đồng chí. Nhưng 100% Ủy viên Trung ương bỏ phiếu không kỷ luật Bộ chính trị và đồng chí X". Thật bi hài!

                  Ba cuộc hội nghị liên tiếp, các cuộc họp của Bộ chính trị, Ban bí thư, Ban chấp hành trung ương, rồi hội nghị cán bộ toàn quốc…, cuộc  "tắm rửa" kéo dài gần một năm trời, với khẩu hiệu "Nhìn thẳng vào sự thật, không giấu giếm loanh quanh, vạch mặt chỉ tên, không phân biệt bất kỳ ai", kết quả là một dãy số không: Không chỉ ra được bộ phận  phận nào thoái hóa biến chất? Không vạch được nhóm lợi ích nào? Không biết bầy sâu nào? Không chỉ ra đồng chí X là ai? Không kỷ luật Bộ chính trị! Không kỷ luật đồng chí X, dù hình thức nhẹ hều chỉ là khiển trách cho có, mà cũng không có! …

                   Nguyễn Phú Trọng đã có thể rực lên như một ngôi sao sáng, nhưng ông đã để vuột mất cơ hội! Bây giờ uy tín của ông  thấp hơn nhiểu so với lúc  xuất phát.

                  Phải nói thẳng, đây là việc ngoài ý muốn của Nguyễn Phú Trọng, không như người ta nói ông không muốn làm. Tương quan lực lượng không cho phép ông làm. Và cái  đống rác  Nông Đức Mạnh bỏ bê, dồn đống mười năm để lại  quá to!

                  Giá như  Nguyễn Phú Trọng mở lòng nói thật, chắc chắn nhân dân thông cảm cho ông. Nhưng  hình như  cái tuổi Giáp Thân cầm tinh con khỉ, quá khôn ngoan và có đặc tính loanh quanh, nên ông không thừa nhận thất bại mà xuê xoa trám nhét, như người ta dùng bao bố trám nhét thủy điện Sông Tranh! Năm Nhâm Thìn 2012 được coi là "năm Tam hạp Thân - Tý - Thìn của ông, thế mà hầu như ông bị thiếu chí quyết, kém bản lĩnh, thiếu nhạy bén chớp thời cơ, nên vẫn ít được mỹ mãn? Cơ hội thì không thể đến hai lần.
                      Trước kia ông riết róng bao nhiêu, giờ xuê xoa bấy nhiêu. Ông dùng cách chẻ chữ để 'mềm hóa', 'đảo chiều' những khái niệm chính ông nêu lên rồi chính ông phủ định!

                     Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Nghị quyết trung ương 4 ban hành trước hết là cảnh tỉnh với những người đang ngủ quên. Bên cạnh đó là răn đe, ngăn chặn những suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống".  Rồi ông hỏi và tự trả lời: "Vừa rồi chúng ta răn đe được chưa? Khối anh sợ đấy!". Ông nói: "Lấy cảnh báo, cảnh tỉnh, giáo dục, răn đe ngăn chặn, trên tinh thần đồng chí thương yên nhau là chính" và  "Không phải cứ kỷ luật là tốt. Kỷ luật mà không tính kỹ thì lại rối, mai kia là ân oán, thù hằn, đối phó, thành phe phái rối nội bộ, phải khoan dung, đó là phần nhân văn đặc thù của Việt Nam!".

            Từ sự giải thích vòng vèo như vậy, nhà lý luận 'Mácxít' số 1 Việt Nam đưa ra cái "Triết lý nhóm lò" khi tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 1/12/2012, biện minh cho sự bất thành sau Hội nghị Trung ương 6: "Làm sao cố gắng để với tinh thần nhân văn của Bác Hồ. Kỷ luật sắt nhưng với tinh thần tự giác. Ví như nhóm một cái lò, có củi khô, có củi tươi, có củi vừa vừa. Nhưng quan trọng nhất là bước đầu phải nhóm được cái lò lên, tạo thành hơi ấm thì khi đó củi khô, củi tươi đưa vào cũng phải cháy hết. Sâu xa là như thế. Phải đồng lòng, nhất trí hết, nhóm lò lên".

Đưa ra để luận giải triết lý này, chắc ông đã đọc kỹ truyện ngắn 'Nhóm lửa' (Tiếng gọi nơi hoang dã) của nhà văn Jack London. Và chắc chắn ông đã thuộc bài thơ 'Nhóm lửa' của Cụ Hồ đăng trên báo 'Việt Nam Độc lập' ngày 1/8/1942: "Lúc leo lét bắt đầu nhóm lửa / Biết bao nhiêu là sự khó khăn? / Chỉ đìu hiu một mảy gió xuân / Cũng lo sợ lửa khi tắt mất…. / Việc cách mạng cũng là như thế / Bước ban đầu là bước gian nan… / Hở một chút, tức là thất bại / Sai một li là hại cho dân". Dù nói vậy, nhưng bao nhiêu củi khô ngon lành nhưng thứ thì bị mất cắp, thứ thì ông 'đem cho' người ta hết rồi, lấy gì nhóm nữa đây? Mà nếu có thì ngay đến củi khô ông cũng đâu có dùng đúng lúc, dùng khi cần để 'nhóm lò'? Nhưng trong bài thơ "Nhóm lửa" thì Bác Hồ không dạy cái "tinh thần nhân văn", Bác nhấn mạnh về sự kiên trì, khéo léo, nhưng đừng để hở, đừng làm sai, dù chỉ hở một chút, sai một li là thất bại, lửa bị tắt ngóm. Cơ hội giành thắng lớn Nghị quyết TW 4 đã đến, như lửa đã cháy lên, nhưng ông lại chần chừ, xao nhãng, để mất cơ hội từ trước Hội nghị Trung ương 6. Ai cũng biết khi đó, ông và số đông trong Bộ Chính trị đã để 'hở một chút" và quyết định "sai một li". Đã biết chắc chắn rằng 'một bộ phận không nhỏ' tất yếu là bỏ phiếu sẽ chiếm tỉ lệ cao, mà còn sơ sẩy như vậy, quả là đáng tiếc cho 'người nhóm lò". Một cuộc cách mạng mà gom luôn người xấu người tốt vào một rọ như thế tính triệt để và minh bạch ở đâu hở ông …trời. Cho nên, bạn đọc Huỳnh Văn Úc đã viết trên blog Nguyễn Tường Thụy:"Bỗng dưng từ đâu ào ào nước đổ / Người buồn, lửa tắt, sâu cười".

               Trong khi xuê xoa với đồng chí mình, Nguyễn Phú Trọng riết róng với dân. Ông ngăn chặn tức thì việc quyền tư hữu của người dân trong sửa Luật đất đai, cứ khư khư giữ "sở hữu toàn dân" một cách chung chung, tưởng ai cũng có phần trong đó, nhưng không ai có quyền gì về sử dụng đất; và thẳng thừng bác bỏ việc sửa đổi điều 4 Hiến pháp. Ông Nguyễn Phú Trọng  vẫn giữ nếp cũ là nghĩ thay, nói thay  dân. Ông nói: "Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử!" ( Phát biểu ở trường đảng cao cấp Nico Lopez, Cu Ba )

                  Một kiểu lý luận giáo điều như thế mà đem sang rao giảng ở trường  đảng cao cấp Nico Lopez, Cu Ba, để phải chăng vì thế,  bà Tổng thống Brazil Dima Rouseeff  phải từ chối đón tiếp vào phút chót, gây ra vụ Scandal chưa từng có trong ngành ngoại giao Việt Nam, người ta nói "Trước kia các lãnh tụ Việt Nam hình như chơi trò giấu bài kín đáo và khôn ngoan hơn!".

               Ông Nguyễn Phú Trọng bây giờ hay dùng hình thức số hóa và quy nhóm  kiểu Trung Quốc. Nói chuyện ở Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo ngày 9-1-2013, ở Hà Nội vừa qua ông nói: "Công tác tuyên giáo vừa qua  8 ưu điểm, 10 hạn chế, 5 nguyên nhân, 7 nhiệm vụ, 6 giải pháp" và ông  đổ cho "thế  lực thù địch làm giảm niềm tin của nhân dân vào đảng, âm mưu "Làm xanh hóa cái đầu đỏ!". Ông Trọng nói: "Bây giờ các thế lực bên ngoài thấy chúng ta chăm chút công tác tư tưởng, uốn nắn những tư tường lệch lạc, thì họ bảo là bất đồng chính kiến chúng ta lại đi trừng trị, vi phạm quyền con người!".

                Không biết Nguyễn Phú Trọng ám chỉ cái "Thế lực bên ngoài" là bọn nào, nhưng dứt khoát không phải Trung Quốc, ví ông đã khẳng định "Tiếp tục vun đắp quan hệ láng giềng tốt,  xây dựng hòa bình và hữu nghị, chống âm mưu phá hoại từ bên ngoài, ổn định hợp tác phát triển cùng nước bạn!" (Phát biểu trong chuyến thăm Lào Cai).

                Ông Nguyễn Phú Trọng có một câu nói rất đúng: "Mỗi người nghĩ một khác, mỗi người thích đi một hướng thì làm sao chở được con đò sang sông!?".

               Một hệ thống chính trị quyền lực thuộc về nhân dân, do dân, phụng sự lợi ích của dân chứ không phục vụ lợi ích một đảng phái, một phe nhóm, một số người giàu có, thì chính thể đó, dù như con thuyền chẳng may mắc cạn, dân cũng chung tay chèo chống qua sóng gió hiểm nguy. Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân! Hình như Nguyễn Trãi nói như vậy!
M.D    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét