Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

Diễn Đàn Thế Kỷ - Ghé thăm các Blogs - 14/01/2013

Nguồn diendantheky


BLOG QUÊ CHOA

            Lịch sử sân khấu nước nhà có hai thảm hoạ  lớn nhất chưa từng thấy trong thế kỉ 20, đó là hai cái chết tập thể của hai đoàn kịch, một của Đoàn kịch nói Bắc Thái năm 1986, một của đoàn ca kịch Quảng Bình năm 1974.

 Hai thảm hoạ vô cùng thương tâm, một vì tai nạn không may, một vì sự chủ tâm của một người, gây xôn xao một thời cách đây ba mươi năm về trước. Thời này báo chí còn hạn chế đưa tin thất thiệt, viết về những thảm hoạ như thế này ít ai dám. Cái chết của Đoàn kịch Bắc Thái còn đưa được một vài mẩu tin, cái chết của đoàn ca kịch Quảng Bình thì đến một mẩu tin cũng không, dân chúng chỉ xì xào bàn tán thôi, ít ai biết thực hư như thế nào.

Bây giờ sau ba mươi năm, khi nỗi đau đã lắng lại mình mới dám kể, cũng là để chia sẻ nỗi buồn với sân khấu nước nhà, ngõ hầu có thể rút được kinh nghiệm để không bao giờ bị mắc phải những sai lầm như thế nữa, đặc biệt là thảm hoạ của Đoàn ca kịch Quảng Bình.

            Riêng về đoàn kịch Bắc Thái đến nay đã nhiều người biết, một số báo cũng đã viết lại kỉ niệm buồn đau này cùng với nhân chứng sống, vì thế mình sẽ không nhắc nhiều.

            Đấy là một ngày tháng tám năm 1986, đoàn kịch Bắc Thái ăn mừng thành công của vở kịch Đôi dòng sữa mẹ, hình như kịch bản của Lưu Quang Vũ, kéo nhau  đi du thuyền trên hồ Núi Cốc. Hồi này hồ Núi Cốc còn hoang sơ, du thuyền trên hồ là việc chưa quen của ngành du lịch, ai thuê thuyền đi thì có dân phục vụ thôi, mọi phương tiện cứu sinh cả trên bờ lẫn trên thuyền đều không có.

Những đồn đại thì nói rằng có một cơn lốc lạ đã nhấn chìm chiếc thuyền chở 29 người trong giây lát, không ai trở tay kịp, chỉ có 6 người sống sót, 19 nghệ sĩ đang độ tuổi xuân xanh và tài năng đang độ chín cùng với bốn em nhỏ đã vĩnh viễn không bao giờ trở về.

            Thực ra không có cơn lốc nào cả,  thuyền nhỏ người đông, anh em nghệ sĩ thấy cảnh hồ đẹp thì kẻ đứng người ngồi, kẻ chụp ảnh, người đi laị, vào đúng thời điểm thuyền vào cua gấp, ngay lập tức thuyền lật và chìm ngay xuống vực sâu.

            Một số người đã bơi thoát ra khỏi nơi tai nạn nhưng không cầm lòng được bởi tiếng kêu của đồng nghiệp, của người thân, của những em bé đang ngập ngụa trong lòng hồ, đành quay trở laị. Chẳng những không cứu được ai, họ đều chịu chết chung với mọi người. Khi vớt  xác lên, nhiều người vẫn còn ôm nhau, níu chặt nhau, rất thương tâm.

            Khi đó mình đang làm việc tại Sở văn hóa thông tin Bình Trị Thiên, tin này đến ai cũng sững sờ, chua xót. Thảm hoạ kinh hoàng của Đoàn kịch Bắc Thái đã làm mọi người nhớ đến thảm hoạ của Đoàn ca kịch Quảng Bình năm 1974 cách đó 12 năm.

            Đây là thảm hoạ do một nghệ sĩ tên Hoan (họ gì không nhớ nữa) gây ra, một mình anh đã giết chết 14 người trong đoàn vì một chuyện mà nếu thời này thì đã không bao giờ xảy ra.

 Anh Hoan là một nghệ sĩ chủ chốt của Đoàn, yêu cô Phượng 18 tuổi, rất xinh đẹp, hát hay diễn giỏi, cũng là một nghệ sĩ chủ chốt của Đoàn. Thời này cán bộ công nhân viên muốn yêu nhau công khai đều phải báo cáo với lãnh đạo cơ quan. Dù chưa vợ chưa chồng nhưng nếu không báo cáo thì đều bị coi là yêu đương không đứng đắn, thậm chí bị coi là yêu đương bất chính, ngang với tội hủ hoá, là tội rất nặng.

Anh Hoan đã có vợ, có con lại yêu một cô gái trẻ đã là một tội. Gia đình cô Phượng phản đối quyết liệt và đề nghị Đoàn can thiệp, nhiều lần Đoàn đã phê bình kiểm điểm nhưng cả anh Hoan lẫn cô Phượng đều không nghe, vẫn lén lút yêu nhau.

Đến khi cô Phượng có thai thì câu chuyện trở nên trầm trọng. Giá như thời này thì chẳng có sao. Nếu anh Hoan bỏ vợ và lấy cô Phượng mà vợ anh Hoan cũng thuận tình thì chẳng ai lấy đó làm vì, âu cũng là phúc phận ở đời.

Nhưng thời này thì khác, bất tuân yêu cầu của tổ chức là một tội, đã có vợ lại đi hủ hoá là một tội nữa. Khi gia đình cô Phượng và Đoàn yêu cầu anh và cô Phượng chia tay thì cả hai đều bỏ ngoài tai thì tội ấy không thể tha thứ được. Đoàn ca kịch Quảng Bình họp kiểm điểm liên miên, mẹ cô Phượng bám đoàn suốt ngày đêm "Yêu cầu anh Hoan tha cho con gái tôi".

Thực ra cái sự kiểm điểm các vụ yêu đương linh tinh, hủ hoá tầm bậy thường vẫn diễn ra không gay gắt gì, chẳng qua việc phải làm, trên bảo kiểm điểm thì kiểm điểm thôi, chỉ đôi ba người tính cực đoan thích ăn to nói lớn cho oách, chứ thực lòng chẳng ai muốn. Người ta vừa kiểm điểm vừa khuyên giải cốt để cho yên chuyện, trong đoàn tuyệt không ai ghét bỏ hai người.

Nhưng anh Hoan không nghĩ vậy, âu cũng là tâm trạng của một thời, những người bị tổ chức kiểm điểm, bị kỉ luật đều cho đời mình thế là tàn. Như bây giờ nếu không sống trong cơ quan này thì đi tìm cơ quan khác, nhiều người chuyển cơ quan năm bảy lần, chín mươi lần cũng là chuyện bình thường. Xưa thì không, một khi anh bị kỉ luật đều bị coi là xấu xa, bị đuổi việc càng xấu xa, đừng có hòng cơ quan nào nhận. Cái thời mà không ai nghĩ đến chuyện bỏ việc công ra làm riêng, bị đuổi việc được coi như cùng đường sống.

Cuộc họp đêm đó kéo dài đến 11 h đêm, anh Hoan bỏ ra ngoài, mọi người cứ tưởng anh đi vệ sinh, cứ yên chí ngồi chờ. Anh Hoan quay trở lại, ném ngay vào giữa cuộc họp một quả mìn tự tạo đựng trong lon sữa bò. Mìn nổ. Hai người chết ngay tại chỗ. Anh Hoan cầm khẩu AK đánh cắp được của bảo vệ Đoàn đi tìm từng người một, có người anh tha, có người anh bắn chết, bình thản như không.

Chị Tùng vợ nhà thơ Văn Lợi kể: khi đó chị nghỉ đẻ không tham gia kiểm điểm. Nửa đêm nghe mình nổ chị chạy ra thấy anh Hoan đang ôm súng lăm lăm đi đi lại lại tìm kiếm sục sạo, chị kêu lên răng mi bắn chết anh em Hoan ơi, anh nói kệ tui, chị chạy đi, chạy lối tê, đừng chạy lối ni, lạc đạn chết đó.

            Đoàn ca kịch sơ tán, đóng ở đồi Giao Tế thôn Đức Mỹ,  dân quân nghe tiếng súng chạy vào bao vây khu chung cư, chưa ai hiểu chuyện gì, đêm lại tối đen, thỉnh thoảng nghe một tiếng hét lên cùng với tiếng nổ đanh gọn. Đến 4 giờ sáng bộ đội công an từ Đồng Hới kéo lên, ập vào thì cả đoàn ca kịch tan nát, anh Hoan chị Phượng nằm chết kề lưng nhau, mẹ cô Phượng  nằm gần đấy, bà cũng đã chết.

            Anh Hoan đã chết cùng cô Phượng sau khi đã bắn chết cả thảy 14 anh em nghệ sĩ. Người chết hết chuyện, cho đến nay cũng không ai còn kết tội ai, nhớ đến chuyện này ai cũng cất một tiếng thở dài, âu cũng là lỗi của một thời, cái thời mà cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc mỗi cá nhân luôn bị gia đình và tổ chức áp đặt nặng nề.

Đoàn kịch  Bắc Thái sau thảm hoạ một tháng đã gượng lại được bằng  chính vở diễn  Đôi dòng sữa mẹ, cả người diễn lẫn người xem đều đầm đià nước mất. Đoàn ca kịch Quảng Bình thì không, họ mất tinh thần đến nỗi cả năm sau đó vẫn không dựng nổi được một vở nào cho đến khi nhập tỉnh năm 1976, sát nhập vào đoàn ca kịch Bình Trị Thiên. Không một ai muốn nhắc lại, hễ ai nhắc thì người khác gạt đi, nói thôi, nhắc làm cái chi nữa mà nhắc. Tất cả dường như muốn quên đi một kỷ niệm đau lòng cùng với cái thời khốn khổ ấy.



BLOG NGUYỄN THÔNG

Không phải chuyện tình yêu "khúc hát mê say một thời thiếu nữ", mà là vàng, mua bán vàng. Vâng, vàng nghĩa đen trăm phần trăm. Nhớ lại mà rùng mình kinh sợ cho cái cơ chế bao cấp, ôm đồm, bó buộc thời ấy. Như một ám ảnh. Cái bóng ma đó cứ tưởng chết hẳn biến hẳn, ai ngờ giờ lại hiển hiện về mới kinh.

Nào đã xa xôi gì cho cam, nhưng năm cuối 70 - 80 chứ đâu. Sau cuộc giải phóng năm 75, tiện đà nên cách mạng giải phóng tất tần tật. Những gì của chế độ cũ, xã hội cũ đều phải xóa sạch hoặc thay đổi tận gốc. Tốt hay không tốt cũng mặc kệ, nhất thiết phải đổi cái đã. Đổi cho giống miền Bắc XHCN. Nền kinh tế thị trường của miền Nam đang phát triển tốt đẹp đã bị cơ chế bao cấp từng thống trị miền Bắc đến chiếm lĩnh một cách triệt để. Đầu năm 1977 tôi có mặt ở Sài Gòn còn kịp nhìn thấy, chứng kiến một vài "tàn dư" ưu việt của cách làm ăn tự do, cởi mở nhưng chả được bao lâu. Sau đó những gì tôi từng chứng kiến ở miền Bắc hai mươi mấy năm lại xuất hiện y chang trên đất Sài Gòn. Và càng ngày càng tệ. Chả thể quên cũng cái quán hủ tiếu trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5 tôi và mấy ông bộ đội đi học thỉnh thoảng ra ăn, chưa ngồi xuống đã có người hỏi han ân cần, chỉ vài ba phút là nhận ngay tô hủ tiếu nóng hổi. Giá cả bình dân dù lương thực đang rất khó khăn. Nhưng năm 1979 chính quyền đứng ra quản lý tất, kể cả quán hủ tiếu, tiệm cắt tóc, chụp hình, sửa xe... Muốn ăn hủ tiếu phải xếp hàng mua phiếu, có một cô kế toán mặc trang phục quốc doanh đến ghi số kiểm đếm doanh thu, chờ phờ râu sùi mép cũng không thấy hủ tiếu. Chủ hàng thấy kiểu cách vậy nên chán nản chả muốn bán, còn khách hàng bực bội không chịu được cũng thưa thớt dần. Cả một nền sản xuất, dịch vụ u ám thê lương như cái đám ma. Kéo dài suốt bao năm gây khổ cho biết bao người.

Lại nói chuyện vàng. Hồi ấy chỉ có nhà nước được độc quyền mua bán. Vàng như hàng quốc cấm. Anh nào lôi thôi cho vào tù. Tôi nhớ năm 1980 lập gia đình nhưng không tài nào mua được chiếc nhẫn cưới, mãi mấy năm sau mới nhờ ông em họ làm bên tín dụng mua giùm chiếc nhẫn 2 chỉ đầu tiên trong đời. Vợ không dám đeo, cất giữ làm của đến bây giờ. Tiền ít, không dám mua bên ngoài, sợ quản lý thị trường vớ được thì mất toi, nên cứ phải vào cửa hàng của ngân hàng nhà nước. Giá bao nhiêu cũng phải chấp nhận. Cắt cổ cũng phải cười.

Mà quản theo cơ chế tập trung đàn áp như thế chỉ dọa chỉ đánh được vào người nghèo thôi chứ nhà giàu họ đâu có sợ. Nhà tôi khi ấy gần công viên Văn Lang chỗ mũi tàu đường An Dương Vương-Hùng Vương, Q.5, gần nhà thờ Thánh Jeanne D'Arc sáng nào cũng thấy mấy ông người Hoa (lúc ấy gọi là Ba Tàu) quần lửng áo may ô, có ông còn cởi trần trùng trục từng tốp từng tốp vừa ngồi nhấm nháp cà phê vừa quyết định giá vàng trong ngày. Họ vẫn buôn bán, giao dịch như không hề có sự ngăn cấm của nhà nước. Họ coi thường mọi sự bóp chặt quy luật kinh tế. Họ ngầm chứng minh rằng bất cứ thứ gì đi ngược lại sự tồn tại hợp lý, tự nhiên, ngược với quy luật phát triển đều không thể duy trì mãi được.

Nay dù cuộc sống đã nhiều đổi thay nhưng tư duy bao cấp, mệnh lệnh, áp đặt vẫn còn. Có mỗi cục vàng nhưng suốt mấy chục năm cả một bộ máy đồ sộ binh hùng tướng mạnh quản không nổi, cứ loay hoa loay hoay như gà mắc tóc. Biết bao nhiêu nghị định, thông tư, chỉ thị ban bố, rốt cuộc mèo vẫn hoàn mèo. Tài quản lý kinh tế thế nào không biết nhưng phải đến mức phải móc từng chỉ vàng trong túi dân ra thì cũng đủ nói lên nhiều điều. Nếu làm giỏi, đưa nền kinh tế nước nhà đi lên, không cần móc, người dân cũng sẵn sàng bỏ miếng vàng vốn liếng cất giữ lâu nay ra tham gia nguồn vốn xã hội, cần chi nghị định. Chỉ bởi họ chưa có lòng tin, niềm tin vào cách điều hành, quản lý của "các ông ấy". Nghe ông thống đốc nhà tiền Nguyễn Văn Bình hùng hồn tuyên bố rằng dù vàng trong nước có chênh lệch (cao hơn) giá vàng thế giới năm bảy triệu đồng cũng không vấn đề gì thì có thách kẹo bà con cũng chả dám đánh đu với ông. Hết chuyện độc quyền nhãn hiệu SJC, giờ lại gom về 2.500 điểm mua bán có phép, chưa bàn đến vấn đề quyền tài sản của người dân bị tước đoạt nghiêm trọng, chỉ hình dung ra cái cảnh nhãn tiền: sáng sáng lại thấy xuất hiện mấy chú Ba Tàu quần đùi áo may ô tụ tập bên vườn hoa Văn Lang quyết định một phần nền kinh tế quốc gia.

11.1.2013
Nguyễn Thông


BLOG KAMI

Kami

Cái tin nghệ sỹ Kim Chi khi từ chối làm hồ sơ khen thưởng nghệ sỹ của Thủ tướng Việt Nam với lời tuyên bố "Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm"  đã và đang gây sự thu hút trong dư luận xã hội.Thực ra việc nghệ sỹ Kim Chi từ chối làm hồ sơ khen thưởng của Thủ tướng Dũng không phải là trường hợp cá biệt, mà nó là phản ứng chung của một bộ phận không nhỏ các công chức nhà nước đã không chịu nhận bằng khen của Thủ tướng thông qua sự từ chối với nhiều lý do khác nhau. Trung tuần tháng 11, trong bài viết "Xem QH chất vấn: Thủ tướng sao thì Bộ trưởng như vậy!" tôi đã đề cập tới hiện tượng này. Đó là chuyện một anh bạn của tôi, một cán bộ lãnh đạo, người được cơ quan bầu chọn nằm trong danh sách làm hồ sơ khen thưởng của Thủ tướng, nhưng anh ta khăng khăng từ chối. Với lý do "chính thống" mà anh ta từ chối là vì cảm thấy nhiều đồng chí khác xứng đáng hơn tôi (!?). Nhưng thật ra đó là một cách từ chối khéo kiểu văn vở, trái lại khi nói chuyện với bạn bè thân thiết thì anh ta nói thẳng "Thằng ấy làm gì có đủ tư cách để khen tôi!". Lời nói này xuất phát từ một người đang giữ chức Tổng Biên tập một tờ báo khá lớn của truyền thông nhà nước, nói về một người lãnh đạo đứng đầu Chính phủ, chứ không phải từ phát ngôn của các thế lực thù địch như mọi người tưởng.Cho dù anh bạn tôi không đủ sự dũng cảm như nghệ sỹ Kim Chi, để tuyên bố công khai cảnh báo cho dư luận xã hội thức tỉnh. Nhưng thiết nghĩ điều này sẽ khiến mọi người chúng ta, nhất là ông  Thủ tướng Dũng cần phải nghiêm túc suy nghĩ về những phản ứng này dưới góc độ đạo đức làm người. Nên nhớ, đây là phản ứng của những trí thức cộng sản chính hiệu, như lời nghệ sỹ Kim Chi nói. Đó là phản ứng của những người thuộc thế hệ các trí thức trưởng thành từ trong chiến tranh, thế hệ của những người "không sợ chết với bom đạn", nhưng họ còn có lòng tự trọng để phân biệt cái đúng, cái sai, cái đáng làm và cái không nên làm. Đặc biệt là sự dũng cảm dám lên tiếng và biết sống ngay thẳng, sống cho tử tế của họ.
 
Thế hệ chúng tôi may mắn hơn, là không phải đi theo đảng từ năm 12 tuổi như ông Thủ tướng, nhưng bù lại thì được người lớn dạy cho hai chữ Liêm, Sỉ từ khi còn bé trong những bài học về luân lý. Còn nhớ, trong những bài học luân lý ấy mà cho đến giờ tôi còn nhớ như in. Chữ Liêm là nói về tính cách phân minh ngay thẳng của con người, nghĩa là không lấy của bất nghĩa, không làm việc trái với đạo đức, lương tâm của con người. Còn chữ Sỉ là tự mình phải biết hổ thẹn, phải biết khó chịu, nhục nhã trong lòng khi làm những việc vô đạo đức, không công minh. Liêm và sỉ nên hiểu đó là đặc tính của  người tốt, người ngay thẳng. Vì người mà không liêm thì cái gì cũng lấy, không sỉ thì việc gì cũng làm, thì những người như thế là người bỏ đi, không khác gì giống vật. Nhất những người giữ bậc đứng đầu việc nhà, việc nước mà vô liêm, sỉ thì nhà sẽ phải suy bại, nước tất sẽ phải nguy vong. Trên thực tế, sự thật về kinh tế, xã hội, đạo đức con người của Việt Nam hôm nay có phải đã nguy vong hay không thì mỗi người chúng ta đã có câu trả lời cụ thể. Nhưng căn nguyên sâu xa của nó, cũng chỉ là vấn đề đã có quá nhiều người lãnh đạo đất nước hiện nay thiếu liêm sỉ, điều đó đã dẫn tới việc người dân không hài lòng. Mà biểu hiện là thói dối trá nói một đằng, nhưng lại làm một kiểu. Cụ thể như, Hiến pháp ghi nhà nước của nhân dân, mọi công dân có quyền bình đẳng như nhau, công dân có quyền lập hội rõ ràng và sửa đổi Hiến pháp phải thông qua sự phúc quyết của nhân dân. Vậy mà tự dưng lại tự ý bổ xung cho vào Hiến pháp cái Điều 4, xác nhận quyền độc tôn chính trị của đảng CSVN? Một việc làm trái cả tình, cả lý cũng chỉ vì "bỏ Điều 4 là tự sát" như thế xin hỏi những người lãnh đạo đảng và nhà nước họ có liêm sỉ hay không?
 
Đúng như nhận xét của nghệ sĩ Kim Chi khi cho rằng "Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm." Đó là biểu hiện của nghệ sĩ Kim Chi, một người có lòng tự trọng và có liêm sỉ. Tuy rằng số những người dũng cảm, dám công khai biểu lộ ý kiến như nghệ sĩ Kim Chi chính còn quá ít, nhưng trên thực tế những người có suy nghĩ như nghệ sĩ Kim Chi là hết sức đông đảo. Hiển nhiên, việc một kẻ vô liêm sỉ tặng bằng khen cho người có liêm sỉ là điều trái với luân thường đạo lý, không thể chấp nhận được. Nhưng điều đáng buồn cái nghịch lý này lại là một điều hiển nhiên, được công khai hiện hữu trong đời sống xã hội ở Việt nam, một xã hội đểu cáng mà bây giờ quay đi đâu cũng không ghìm được cơn mửa như lời của nhà thơ Bùi Minh Quốc tâm sự.
 
Đây là một vấn đề không đơn giản, thiết nghĩ mọi người đặc biệt là các quan chức lãnh đạo cần nghiêm túc suy nghĩ. Muốn làm lãnh đạo để chăn dân thì tối thiểu các vị phải thể hiện là một tấm gương về mọi mặt, đặc biệt là gương sáng về đạo đức. Trước hết hãy học để biết hai chữ Liêm - Sỉ và vận dụng nó trong công việc hàng ngày. Chỉ cái đó thôi nó cũng dạy cho các vị biết có một cách hành xử đúng nghĩa trong công việc để mà "cái gì có lợi cho dân thì kiên quyết làm, còn cái gì có hại cho dân thì kiên quyết tránh". Chỉ cần có thế, khi ấy có lẽ các vị sẽ đủ tư cách khen người khác và sẽ không còn cái cảnh người dân không muốn trong nhà có chữ ký của các ông, những kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Và chắc chắn khi ấy, những người làm cho đất nước giàu, nhân dân sung sướng thì sẽ được quý trọng, và ngược lại những ai không làm được điều đó thì đương nhiên nhân dân sẽ không thích, không quý trọng. 
 
Ngày 08 tháng 1 năm 2013
 
© Kami


BLOG GÓC NHÌN ALAN

Một lập luận tôi nghe khá thường xuyên trong những lúc trà dư tửu hậu gần đây. Đó là tình hình suy thoái, nguy hiểm của chúng ta chứa nhiều "cơ hội tiềm năng" cho những doanh nghiệp biết nắm bắt và thích ứng. Thậm chí, một vài chuyên gia còn viết bài về "cơ may" của Việt Nam trong cơn khủng hoảng này.

Ai cũng đều đưa ra một minh chứng là từ ngàn xưa, chữ Trung Quốc đã ghi rõ "cơ" nằm giữa "nguy". Những đầu óc đình đám nhất của chúng ta luôn giả định là các tổ tiên Tàu đã nói thế thì đây là chân lý rồi. Phận con cái phải nghe theo thôi. Thậm chí, một đại học giả còn nhắc chúng ta phải mang ơn mẫu quốc về cơm áo cũng như văn hóa đến đời đời con cháu sau này.

Ai cũng công nhận đi tìm "cơ" giữa "nguy" là một thái độ tích cực và sáng tạo. Hành động thể hiện một tư duy dựa trên niềm tin của tuổi trẻ, bất chấp những thất vọng của tình thế.

Tuy nhiên, khi sự lạc quan trở nên mù lòa và mất đi logic hay khoa học, "cơ" trong "nguy" trở thành một trò tuyên truyền dựng lên bởi các chánh trị gia để đa số người dân quên đi một thực tế khá bẽ bàng. Không có "cơ" nào cho một nền kinh tế mà phí quản lý cao hơn 42% GDP (mỗi đơn vị phải chi ra 42 xu mỗi đồng cho giá thành, chưa tính đến cac phí tổn sản xuất hay tài chánh khác). Không có "cơ" nào cho một hệ thống tài chánh mà 63% đầu tư chạy vào bong bong bất động sản và nguy cơ nợ xấu có thể vượt qua 38% GDP. Không có "cơ" nào cho một cơ chế mà 68% đầu tư bị các doanh nghiệp nhà nước chiếm lĩnh theo lối kinh doanh OPM.

Bao giờ thì chúng ta hiểu ra rằng "cơ" đã đi mất từ lâu. Chỉ còn "nguy" và "nguy".


BLOG ĐÀO TUẤN

Rất buồn cười câu chuyện, và cũng là một lối tư duy: Ta mở sòng cho "khoai tây" đến chơi và "ngồi đó thu tiền". Còn "khoai tây", Campuchia chẳng hạn, thì mở sòng cho "khoai tây Việt".

Vẫn với cách thức "thẳng thắn xứ Quảng" thường thấy, Tân Trưởng Ban Nội chính Trung ương vừa bàn đến hai vấn đề: Số lượng sân golf tại VN chưa nhiều và nên mở thêm bàn đánh bạc cho người nước ngoài tại Đà Nẵng.

"Tui mới đi Nhật Bản. Ở thành phố Osaka có 6,5 triệu dân mà họ có tới 100 sân golf. Còn chúng ta có gần 90 triệu dân mới có 20 sân golf mà đã la làng. Như ở Thái Nguyên, 4 năm ni chạy đi xin làm sân golf mà cũng không cho. Tui thấy toàn đồi núi không, chứ có đụng đến đất sản xuất lúa đâu. Làm gì thì làm, như làm sân golf không được đụng đến đất sản xuất lúa là được. Chứ ở mấy gò đồi cằn cỗi không sản xuất được mà cũng cấm làm sân golf là thấy không ổn".

Còn sòng bài, đó là chuyện 7 bàn trong một sòng bài dành cho người nước ngoài ở Silver Shores Đà Nẵng. "Tôi nói thiệt, có khác gì đâu về bản chất giữa các con số 7 bàn, 30 bàn hay 50 bàn, mà đi xin tăng thêm hoài cũng không cho lên. Cứ cho họ mở rộng ra càng nhiều càng tốt, rồi khách nước ngoài mới kéo đến chơi thoải mái, đông đúc, còn ta cứ ngồi thu thuế chứ mất đi đâu mà lo".

Sân Golf tội đồ một thời nay được cho là chưa nhiều. Và "Sòng bài", chủ đề tương đối cấm kỵ đối với người Việt- dường như không mấy liên quan đến nhau. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cả hai có điểm chung: Chúng đều là những ví dụ mà ông Nguyễn Bá Thanh dùng để minh họa cho nhận định "Cơ chế chính sách để kêu gọi đầu tư phát triển trong nước" đang "có nhiều cái "rất lạ".

Vấn đề chỉ là ở câu hỏi: Sân golf dành cho ai khi mà chỉ riêng bộ gậy của người chơi golf đã tốn hàng ngàn USD, một thẻ thành viên tốn hàng chục ngàn USD khác, và phí chơi golf là "hàng triệu đồng" cho mỗi buổi "vác gậy". Bởi vậy, nói golf là môn thể thao dành cho người giàu là chưa đủ, bởi ở đó, còn có câu chuyện lối sống xa hoa cách biệt của một bộ phận không nhỏ người chơi là công chức nhà nước.

Hồi cuối năm 2011, khi Bộ trưởng Đinh La Thăng ra lệnh cấm cán bộ chơi golf, lệnh cấm cực đoan này ngay sau đó bị Bộ Tư pháp "thổi còi" cho dù nó nhận được sự ủng hộ của đa số dư luận, cũng là những người không chơi golf.

Cái gì cực đoan cũng đều không tốt cả. Và dư luận vỗ tay không thể là lý do biện hộ cho việc một quyết định hành chính vi phạm đến tự do của công dân.

Nhưng nếu chỉ một lý do nào đó, vì thiếu đầu tư chẳng hạn, để mở lại câu chuyện những sân golf, trong tình huống kinh tế khó khăn khiến người dân đến ăn còn chẳng đủ, doanh nghiệp nợ thuế đầm đìa thì rõ ràng, điều đó khó là ví dụ cho câu chuyện bất cập của cơ chế, của chính sách nhiều khi chẳng mấy liên quan đến sân golf.

Nếu tân Trưởng ban Nội chính TƯ muốn có một cuộc cách mạng, hoặc giản dị mà một sự thay đổi, thì đó cũng không phải là việc mở 30 hay 50 bàn thay vì con số 7 ở Silver Shores Đà Nẵng, để "người nước ngoài kéo đến…còn ta ngồi đó thu thuế".

Bởi rất buồn cười câu chuyện, và cũng là một lối tư duy, ta mở sòng ở Phú Quốc, ở Đà Nẵng, ở Hải Phòng cho "khoai tây" đến chơi và ta thu tiền. Còn "khoai tây", Campuchia chẳng hạn, thì mở sòng cho "khoai tây Việt".


BLOG ĐÀO TUẤN

Nguồn sữa của những đứa trẻ đang lâm nguy khi tỷ lệ ung thư "ti" ở Việt Nam được cho là cao nhất thế giới.
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ ung thư (K) cao nhất thế giới. Đây là kết luận của Viện phòng chống ung thư Việt Nam được dẫn trên báo điện tử Khám phá.

Ung thư dạ dày. Ung thư "ti". Ung thư đại tràng. Ung thư gan. Ung thư cổ "cái ấy". Hình như K không tha bất cứ bộ phận nào trên thân thể người Việt.

Nhưng đây mới là tin toát mồ hôi: Nguyên nhân gây K là do các loại hóa chất độc hại có trong thức ăn hàng ngày. Và nguồn nước ô nhiễm.

Có nghĩa là hàng ngày, cứ mở mồm là chúng ta đang "lấy thòng lọng buộc cổ", khi con mắt trần (trụi) của những "người tiêu dùng thông thái" chúng ta không phải là kính hiển vi để biết miếng thịt nào chứa "hóa chất độc hại", cọng rau nào không tẩm đẫm thuốc sâu, chiếc áo nịt nào không "hại ti".

Ôi, nguồn sữa của những đứa trẻ đang lâm nguy khi tỷ lệ ung thư "ti" ở Việt Nam được "đo lường" với tỷ lệ mắc K bình quân là 30/100.000 người tại Hà Nội và 20/100.000  người tại TP.HCM.

Lưu ý là vừa tháng trước, kết quả phân tích của Viện Hóa học- Viện Khoa học và công nghệ cho thấy "dung dịch màu trắng trong suốt" của những viên "tròn tròn màu trắng" trong những chiếc áo nịt ngực "Made in China" là "Dung dịch dầu khoáng đã bị cấm dùng trong lĩnh vực dược". Và trong dung dịch đó, có chứa polycylic aromantic hydrocarbon (PAH), một chất độc không chỉ gây ngứa, gây rối loạn nội tiết mà còn "gây ung thư cao". Và trong những câu chuyện "dưa lê vỉa hè" của những bà nội trợ là chuyện những quá táo tàu "để nửa năm không hỏng".

Tất nhiên, không phải hàng "Made in China" nào cũng chứa chất "có nguy cơ gây ung thư". Tất nhiên, Việt Nam không hề là ngoại lệ. Cách đây ít tháng, Lao động có một bài điều tra và sau đó đưa ra con số khiến dân chúng Mỹ Đình nói riêng và cư dân thủ đô nói chung tối tăm mặt mũi: Nguồn nước sinh hoạt dùng trong nhiều năm nay tại khu vực chung cư và nhà liền kề ở Phú Mỹ, Mỹ Đình bị nhiễm thạch tín (asen) vượt gấp 37-43 lần mức cho phép. 50% điểm giếng nước ngầm trên địa bàn toàn Thành phố có mức vượt trên ngưỡng cho phép 0,01mg/lít. Mà asen là gì? Là thạch tín. Là thuốc độc mà người ta lập tức tắt thở nếu nuốt nhầm một lượng bằng "nửa hạt ngô". Là "sát thủ vô hình" gây ung thư gan, ung thư da, ung thư phổi, ung thư bàng quan, ung thư thận.

Nhưng K, một trong tứ chứng nan y, không còn là một nguy cơ, cũng không chỉ là nỗi bất an nữa. Nó đã là một thứ tai họa với 150.000 người dân mắc mới và 75.000 ca K tử vong mỗi năm.

Chúng ta được bảo vệ thế nào ngoài những lời khuyên phải trở thành "người tiêu dùng thông thái", ngoài những chuyến vi hành với báo chí tiền hô hậu ủng và kết quả "tất cả đều tốt".

Chúng ta phải phòng tránh thế nào ngoài việc lên chùa làm sư?

Hôm qua, ở Quảng Ngãi, sau một vụ chết người đau lòng, Công an huyện Sơn Hà đã "tống giam" một nữ "phù thủy" 27 tuổi tên Sí. Theo An ninh thủ đô, lợi dụng sự mê tín dị đoan, Sí chữa bệnh cho bà con địa phương bằng cách bói để tìm "gia rông" (đồ độc) gây bệnh. Ừ thì đó là lừa đảo. Ừ thì đó là mê tín dị đoan. Ừ thì đó là u mê. Nhưng giờ đây, "gia rông" nhiều quá. "Gia rông" đến ngay từ miếng ăn, hớp nước. Và dường như, không phải chỉ "đồng bào", người ta chỉ bắt đầu tin vào "phù thủy" khi hoặc đang sống ở trình độ u mê, hoặc quá tuyệt vọng trước những căn bệnh "thầy thuốc bỏ đi, trống kèn kéo tới".

Thế còn chúng ta, ai sẽ tìm "gia rông" cho chúng ta đây?


BLOG BÙI VĂN BỒNG

Nguyễn Bá Thanh: "Nói chi với nhau phải  nói cho chắc...
Đừng biến những cái đơn giản thành phức tạp!"
                    
MINH DIỆN

                    Gần bảy năm trước, Nguyễn Thiện Nhân rời cái ghế Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ra Thủ đô Hà Nội nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo. Lúc bấy giờ ông là một người ưa nhìn. Một gương mặt thon đầy, cặp lông mày nét ngang, cái trán cao tương xứng với cái bằng tiến sỹ từ Đức, chứ không phải loại học giả bằng thật, như nhiều quan chức khác.  Ông lại là con trai của bác sỹ Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thiện Thành nhiều người nể trọng.

Mọi người để ý từng lời nói, hành động của Nguyễn Thiện Nhân, hy vọng  những đổi mới trong ngành giáo dục.  
                   Phát súng đầu tiên mà nguyên thượng úy Nguyễn Thiện Nhân tuyên chiến với kẻ thù truyền kiếp của ngành giáo dục là: "Không tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục". Báo chí ca ngợi rầm rầm, và cả nước hồi hộp theo dõi "người chiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân" xung trận "Hai Không"!

                 Hôm nay ở Sài Gòn, mai đã thấy Nguyễn Thiện Nhân ở biên giới phía Bắc. Vừa họp ở văn phòng bộ buổi sáng, chiều đã có mặt ở một trường học nào đó.

                Nguyễn Thiện Nhân tâm sự với báo chí: "Sau khi nhậm chức, tiếp xúc với giáo viên, phụ huynh, được chia sẻ, tôi thấy mọi việc tốt đẹp hơn, không thấy bế tắc, và nhiều áp lực như trước".

                   Và Nguyễn Thiện Nhân hể hả với thắng lợi bước đầu: "Hai không làm được khiến nhiều người bất ngờ. Ngoài việc tất cả 64 tỉnh, thành phố đều có văn bản hưởng ứng cuộc vận động, thì năm nay không có tỉnh nào giao chỉ tiêu bao nhiêu học sinh khá, giỏi như trước. Đó là những tín hiệu vui!" .

              Hình ảnh Nguyễn Thiện Nhân luôn xuất hiện trước ống kính với gương mặt tươi rói, và người ta gọi ông là "Nhân văn", " Nhân hậu", "Hạt nhân". Nhất là khi ông trực  tiếp đến trao quà cho thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người dũng cảm tố cáo tiêu cực trong thi cử ở Hà Nội, thì "Người chiến sĩ trong ngành giáo dục Nguyễn Thiên Nhân" càng sáng như sao Khuê.  

                        Không biết có phải vì quá hưng phấn không, mà Nguyễn Thiện Nhân đã tự ca mình: "Từ khi nhận chức Bộ trưởng giáo dục tôi đã không hoàn thành trách nhiệm đối với gia đình,  tôi rất thương vợ tôi. Tôi rất mong có những lúc được tắt điện thoại di động, không nghĩ tới công việc để có thời gian cho gia đình!"( 14-2-2007 VTC NEW).

                  Nhưng tất cả chỉ có thế! Ngôi sao Khuê vụt tắt trên bầu trời Hà Nội!

                Những việc Nguyễn Thiện Nhân làm được ở Bộ giáo dục chỉ dóng lên một hồi chuông, rồi để nó nhanh chóng bị tan biến vào thinh không!

                    Tiến sỹ danh dự Đại học RMIT!

                    Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước!

                    Huân chướng Lao động!...

                    Tất cả những danh hiệu hào nhoáng ấy không cứu nổi cuộc vận động "hai không" thất bại đau đớn của ông!
                    Nguyễn Thiên Nhân ngồi trên Bộ trưởng giáo dục đào tạo 1448 ngày,  làm lóe lên  ít ngày sáng sủa, rồi những đám mây đen cũ lại quay về, và hình như mù mịt hơn? Bệnh thành tích  như tức nước vỡ bờ, thi cử không thèm dùng phao lén lút,  mà hội  đồng thi còn xả láng cho thí sinh chép bài.

                      Đúng lúc đó  Nguyễn Thiện Nhân phủi đít, bỏ kiêm nhiệm rách việc, chễm chệ ngồi lên  ghế Phó thủ tướng Chính phủ.

                     Nguyễn Thiện Nhân mập ra,  mỡ ra,  mặt  bự gần gấp đôi bảy năm trước, lên TV cứ thấy hồng hào sinh lực.

                    Nhưng hình  như  tướng  càng phát, trí tuệ và nhân cách càng giảm? Biểu hiện về trí tuệ bị lão hóa, là khi ông khuyên các đại biểu Quốc hội phải gương mẫu đừng ăn thị gà không rõ nguồn góc tại kỳ họp thứ 4, khiến cả nghị trường cười no nê.  Còn sự thụt lùi nhân cách là chiềng mặt nhận cái gọi là "Nhà giáo ưu tú".
                    Theo quy định của Bộ giáo dục mà Nguyễn Thiện Nhân từng làm bộ trưởng, thì nhà giáo ưu tú phải có đóng góp trong việc xây dựng đơn vị, trường trở thành tập thể lao động xuất sắc, có ít nhất 7 năm đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở,  một lần đạt chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, bộ, hoặc Thủ tướng tặng bằng khen.  Nguyễn Thiện Nhân có giảng dạy ở trường đại học, nhưng từng khúc, từng khúc cộng lại chưa được 6 năm, và hình như chưa có  đủ danh hiệu chiến sĩ thi đua như quy định.

                 Cái danh hiệu nhà giáo ưu tú đối với một vị Uỷ viên Trung ương đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chả bõ bèn gì, nhưng, nó lại thêm một cái lỗ thủng, làm chìm cái phao nhân cách của  Nguyễn Thiện Nhân!
                 Nguyễn Bá Thanh cùng tuổi Quý Tỵ với Nguyễn Thiện Nhân, nhưng tướng mạo như một người da đỏ, nhìn dữ dằn  hơn Nguyễn Thiện Nhân. Trong khi Nguyễn Thiên Nhân nói năng tủn mủn thì Nguyễn Bá Thanh "đắc khẩu đại ngôn" tỏ ra không ngán ngại tranh cãi tới cùng.

                  Mấy bữa nay báo chí tốn nhiều giấy mực vì Nguyễn Bá Thanh. Có những bài viết ca ngợi ông đến phát ngượng. Người ta ví Nguyễn Bá Thanh như một Triệu Tử Long! Thì  bảy năm trước, báo chí cũng đua nhau dồn hơi thổi Nguyễn Thiện Nhân  lên mây, gọi ông  là "một chiến sĩ quả cảm trong ngành giáo dục!".

                 Hôm nay nhìn Nguyễn Thiện Nhân, người viết bài này nghĩ về Nguyễn Bá Thanh và quãng đường phía trước của ông mà cảm thấy ái ngại thay cho ông.

                 Ở Đà Nẵng, chỉ Nguyễn Bá Thanh nói cho mọi người nghe, chả có đối tượng nào tranh cãi với Nguyễn Bá Thanh. Giờ Nguyễn Bá Thanh sẽ phải nghe người ta nói. Nên nhớ, một anh lái xe Taxi, một chị bán rau, một bà bán nước chè xanh ở  Hà thành hay nói và nói hay hơn một cán bộ tuyên huấn xứ Quảng!  Nguyễn Bá Thanh sẽ phải nghe tiếng hót của hàng trăm con bách thanh để  lựa  giọng bổng, trầm, để phân biệt giả chân!

                 Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng "Chọc trời khuấy nước mặc dầu", giờ trên đầu không phải một mà tới vài cái vòng kim cô, dưới chân ghế không ít sợi giây thòng lọng và chung quanh nham nhản lá bài sấp ngửa ! 

                  Hổ quen rừng, chim ưng quen núi!  Rừng nào cọp nấy. Nguyễn Bá Thanh như con hổ đến khu rừng mới, rộng lớn hơn, nhưng lắm hang sâu, núi cao, vực thẳm  hổ báo,  rắn rết và cạm bẫy cũng nhiều!
                 Nguyễn Thiện Nhân khi bước những bước đầu tiên trên đường phố Thủ đô, gót chân ông hình như  khá  sạch? Còn Nguyễn Bá Thanh lại sẵn có cái gót chân Achilles!

                Ngày ông Nguyễn Tấn Dũng từ Kiên Giang ra Hà Nội nhậm chức, người viết bài này cũng như nhiều người cũng từng đặt vào ông những kỳ vọng đổi mới. Nhưng năm tháng qua đi phải thất vọng vì ông.
               Tôi biết các ông Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thiện Nhân vả một số người khác từng ấp ủ hoài bão lớn, muốn làm một cái gì đó, nhưng lực bất tòng tâm. Giờ đến lượt Nguyễn Bá Thanh!

               Một lần cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói, như tâm sự: "Muốn  được việc phải tranh thủ sự đồng tình của hết người này đến người khác. Cái việc mình định làm lúc đầu vuông như  cái bánh chưng, tranh thủ riết nó như cái bánh dày!". Rồi nay TBT Nguyễn Phú Trọng lại nói lý luận hơn là "tham nhũng, tiêu cực cần phải được xem xét khách quan, biện chứng!…". Kể ra, các vị chính khách Nhà Nguyễn thời WTO cũng bươn trải, nỗ lực, muốn bứt phá, nổi bật và cũng có người để lại không ít tai tiếng. Khi gần như thành nếp quen thiên hạ kỳ vọng nhân vật lãnh đạo mới xuất hiện, Nguyễn Bá Thanh gánh trọng trách ngay vấn đề đang nóng hổi, nhạy bén, nhạy cảm, liên quan đến "đại cục" này, liệu rằng ông sẽ làm được những gì?

               Hôm trước tôi chúc ông Nguyễn Bá Thanh cố giữ lấy cái tôi, hôm nay tôi vẫn mong như thế. Thử thách trước mắt đối với ông, theo thiển nghĩ của tôi, là vụ án Tiên Lãng (Hải Phòng) với cương vị của mình, ông có dẹp bỏ được sự trả thù hèn hạ, cứu một dân oan?


BAUXITE VIETNAM

Theo báo chí đưa tin, tại Hội nghị công tác Tuyên giáo toàn quốc 2012 sáng 9/1/2013,  Trưởng ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi cho biết, Hà Nội đã tổ chức được một đội ngũ 900 dư luận viên trên toàn thành phố nhằm "phát huy sức mạnh của đội ngũ tuyên truyền miệng", đồng thời cũng tổ chức xong "nhóm chuyên gia đấu tranh trực diện trên mạng internet" trước các vấn đề nhạy cảm, nhằm "đánh lui mọi âm mưu của lực lượng thù địch" muốn lợi dụng diễn đàn mạng để "diễn biến hòa bình".
Một tin "động trời" như thế cố nhiên làm nhiều người có những phản ứng không giống nhau. BVNnhận được ý kiến của một bạn viết phê phán hiện tượng trên, cho đây là sự rập khuôn mưu ma chước quỷ của thầy dùi "bốn tốt" vốn trước nay chỉ bày dặt những trò bóp nghẹt tư tưởng của nhân dân Trung Quốc. Nhưng đồng thời cũng lại thấy trên trang blog của nhà báo Trương Duy Nhất bày tỏ một thái độ thích thú, coi việc này nếu được tiến hành đàng hoàng minh bạch thì rất có khả năng mở ra một thời kỳ mới của sự đối thoại công khai giữa Nhà nước với dân.
Thực tế chưa cho phép kiểm nghiệm xem ý kiến bên nào xác đáng hơn, chúng tôi xin đăng cùng lúc cả hai bài viết để bạn đọc tiện đối chiếu và tự mình rút ra kết luận.
Bauxite Việt Nam  

Đội quân đớn hèn

Tâm Đồn

Cách đây khoảng hơn 10 năm, khi mạng Internet đã trở nên phổ cập ở Trung Quốc, các nhà bất đồng chính kiến, các nhà dân chủ và những người có tư tưởng tiến bộ ở Trung Quốc đã sử dụng công cụ sắc bén này để nói lên chính kiến của mình, truyền bá các tư tưởng và giá trị ưu việt đối lập hoàn toàn với các tư tưởng – nhận thức của nhà cầm quyền. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã phản ứng như thế nào? Bên cạnh việc cố tình bịa đặt các chứng cứ hình sự để dễ bề bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến nhằm dập tắt tiếng nói của lương tri, Trung Quốc đã tạo ra một công cụ hết sức tàn độc và ươn hèn: thành lập lực lượng đánh thuê trên mạng có nhiệm vụ viết các ý kiến phản hồi bênh vực cho Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc, đả phá và bác bỏ các tư tưởng dân chủ và cải cách. Các "chiến binh" đặc biệt với đồng lương ưu đãi này của Đảng và Chính phủ Trung Cộng không hẳn là những người vạm vỡ có thể dùng tay vặn cổ các đối tượng "có gang có thép" về lý luận mà những kẻ chóp bu trong đảng Trung Cộng tuy rất căm phẫn nhưng lại không thể giết họ thô bạo như các đồn công an Việt Nam vẫn hành xử. Đám lính đánh thuê này cũng chẳng được trang bị tận răng những vũ khí hiện đại nhất để chơi nhau tới số với dân. Họ lại càng không được phép để lộ những hành động tác oai tác quái làm dư luận đồn thổi khắp nơi. Đơn giản, họ chỉ ngồi trước máy tính, viết lên những ý kiến mà Đảng và Chính phủ Trung Cộng mong muốn, sau đó post lên mạng. Với ước tính số lượng lên đến khoảng 20.000 người, đội quân chiến binh thầm lặng này đã nhận được những khoản tiền không nhỏ từ Đảng và Chính phủ Trung Cộng.

Tại TQ, bầy lũ viết thuê của đảng trong nhiều thời điểm và trường hợp đã làm chủ diễn đàn, có số lượng comment áp đảo, gây nên những ngộ nhận tai hại như: phe ủng hộ chế độ chiếm đa số, chế độ chuyên chính được lòng dân, tính hợp pháp của chế độ vẫn còn rất bền vững…

Tại Việt Nam, khoảng 3-4 năm nay, nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Liệu Việt Nam có tồn tại một lực lượng đánh thuê trên mạng không? Không ai xác nhận, không ai trả lời được. Và, nghi vấn vẫn là nghi vấn.

Nhưng, cho đến chiều ngày 09-01-2013, mọi việc đã trở nên rõ ràng như ban ngày: Việt Nam cũng đã học theo được ngón nghề của ông thầy, đã xây dựng nên một đội quân đánh thuê trên mạng. Báo Lao động bản online chiều ngày 09-01-2013 đã đưa lên bản tin "Tổ chức nhóm chuyên gia bút chiến trên Intrernet", bên cạnh đó là hình ảnh đầy mãn nguyện của Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, ông Hồ Quang Lợi – một nhà báo có danh phận trong làng báo Việt Nam trước đây.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi nói thành phố đã tổ chức đội ngũ chuyên gia để "đấu tranh trực diện, tham gia bút chiến trên internet chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch". Ngoài ra, ông Lợi còn cho hay cơ quan tuyên giáo thành phố đã tổ chức đội ngũ 900 'dư luận viên' làm công tác tuyên truyền miệng.

Các chi tiết nói trên được nêu ra trong bài phát biểu của ông Hồ Quang Lợi tại Hội nghị công tác tuyên giáo toàn quốc 2012 sáng thứ Tư 9/1 ở Hà Nội. Báo Lao động dẫn lời ông Lợi nhận định rằng thủ đô Hà Nội "là địa bàn chống phá của các đối tượng".

Ông Hồ Quang Lợi nói: "Trong nước, các nhóm đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng lòng yêu nước của quần chúng nhân dân đối với các hành vi của Trung Quốc trên biển Đông, sự bức xúc trong đền bù giải tỏa đất đai, đã kích động nhân dân tổ chức hàng chục cuộc tuần hành biểu tình, gây những hệ quả tiêu cực, ảnh hưởng đến hình ảnh và sự phát triển của đất nước. Thành phố (Hà Nội) đã tổ chức đội ngũ 900 dư luận viên trên toàn thành phố nhằm phát huy sức mạnh của đội ngũ tuyên truyền miệng".

Song song với đội ngũ 'dư luận viên' này, còn có "nhóm chuyên gia đấu tranh trực diện trên mạng internet, tham gia bút chiến trên internet".

Ông Hồ Quang Lợi cho hay, các chuyên gia của Thành ủy Hà Nội tới nay đã xây dựng 19 trang tin điện tử và lập ra hơn 400 tài khoản trên các mạng xã hội để trực tiếp bút chiến với các "thế lực phản động".
Với sự thừa nhận của ông Hồ Quang Lợi, Việt Nam thêm một lần nữa áp dụng các biện pháp và chính sách của nhà cầm quyền Trung Cộng, kể cả vĩ mô và vi mô. Và, thêm một lần nữa, giới bất đồng chính kiến, giới dân chủ và cởi mở ở Việt Nam lại phải đương đầu với những sự đớn hèn, thô bạo và tráo trở của đội lính đánh thuê trên mạng do Đảng Cộng sản và Chính phủ cầm quyền Việt Nam thành lập và trả lương. Họ dũng cảm đương đầu với ý nghĩ: cái hợp lý bao giờ cũng chiến thắng cái phi lý, sự tiến bộ bao giờ cũng đè bẹp sự phi nhân. Họ dũng cảm đương đầu với một nhận thức bắt nguồn từ thực tiễn sống động: các đạo quân đánh thuê cho dù được trả lương cao ngất, cho dù được trang bị đến tận răng, vẫn chưa bao giờ giành được chiến thắng trong các cuộc chiến.

T.Đ.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

 ****

Bút chiến trên mạng, tại sao không?

Trương Duy Nhất

Chỉ riêng Hà Nội, đã xây dựng được 19 trang tin điện tử, hơn 400 tài khoản trên mạng cùng nhóm "chuyên gia bút chiến".

Phát biểu tại hội nghị công tác Tuyên giáo toàn quốc 2012 diễn ra sáng nay 9/12/2013,  ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội nói: "Đã tổ chức đội ngũ 900 dư luận viên trên toàn thành phố nhằm phát huy sức mạnh của đội ngũ tuyên truyền miệng. Trong khi đó, báo chí thủ đô thực hiện ý kiến chỉ đạo về những vụ việc nhạy cảm; thành lập các tổ phóng viên bấm nút, phản ứng nhanh. Tổ chức "nhóm chuyên gia" đấu tranh trực diện trên mạng internet, tham gia bút chiến trên internet. Đến nay, đã xây dựng được 19 trang tin điện tử, hơn 400 tài khoản trên mạng (Zich)"

Một thông tin khá bất ngờ, tạo cho tôi cảm giác thích thú.

Tuy nhiên, không biết 19 trang tin điện tử và hơn 400 tài khoản mạng mà ông Lợi nói đã được lập với vai trò "tham chiến" kia là những trang nào, công khai hay nặc danh?

Đó là riêng Hà Nội, còn các địa bàn khác hoặc cấp trung ương, bộ ngành chuyên trách cao hơn có không, bao nhiêu, công khai hay che núp dưới những cái tên kiểu "quan, vua, chúa, tướng, dân, thợ thầy" làm báo ba sàm bá láp hoặc "đồng chí X, Y, Z…" nào đó?

Bởi nếu không công khai tên tuổi cá nhân (hoặc tổ chức) như trang web của tôi (http://truongduynhat.vn) thì đó là việc làm mờ ám, không trong sáng và đặc biệt là vi luật. Nó không đáng có và không được phép ở một chính quyền đàng hoàng, minh bạch.

Nếu vậy, nó chẳng khác nào blog "Quan làm báo" và những trang blog/website ẩn danh khác đang công kích đả phá chế độ mà chính ông Lợi, ngành Tuyên giáo và chính quyền đang lên án.

Còn nếu tất cả 19 trang tin điện tử cùng hơn 400 tài khoản trên mạng kia là chính danh, công khai tên tuổi địa chỉ và danh vị thật, đường đường chính chính thì chẳng những không nên phê phán mà ngược lại, tôi xem đó là một động thái nên làm và đáng biểu dương.

Lâu nay, tôi vẫn luôn phê phán chính quyền và hệ thống tuyên giáo – báo chí truyền thông chính thống ở điểm này. Rằng đáng ra phải công khai mọi sự, công khai thông tin, công khai tranh luận thì chính quyền và cả một hệ thống tuyên giáo – báo chí truyền thông chính thống lại luôn cho là nhạy cảm, chọn cách im lặng né tránh. Báo chí mà cứ ngại chuyện nhạy cảm, nhạy tí là né tránh, thậm chí Ban Tuyên giáo luôn chỉ đạo ngưng hoặc tránh vì lý do "nhạy cảm". Đó là một lối tư duy rất cổ lỗ, lạc hậu kiểu đầu đất. Nhạy cảm mới cần báo chí, không nhạy cảm, vớ va vớ vít toàn mấy chuyện không đâu, hoặc đâm chém, hiếp dâm, cởi áo tụt quần thì cần báo chí làm gì?

Tôi hay ví đó là cách nhường thế trận truyền thông cho… "địch".

Hãy công khai tranh luận một cách chính danh quân tử, thay vì sử dụng những biện pháp kỹ thuật lén lút cướp phá không khác gì bọn hacker, hoặc chụp mũ chính trị và kết án một cây bút chỉ vì những bài viết góp ý, phê bình phản biện của họ. Trước một thông tin, trước một tác phẩm, một bài viết, một cây bút, một góp bàn phản biện, chỉ được phép dùng chính phương cách truyền thông "tham chiến", chứ không được phép dùng đến cái còng số 8, nòng súng và nhà giam.

Cái nghĩa bút chiến truyền thông là ở đó. Và tôi luôn mong đợi, phấn khích điều này.

"Bút chiến trên internet" – nói như ông Hồ Quang Lợi – tại sao không?

T.D.N.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét