Nguồn Diễn Đàn Thế Kỷ
Nguyễn Thanh Sơn
-1-
Cách đây gần mười năm, khi bạn tôi, nhà văn nữ Hàn Quốc Nawon Kim bay sang Hà nội gặp tôi để giới thiệu về dự án sắp tới của mình, tôi không quá hào hứng. "Chị muốn viết một cuốn sách về Hà nội và về lịch sử hiện đại của nó. Cuốn sách của chị sẽ tái hiện lại lịch sử của Hà nội thông qua các câu chuyện của người dân Hà nội, nên chị sẽ cần phỏng vấn khoảng hai mươi người thuộc các thành phần khác nhau: chị muốn phỏng vấn các họa sĩ, nhà thơ, công chức, công nhân, chiến sĩ, tiểu thương...em có thể giới thiệu cho chị một số người được không?". "Em quen rất nhiều nghệ sĩ nên có thể giúp chị được"- tôi nói-" về họa sĩ, chị có muốn em giới thiệu anh Thành Chương, anh Lê Thiết Cương hay anh Ðặng Xuân Hòa không?". "Không, chị không muốn thế"-Nawon trả lời-" những họa sĩ đó quá thành công, nên đã có nhiều người khai thác câu chuyện của họ. Câu chuyện Hà nội của chị sẽ là câu chuyện của những người thất bại, những người thua cuộc".
Tôi đã không thể giúp được gì nhiều cho Nawon, nhưng câu trả lời của chị làm tôi giật mình. Hơn một nãm, Nawon đã đi tìm những người thua cuộc của Hà nội để phỏng vấn, và chị đã tìm ra. Trong cuốn sách của mình, Nawon phỏng vấn một họa sĩ đã tham gia vào lớp học đầu tiên của các họa sĩ ở Việt Bắc do cố họa sĩ Tô Ngọc Vân trực tiếp giảng dạy, và sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, giờ đây ông ngồi vẽ những bức tranh thờ bán với giá 50 ngàn đồng một bức. Rồi những công chức của Hà nội cũ, những nhà thơ, những tiểu thương hay công nhân của nhà máy cơ khí Trần Hưng Ðạo...Tiếc rằng tôi không biết tiếng Hàn để có thể đọc được tác phẩm của chị (khi ra đời, mang tên "Cây vĩ cầm của cha tôi"), nhưng tôi tin, đó sẽ là một cái nhìn độc đáo và khác lạ về lịch sử của Hà nội nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung.
-2-
Nếu chỉ tìm hiểu trên sách vở, bạn khó mà cảm nhận được sự ác cảm của người dân Okinawa với các căn cứ quân sự của Mỹ. Đừng quên, Okinawa đã từng là một công quốc độc lập trước khi bị người Nhật dùng sức mạnh thôn tính, và trong chiến tranh thế giới thứ hai, Okinawa bị Nhật Bản bỏ rơi một cách có chủ ý- sư đoàn bộ binh duy nhất của Nhật bản đóng trên đảo được lệnh tử thủ bằng mọi cách, cho quân đội Mỹ hiểu cái giá mà họ phải trả nếu đem chiến tranh tới lãnh thổ Nhật bản. Trong suốt gần một năm trời trong chiến dịch "cơn bão thép", quân đội Mỹ đã tàn sát các dân thường, dùng súng phun lửa phun sâu vào các hang đá, ném lựu đạn xuống các hầm trú ẩn, dùng lưỡi lê đâm chết các thương binh. Năm 2008, khi dẫn chúng tôi tới thăm công viên Hòa bình trên đảo, Arasaki Masako-san, người hướng dẫn cho chúng tôi, một trong những nữ sinh trung học đã sống qua những ngày tháng địa ngục đó, dẫn chúng tôi tới Mỏm đá Khóc, nơi hàng trăm người dân Okinawa đã nhảy xuống biển tự sát khi quân đội Mỹ chiếm đóng hoàn toàn đảo này. Những trang như vậy hoàn toàn vắng bóng trong sách lịch sử mà chúng tôi được học về chiến tranh thế giới thứ 2 ở các chương trình giảng dạy về lịch sử trong các nhà trường Mỹ. Trong khi tố cáo mạnh mẽ Lò Thiêu hay những tội ác của quân đội Nhật ở Nam-kinh hoặc các quốc gia Đông Nam Á khác, lịch sử hiện đại hoặc tảng lờ, hoặc lướt qua những tội ác mang tính diệt chủng mà các cuộc không kích của quân đội Đồng Minh đã gây ra trên lãnh thổ Đức, hay những phiên tòa vội vã của Tòa án Quân sự Viễn đông (Tòa án Tokyo) đã kết án treo cổ hàng loạt tướng lĩnh và quan chức dân sự Nhật bản. Đó chính là lý do tại sao người Mỹ theo dõi "một cách thận trọng" chiến thắng của Thủ tướng Nhật bản Shizo Abe vào năm 2006 - ông ngoại của ông, Nobosuke Kishi, cựu Bộ trưởng Thương mại thuộc nội các chiến tranh Tojo, đã từng bị giam giữ ở nhà tù Sugamo như "tội phạm chiến tranh loại A", dù may mắn không bị kết án như nhiều đồng nghiệp của mình- trong sự nghiệp chính trị của mình, ông Abe từng nhiều lần bày tỏ thái độ "không đồng tình" với cách lịch sử hiện đại mô tả về nước Nhật trong chiến tranh thế giới thứ hai. Khi ông Abe trở thành thủ tướng, người Mỹ đã gửi đi một thông điệp rõ ràng và lạnh lẽo "bất cứ một mưu toan nào nhằm viết lại lịch sử đều sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ đồng minh chiến lược giữa Nhật bản và Hoa Kỳ".
-3-
Ngày 12 tháng 12 năm 2012 vừa qua, hàng ngàn người trên toàn thế giới đã tham gia quay những đoạn phim ngắn về cuộc sống xung quanh họ để góp sức cho dự án "Một ngày của Trái đất" (A Day On Earth); hàng ngàn câu chuyện trên toàn thế giới mô tả niềm vui, nỗi buồn, sự đau khổ, hòa bình, chiến tranh, xung đột sắc tộc, tình yêu, hận thù, những thiên đường trên trái đất, những khu ổ chuột, những em bé được sinh ra ở châu Á, những đám tang ở vùng Trung Đông... tất cả tạo thành một bức tranh khảm (mosiac) khổng lồ về một ngày trên Trái đất mà chúng ta đang sống...
Được khởi xướng từ năm 2008, dự án này bắt đầu với một sự kiện tương tự vào ngày 10 tháng 10 năm 2010, rồi 11 tháng 11 năm 2011- đạo diễn Kyle Ruddick và những người cùng chí hướng tin rằng, hàng ngàn câu chuyện đó sẽ cho người xem một cảm nhận tương đối trung thực về thế giới mà chúng ta đang sống- với hàng ngàn câu chuyện được kể bằng hàng ngàn góc nhìn và nhân vật khác nhau, đây sẽ là một đoạn "biên niên sử" tương đối khách quan nhất...
-4-
Tuy vậy, cả Nawon Kim lẫn Kyle Ruddick đều chưa bao giờ coi mình là sử gia- họ hoặc là nhà văn, hoặc nhà biên kịch kiêm đạo diễn. Những nỗ lực của họ đều nhằm một mục đích- cung cấp những cái nhìn đa chiều hơn về một quá khứ (Nawon) hay hiện tại (Kyle Ruddick), những cái nhìn, trong phần lớn trường hợp, bị lịch sử "dòng chính" hoặc bỏ qua, hoặc lấp liếm, hoặc xuyên tạc. Bằng việc cung cấp những câu chuyện của hoặc những kẻ thua cuộc, hoặc những con người bình thường nhất, họ muốn thách thức cách mà lịch sử "dòng chính" được kể. Lịch sử "dòng chính" luôn luôn thuộc về hoặc những kẻ thắng trận, hoặc quyền lực thống trị. Họ muốn kể những câu chuyện thuộc về "dòng ngầm" (underground), và muốn những câu chuyện của mình làm đối trọng cho những gì mà lịch sử "dòng chính" mô tả.
Vậy nên, các cuộc tranh luận nảy lửa giữa hai phe "phê phán" và "ủng hộ" Bên Thắng Cuộc đều "trật đích" ngay từ đầu khi coi cuốn sách này là một cuốn sách lịch sử hay thậm chí là một cuốn sách về lịch sử. Bên Thắng Cuộc, như nhà báo Trung Bảo đã đề cập, là những tư liệu và các câu chuyện được ghi chép và tổ chức của một nhà báo về một giai đoạn thời gian mà anh đã trải nghiệm và muốn chia sẻ. Nó có thiên kiến hay không? Tất nhiên là nó thiên kiến! Cho dù được xây dựng bằng hàng trăm câu chuyện khác nhau, với một giọng kể cố gắng khách quan, thì cái "thiên kiến" của nó đã rõ ràng ngay từ lời đề từ trích dẫn thơ của Nguyễn Duy "Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh/Bên nào thắng thì nhân dân đều bại"- nó lựa chọn góc nhìn của bên "nhân dân" bị bại trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước (hay cuộc nội chiến- tùy theo góc nhìn của người đọc)- nói một cách khác, nó muốn kể lại những câu chuyện của "dòng ngầm"- những gì người ta hoặc không nhìn thấy, hoặc coi nó không quan trọng, hoặc tảng lờ, hoặc tẩy xóa hay xuyên tạc. Hãy nhớ lại, để tái hiện một ngày diễn ra trên thế giới, đã có hàng ngàn câu chuyện được hàng ngàn con người kể lại, vậy thì sẽ có bao nhiêu câu chuyện đủ để tái hiện một giai đoạn lịch sử hơn ba mươi năm của một dân tộc? Lựa chọn câu chuyện nào, lựa chọn câu chuyện của ai, đó là thiên kiến. Cho nên, đòi hỏi nó tái hiện lại "một lịch sử chiến thắng hào hùng của dân tộc" như nhà báo Đức Hiển và một số người khác đòi hỏi là vô lý- đã có quá nhiều những cuốn sách khai thác những góc nhìn oanh liệt và hào hùng như vậy rồi. Bên Thắng Cuộc góp một góc nhìn khác của một nhà báo, dù rõ ràng là chưa đầy đủ và hoàn chỉnh, về một giai đoạn quan trọng của lịch sử Việt Nam, giai đoạn lịch sử mà, do một số lý do nào đó, có quá ít người chịu tổ chức tư liệu, nghiên cứu và ghi chép một cách tương đối khách quan. Có thể hiểu được lý do tại sao lịch sử "dòng chính" tránh đối mặt với thời kỳ đó- về cơ bản, "độ lùi thời gian" chưa đủ lâu để nó dũng cảm thừa nhận những sai lầm, tìm hiểu những thất bại và nghiên cứu các bài học cho tương lai. Nhưng còn lịch sử "dòng ngầm"? Các sử gia chuyên hay không chuyên chẳng thể đỗ lỗi cho ai ngoài chính sự lười biếng của mình về sự vắng bóng của những tác phẩm nghiêm túc về thời kỳ lịch sử đó. Cho nên, như một độc giả đã nói, đóng góp quan trọng của Bên Thắng Cuộc không phải tính chất "chân thực" hay "chính xác" của nó, đóng góp quan trọng nhất của Bên Thắng Cuộc mang tính gợi mở- nó cho người đọc thấy còn rất nhiều những vấn đề quan trọng của lịch sử hiện đại Việt Nam cần phải nghiên cứu và khám phá một cách nghiêm túc. Thảo luận hay tranh luận về tính chính xác, chân thực và đa chiều của Bên Thắng Cuộc nên được coi là tiền đề cho những tác phẩm nghiên cứu lịch sử thực sự về sau, đặc biệt về những "vùng đen", "vùng trắng" hay "vùng mờ" trong lịch sử hiện đại Việt Nam.
Bên Thắng Cuộc đã động chạm đến những vùng mờ đó- cải tạo, đánh tư sản, đổi tiền, vấn đề thuyền nhân, hai cuộc chiến tranh biên giới... nhưng tham vọng "tái hiện lịch sử" thông qua các câu chuyện nhỏ của một số cá nhân là một tham vọng quá sức đối với cuốn sách. Cho nên, dễ hiểu tại sao Bên Thắng Cuộc lại bị kẹt giữa hai làn đạn của những đại diện của quyền lực thống trị và "quyền lực bị cai trị". Đối với quyền lực thống trị, những câu chuyện của Bên Thắng Cuộc chỉ là những câu chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi", hoặc "tình thế nó thế thì mình phải làm thế", "chỉ khơi lại vết thương cũ để chia rẽ nhân dân", còn đối với cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, những câu chuyện của nhà báo Huy Đức chỉ mới "chạm sơ" trên bề mặt những đau đớn, tủi nhục và mất mát mà họ phải gánh chịu trong những trại cải tạo, những ngày tháng lênh đênh trên biển và nỗi uất hận vì mất mát tình cảm, tài sản và quê hương trong suốt những năm tháng qua- với hơn hai triệu câu chuyện như vậy chỉ tính riêng trên đất Mỹ, vậy thì vài chục câu chuyện không hẳn mang tính đại diện trong Bên Thắng Cuộc làm sao có thể thỏa mãn được một lịch sử đẫm máu mà họ mang theo? (Không loại trừ cả yếu tố "tự ái"- lịch sử về cải tạo tư sản tư doanh, đặc biệt lịch sử về vấn đề thuyền nhân phải do cộng đồng viết ra, đó là "lịch sử về chúng ta", "của chúng ta", làm sao chấp nhận được việc nó được mô tả bởi một người thuộc phía bên kia! Chính tôi cũng đã gặp phải vấn đề tương tự như vậy khi theo nghiên cứu về văn học Việt Nam ở hải ngoại tại trung tâm William Joiner thuộc trường đại học Massachusett- các cuộc biểu tình phản đối chủ yếu về tính "chính danh" của nghiên cứu này- vấn đề văn học Việt Nam ở hải ngoại phải do các nhà văn hoặc nhà nghiên cứu ở Hải ngoại thực hiện). Nhưng muốn nói gì thì nói, Bên Thắng Cuộc đã thành công trong bước "đột phá" đầu tiên-khơi mào cho những cuộc tranh luận để chúng ta hi vọng đánh động được không khí nghiên cứu và làm việc nghiêm túc về rất nhiều vấn đề còn tồn đọng của lịch sử đương đại Việt Nam.
Bìa sách Cây vĩ cầm của cha tôi của Nawon Kim
Nguồn: Facebook Nguyễn Thanh sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét