Chỉ dưới góc độ âm nhạc, cuộc di dân của hơn 1 triệu đồng bào người Bắc vào Nam năm 1954 quả là vĩ đại và đầy cứu rỗi. Nhất là khi thương xót nhìn lại sự khốn cùng của những cây đại thụ như Văn Cao, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Lê Đạt,…
Trong bối cảnh khắc nghiệt và lạnh lẽo thời ấy, những đấng bậc tài hoa đó đã chẳng thể nào phát tiết được tinh anh như đồng bạn may mắn của họ đã vào được miền Nam nắng ấm. Ít nhất, cuộc di dân năm 1954 đã mang lại đường sống và sáng tạo cho rất nhiều bậc kỳ tài miền Bắc, trong đó có Phạm Duy, người vừa tạ thế hôm nay.
Khác với loại âm nhạc khiên cưỡng, đến với người nghe bằng áp đặt hay tuyên truyền, tình yêu đối với âm nhạc của Phạm Duy là tự nguyện, nhưng không và bất cần mọi lý luận cao xa nào về nhạc thuật. Như với tôi, một chú nhỏ hồi đó đã hát say sưa "Việt Nam kêu gọi thương nhau, Việt Nam đi xây đắp tương lai dài lâu" trong những buổi sinh hoạt Hướng Đạo, trong những ngày đi cứu trợ nạn nhân chiến cuộc, hay trong những buổi "Cây mùa xuân chiến sĩ" ở các tổng y viện… Hành khúc đẹp đẽ và bi tráng ấy, không có máu lệ của chiến tranh, không có chỗ cho lòng căm thù hay cổ súy nồi da xáo thịt. Và nghe đâu, đã có dự tính chọn quốc ca của Việt Nam Cộng Hòa thay cho "Tiếng gọi thanh niên" của Lưu Hữu Phước.
Lựa chọn ấy, 10.000 năm sau vẫn đúng, tôi tin là thế!
Âm nhạc ấy, cũng đến với tuổi thơ của tôi một cách nhẹ nhõm, không cần ai giải thích, lý luận, tuyên truyền. Âm nhạc của Phạm Duy, cũng sống cái đời sống của gia đình tôi hồi đó.. Khi cha mẹ tôi thỉnh thoảng lại ngân nga: "quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn, nước tuôn trên đồng vuông vắn…" Ca khúc này, hình như là nhạc hiệu của chương trình "Người cày có ruộng" trên radio thời đó. Cũng như "Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời", đã từng là nhạc hiệu của Đài Phát thanh Sài gòn, thủ đô Việt Nam Cộng Hòa lúc ấy.
Ký ức tôi, đã thấm đẫm những giai điệu thiết tha đó từ chiếc radio cũ kỹ của gia đình. Âm nhạc ấy, đã là một phần đời sống của gia đình tôi, cũng như với rất nhiều gia đình miền Nam khác. Từ âm nhạc ấy, từ những lời ru của mẹ tôi "từ lúc nằm nôi", tôi biết yêu nước Việt bằng trái tim con trẻ, và phi bè phái.
Bao nhiêu năm bị cấm đoán, phải chui rúc trùm mền áp tai vào radio để nghe lén mỗi đêm, âm nhạc ấy không chết. Ít nhất, nó vẫn còn sống mãi trong tôi trong một chiều dừng chân ở Đoan Hùng, Phú Thọ. Tôi đã đi, đã đến vùng trung du ấy, và đã nghe lại "Nương chiều" của ông:
"Chiều ơi, chiều về rợp bóng nương khoai
Trâu bò về dục mõ xa xôi
Chiều ơi Chiều ơi
Áo chàm về quảy lúa trên vai
In hình vào sương núi chơi vơi,
ơi chiều"…
Và đã chảy nước mắt vì thương xót quê hương nghèo khó của mình vô hạn!
Chỉ phút chốc thôi, mà cả ký ức tuổi thơ hiện về…
Với rất nhiều người Sài Gòn, âm nhạc Phạm Duy là nỗi nostalgia hay hoài niệm về một quá khứ rất đẹp đã mất. Có kẻ đang yêu nào thời ấy mà đã không từng một lần lẩm bẩm một ca khúc thời danh về một "con đường Duy Tân, cây dài bóng mát", thương nhớ quay quắt những "chủ nhật uyên ương, hẹn hò đây đó; Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt"
Nhiều lắm những tình ca của Phạm Duy, viết trong bối cảnh của Sài Gòn hoa mộng thuở ấy, đã nằm sâu trong ký ức máu thịt của rất nhiều người Sài Gòn, trong đó có tôi.
Tưởng rằng đã quên, nhưng khi tóc đã hoa râm, kẻ chơi piano tài tử rất đỗi vụng về, khi ngồi lên đàn khẽ bấm những giai điệu ấy mới thấy hết sự trác tuyệt của nó. Nó là hòa âm cực kỳ sang trọng, tiết tấu tao nhã và đầy chất hàn lâm của âm nhạc cổ điển. Nhưng nó là Việt nam, là sự sáng tạo vô đối các điệu thức ngũ cung hay các giai điệu đong đưa của đồng bào Tây nguyên. Người ta có thể không thấy, không hiểu điều đó khi ê a "phố núi cao, phố núi đầy sương, phố núi không xa, trời thấp thật gần…", vì nó đã tự nhiên, khẽ khàng như tình ca của mọi thời đại. Nhưng khi "thấy" nó một cách hình học trên bàn phím piano, biến tấu đầy sáng tạo từ các điệu thức dân gian đó mới hiện rõ, long lanh hết vẻ đẹp vô song của nó…
Người Kinh, hay người Thượng, đã yêu mến và nhìn nhận những giai điệu ấy. Vì ai cũng thấy mình trong đó!
Âm nhạc của Phạm Duy đã và đang là một phần nuôi dưỡng hơi thở Việt, tâm hồn Việt.
Thật bất lực khi viết về một di sản âm nhạc lớn lao kinh khủng như vậy. Tôi đồ rằng, âm nhạc đó, xứng đáng với một khoa học mới, khoa Phạm Duy học. Khoa học này, là một mỏ vàng cho vô số luận án tiến sĩ âm nhạc để nghiên cứu về ca từ, nhạc thuật, hòa âm…
Âm nhạc ấy đã sống mãi với người nghe của nó mà không cần bất cứ thứ license thô thiển nào. Thật lạ lùng khi thấy những kẻ hậu sinh bất tài, lâu lâu lại quăng ra dăm quyết định cho phép ca khúc này, ca khúc nọ của Phạm Duy. Như thể không có giấy phép ấy, thì kẻ hậu sinh là tôi không thể, không được phép yêu mến âm nhạc ấy. Như thể nếu không được phép, thì âm nhạc ấy không hay, không đưa được dân tộc tính trong âm nhạc đến hai thái cực là tính đại chúng và tầm nhân loại.
Âm nhạc nào dung hòa được hai điều tưởng như xa nhưng rất gần gũi ấy, âm nhạc ấy xứng đáng được gọi là một mặc khải vĩ đại (mượn từ của Beethoven). Vì âm nhạc ấy mang khuôn mặt Con Người, bất kể không gian, thời gian, nơi chốn. Như "The rain on the leaf" (Giọt mưa trên lá) đã từng vang lên bằng Anh ngữ trong campus Đại học Mỹ. Như "Việt Nam, Việt Nam" đã bật ra từ lồng ngực của những người Sài Gòn trong những ngày biểu tình chống Trung Quốc.
Âm nhạc đẹp đẽ, đích thực đó thì không cần được tung hô bởi các "nghệ sĩ nhân dân", "nghệ sĩ ưu tú", hay có "giấy phép" từ các bậc nhạc phiệt.
Nhưng dẫu sao, "giấy phép" cũng cần! Nó là cơ hội để những kẻ bất tài đầy mặc cảm chứng tỏ sự bao dung và thái độ bề trên của mình, như cách ông "Nghệ sĩ nhân dân" Trọng Bằng mắng mỏ:
"Bàn đến Phạm Duy những người chân chính ở Việt Nam đã biết cả rồi, biết Phạm Duy như thế nào trong quá khứ, Phạm Duy có cái gì tốt, cái gì chưa tốt, bản chất của Phạm Duy và giá trị thật âm nhạc của anh người nghe đều hiểu cả. Sự trở về của Phạm Duy là sự ưu ái của Đảng và Nhà nước, sự rộng lượng của nhân dân ta, nên đừng đặt mình ở vị trí cao, cứ nên im lặng mà làm việc thôi. Có những tác phẩm anh sáng tác đầu kháng chiển rất tốt, bây giờ Cục biểu diễn người ta khuyến khích cho phép anh trở về biểu diễn, thì cứ thế mà cống hiến thôi. Dư luận chúng ta hơi dễ dãi và nhẹ dạ. Nhưng vấn đề là Phạm Duy phải tỉnh táo. Vì ông hoàn toàn hiểu ông là ai, quá khứ đối với dân tộc của Phạm Duy là một tội lỗi. Ông không thể so sánh ông với bất cứ một nhạc sỹ nào đã tham gia cách mạng, vì thế ông không thể nào so sánh với nhạc sỹ Văn Cao. Không thể ví được. Văn Cao là một con người có trình độ, là một nhà nghiên cứu dân tộc, ông Văn Cao là một người toàn diện, và ông Văn Cao còn biết tôn trọng những người nhạc sỹ đàn em đi vào con đường âm nhạc bác học, một người rất khiêm nhường biết mình, biết ta. Giả sử có một nhạc sỹ X, Y, Z nào đó hỏi: Khi chúng tôi đi đánh Mỹ giải phóng dân tộc thì ông làm gì? Chắc chắn rằng nếu là người hiểu biết đều hiểu rõ khi đó ông là tác giả của các bài hát chống lại cách mạng, chống lại nhân dân, chống lại công cuộc giải phóng dân tộc…".
Mà thôi, hôm nay Con Người ra đi, âm nhạc thì ở lại!
Hậu thế sẽ gọi Phạm Duy, người vừa nằm xuống hôm nay, là ai?
Tác giả của những ca khúc đầy tình tự quê hương
Người đưa ngũ cung và dân nhạc vào tình ca.
Kẻ đã viết những dòng nhạt nhẽo, tục tằn… bậc nhất thiên hạ.
Người có đời sống phóng túng, cũng vào bậc nhất thiên hạ.
….
Tôi gọi Ông là: Người-Họa-Hình-Đất-Nước!
Vì lòng thương yêu đất nước trong tôi, phần nhiều đã được nuôi dưỡng từ những bức tranh thủy mặc bằng âm nhạc ấy!
______________
Sài Gòn, rạng sáng ngày 28.1.2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét