Nguồn dinhtanluc
. Đinh Tấn Lực
Tờ báo The Irrawady của Burma, số ra ngày 10-01-2013, có đăng bài bình luận của bỉnh bút Simon Roughneen , tựa đề Vietnam Jails Dissidents in Echo of Military-ruled Burma, tạm dịch thoát nghĩa là: (Nhà cầm quyền) VN bỏ tù các nhà đối kháng dội lại (hình ảnh của) chế độ quân phiệt Burma (trước đây).
Bên cạnh bức hình các Thanh niên Công Giáo & Tin Lành trong phiên tòa ở Vinh ngày 09-01-2013 (ảnh của Reuters/chú giải của Thông tấn xã VN), nội dung bài báo đề cập đến những điểm chính có thể kể như sau:
- Lê Quốc Quân, từng bị bắt gần 6 năm trước, khi mới trở về VN sau chuyến tu nghiệp ở Mỹ. Ông là một trong những nhà đối kháng nổi bật ở VN, biết trước là sẽ bị bắt lần nữa khi ông nỗ lực cổ súy cho một tiến trình dân chủ hóa VN, bởi đối với nhà cầm quyền đương thời của VN thì điều đó được coi là thách thức lớn nhất đối với chế độ. Ls Quân cho biết là ông không sợ, và quả nhiên, ông bị bắt lại, ngày 27-12-2012, ngay trước phiên tòa ở Vinh vừa nói, bằng tội danh ...trốn thuế.
- Các bản án mới nhất ở Vinh, từ 3 đến 13 năm tù giam, chưa kể 3 năm quản chế, cho từng người. Họ bị bắt từ hồi đầu tháng 8-2011, về tội danh định bởi điều 79 bộ luật hình sự: "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
- Trong năm 2012, có khoảng hàng tá người hoạt động xã hội và người cầm bút ở VN bị bắt giam bằng tội danh tương tự.
- Mười ba người lãnh án trong phiên tòa hôm qua (09-01-2013) bị cáo buộc là có liên hệ tới đảng Việt Tân, một tổ chức vận động thay đổi chính trị/xã hội ở VN và bị nhà cầm quyền VN dán nhãn là một tổ chức khủng bố, điều mà chính quyền Hoa Kỳ khẳng định là một vu cáo không chứng cứ.
- Tuyên bố của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại VN về các bản án ngày hôm qua (09-01-2013) có ghi rõ: "Cách hành xử của nhà cầm quyền đối với những cá nhân này xem ra bất nhất, đối với nghĩa vụ của Việt Nam đối với Công ước Quốc tế về quyền Dân sự và Chính trị, và đối với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền liên quan đến quyền tự do phát biểu và đúng thủ tục"... "Nhà cầm quyền đã huy động hàng trăm công an sắc phục và thường phục để ngăn cấm những người ủng hộ và thân nhân của các nạn nhân tụ họp trước tòa án. Hàng nhiều tá người ủng hộ, kể cả những cụ già và các linh mục đã bị đánh đập và bị bắt giữ".
- Một trong 13 nạn nhân, ông Nguyễn Văn Duyệt, một người hoạt động cho quyền của người lao động, tuyên bố trong lời cuối trước tòa rằng: "Chỉ có Chúa Jê-su là hy vọng, tình yêu và chân lý của chúng ta. Tôi mong được gửi sự bình an đến mọi người!".
- Ảnh hưởng của bản án đối với mối quan hệ giữa nhà cầm quyền VN với Giáo Hội ở đây thật mù mờ... Còn mối quan hệ giữa nhà nước VN với Tòa Thánh (Vatican) có khá lên đôi chút trong những năm gần đây, tuy nhiên, nhiều hàng giáo phẩm, cả trong lẫn ngoài VN, đã phải ưu tiên hóa việc cải thiện quan hệ với nhà cầm quyền, trong lúc những người Công giáo bị bắt giam về tội hoạt động xã hội... hoặc, nhà cầm quyền cố giành quyền kiểm soát việc bổ nhiệm trong nội bộ Giáo Hội ở VN.
- Xem ra, thành viên của các nhóm chưa bị trừng trị thì bị đối xử còn tàn tệ hơn nữa. In hệt như Miến Điện dưới thời độc tài quân phiệt, nhà cầm quyền VN sử dụng lệnh quản chế để kềm chế hoạt động của những nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng. Hòa thượng Thích Quảng Độ, thuộc Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất, ở Thanh Minh Thiền Viện, bị theo dõi nghiêm nhặt bởi những công an mật vụ giả dạng đọc báo, uống cà phê ở quán đối diện bên kia đường. Ông cho biết rằng nhà cầm quyền VN lo sợ những biến động theo kiểu Mùa Xuân Ảrập, với bối cảnh có hơn 30 triệu người Việt lướt mạng trong một nền kinh tế từng tăng trưởng một thời nhưng nay vỡ nát trong những quy kết khủng khiếp về nạn tham nhũng và quản lý kém ở các tập đoàn quốc doanh.
- Một trọng tâm nổi giận khác của nhà nước VN là blog Dân Làm Báo, từng bị nhà cầm quyền mô tả là một "âm mưu mờ ám của thế lực thù địch"... Và các quan chức lại bực mình khi Dân Làm Báo "càng nham hiểm" hơn trong tuần rồi: Blogger Nguyễn Hoàng Vi thuật lại toàn bộ sự kiện công an đã phóng tay đánh đập, lột quần áo và kiểm tra âm đạo của cô trong lúc cô bị giam giữ ở đồn công an phường Nguyễn Cư Trinh, Sài Gòn, vào ngày 28-12-2013. Cô Vi nói: "Tôi đã cào tay họ, giật tóc họ, nhưng mà sức mạnh của một người không thể nào so với bốn người nhập lại. Cuối cùng, họ lột tôi trần truồng".
- Nguyễn Hoàng Vi bị bắt ngay trước cửa tòa án sửa soạn diễn ra phiên xử (phúc thẩm) các blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần và AnhBaSàiGòn. Cả ba bị nhà nước bỏ tù về tội sáng lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do.
*
Với một ký giả ngoại quốc, ngần ấy dữ kiện trong một bài báo cho thấy:
- Một là, nghiệp vụ của tay bỉnh bút Simon Roughneen không thấp, về một nền chính trị làm thui chột cả một đất nước tươi đẹp/một dân tộc thông minh;
- Hai là, tờ báo The Irrawaddy xứng đáng với thương hiệu phủ sóng truyền thông Miến Điện và khu vực ASEAN, với những bài bình luận ở tầm quốc tế;
- Ba là, trong thời buổi này, các thứ màn sắt màn tre (và cả tường lửa) đều thành tro dưới sức công phá của kỹ thuật số và kỹ thuật mềm, không cưỡng được;
- Bốn là, các kiểu độc tài (bất kể CS hay không CS) đều trở thành đích nhắm giải trừ có tính toàn cầu của cả loài người, bất kể màu da hay ngôn ngữ;
- Năm là, Simon so sánh nhà cầm quyền VN hiện tại với một nhóm lãnh đạo độc tài vang danh thế giới (đặc biệt khét tiếng qua trận càn phong trào 8888 vào năm 1988 ở Ngưỡng Quảng), bằng một giọng văn không giấu được niềm hãnh diện rằng Miến Điện đã vượt qua thời u mê sắt máu vô độ đó.
- Sáu là, đã có thời, đất nước của Simon mang quốc hiệu là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Liên Bang Myanma (1974-1988), không khác gì quốc hiệu của VN hiện nay. Năm 2006, các tướng lãnh cầm quyền ra lệnh di dời thủ đô về một nơi có tên là Vùng Đất Của Những Ông Vua (Naypyidaw). Và đến ngày 22-10-2010 thì quốc hiệu chính thức của họ trở thành Cộng Hòa Liên Bang Myanma. Họ chính thức lột bỏ XHCN.
- Bảy là, thấp thoáng trong suốt bài báo ẩn hiện một thông điệp: Ở đỉnh điểm bạo hành, các nhà độc tài quân phiệt Miến đã phóng tay đàn áp các thành phần yêu chuộng tự do dân chủ là thanh niên sinh viên và tôn giáo. Họ đã thắng trận càn đẫm máu đó, nhưng (các ông vua) không thắng nổi ý chí dân chủ hóa đất nước của người dân Miến Điện...
Riêng về tình hình VN, người VN còn thấy nhiều hơn và rõ hơn những điều Simon đã viết ra (và có thể là cả những điều Simon không tiện viết ra):
Đó là một hệ thống quyền lực đẻ ra tham nhũng và nuôi dưỡng tham nhũng, bằng tài nguyên đất nước và ngân sách quốc gia, tức là dùng tiền thuế của dân để chi trả cho công cụ tuyên truyền giáo dục ngu dân và công cụ vũ trang bạo lực giết dân, chỉ để bảo vệ chế độ.
Đó là một dàn lãnh đạo không do dân bầu ra, bán dần đất nước cho bọn giặc bá quyền phương bắc, nhân danh "tình anh em XHCN" mà đàn áp nhân dân kêu đòi chống giặc giữ nước, thậm chí, không dám mạnh dạn phản đối hành vi hung hãn của giặc, chỉ để bảo vệ chế độ.
Đó là một thể chế chính trị ma trận, trong đó, mọi phía đối xử với nhau bằng ma thuật để làm giàu hoặc để sống còn; và trong đó, bất cứ ai không chấp nhận trò chơi phi nhân này đều bị tiêu diệt bằng thứ luật pháp đã từ lâu biến thành phương tiện trả thù, chỉ để bảo vệ chế độ.
Đó là quy trình sử dụng một quá khứ tanh tưởi hy sinh nhiều triệu nhân dân để nhận tròng nô lệ Liên Xô rồi TQ, trở thành giới tư bản đỏ phá sản đất nước trong hiện tại, và chôn vùi tương lai dân tộc bằng các chính sách cai trị hủy diệt tính tình người, chỉ để bảo vệ chế độ.
Đó là nỗ lực phá hủy bệ phóng canh tân đất nước lẽ ra phải ngang tầm với các tiểu hổ trong vùng, lại còn gia tăng khả năng kềm hãm tiến độ phát triển cá nhân và tập thể, với hệ quả là kéo lùi sinh hoạt xã hội (cả nhân quyền lẫn dân quyền) về thế kỷ trước, chỉ để bảo vệ chế độ.
Đó là những phiên tòa hiện đại nhắc nhớ cho cả nhân loại về hệ thống pháp luật của chế độ quân phiệt mà nay Miến Điện đã từ bỏ; trong lúc VN vẫn xử người bằng quy trình đấu tố lấp lánh ánh mã tấu dưới ngọn đuốc đình làng cách đây hơn nửa thế kỷ, chỉ để bảo vệ chế độ.
Đó là, sau khi bị bỏ rơi đàng sau những nước nghèo như Phi Luật Tân, Nam Dương, và thậm chí Lào và Campuchia... Việt Nam, dưới ánh sáng thần kỳ của định hướng XHCN, đang thiết lập một kỷ lục mới là chấp nhận thua cả Miến Điện hàng chục năm, chỉ để bảo vệ chế độ.
Đó là, giới lãnh đạo Ích Tắc/Chiêu Thống hiện tại chấp nhận các nỗi nhục ngất trời đó để giành ngôi/ giữ ngai, chứ còn nhân dân Việt Nam thì không. Hãy nhìn thần thái của 14 anh hùng anh thư trong phiên tòa vừa rồi ở Vinh thì rõ: Cái cần được bảo vệ là đất nước này chứ không phải chế độ.
Đó là, ý thức bảo vệ quốc gia và canh tân đất nước đang bén lửa thành phong trào như một cuộc cháy rừng. Nữ nghệ sĩ ưu tú Kim Chi đã ném que diêm vào thùng thuốc súng bằng lời từ chối sự khen thưởng của kẻ đứng đầu chính phủ bất xứng: "Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân".
Vâng, một khi đã biết ưu lo cho tương lai của đất nước, của dân tộc, người ta phải chấm dứt tận gốc cái kiểu tư duy "một lòng chung thủy với thời đã qua" của dàn lãnh đạo ngu/hèn/tham/ác.
Cảm ơn Simon Roughneen đã viết về VN bằng sự hiểu biết hơn hẳn nhiều người Việt Nam, và bằng niềm tin như đang bùng ngọn ở nhiều triệu người Việt Nam.
Việt Nam sẽ thay đổi, không xa.
13-01-2013 - Kỷ niệm 72 năm ngày khởi nghĩa của Đội Cung ở Đô Lương để tiến về Vinh.
Blogger Đinh Tấn Lực
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét