Trong bài chuyên luận được chuẩn bị khá công phu[1] đăng vào thời điểm trước Đại hội lần thứ 18 ĐCS Trung Quốc, học giả Lý Thành (Cheng Li) từng giảng dạy tại Đại học Thanh Hoa – Bắc Kinh và hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc ở Viện Brookings, Washington đã tổng kết 3 đặc điểm lớn của Trung Quốc ngày nay:
1. Lãnh tụ yếu nhưng phe phái trong ĐCS lại mạnh
2. Chính phủ yếu nhưng các nhóm lợi ích lại mạnh
3. Đảng yếu đi trong tương quan với sự trưởng thành của nhân dân và đất nước.
Mổ xẻ để hiểu thấu đáo những kết luận về một ĐCS lớn nhất hành tinh hiện nay chắc hẳn có ý nghĩa thực tiễn quan trọng.
Theo Lý Thành thì dư luận xã hội TQ cho rằng những người đứng đầu của ĐCS TQ thế hệ sau lại kém thế hệ trước cả về bản lĩnh quyết đoán, sức thu hút, thuyết phục quần chúng và độ sắc sảo trí tuệ. Sau thế hệ Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình…đến thế hệ Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương rồi Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và gần đây nhất là Tập Cận Bình thì đồ thị năng lực và sức thuyết phục quần chúng cứ đi xuống khiến cho hình ảnh của các lãnh đạo cao cấp cứ mờ nhạt dần trong công chúng.
Trước khi sụp đổ, ở Liên Xô cũng diễn ra quá trình tương tự. Sau Lenin, Stalin, một thế hệ các nhà cách mạng lừng lẫy, là Khrusov yếu bản lĩnh hơn rồi sau đó là Bregienhev trì trệ và sùng bái cá nhân, Andropov thông minh, cương trực nhưng ốm yếu nên mất sớm, Trernhenco – một ông già bạc nhược và cuối cùng là Gorbachov cùng Elsin là những đại diện "hậu sinh khả úy" đóng vai trò đọc lời điếu cho 73 năm tồn tại của ĐCS Liên Xô.
Một đảng chính trị luôn đề cao tính chiến đấu và sức mạnh từ kỷ luật và sự ủng hộ từ nhân dân nhưng vì sao thực tế lại cho thấy xu hướng ngược lại?
Câu trả lời dễ dãi nhất là "đổ" cho sự phá hoại của các thế lực thù địch và những "diễn biến hòa bình" khác nhau. Thiết nghĩ, đó là một thái độ lười biếng và vô trách nhiệm.
Nhưng có lẽ phương hướng nghiêm túc hơn phải là thành khẩn nhìn vào các khiếm khuyết nội tại mang tính hệ thống để tìm ra nguyên nhân và giải pháp hữu hiệu.
Trong tự nhiên cũng như đời sống xã hội, đấu tranh sinh tồn mạnh được yếu thua là quy luật muôn đời mang tính bao trùm. Thế hệ đầu tiên của các ĐCS là những người dám đương đầu với gian khó, nguy hiểm và biết quy tụ, dẫn dắt quần chúng bằng thực tài của mình. Nói nôm na là họ đã vượt qua sự chọn lọc tự nhiên khắt khe nhiều khi mang tính một sống một chết nên có bản lĩnh cao cường và xứng đáng được ghi nhận như những hình tượng để lại dấu ấn lịch sử. Tuy nhiên mặt trái của chiếc huân chương này lại là xu hướng sùng bái cá nhân, chuyên quyền độc đoán của chính các "anh hùng dân tộc" đó.
Có lẽ nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng trên là nguyên tắc "tập trung dân chủ" trong sinh hoạt của các ĐCS có từ thời Lê nin, vốn hữu hiệu trong đấu tranh bằng bạo lực cách mạng khi có chiến tranh nhưng chưa hẳn đã phù hợp khi phát triển hòa bình.
Thiếu một chính quyền trung ương và sự tập trung quyền lực đủ mạnh và sáng suốt thì không một quốc gia nào có thể thịnh vượng và yên bình, thế nhưng hình như các quốc gia phát triển ngày nay đã đi tới sự tập trung đó qua con đường "dân chủ tập trung" chứ không phải ngược lại như một số ĐCS đã chủ trương.
"Tập trung dân chủ" có thể hay trên lý luận nhưng trong thực tế lại khó tạo ra không gian cởi mở để phát hiện người tài, ý tưởng độc đáo, sáng tạo trong nội bộ đảng và rộng hơn là cả xã hội. Cứ theo con đường đó, sức sáng tạo trong đảng cứ thui chột dần, thế hệ cán bộ lãnh đạo sau thường được cất nhắc theo sự "giới thiệu hoặc tiến cử" của các yếu nhân thuộc thế hệ tiền nhiệm nên không thể đại diện cho trí tuệ và tư cách của đa số đảng viên. Đó là chưa kể đến vấn nạn mua, bán chức quyền trong một bầu không khí thiếu minh bạch và dân chủ sẽ dẫn tới những méo mó, quái thai làm suy yếu chính cơ quan đầu não của bất kể đảng chính trị và quốc gia nào.
Tại các nước phát triển, tuy chưa phải là hoàn hảo nhưng việc bầu chọn, ứng cử, tranh cử được tiến hành công khai, nhiều nơi là trực tiếp nên có nhiều cơ hội chọn được người tài, đủ uy tín cao cho bộ máy lãnh đạo của các đảng chính trị và quốc gia. Vậy liệu có nên tiếp tục dị ứng với cách tranh cử và bầu chọn theo kiểu "tư sản" đó giống như cách đây hơn 20 năm chúng ta còn chống đối quyết liệt kinh tế thị trường? (Việc bàn về nội hàm của kinh tế thị trường định hướng XHCN xin được thực hiện trong một dịp khác.)
Khi các lãnh đạo chủ chốt không phải là những nhân vật xuất chúng nhất, uy tín nhất, bản lĩnh nhất thì lẽ dĩ nhiên họ phải "dựa dẫm"vào các nhóm hậu thuẫn cho họ. Tình trạng phe phái trong đảng cũng hình thành từ đây.
Đã "dựa dẫm" thì phải nghe theo không nhiều thì ít và phải "chiều lòng" phe hậu thuẫn cho mình bằng những chính sách mang lại lợi ích vật chất và chính trị cụ thể. Các nhóm lợi ích cũng từ đây mà ra đời và kỷ luật đảng dù có chặt chẽ đến mấy cũng ắt bị tùy tiện nới lỏng và chỉ còn là các quy định phần nhiều mang tính hình thức và không có tác dụng " tâm phục, khẩu phục" đối với đảng viên thường và đông đảo quần chúng. Thực chất chúng chỉ còn là những khẩu hiệu rỗng tuếch và phản cảm.
Với cơ cấu tổ chức và quản lý theo lãnh thổ và ngành trong các nền kinh tế XHCN, các nhóm lợi ích cũng hình thành theo nguyên tắc "đồng hương, vùng miền" và ngành kinh tế. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ở Trung Quốc có nhóm lợi ích "thủy điện", nhóm "đường sắt" nhóm "kế hoạch hóa gia đình" và nhóm "Đoàn Thanh niên", nhóm "Thượng Hải"" v.v…Và tất nhiên vắng bóng nhóm lợi ích mang tên gọi NHÂN DÂN.
Lãnh đạo cao cấp càng yếu thì phe phái trong đảng càng lộ liễu, những nhóm lợi ích trong bộ máy công quyền càng có cơ hội nở rộ và liên kết với nó là các băng nhóm xã hội mang tính mafia càng ngang ngược lộng hành. Vụ Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh là một ví dụ thuyết phục nhưng thật đau xót cho quần chúng nhân dân.
Với đội ngũ lãnh đạo và cơ chế tuyển chọn thiếu tính cạnh tranh dân chủ và minh bạch, kỷ luật đảng ngày một bị buông lỏng và chỉ còn mang tính hình thức, sự liên hệ máu thịt với nhân dân bị các lợi ích phe nhóm làm tiêu tán thì sức sống của bất kỳ đảng chính trị nào cũng phải ngày một suy tàn. ĐCS Liên Xô đã bị cáo chung cũng không ngoài quy luật này.
Sau những sửa sai thời "Cách mạng văn hóa" TQ đã từng bước áp dụng kinh tế thị trường cho phép tư nhân được kinh doanh tự do hơn và mở cửa hội nhập quốc tế mạnh mẽ nên sức sống dồi dào của đất nước hơn 1 tỷ dân được khai phóng tạo nên bước tiến ngoạn mục chỉ sau có hơn 20 năm. Tuy vậy khu vực kinh tế nhà nước mặc dù nắm nhiều tài nguyên, vốn liếng nhưng hiệu quả còn khá thấp và triết lý kinh doanh bao trùm ở đây vẫn là dựa trên quyền lực chính trị và thân quen chứ không phải là hiệu quả. Tham nhũng trong hàng ngũ các đảng viên có chức quyền đã đạt tầm cỡ khủng khiếp. Trong môi trường xã hội ngột ngạt và bất bình đẳng như vậy, không phải ngẫu nhiên mà có tới gần nửa số triệu phú TQ có ý định rời bỏ đất nước.[2]
Ở Trung Quốc tuy có tới hơn 80 triệu đảng viên ĐCS nhưng sức mạnh thực sự của nó vẫn đang là một sự hồ nghi bởi đảng chưa thể thắng được quốc nạn tham nhũng, bè phái, dối trá và suy đồi đạo đức. Trong báo cáo chính trị của nguyên TBT Hồ Cẩm Đào tại Đại hội ĐCS TQ lần thứ 18 đã nhắc tới những vấn nạn đó như mối đe dọa nghiêm trọng sự tồn vong của đảng trong tương lai gần. Điều này cũng phù hợp với nhiều đánh giá của các học giả nổi tiếng TQ mà tác giả Lý Thành đã trích dẫn.
Đất nước Trung Hoa ngày hôm nay đã giàu có hơn trước, người dân hiểu biết hơn nhờ Internet và giao lưu hội nhập quốc tế nhưng ĐCS TQ dường như chưa tiến kịp với thời cuộc có lẽ do những trì hoãn trong cải cách thể chế chính trị. Nhận xét của học giả Lý Thành về năng lực của ĐCS TQ yếu đi( một cách tương đối ) trong một đất nước Trung Hoa ngày một trưởng thành hơn về nhận thức và tiềm lực kinh tế là như vậy và điều này ẩn chứa những mầm mống của khủng hoảng xã hội sâu sắc trên diện rộng.
Phương châm hành động " Đổi mới hay là chết" đang trở nên cấp bách với những ai có tầm nhìn và còn đủ sáng suốt trong ĐCS TQ
Thăng long-Hà nội 15/1/201
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 15-1-13
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét