Nguồn trinhanmedia
Minh Võ
Khi đang theo học trường đảng cao cấp ở Liên Xô (từ 1962) Nguyễn Minh Cần đã bỏ đảng vì không chịu nổi sự đàn áp tư tưởng. Vào thời điểm Cộng Sản Việt Nam bắt giam những người trong nhóm xét lại, trong đó có cha con nhà văn Vũ Thư Hiên, Nguyễn Minh Cần cùng một nhóm người Việt Nam khác tại Liên Xô xin "tỵ nạn" cho đến nay. (1)
22-01-2013
Những dẫn chứng cụ thể đó cho thấy không một cán bộ cộng sản nào có thể vừa theo chủ nghĩa cộng sản lại vừa là người quốc gia yêu nước. Vì ngay chủ trương căn bản đã đòi hỏi tận diệt tính lưỡng diện. Mỗi cá nhân đều được nhắc nhở phải thành khẩn đáp ứng đòi hỏi này, nếu không muốn trở thành kẻ bị khai trừ khỏi tổ chức hoặc tệ hại hơn là bị thanh trừng.
Nguyễn Minh Cần gia nhập Ðảng Cộng Sản Việt Nam từ 1946, từng là ủy viên thường vụ tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên (1946-1951), rồi ủy viên thường vụ thành ủy Hà Nội, phó chủ tịch Ủy Ban Hành Chánh Hà Nội (từ 1954-1962).
Từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Ðảng Cộng Sản Việt Nam, và sau khi Liên Xô tan rã, được đọc nhiều tài liệu mật trong văn khố Nga, Nguyễn Minh Cần đã vận dụng kinh nghiệm bản thân phối hợp với kiến thức thu thập tại chỗ về hoạt động của Ðảng Cộng Sản Việt Nam để biên soạn cuốn Ðảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào Cộng Sản Quốc Tế (2) để nói lên sự lệ thuộc của đảng này và cá nhân Hồ Chí Minh vào đường lối của Ðệ Tam Quốc Tế tức Liên Xô, vì từ khi Stalin lên cầm quyền thay Lênin thì Ðệ Tam Quốc Tế đã hoàn toàn do Liên Xô điều khiển.
Tác phẩm dày 230 trang này nêu nhiều bằng chứng rõ rệt về sự lệ thuộc của Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng Sản Việt Nam vào đường lối của Stalin.
Nguyễn Minh Cần trích Marx và Engels qua Tuyên Ngôn của Ðảng Cộng Sản: "Những người cộng sản chỉ khác các đảng vô sản khác trên hai điểm: Một là trong các cuộc đấu tranh của những người vô sản thuộc các dân tộc khác nhau, họ đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích không phụ thuộc vào dân tộc mà chung cho toàn thể giai cấp vô sản..."
Nhấn mạnh tính chất không phụ thuộc vào dân tộc, bởi lẽ chủ nghĩa Marx dựa trên đấu tranh giai cấp vì quyền lợi của giai cấp vô sản, chứ không phải đấu tranh dân tộc vì quyền lợi của dân tộc. Trên thực tế, khắp thế giới đều có giai cấp vô sản nên quyền lợi của giai cấp vô sản vượt khỏi mọi biên giới quốc gia. Vì thế, đấu tranh giai cấp bắt buộc mang tính quốc tế và đã hiện diện nhiều phong trào như Ðệ Nhất Quốc Tế, Ðệ Nhị Quốc Tế, Ðệ Tam Quốc Tế, Ðệ Tứ Quốc Tế.
Nguyễn Minh Cần trích Hiến Pháp Liên Xô năm 1924: "Nhà nước mới Xô Viết là một bước quyết định mới trên con đường thống nhất những người lao động tất cả các nước vào Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết Thế Giới."
Xác định trên biểu hiện rất rõ mục tiêu và phương hướng đấu tranh của Liên Xô. Liên Xô tỏ ra hết sức trung thành với chủ thuyết Marx được nêu trong Tuyên Ngôn Cộng Sản là nhắm vào những người lao động trên toàn thế giới để thống nhất thành một lực lượng đấu tranh.
Phương hướng vận động này không dành chỗ đứng nào cho những người yêu nước theo đuổi mục tiêu phụng sự dân tộc. Vì mục tiêu đấu tranh của Liên Xô cũng được minh thị là tiến tới một Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết Thế Giới mà trong thời điểm đó bắt buộc phải cụ thể hóa bằng Liên Xô.
Tito của Nam Tư có thể sớm nhận thấy đường lối này của Ðệ Tam Quốc Tế chỉ là một chủ trương đế quốc kiểu mới nhắm đưa Liên Xô lên địa vị thống trị các quốc gia khác nên đã không tuân theo và bị Stalin khai trừ khỏi phong trào cộng sản thế giới vào tháng 6-1948.
Riêng Hồ Chí Minh đã chọn vai trò của một chi bộ Cộng Sản Quốc Tế và kịch liệt lên án Tito nên không còn lý do để có thể cho rằng Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc.
Nguyễn Minh Cần không nêu nhận định của mình mà trích dẫn lời tuyên bố của Hồ Chí Minh được ghi trong Hồ Chí Minh Toàn Tập: "Ðệ Tam Quốc Tế là một đảng cộng sản thế giới, các đảng ở các nước như là chi bộ, đều phải nghe theo kế hoạch và quy tắc chung. Việc gì chưa có lệnh và kế hoạch của Ðệ Tam Quốc Tế thì các đảng không được làm." (3)
Tác giả kể thêm một trường hợp đích thân chứng kiến và nghe rõ lời chỉ dẫn của Hồ Chí Minh vào dịp dự hội nghị trung ương ở chiến khu Việt Bắc với tư cách là cấp lãnh đạo đảng ở Thừa Thiên.
Tác giả viết:
"Tại hội nghị đó Hồ Chí Minh đã giải thích về chủ trương đổi tên Ðảng Cộng Sản Ðông Dương thành Ðảng Lao Ðộng Việt Nam. Sau khi giải thích lợi ích của việc đổi tên đảng là để đảng dễ dàng gần gũi, lôi kéo nhiều tầng lớp dân chúng, nhất là các tầng lớp trên, cả miền Nam lẫn miền Bắc đang còn nghi ngại đảng, ông giơ cao nắp hộp thuốc lá thơm Craven "A" của ông lên về phía có nhãn hiệu thuốc và nói: "Ðây là Ðảng Cộng sản", rồi ông quay phía trong nắp không có nhãn hiệu và nói: "Còn đây là Ðảng Lao Ðộng". Ông lại lớn tiếng hỏi: "Thế thì các cô, các chú có thấy khác gì nhau không?" Cả hội trường đồng thanh đáp vang: "Dạ không ạ!" Ông nghiêm nghị nói: "Các cô, các chú nên biết rằng việc đổi tên đảng ta, Bác đã xin ý kiến các đồng chí Stalin và Mao Trạch Ðông rồi (chúng tôi được biết hồi ấy ông vừa đi Moskva về), các đồng chí đã đồng ý. Các cô, các chú nên biết rằng: "Ai đó thì có thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Ðông thì không thể nào sai được." Cả hội trường vỗ tay rầm rầm. Tại đại hội 2 của đảng (1951), Hồ Chí Minh cũng đã có những lời tuyên bố tương tự. "Ai đó thì có thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Ðông thì không thể sai được"... Ðây là một chuyện thực trăm phần trăm, những người cùng thời với chúng tôi đều biết rõ và nhớ kỹ những chuyện như thế, tiếc rằng không mấy ai chịu viết sự thật lên giấy trắng mực đen!"
Trung thành với tinh thần quốc tế cũng có nghĩa là không thể nương tay với những ai còn nặng tinh thần quốc gia dân tộc. Cho nên, việc thanh toán các phần tử quốc gia yêu nước trở thành một hành vi đấu tranh.
Tác giả trích dẫn thư của Ðệ Tam Quốc Tế gửi Ðảng Cộng Sản Ðông Dương năm 1931: "Có nhiều chứng cớ chỉ rằng đảng không hiểu rõ cái nguy hiểm của chủ nghĩa quốc gia cải lương, đảng không kịch liệt tranh đấu, không giải thích cho quần chúng hiểu rõ tính chất phản dân phản quần chúng của bọn quốc gia cải lương. Dù cái vai trò của chúng không lấy gì làm lớn, ảnh hưởng của tư tưởng quốc gia cải lương vẫn có trong đảng." (4)
Những dẫn chứng cụ thể đó cho thấy không một cán bộ cộng sản nào có thể vừa theo chủ nghĩa cộng sản lại vừa là người quốc gia yêu nước. Vì ngay chủ trương căn bản đã đòi hỏi tận diệt tính lưỡng diện. Mỗi cá nhân đều được nhắc nhở phải thành khẩn đáp ứng đòi hỏi này, nếu không muốn trở thành kẻ bị khai trừ khỏi tổ chức hoặc tệ hại hơn là bị thanh trừng.
Tuy nhiên, dù trung thành tuyệt đối với chủ trương đã nêu của Quốc Tế Cộng Sản cũng không hẳn là hết khó khăn. Bởi lẽ ngoài những đòi hỏi của sách lược đấu tranh buộc mỗi cán bộ cộng sản luôn phải mang nhiều bộ mặt còn có những đổi thay ngay trong nội bộ bắt buộc phải có những sửa đổi để thích nghi với tình thế trong từng giai đoạn.
Nguyễn Minh Cần cho biết về tình cảnh này của Cộng Sản Việt Nam: "Tại đại hội 2 đảng Cộng Sản Việt Nam (tháng 2-1951), đại hội đã quyết định rằng cơ sở tư tưởng của Ðảng Lao Ðộng Việt Nam (tức Ðảng Cộng Sản Việt Nam) là chủ nghĩa Marx - Engels - Lénin - Stalin và tư tưởng Mao Trạch Ðông... Ðến năm 1986, khi xuất bản Hồ Chí Minh toàn tập bằng tiếng Việt - tức sau khi đã có mâu thuẫn nặng giữa Cộng Sản Việt Nam và Bắc Kinh - thì trong bài này người ta đã cố tình cắt bỏ một đoạn, trong đó có những câu vừa nêu". (5)
Về hành động cụ thể của Hồ Chí Minh, tác giả đặc biệt nhìn lại thời kỳ Cải Cách Ruộng Ðất và việc ban hành nghị quyết số 49/NQ/TVQH ngày 20-6-1961 cho phép bắt giam không cần xét xử tất cả những người bị tình nghi chống đối. Nghị quyết do đảng đưa ra đã được chính quyền hóa bằng cách đẩy sang quốc hội cho Trường Chinh ký và mở ra một kỷ nguyên tràn lan trại tù tại Việt Nam kéo dài cho tới nay. (6)
Kết quả tức khắc của nghị quyết này được tác giả ghi lại: "Hàng chục vạn người bị tù đày hầu như vô thời hạn, vợ con họ bị phân biệt đối xử, tình cảnh họ thật là bi thảm. Bao nhiêu người khốn khổ đã phải bỏ xác ở các trại tù. Ðây thực sự là một tội ác của tập đoàn thống trị Ðảng Cộng Sản Việt Nam đối với dân tộc Việt Nam, và khốn thay, tội ác đó đã được lặp lại một lần nữa với quy mô rộng lớn hơn, sau khi họ chiếm được miền Nam." (7)
Về Cải Cách Ruộng Ðất, Nguyễn Minh Cần đã viết trong một bức thư gửi cho bạn bè vào đầu năm 2003 với tựa đề "Xin đừng quên! Nửa thế kỷ trước".
Trong bức thư này, Nguyễn Minh Cần đưa ra nhiều bằng chứng để bác bỏ luận điệu bào chữa cho Hồ Chí Minh của một số người trong đó Nguyễn Minh Cần nêu đích danh Hoàng Tùng trong Bộ Chính Trị Ðảng Cộng Sản Việt Nam. Những người này vẫn cho rằng Hồ Chí Minh phải làm Cải Cách Ruộng Ðất do bị Liên Xô và Trung Cộng ép buộc còn những tội ác trong Cải Cách Ruộng Ðất tại miền Bắc khai mào từ năm 1953 là do Trường Chinh và các cố vấn Trung Cộng...
Nguyễn Minh Cần nhắc lại những sự kiện xảy ra mà tác giả được biết đích xác và kết luận Hồ Chí Minh là người chịu trách nhiệm chính, sau đó mới đến Trường Chinh.
Tác giả viết: "Từ 1-4 tháng 12-1953, kỳ họp thứ 3 của Quốc Hội khóa 1, Hồ Chí Minh đọc báo cáo "Tình hình đất nước và nhiệm vụ Cải Cách Ruộng Ðất" và ngày 4-12-1953, quốc hội nhất trí thông qua luật Cải Cách Ruộng Ðất. Sau đó Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh ban hành luật Cải Cách Ruộng Ðất do quốc hội thông qua."
Tác giả kể thêm nhiều trường hợp cụ thể về trách nhiệm của Hồ Chí Minh. Trước hết là trường hợp bà Nguyễn Thị Năm, người từng che chở giúp đỡ các lãnh tụ cộng sản, lại có con là chiến sĩ trong quân đội và cũng là người bị xử bắn đầu tiên ở Thái Nguyên mà Hồ Chí Minh không can thiệp mặc dù biết rõ.
Trường hợp kế tiếp là trường hợp cụ Nghè Nguyễn Mai hậu duệ của Nguyễn Du bị đấu tố 3 đêm liền, rồi bị kết án 15 năm tù nhưng vào tù được mấy tháng thì chết. Ðội Cải Cách Ruộng Ðất lấy cớ cụ Mai là địa chủ (vì có vài mẫu tư điền cho phát canh) để "phá hủy đền đài, bia, miếu thờ của các danh nhân họ Nguyễn Tiên Ðiền và nghiêm trọng hơn nữa là đã đốt cháy ngôi nhà 5 gian chứa đầy thư tịch quý giá của dòng họ Nguyễn Tiên Ðiền, trong đó có di cảo của thi hào Nguyễn Du"...
Phân tích hàng loạt trường hợp đấu tố đã xảy ra, Nguyễn Minh Cần nêu lên 4 tội ác nặng nhất của cộng sản trong Cải Cách Ruộng Ðất:
1) Tàn sát thường dân vô tội.
2) Phá hoại truyền thống tốt đẹp ngàn năm của dân tộc.
3) Phá hoại đạo lý luân thường của dân tộc.
4) Phá hủy truyền thống tâm linh và văn hóa của dân tộc.
Tất cả những tội ác này đều được tác giả trưng bằng chứng cụ thể để chứng minh.
Thời gian đó tác giả đang là phó chủ tịch Hà Nội nên có dịp nghe chính Võ Nguyên Giáp xác nhận trong Cải Cách Ruộng Ðất có tới 2 vạn người bị giết oan. Con số do Võ Nguyên Giáp nêu là số những người bị giết oan theo quan niệm riêng của Võ Nguyên Giáp còn theo Hoàng Văn Chí, tác giả "Từ Thực Dân Ðến Cộng Sản", có tới nửa triệu người bị sát hại do Cải Cách Ruộng Ðất. Lúc ấy Hoàng Văn Chí cũng đang ở miền Bắc nên cho biết ngoài số người bị giết ngay trong lúc đấu tố còn có những người bị chết trong tù, những người tự tử vì quá khổ nhục và rất đông thân nhân của những người bị hành quyết bị cô lập đã chết dần chết mòn sau đó...
Nguyễn Minh Cần cũng được nghe Cù Huy Cận, lúc ấy là thứ trưởng Bộ Văn Hóa, nói trong một buổi họp tổ là tấm bia đá của Lê Lợi đã bị đội Cải Cách Ruộng Ðất phá hủy...
Nhắc lại những sự việc do Vũ Thư Hiên ghi trong "Ðêm giữa ban ngày", Nguyễn Minh Cần viết: "Cụ Vũ Ðình Huỳnh, người gần gũi ông (Hồ) nhất thời gian đó sau này đã "khẳng định người chịu trách nhiệm chính trong sự gây ra những sai lầm trong Cải Cách Ruộng Ðất là ông Hồ Chí Minh, chứ không phải ông Trường Chinh, như đã có sự ngộ nhận kéo dài nhiều năm... Cho nên có thể khẳng định rằng trong vụ án Nguyễn Thị Năm, đúng là ông Hồ đã không cứu bà Năm. Cũng như sau này, trong vụ án xét lại - chống đảng, ông ta cũng không cúu ông Vũ Ðình Huỳnh. Dù rằng ông biết rõ về họ".
Theo Nguyễn Minh Cần, không thể bảo Hồ Chí Minh không biết gì về những thảm cảnh đang diễn ra. Bởi vì mọi báo cáo về công việc đều phải chuyển đến cho người lãnh đạo và lúc đó, Vũ Ðình Huỳnh đang đau ốm vẫn phải chống gậy đến xin gặp Hồ Chí Minh để kêu lên "máu đồng bào đã đổ mà Bác ngồi yên được à!". Sau tiếng kêu của Vũ Ðình Huỳnh, cảnh giết tróc vẫn tiếp tục và không bao lâu sau đến lượt Vũ Ðình Huỳnh bị tống vào nhà tù.
Là một cán bộ cộng sản cao cấp, từng có dịp đối diện với Hồ Chí Minh, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng, từng tham gia nhiều hoạt động của đảng và chính quyền..., Nguyễn Minh Cần đã đưa ra nhiều sự việc xác thực có thể giúp người đọc dễ dàng nhận thấy Hồ Chí Minh không phải là người theo chủ nghĩa dân tộc mà chỉ là cán bộ Quốc Tế Cộng Sản, phục vụ quyền lợi của Liên Xô trên hết đồng thời là người chịu trách nhiệm chủ yếu về mọi thảm cảnh đã xảy ra trên đất nước Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Trích chương 37, Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp, của Minh Võ
______________________
Chú thích
(01) Trong số có Ðại Tá Cộng Sản Lê Vinh Quốc được coi như cánh tay mặt của Võ Nguyên Giáp, và Thượng Tá Văn Doãn, từng là tổng biên tập báo Quân Ðội Nhân Dân
(02) NXB Tuổi Xanh ở hải ngoại phát hành 2001.
(03) SÐD tr. 60
(04) Tác giả ghi trích từ tài liệu "RSKHIDNI ở kho 495, bảng kê 154, Hồ sơ 567, trang 8-9, bản tiếng Việt".
(05) SÐD tr. 54 * Tác giả cho biết những hàng trên được trích từ HCM toàn tập NXB Sự Thật, Hà Nội, 1986, tr. 6, tr.12 và chú thích "đây không phải trường hợp duy nhất..." Từ sự kiện này, có thể nghi ngờ là Cộng Sản Việt Nam đã nhiều lần cắt xén, thêu dệt mọi tài liệu liên quan đến tiểu sử Hồ Chí Minh để tô điểm vào đó những màu sắc dân tộc như yêu nước thương dân...
(06)-(07) SÐD tr. 125, 126
Minh Võ
Angelfire
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét