Tiếp tục kêu gọi trả tự do cho anh Điếu Cày
Mấy hôm nay, trong tinh thần dân tộc hưng khởi, người Việt chúng ta đứng lên giáng một phát vào thế lực hiếu chiến Trung Quốc khiến cục diện khu vực có sự thay đổi. Không dễ gì những phản ứng của vài ngàn người Việt biến thành một biến cố truyền thông khiến bộ ngoại giao Trung Quốc cay quá. Cho dù, các cơ quan ngôn luận Việt Nam ra bài phủ nhận danh nghĩa cuộc biểu tình chống Trung Quốc nhưng trong lòng rõ là đã thừa nhận sức ảnh hưởng long trời lở đất của nó.
Nhìn về tổng thể, cuộc biểu tình đã giúp đoàn Việt Nam trong đối thoại Shangri-La có thế đứng quan trọng như lật ngược thế cờ. Nhớ hôm trước báo chí Trung Quốc còn đưa tin bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh "thất cơ" trước mặt phòng trưởng Dương Quang Liệt (phòng trưởng: cách gọi mới của chức bộ trưởng quốc phòng bên Trung Quốc). Lúc đó ông Thanh chỉ nói trân trối vài câu trong cuộc họp ngắn ngủi mang tính chất hoán đổi ngoại giao giữa hai bên; cái gì là 4 tốt, cái gì là không cho phép đệ tam quốc gia can thiệp phá hoại quan hệ Việt Trung. Theo chuyên tin về Hoa Ngữ thì đây chính là chiêu bài ngoại giao do Trung Quốc đề ra trong các quan hệ song phương. Cái gì Việt Nam nói ra chính là do Trung Quốc muốn. Cái gì Trung Quốc nói thì là ý của Việt Nam. Hai bên giao hoán ý tưởng và quan điểm cho nhau, tuỳ vào mức độ trao đổi lợi ích và áp lực tình hữu nghị, cứ thế mà thương lượng.
Thế mà sau cuộc biểu tình thì thái độ Việt Nam quay ngoắt 180 độ qua nhữngtuyên bố thẳng thừng từ thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng với lời chào hoan nghênh mời cả Hoa Kỳ vào cuộc Biển Đông để cân bằng thế lực. Quả thực đây là một bước đi đầy kịch tính và ngoạn mục khiến cho các thế lực hiếu chiến Trung Quốc như bị quả tạ bất ngờ.
Do đó cuộc biểu tình này một mặt như chấn hưng lại toàn dân khí Việt Nam tưởng như lâu nay bị đè nén kể từ năm 2007 thoả hiệp theo "cộng thức" (nhận thức chung) {16/4}, một mặt giúp cho quốc phòng ngoại giao Việt Nam có bài giáng trả Trung Quốc hữu hiệu.
Lần này, hầu như các bên đều thắng chỉ có Trung Quốc thua vì âm mưu dùng tàu Hải Giám thế tàu Ngư Chính quấy nhiễu bờ biển Việt Nam bị thất bại. (Theo thỏa hiệp thì Trung Quốc từng hứa với Việt Nam sẽ không đưa tàu Ngư Chính hộ ngư ở quần đảo Trường Sa và vùng biển "tranh chấp". Việt Nam tin theo, ai ngờ Trung Quốc đổi cách gọi tên tàu Ngư Chính sang thành Hải Giám để mang tiếng giữ lời hứa. Đúng là lật lọng kinh khủng.)
Cuộc biểu tình này cũng làm lũng đoạn các phái "cãi nhau như vạc" trong các luận đàm bên Trung Quốc. Bọn họ vừa cay cú, vừa chửi bới, lại vừa hồ nghi ngờ rằng "có thực Trung Quốc đang nắm chủ quyền ở "Nam Hải" hay không???". Tuy họ mắng khỉ mắng chó Việt Nam như để rửa hận nhưng rõ ràng dư luận Trung Quốc đang có sự thất thần trước phản ứng của nhân dân Việt Nam. Có mấy chú ngũ mao hiếu chiến vẫn còn kiêu ngạo khoe khoang là Trung Quốc có sân bay ở "Tây Sa" chuyên tiếp quân để đánh nhau khi chiến sự xảy ra. Thế nhưng khi những lời hăng tiết này vừa cất lên thì bị xu hướng phản chiến trề môi lại rằng nếu Việt Nam dùng không quân phá hỏng sân bay trên đảo "Vĩnh Hưng" (Phú Lâm, Hoàng Sa có quy mô diện tích nhỏ chừng 2km vuông) trước khi giao chiến thì hải lục không quân Trung Quốc như bị gãy lưng, phải bay đậu chỗ nào đây? Một số dư luận còn quả quyết rằng Việt Nam đang được Mỹ chống lưng mới to gan như thế.
Tuy bọn họ cũng chỉ hóng hớt phán đoán mò thôi vì không muốn thừa nhận thực tế nhân dân Việt Nam đang đứng lên. Chỉ bằng hành động anh dũng kiên cường trong mấy tiếng đồng hồ đã làm mất nhuệ khí của thiên binh vạn mã bấy lâu do bọn ngũ mao xây dựng lên ở bên Tàu.
Kêu gọi chính phủ Việt Nam trả nợ ân tình
Chỉ có người Việt Nam yêu nước chân chính mới hiểu bản chất và góc cạnh cuộc biểu tình này rõ nhất. Cho dù các xu hướng đang tiếp tục phân tích nguyên nhân và ý nghĩa nhưng không thể phủ nhận được hiện thực rằng cuộc biểu tình này thành công là do có một số yếu tố tình cờ và khách quan. Vô hình trung, các lực lượng bất đồng chính kiến thai nghén cuộc biểu tình như nhóm Nhật Ký Yêu Nước, Mẹ Nấm, Người Buôn Gió đã cho phái đoàn Phùng Quang Thanh, Nguyễn Chí Vịnh lên được vị trí thế lực vùng làm Trung Quốc hết sức trân trối. Nhà cầm quyền Việt Nam được tiếng biết cách "đả đả đàm đàm" rất là ngoạn mục làm cho các đầu óc chiến lược ngũ mao tưởng đã có Xuân Thu Chiến Quốc, Tôn Tử Binh Pháp trong tay nay không thể không muốn nhìn trời.
Trong lúc đó, thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh còn chịu trả lời phỏng vấn nhà đài rất là từ tốn không như các quan chức cộng sản khác đương chức khi trả lời là muốn ăn sống ký giả BBC. Thật là chuyện chưa từng có bao giờ. Cũng vừa mới đây, trưởng ban Việt Ngữ đài BBC Nguyễn Giang vừa được thăng chức làm
trưởng biên tập khối Đông Á liên thông với ban Hoa Ngữ. Do đó không thể phủ nhận, ông Nguyễn Chí Vịnh chọn mặt gởi vàng, qua kênh BBC đã đâm thẳng vào dư luận Trung Quốc. Thật là sự kết hợp truyền thông chặt chẽ không ngờ. Tân Hoa Xã bị phát trở mặt này chỉ còn nước ngồi khóc bằng tiếng Mán.
Trở lại vấn đề, hôm trước, trong bài
"Cuộc Biểu Tình Chống Trung Quốc Tạo Thế Đứng Cho Việt Nam", mình đã kiến nghị chính phủ Việt Nam cần ghi nhận công lao này của các bạn biểu tình mà trả tự do cho những ai bị bắt coi như là món nợ tình trời nghĩa đất. Không biết mình có dự đoán may mắn hay không mà các bạn như Mẹ Nấm, Người Buôn Gió được thả sớm. Mình thành thật chúc mừng cho các bạn, dù sao ở bên ngoài cũng dễ thở hơn.
Nhưng khi các bạn ấy được thả rồi thì chúng ta không thể nào yên lòng khi nghĩ đến các nhân vật khả kính khác như anh Điếu Cày, anh Ba Sài Gòn... đang bị bắt giam vô thời hạn. Các anh ấy cũng cần được thả sớm coi như là một tín hiệu hàn gắn sự tổn thương bấy lâu nay trong thái độ khác nhau giữa nhà nước với người dân về vấn đề Trung Quốc.
Trong lúc cuộc biểu tình chống Trung Quốc gặt hái được một số thành công cho ký ức và diện mạo dân tộc thì linh hồn của tinh thần đề kháng với chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc như anh Điếu Cày vẫn bị cầm tù một cách phi lý, thách thức những thiện chí, lòng yêu nước và nhịp thở ở Biển Đông. Được biết, trước khi cuộc biểu tình xảy ra, phong trào giáo dân cầu nguyện cho anh Điếu Cày bắt đầu thu hút động lực.
Cho dù, phong trào chống Trung Quốc hiện nay chưa kịp tái nhóm nhưng một ngày không xa nếu nhà cầm quyền Việt Nam không tỏ thiện chí thì những trái tim Việt Nam từng phản đối chống Trung Quốc sẽ nắm tay biểu tình đòi trả tự do cho anh Điếu Cày. Đòi thả tự do cho anh Điếu Cày cũng là đồng nghĩa với thái độ chống Trung Quốc bá quyền.
Do đó, thêm một lần nữa mình kiến nghị chính phủ Việt Nam hãy tự điều chỉnh thái độ thích hợp phù hợp lòng người mà thả anh ĐIếu Cày và anh Ba Sài Gòn. Đây không những là sự tự tin trước Trung Quốc mà còn là thái độ khôn ngoan hàn gắn lại những rạn vỡ về nhân tính.
Hy vọng các anh được thả sớm thì bao hưng khởi tinh thần của ngày hôm nay sẽ không bị dịch chuyển mục tiêu. Nhà cầm quyền Việt Nam sẽ không bị mang tiếng dùng nhân dân Việt Nam yêu nước làm bình phong cho những con bài chính trị để đối phó với Trung Quốc.
Hãy thả anh Điếu Cày và anh Ba Sài Gòn ra ngay để bày tỏ thiện chí.
Trần Đông Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét