Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

RFA. Việt Nam Tuần Qua

Nguồn RFA

by RFA 12.01.2013

Bản án 80 năm tù

Trong 2 vụ xử khác nhau cùng diễn ra vào đầu tuần này, tòa án ở Nghệ An tuyên tổng cộng đến 80 năm tù đối với 14 thanh niên Công Giáo và Tin Lành về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Trong khi đó tại Sài Gòn, tòa tuyên phạt 3 năm rưỡi tù một phụ nữ về tội "tuyên tuyền chống phá nhà nước CHXHCNVN".

Nhóm 14 thanh niên Công giáo bị đưa ra tòa tại Nghệ An hôm thứ Ba tuần này thuộc trong số 17 người bị bắt trong các cuộc bố ráp của công an từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2011, với cáo buộc là thành viên của đảng Việt Tân, một tổ chức chính trị của người Việt ở Mỹ bị chính phủ Việt Nam cho là hoạt động khủng bố.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát cũng như tuyên phán của chủ tọa phiên tòa đều cho rằng tất cả những người này phạm tội "âm mưu lật đổ chính quyền". Tuy nhiên theo luật sư Hà Huy Sơn, bào chữa cho nhóm thanh niên Công giáo này thì, tòa án đã không có được những bằng chứng khách quan để buộc họ nhận tội.

Họ thừa nhận là họ có tham gia những khóa huấn luyện đó nhưng nói là không phải nhằm lật đổ chế độ mà để bảo vệ dân.

Bà Kim Chi

Theo thuật lại của thân nhân, trước tòa tất cả 14 người đều phủ nhận việc mình làm vi phạm pháp luật Việt Nam, nói rằng những hoạt động của mình thể hiện tinh thần yêu nước.

Bà Kim Chi, em dâu của anh Nguyễn Đình Cương – một trong những bị can - thuật lại với Đài Á Châu Tự Do:

"Họ thừa nhận là họ có tham gia những khóa huấn luyện đó nhưng nói là không phải nhằm lật đổ chế độ mà để bảo vệ dân. Họ cũng nói là tham gia khóa học nhưng không nói có phải là thành viên đảng Việt Tân hay không. Một số người cũng phủ nhận những cáo buộc trong cáo trạng".

Mặc cho tất cả bị cáo đều phủ nhận "âm mưu lật đổ chính quyền", cũng như phía công tố không đưa ra được bằng chứng để buộc tội, nhưng phiên tòa vẫn kết thúc với bản án tổng cộng lên đến 80 năm tù cho 13 trong số 14 thanh niên Công giáo này.

Ngay sau khi tòa tuyên án, lên tiếng với Đái Á Châu Tự Do, ông Đỗ Văn Phẩm, cậu của Paulus Lê Văn Sơn, người bị tuyên án nặng nhất là 13 năm tù giam, chia sẻ:

"Tôi chăm sóc cháu từ nhỏ, bây giờ cháu bị như vậy thì tôi thấy bất công quá vì cháu không vi phạm gì mà cũng không lôi kéo một ai. Tôi không biết tòa lấy bằng chứng buộc tội ở đâu ra".

lo-thi-thanh-thao-250.jpg
Cô Lô thị Thanh Thảo, một người vừa bị tòa án thành phố Hồ Chí Minh kết án 3 năm 6 tháng tù giam và hai năm quản chế. Photo courtesy of danlambao.
Cùng với gia đình, thân nhân và cộng đồng dân chúa, các chính phủ và tổ chức bào vệ nhân quyền trên thế giới cũng đồng loạt lên án phiên tòa ở Nghệ An.

Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội trong một thông báo phổ biến hôm thư Tư 9 tháng 1 viết rằng, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ rất phiền lòng trước sự kiện này, khi những người tín đồ chỉ thực hiện quyền tự do bày tỏ ý kiến mà đã bị án giam tù nặng nề vì tội "lật đổ chính quyền".

Tòa đại sứ Mỹ tuyên cáo rằng những bản án này cùng với sự giam giữ blogger và luật gia về nhân quyền Lê Quốc Quân và việc y án các blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải, là một phần trong chiều hướng xâm phạm nhân quyền tại Việt Nam.

Trước đó, các Tổ chức Ân xá Quốc tế và Human Rights Watch cũng cho rằng phiên xử một lần nữa cho thấy các hành động trấn áp độc đoán phi pháp của Hà Nội và đòi trả tự do lập tức cho các nạn nhân cùng nhiều người dân chủ bị bắt trước đó.

Human Rights Watch lên án rằng vụ án này đánh dấu thêm một bước nữa sự leo thang quyết liệt của chính phủ Việt Nam trong cuộc tấn công nhằm dập tắc các tiếng nói chỉ trích chính quyền.

Nhân cách cao quý

8_nghe107-220.jpg
Nữ nghệ sĩ Kim Chi
Trong lúc dư luận Việt Nam tập trung sự chú ý vào phiên tòa xử các thanh niên Công giáo ở Nghệ An thì tại Sài Gòn lại xảy ra một sự kiện chưa từng có tiền lệ trong đời sống văn hóa – xã hội – chính trị Việt Nam: Lần đầu tiên một nữ nghệ sĩ gạo cội của chế độ từ chối lời khen của Thủ tướng đồng thời cho biết bà không thể nhận lời khen này khi xét thấy Thủ tướng đã làm quá nhiều việc có hại cho dân, cho nước.

Nữ diễn viên Kim Chi nổi tiếng một thời của làng điện ảnh cách mạng Việt Nam đã công khai tuyên bố rằng vì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không làm được những điều có lợi cho dân cho nước nên bà không thấy quí trọng, không muốn được Thủ tướng khen.

Nếu thật ra một chính quyền mà bắt chị bỏ tù thì đúng là cái chính quyền đó có vấn đề lắm rồi phải không? 

Diễn viên Kim Chi

Trả lời Mặc Lâm của Đài Á Châu Tự Do rằng sự từ chối mạnh mẽ của bà đối với chữ ký của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể làm cho đời sống gia đình bị đe dọa thậm chí có thể dẫn đến tù tội hay không, bà trả lời:

"Cũng có người lo là bây giờ người ta đưa lên mạng như thế thì có thể bị tù, bị bắt, bị còng đầu hay không thì nói thẳng ra là chị không sợ. Chị tin vào chân lý. Nếu thật ra một chính quyền mà bắt chị bỏ tù thì đúng là cái chính quyền đó có vấn đề lắm rồi phải không? Vì vậy chị không sợ, chị không tin là có chuyện đó xảy ra."

Thuộc trong lớp diễn viên nổi tiếng một thời của điện ảnh Việt Nam, trưởng thành trong kháng chiến, nữ nghệ sỹ Kim Chi từng thủ diễn nhiều vai trong các phim "Biệt động Sài Gòn", "Mùa Gió Chướng", "Cánh Đồng Hoang", v.v…

Bị đuổi học vì nhại lời Hồ Chí Minh

Cộng đồng mạng Việt Nam đang nổ ra cuộc tranh luận chung quanh sự kiện một nữ sinh trung học ở Quảng Nam bị nhà trường đuổi học vì đưa lên Facebook một bài thơ nhại lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mặc dầu cô học trò Nguyễn Thanh Vy giải thích rằng hành động của mình chỉ mang tính bộc phát và thấy vui vui nên post lên cho mọi người cùng đọc, nhưng hiệu trưởng của trường trung học Lý Tự Trọng lại cho rằng đây là một hành động bôi nhọ thanh danh giáo viên nên đã ra quyết định đuổi học nữ sinh này.

Sự việc ở Quảng Nam ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận, kẻ bênh cũng có mà người chống cũng nhiều, nhưng nhìn chung đều cho rằng quyết định đuổi học vĩnh viễn một cô học trò chỉ vì những vần thơ "nhại lời", thì hơi quá nặng. Có người còn cho rằng đây là một quyết định "gây sốc".

Sở dĩ "gây sốc" là vì chuyện "nhại lời" thơ ca, nhạc kịch lâu nay vẫn được coi là "chuyện thường ngày ở huyện", phổ biến rất nhiều trong đời sống dân dã Việt Nam trước những điều mắt thấy tai nghe trong cuộc sống hàng ngày, kiểu như:

"Ông Lê Nin ở nước Nga, 
Cớ sao lại đứng vườn hoa nước mình
Ông ưỡn ngực, ông chỉ tay
Ông làm như thể nước này của ông"


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét