Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

Điều 88 bộ Luật Hình Sự: Công cụ chuyên dụng diệt trí thức Việt Nam (1&2)

nguồn danluan
 
Bằng Công
Minh Thái trình bày
 

Bài này gồm 4 phần:

Phần 1- Xác định khái niệm trí thức

"Trí thức" là từ được sử dụng phổ biến, nhưng khái niệm rất không thống nhất; do vậy bài này trước hết cần xác định khái niệm "trí thức" mà nó nói tới;

Phần 2- Thân phận trí thức dưới chế độ độc tài

Chế độ độc tài ở thời đại này đều phải nguỵ trang bằng chiếc mặt nạ dân chủ, nhưng nó vẫn buộc phải coi trí thức là đối tượng cần bịt miệng trước hết – vì đây là lực lượng đủ khả năng vạch trần rất sớm, rất toàn diện và rất quyết liệt sự dối trá.

Phần 3- Điều 88 Luật Hình Sự: Công cụ chuyên dụng diệt trí thức Việt Nam

Nhưng, độc tài ở các nước nông nghiệp lạc hậu – do bản chất phong kiến – là tàn bạo nhất. Ở Việt Nam, nó dùng điều 88 Luật Hình Sự diệt mọi mầm mống trí thức.

Phần 4- Điều 88 Luật Hình Sự: Nhất định phá sản

Luật này đã bộc lộ những tử huyệt, sẽ ngày càng mất tác dụng, đi đến phá sản nếu trí thức biết "điểm trúng huyệt"

Phần 1: Xác định khái niệm trí thức

Các quan niệm về trí thức có phổ khá rộng. Có người nói Việt Nam còn hiếm trí thức, nhưng văn bản nhà nước lại nói Việt Nam đã có hàng triệu trí thức, khiến đảng phải ra nghị quyết xếp họ vào "đội ngũ" để họ nghe rõ lệnh. Đảng coi tốt nghiệp cao đẳng đã là trí thức, trong khi một tiến sĩ tự trọng lại chưa dám nhận mình là trí thức. Rắc rối thế!

Do vậy, bài này cần làm rõ khái niệm trí thức. Tốt nhất là tìm nội hàm "gốc" của từ này. May mắn, google search đã cung cấp cả loạt bài trên báo chí công khai trong nước. Theo nguyên nghĩa, trí thức là những con người cao đẹp, nhưng trong một bài viết của mình, GS Chu Hảo lại nhận định khác đi, nếu trí thức bị gắn thêm cái đuôi… XHCN.

Xã hội xưa chưa thể có trí thức

Xã hội nào cũng có số ít người có trình độ cao hơn mặt bằng chung. Ở xã hội cổ xưa, vẫn có những người nhờ kinh nghiệm hoặc tự tìm tòi mà có hiểu biết hơn người khác. Tuy vậy, họ vẫn phải lao động chân tay vất vả như mọi người, vì khi đó của cải còn eo hẹp: Nếu không trực tiếp sản xuất là… đói ngay. Nhưng sẽ tới lúc xã hội nhận ra tầm quan trọng của lao động trí óc. Một ví dụ (tôi không nhớ đã đọc ở đâu): Khi một bộ lạc thôi cử một thanh niên vạm vỡ làm người đứng đầu mà thay bằng một ông già "hiểu biết và kinh nghiệm đầy mình" thì đó là bước thay đổi nhận thức rất ý nghĩa. Nhận thức mới về lao động trí óc khiến xã hội dám bỏ ra một nguồn của cải đủ để mở trường. Trường lớp ra đời khiến số lao động trí óc tăng lên thành một tầng lớp riêng. Nhờ vậy, công cụ thô sơ được thay dần bằng máy móc, khiến lao động chân tay từ dạng "hùng hục" chuyển thành dạng kỹ năng, cũng phải qua đào tạo mới có được.

Rồi ngay trong lớp người lao động trí óc cũng có sự phân tầng: cao và thấp. Một nhà nghiên cứu và viên thư ký của ông ta đều là lao động trí óc nhưng thuộc 2 tầng khác nhau, có mức độ đóng góp khác nhau. Xã hội tìm ra những từ thích hợp để tôn vinh những người có đóng góp lớn, nhất là đóng góp qua sáng tạo: Nho sĩ, sĩ phu, nhà văn, văn hào, nghệ sĩ, bác học, học giả, trí giả, nhà khoa học, giáo sư, nhà thông thái… Và nói chung, họ được xã hội coi là người "có học" – nhưng đây chỉ là cách gọi mang tính quy ước và rất tương đối. Trước năm 1945, thầy giáo tiểu học ở nước ta đã được coi là "có học". Tuy nhiên, dân ta hiểu rất rõ và rất thống nhất: Thế nào là người "có học" – không những về mặt chữ nghĩa, sự hiểu biết, mà cả tư cách, lối sống, ứng xử…

Nhưng cả phương Đông và phương Tây, cho tới năm 1898, tuy số người "có học" đã khá đông đảo, nhưng vẫn chưa có ai là trí thức – bằng chứng là mọi cuốn từ điển lớn (như Larousse 1878 hay Đại từ điển Bách khoa 1902) vẫn chưa có mục từ trí thức.

Văn hào Zola trở thành trí thức

Nhà văn Zola (1840-1902) cả đời say mê sáng tác thì không có gì lạ, nhưng rắc rối là ông cứ bỏ công sức "xía vô" những chuyện chẳng liên quan gì tới văn chương.

Một ví dụ: Ngày 13-1-1898 ông đăng trên báo L'Aurore một thư ngỏ gửi tổng thống, phản đối quyết liệt một bản án bất công. Nhan đề bức thư: Tôi kết tội – do ông chủ báo đặt – làm ngọn lửa dư luận bùng cháy dữ dội khiến tờ báo phải tăng số ấn bản gấp 10 lần. Hôm sau, báo này lại đổ thêm dầu bằng cách đăng tiếp một bản kháng nghị vẫn của Zola, nhưng tiếp sau là danh tính của một loạt nhà văn, nhà khoa học nổi tiếng thời đó. Tên của nó: Manifeste Des Intellectuels, cũng do toà báo đặt, nay đã đi vào lịch sử.

Intellectuel vốn là tính từ, nhưng tiến sĩ vật lý Clemenceau, chủ báo, vị thủ tướng tương lai, cứ sử dụng như danh từ, khiến các cụ ta dịch sang tiếng Việt cũng thành danh từ: Tuyên ngôn của các trí thức. Tiếng Trung Quốc không có từ "trí thức", mà do các nhà học giả Việt Nam đưa ra.

- Nếu vậy, xin bái phục thế hệ cha ông đã sáng tạo một từ mới, rất sát nghĩa, và bản thân các cụ cũng hành xử đúng theo nội hàm của từ này. Đó là thế hệ Phan Chu Trinh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi…, tiếp đó là Vũ Đình Hoè, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Văn Huyên… – thế hệ vàng, theo nhà sử học Dương Trung Quốc.

- Theo gót các vị, nửa thế kỷ trước các nhà văn, nhà khoa học nước ta cũng ra một "Tuyên Ngôn" (đại ý: Chính trị chớ xía vô chuyên môn). Đó là thế hệ trí thức kế tiếp (Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo…).

- Tuyên Ngôn gần đây là của nhóm Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng được nhiều trí thức khác hưởng ứng… Và, liệu có thể coi "đơn tự thú" của sinh viên Nguyễn Anh Tuấn là khởi đầu một tuyên ngôn mới của trí thức trẻ?.

Nội hàm gốc

Hành vi chống bất công của Zola đã làm nảy sinh một từ mới, trước 1898 chưa hề có: trí thức, mà bản thân Zola là một hình mẫu: nhạy cảm với bất công; tôn thờ chân lý, công lý, công bằng và dám phản biện…
Như vậy, nội hàm gốc của từ trí thức gồm hai phần (điều kiện Cần và Đủ):

1) Đó là người "có học", lao động trí óc, dẫu có sáng tạo thì mục đích chủ yếu vẫn chỉ là kiếm sống cho bản thân.

2) Đó là người phê phán – bằng lập luận chặt chẽ, xây dựng và không vụ lợi – những bất công, bất cập trong xã hội. Như vậy, mục đích duy nhất là để xã hội tốt đẹp hơn.

Biết chọn trúng những vấn đề cần phê phán để phê phán nói lên tầm vóc người trí thức.

"Trí thức" quả là một từ đầy sáng tạo của cha ông ta. Vừa phải có "trí" tức năng lực tư duy, lại vừa phải "thức" để bản thân không bị mê hoặc, mà còn làm tỉnh ngộ mọi người.

GS Chu Hảo nói: Không có tư duy phản biện, không phải trí thức; GS Phạm Song nói: Trí thức thì không được hèn; có vị còn coi phản biện xã hội là thiên chức của trí thức… Ấy là họ nhấn mạnh phần thứ hai – điều phải có để một người "có học" thành trí thức.

Nội hàm của từ trí thức giúp ta dễ hiểu vì sao trí thức luôn luôn nhạy cảm với bất công, áp bức. Lương tâm và sự tỉnh thức buộc trí thức phải phát ngôn – và đó là cách phản kháng duy nhất và đặc trưng nhất của trí thức. Cấm đoán tự do ngôn luận là cách trắng trợn nhất chống lại trí thức. Nếu lại dùng cả đến Luật (điều 88) thì sự đàn áp trí thức đã rất trắng trợn. Nếu lại đưa điều 88 vào Luật Hình Sự thì đó sự tàn bạo. Nếu điều luật này được áp dụng một cách độc đoán trong phiên toà xử trí thức, thì sự tàn bạo đã ở mức thách thức lương tri dân tộc.

Do vậy lên tiếng phản đối bất công, trí thức lâm vào vị thế "tay không đối diện với cường quyền". Nếu vậy thì câu "trí thức là phải dấn thân", hoặc "thái độ trí thức là thước đo mức tự do và công bằng xã hội"… chẳng có gì khó hiểu.

Điều kiện ra đời của trí thức

- Thời phong kiến, ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đều trong tay vua. Do vậy, vua có cả giang sơn và nắm giữ sinh mạng toàn dân. Vua cho ai sống, được sống; vua bắt ai chết, phải chết. Quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung là câu trong sách thánh hiền; nghĩa là:Vua xử bề tôi chết, bề tôi không chết là bất trung. Nhưng "bất trung" lại là tội lớn nhất – tức tội… chết. Rốt cuộc, không thể thoát chết khi vua đã xử chết.

- Thuở ấy, hai ông ngang tài (ví dụ, Lưu Bang, Hạng Võ) xông vào nhau để giành ba quyền, nếu ai thắng, được gọi là vua, có quyền viết lịch sử để gọi kẻ thua là "giặc" hay "ngụy". Vài ví dụ: xa xưa, sứ quân Đinh Bộ Lĩnh có quyền gọi 11 vị sứ quân khác là "giặc"; thời cận đại, Gia Long gọi Tây Sơn là "ngụy"; thời hiện đại, liệu đã hết chưa; cần tìm hiểu thêm. Nhưng nếu một đội quân lại phải thề trung với vua – nay là đảng – thay vì trung với nước, thì lời hoa mỹ nào cũng không che dấu được đó là quân đội của chế độ phong kiến trá hình.

- Thời phong kiến tất nhiên cũng có một tầng lớp có học vấn cao. Ở nước ta, họ được gọi là nho sĩ, nếu ai có thêm những phẩm chất cao quý (liêm chính, thẳng thắn, vô tư…) thì được tôn là sĩ phu… Sĩ phu, dù cương trực đến đâu, một khi đã nhận quan tước cũng chớ dại mà "phản biện" vua – sẽ mất đầu ngay. Bạo gan nhất là dám (lễ phép) can vua; can không được thì phải tạ lỗi ngay. Nếu thấy vua còn giận thì phải kịp xin về quê yên phận, tránh hoạ.

Tóm lại, xã hội phong kiến chưa thể đủ điều kiện để trí thức ra đời.

- Trí thức chỉ có thể xuất hiện khi xã hội đã có dân chủ, hiến pháp đã quy định sự phân lập của ba quyền; báo chí và xuất bản đã được tự do (để trí thức, ví dụ Karl Marx, có nơi lên tiếng); quyền ngôn luận đã được xác lập (để trí thức có thể phát ngôn mà không lo bị đàn áp)… Về nguyên tắc thì thế, nhưng thực tế sự ra đời của tầng lớp trí thức châu Âu ở thế kỷ trước cũng khá trầy trật, sự hy sinh của bản thân không nhỏ và thân phận nhiều người cũng chẳng ít lênh đênh. Điều này có nguyên nhân.

Thân phận ba chìm bảy nổi

Trí thức chẳng có quyền lực gì trong tay. Khốn nỗi, nhờ hiểu biết và tìm tòi, họ dễ nhìn ra những bất công và bất cập trong xã hội. Trăn trở, bức xúc, khiến họ phải lên tiếng. Dù lên tiếng nhẹ nhàng, họ vẫn làm phật ý giới bảo thủ đang nắm quyền lực – vì không nhiều thì ít, giới này phải chịu trách nhiệm – huống hồ lên tiếng một cách gay gắt càng làm cho bọn này điên tiết. Do vậy, khi chế độ phong kiến bị thay thế chưa lâu bằng chế độ tư bản còn sơ khai; vương quyền vừa mới bị thay thế bằng nền cộng hoà còn non trẻ, trí thức vẫn phải dũng cảm và dấn thân mới có được tiếng nói trong xã hội. Đó chính là trường hợp Zola.

- Năm 1898 (năm khai sinh cái từ "trí thức"), nước Pháp đã có hiến pháp dân chủ, ba quyền đã phân lập, báo chí đã tự do… nhưng các thế lực bảo thủ, phản tiến bộ vẫn rất mạnh, có mặt cả trong nghị viện và chính quyền; riêng toà án thì giới quân sự độc chiếm. Phe tả và hữu đấu tranh ở mọi nơi, mọi lúc kể cả trên mặt trận dư luận… Do vậy, không đủ dũng cảm làm sao trở thành trí thức?

Một ví dụ: Giới nhà báo phe hữu đã vu cáo – với những từ miệt thị – khi họ phê phán bức thư và bản kháng nghị của Zola, tạo cớ để toà án xử tù và phạt tiền ông (tội vu khống). Ví dụ khác: đa số dân Pháp, do chủ nghĩa dân tộc còn nặng nề, vẫn kỳ thị viên đại uý Do Thái (nạn nhân vụ án), vẫn ủng hộ sự xâm lăng thuộc địa (tôn vinh các vị tướng trong đội quân cướp nước). Do đó, niềm tin mù quáng đã ủng hộ không nhỏ cho bản án. Ngay khi bản án đã buộc phải sửa, nạn nhân đã được minh oan, nhưng cái chết của Zola vẫn bị nghi vấn là do phe hữu ám sát.

Karl Marx (1818-1883) và Émile Zola (1840-1902)

Cách nhau 22 tuổi, nhưng đều thọ trên 60 năm, do vậy hai danh nhân này có thời gian 40 năm cùng tồn tại. Tuy nhiên, trong khối ấn phẩm đồ sộ của mỗi người, họ không một lần nào nhắc đến tên nhau, hay nói vài lời về nhau. Việc ai nấy làm, mỗi người theo đuổi mục tiêu riêng của đời mình.

Marx nhận ra sự tàn bạo của chế độ tư bản thời kỳ nó còn sơ khai (hoang dã, rừng rú) và ông muốn diệt nó càng sớm càng tốt (trận cuối cùng). Đó là thiện chí. Ông công bố bản án tử hình cho chế độ tư bản năm 1848 cũng bằng một Tuyên Ngôn (Tuyên Ngôn CS), khi Zola mới có 8 tuổi, nhưng chắc chắn Zola biết tới tuyên ngôn này khi đã trưởng thành – vì Marx nhiều lần cho in lại Tuyên Ngôn của mình bằng nhiều thứ tiếng. Nhưng Zola chọn cách khác, thiết thực hơn.

Làm sao diệt nổi một chế độ ra đời đúng quy luật, khi nó còn đang phát triển và hàng trăm năm sau vẫn chưa phát triển tới đỉnh cao – mà quy luật dành cho nó? Đó là ảo tưởng. Marx công khai và trực tiếp chĩa mũi nhọn vào chế độ tư bản, công khai nhận mình là kẻ thù số 1 của chế độ này. Dẫu vậy, chế độ tư bản đối xử lại, mức tàn tệ nhất chỉ là trục xuất, và Marx lại được một nước tư bản khác chấp nhận cho cư trú cả gia đình. Mọi tác phẩm của Marx đều được in ra, chẳng thiếu một trang – theo đúng Luật về tự do xuất bản. Marx có thể nói đủ những gì mình thù hận chế độ tư bản, kết tội nó, tiên đoán nó sẽ chết yểu… vậy mà không ai dám kiểm duyệt và cắt xén nửa chữ – theo đúng Luật về quyền tự do ngôn luận. Không những thế, Marx còn lập đảng, lập cả Quốc tế CS, nhúng tay vào cuộc bạo loạn ở Pháp (Công xã Paris…

Chỉ cần thời xưa, Marx bị đối xử khắt khe bằng 1/10 hoặc 1/100 cách đối xử của đảng CSVN với nhà trí thức Cù Huy Hà Vũ, liệu Marx có kịp sống đủ tuổi trời mà công bố tác phẩm, đặng leo lên bàn thờ của đảng CSVN hay không?

Còn Zola, ông không chống chế độ tư bản (đang lên), mà chống những tiêu cực cụ thể xuất hiện trong chế độ này để xã hội tư bản tốt dần lên. Như vậy, thiết thực hơn. Càng chống kiểu Zola, chế độ tư bản càng hoàn thiện, vững vàng, cho tới khi nó hết sứ mệnh.

Phần 2 – Thân phận trí thức dưới chế độ độc tài

Thế kỷ XX và XXI vẫn còn chế độ độc tài. Mà tới hai loại lận:

- Cách mạng tư sản thành công đã 200 năm. Từ chỗ ban đầu "hoang dã", chế độ tư bản đã bước lên những bậc rất cao của nền văn minh công nghiệp. Và nay, nó đang kiến tạo nền văn minh mới: Văn minh hậu công nghiệp. Cái kính chiếu yêu (làm lộ diện loài yêu quái) nó tặng nhân loại là: Sự tách bạch ba quyền (lập pháp, hành pháp, tư pháp) là minh chứng – đồng thời là sự đảm bảo – cho một thể chế dân chủ và ngày càng dân chủ. Nếu không như vậy, dù che dấu cách nào, thì đó vẫn là chế độ độc tài, thậm chí là tàn dư biến thể của chế độ phong kiến từ mấy thế kỷ trước rơi rớt lại, cứ như từ dưới âm ty hiện lên, dù được dán cái nhãn "thiên đường" XHCN.

- Thế kỷ XX (và XXI), vẫn có những nước từ ngàn năm nay ba quyền chưa bao giờ phân lập (các nước nông nghiệp "bỏ qua" chế độ tư bản, để dán nhãn XHCN), nhưng cũng có nhiều nước ba quyền từ chỗ đã từng phân lập bỗng bị một người (hoặc một đảng) thâu tóm, tạo ra chế độ độc tài (Đức, Ý, Tây Ban Nha, Nhật, Chilê…).

Nguồn gốc độc tài khác nhau, nên hình thái không giống nhau. Dù trường hợp nào, nhà độc tài thời nay không dại gì xưng vua, mà tự xưng – hoặc được đảng tôn xưng – là "lãnh tụ" cho ra vẻ cách mạng, hợp thời. Tóm lại. thời nay, hễ độc tài là phải nguỵ trang.

Các vị lãnh tụ thường cố ý dài dòng khi đặt tên đảng và quốc hiệu – cho thêm phần đẹp đẽ – để mỵ dân. Nhưng một khi nắm được cả 3 quyền trong tay, lãnh tụ sẽ tự biến mình thành bạo chúa, việc đầu tiên là đầy đoạ và giết hại trí thức. Điều dễ hiểu: Chỉ có trí thức mới đủ năng lực và dũng cảm vạch trần sự dối trá. Ông Hoàng Tùng, nguyên bí thư trung ương đảng, trong hồi ký đã nhận định rằng Tần Thuỷ Hoàng kém xa Mao Trạch Đông về giết hại trí thức.

Vài ví dụ về lãnh tụ và tên đảng, tên nước được đặt dài dòng:

- Hitler: Đảng Công nhân Quốc gia Xã hội chủ nghĩa Đức – gọi tắt là Quốc Xã;

- Lênin, Stalin: Đảng Lao động Dân chủ Xã hội chủ nghĩa Nga, sau đổi là đảng cộng sản bôn sê vich Liên Xô, quốc hiệu là Liên bang các nước cộng hoà XHCN xô-viết (Liên Xô, SSSR);

- Mao Trạch Đông: nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa;

- Kim Nhật Thành: nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên;

- Gaddafi: nước Đại Dân Quốc Nhân dân Xã hội Chủ nghĩa Ả Rập Libya;

- Ne Win: nước Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Myanma (1974);

… vân vân. Mời mọi người bổ sung tiếp.

Hầu hết, các vị lãnh tụ lên ngôi cũng qua bầu cử, nhưng có cách để liên tiếp trúng cử (với trên 90% phiếu bầu), qua đó cầm quyền nhiều nhiệm kỳ hoặc suốt đời…

Độc tài ở nước nông nghiệp (ví dụ Việt Nam)

Thích hợp với nền nông nghiệp lạc hậu là chế độ phong kiến. Việt Nam ta giành độc lập (1945) khi 95% số dân còn làm ruộng. Tới nay – sau 66 năm, tức 2/3 thế kỷ – nông nghiệp vẫn mênh mông, nhưng manh mún, lạc hậu, và vẫn giam hãm tới 2/3 số dân. Tư tưởng tiểu nông vẫn hết sức nặng căn.

Nếu theo lý luận của Mác, cách mạng ở VN lẽ ra phải là cách mạng phản phong kiến, thiết lập nhà nước pháp quyền TBCN, do trí thức của giai cấp tư sản lãnh đạo… giống như Tôn Trung Sơn đã thực hiện năm 1911 bên Tàu – với ba quyền tách bạch nhau. Nhưng đảng CSVN lại quyết thực hành theo lý lẽ và cách thức của Lênin, vì nó đáp ứng sự sốt ruột: Đó là "bỏ qua" chế độ tư bản – mà các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Ý… đã và đang tốn mấy trăm năm thực hiện, nay vẫn chưa xong. Tiết kiệm mấy trăm năm cho tiến trình lịch sử há chẳng phải là thành tựu cổ kim chưa có hay sao? Bị cám dỗ, ham là phải, nhưng cái tội là mê muội lâu quá nên trái quy luật.

Muốn làm trái quy luật tất nhiên phải ép buộc, nghĩa là phải chuyên quyền, cách duy nhất là không tách bạch ba quyền, buộc toàn dân tuân theo cương lĩnh. Rốt cuộc, những cái đảng quyết "bỏ qua" tư bản, sớm muộn sẽ đưa đất nước quay lại chế độ phong kiến. Do đó, tới nay, khi đã hết vai trò lịch sử "ngoài lợi ích cầm quyền vĩnh viễn, đảng này không còn lợi ích nào khác".

Giới lãnh đạo: Dù tài giỏi, thiện chí và nguỵ biện, nhưng…

Trong 66 năm ấy, giới lãnh đạo đảng CSVN đã trải 3 thế hệ chủ yếu.

- Phải là tài giỏi thì họ mới huy động được toàn dân khởi nghĩa và kháng chiến chống Pháp. Chỉ có 5-10 ngàn đảng viên, nhưng tỷ lệ hy sinh tới 10%, tức là cao gấp 10 lần tỷ lệ hy sinh của người ngoài đảng (1% trong số 30 triệu dân). Lịch sử mãi mãi tôn trọng họ, nhưng vinh quang của họ đang bị thế hệ lãnh đạo hiện nay chiếm đoạt, thừa hưởng.

- Đảng cầm quyền nào, dù trong sạch hay tham nhũng, đều muốn được dân khen. Việc xoá bỏ giai cấp địa chủ và tư sản (xoá bóc lột) để sau đó có thể công hữu hoá… phải coi là xuất phát từ thiện chí: đảng không tư túi, và thật sự tin rằng đời sống nhân dân sẽ được cải thiện nhờ "sản xuất lớn". Vấn đề là cách làm: cực tả (tàn bạo) do Lênin đưa ra. Lịch sử không thiếu những ví dụ: bất cứ phong trào cực tả nào cũng đẫm máu quần chúng (Công xã Paris, Xô viết Nghệ Tĩnh) dù mục tiêu đầy thiện chí.

Vâng, bà mẹ nào mà chẳng "thiện chí" mong đứa con lớn nhanh? Nhưng bị xui dại, bà ta đã dùng cái thòng lọng treo cổ đứa con lên, lại buộc thêm tảng đá dưới chân, cho… mau lớn (ví dụ này lấy trong bài của Trần Hiền Thảo, Trần Trung Thực).

Thế hệ lãnh đạo đầu tiên – có công, dám hy sinh, nhưng cũng mắc những sai lầm "chết người" – nay đã vắng bóng. Thế hệ trung gian lẩn quẩn trong chiến tranh, bế tắc trong kinh tế, nay đã thưa thớt… (bị coi là trung ít, gian nhiều: công ít, tội nhiểu – như tôi đây!).

- Còn thế hệ cầm quyền hiện nay? Chẳng có tí công trạng gì hết, nhưng trên danh nghĩa là "kế tục" do vậy thừa hưởng mọi vinh quang và quyền lực, đồng thời vô trách nhiệm với sai lầm cũ. Mong có chính danh, nhóm chóp bu hiện nay không ngớt nhấn mạnh "kế tục sự nghiệp, nối tiếp truyền thống và kiên trì con đường". Sự nguỵ biện đương nhiên phải được che dấu, ngụy trang – như hiện nay chúng ta đang thấy: đàn áp trí thức.

Tóm lại, ban đầu dù tài giỏi đến đâu; sau đó dù thiện chí đến đâu; và hôm nay dù khéo trá hình đến đâu… rốt cuộc, thể chế nước ta đã phơi bày là phong kiến phản động – vì ngay từ đẩu cả ba quyền gom vào tay một nhóm, đứng trên pháp luật, hành xử như vua.

Đáng buồn là tư tưởng tiểu nông của dân ta vẫn còn rất nặng nề. Chính tư tưởng này tạo ra nhu cầu có vua, có thánh, để mà… có cái tôn thờ. Để vinh danh nhân vật Thạch Sanh, tư tưởng tiểu nông không thể có cách nào khác là đặt anh ta lên ngôi vua.

Không riêng nước ta

Đặc trưng này không riêng nước ta mới có. Tất cả các nước nông nghiệp lạc hậu (như Nga, Trung, Triều, Cu Ba, Lào, Miên…) đều như vậy. Cách mạng khá dễ thành công khi nhiệm vụ là đuổi thực dân và đánh đổ phong kiến, tuyên bố độc lập – vì lòng dân đã quá chán ghét chế độ cũ và vì xu thế thời đại. Tai hoạ là muốn "bỏ qua" chế độ tư bản, để đi tắt, hòng… vượt tư bản (!). Loanh quanh, không sớm thì muộn, chế độ phong kiến (trá hình dân chủ) sẽ lộ diện. Lãnh tụ, có thể ban đầu rất bình dân, vào sinh ra tử, nhưng về sau sẽ xa dân và được tô vẽ thành con người siêu phàm; khi chết được tôn thánh, được ướp xác, xây lăng. Để làm gì? Để vừa thoả mãn tư tưởng tiểu nông của đa số dân, lại vừa để đám cầm quyền thế hệ sau tuyên bố rằng họ trung thành tuyệt đối và xứng đáng kế tục sự nghiệp vinh quang của thánh nhân. Do vậy, không một đảng CS nào khi còn nắm quyền mà dám lơ là chuyện ca ngợi lên tận mây xanh vị thánh mà đảng đã dựng lên. Đáng thương là cụ Fidel. Cụ không mất đúng lúc để được tôn thánh, mà cứ sống lâu để nay phải đích thân thừa nhận sai lầm, hết cả thiêng.

Nước công nghiệp: Không dễ thực hiện độc tài

Một cá nhân hoặc một nhóm muốn trở thành độc tài ở một nước công nghiệp không dễ và cũng không thể tồn tại lâu dài. Người dân từng được hưởng dân chủ, tự do, đã giác ngộ cao về quyền lợi. Do vậy, thoạt đầu nhà độc tài phải lợi dụng (hoặc tạo ra) được cơ hội, phải biết mỵ dân, phải lập đảng khuynh tả… để có thể thắng cử. Khi quyền lực đã vững, phải tạo cớ (khủng hoảng, chiến tranh) để có lý do tập trung quyền lực hơn nữa.

Nhiều trường hợp phái dùng bàn tay sắt (phát xít hoá). Có thể nói, độc tài tới mức phát xít hoá thì một nguyên nhân là sự phản kháng của trí thức. Nhưng nền độc tài này không thể lâu dài, vì trước sau phát xít sẽ gây chiến và bại trận.

Còn ở nước nông nghiệp, chế độ trước cách mạng vốn dĩ là phong kiến, nên độc tài là tự nhiên. Vô phúc, nếu đảng cách mạng tự nhận là vô sản, sớm hay muộn nó sẽ tự phơi bày là một đảng vua quan. Ngày nay, sở dĩ nó phải ngụy trang thành dân chủ vì đã là thế kỷ XXI, hầu hết các nước đã đa đảng. Chớ nếu là 100 năm trước, sẽ khác: Ông Viên Thế Khải bên Tàu, ngay sau khi kế vị chức Đại Tổng Thống của Tôn Trung Sơn đã tuyên bố tắp lự: Phục hồi quân chủ. Điều may là ông chết sớm, điều không may là cụ Mao… nứt trời rơi xuống, khiến chế độ tư bản ở Trung Quốc chết yểu khi mới chập chững (1949), vua Mao lên ngôi.

Dân trí cao, người dân đã từng được hưởng dân chủ, tự do… do vậy ở nước công nghiệp, ban đầu nhà độc tài phải hứa hẹn, mỵ dân và tỏ ra khuynh tả. Sau khi đã thắng cử, trong quá trình cầm quyền, ông ta mới phát xít hoá (Đức, Ý, Tây Ban Nha…). Ở một số nước, độc tài được thực hiện bằng đảo chính của nhóm quân phiệt (Nhật, Miến Điện, Libya…). Một số nước khác, nhà độc tài dùng cách "leo dây": thân cả phe XHCN, thân cả phương Tây, khéo léo để được cả hai phe ủng hộ; đặng thực hiện độc tài với dân. Nhiều nhà độc tài châu Phi và Trung Á đã ngã lộn xuống đất từ cái thế chênh vênh này.

Trí thức dưới chế độ độc tài

Chế độ độc tài nào cũng kỳ thị trí thức, tức căm ghét người bất đống chính kiến (chính kiến = ý kiến về chính trị) đồng thời cũng sợ hãi họ. Do vậy, chế độ độc tài rất có ý thức ngăn cản trí thức liên kết với nhau thành lực lượng. Ở Việt Nam, họ được đưa vào "đoàn thể" nhưng thành phần khá hẩu lốn (công đoàn). Ví dụ, trong tổ công đoàn, Tôn Thất Tùng hay Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của… phải hop hành với bác lao công, chị tạp vụ, ông bảo vệ, cô thư ký, anh y tá… Vậy làm sao có thể thảo luận về chính kiến?

Phải 50 năm sau, đảng mới cho phép trí thức có đoàn thể riêng – hiện nay ở cấp toàn quốc do ông Đặng Vũ Minh uỷ viên trung ương, đứng đầu. Ông này là đại biểu quốc hội nhưng trong suốt nhiệm kỳ vừa qua ông không nói một câu nào trong mọi cuộc thảo luận ở hội trường. Liệu nay có thể trông mong gì ở ông?

Ai cũng thấy, các đoàn thể này không bao giờ bênh vực – mà khai trừ lập tức – nếu đoàn viên trí thức dám phê phán đảng cầm quyền. Ngay năm 2010 và 2011 LS Lê Trần Luật và TS Cù Huy Hà Vũ bị "đoàn thể" của mình khai trừ là do vậy.

Đặc biệt chế độ độc tài rất cần mua chuộc những người có học vấn cao, những chuyên gia giỏi; một mặt để họ phục vụ mình; nếu lại ca ngợi mình nữa, càng tốt – nếu không thì cũng đừng bêu xấu chế độ. Các chế độ độc tài xa xưa hay cận đại (Đức phát xít, Nga xô viết, Tàu cộng sản…) đều làm như vậy. Ở VN, đảng CS cũng rất cần sự đồng tình của Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của… và nay là Ngô Bảo Châu… Mặt quan trọng khác, chế độ dùng cách đe doạ và đàn áp để ngăn cản người "có học" trở thành trí thức. Tuy họ được vuốt ve, tâng bốc với đủ thứ danh hiệu hão, nhưng bị trở mặt cũng rất nhanh, rất thật. Ông Nguyễn Huệ Chi cứ là giáo sư, nhưng – giáo sư cũng mặc mẹ giáo sư – vẫn cứ bị mấy anh công an nhãi nhép lôi lên thẩm vấn!.

Biện pháp cuối: dùng luật biến trí thức thành tội phạm hình sự
Nếu các biện pháp tinh thần và vật chất không kết quả, đảng dùng cả Luật đánh vào đặc trưng số 1 của trí thức: tức là tinh thần phản biện. Điều 88 coi hành vi ngôn luận của trí thức là tội hình sự, giống như tội giết người, cướp của, hiếp dâm.

Sự thích nghi với hoàn cảnh

Độc tài Việt Nam lộ diện lần đầu năm 1957 khi nó đàn áp nhóm Nhân Văn. Nạn nhân của nó, nhiều người sống sót tới thời gian rất gần đây. Họ là tấm gương cảnh báo để trí thức Việt Nam tìm ra cách tồn tại hợp pháp và an toàn, dù rất trầy trật.

- Trước hết, đó là những người "có học", lương thiện và có công trạng mà chế độ phải thừa nhận. Tới một ngày, họ nhận ra lý tưởng đẹp đẽ mà họ dành ra gần cả đời theo đuổi chỉ là áo tưởng (tới nửa nhân loại bị lừa cơ mà), còn thực chất đây là chế độ độc tài kiểu phong kiến. Sau năm 1954 và 1975, giới cầm quyền không thể nại ra lý do chiến tranh để tiếp tục trì hoãn sự phân lập của ba quyền nữa, họ nhận ra bộ mặt thật của chúng. Họ phát biểu ban đầu còn dụt dè, sau mạnh bạo dần, nhưng vẫn cố giữ giới hạn an toàn. Sự phê phán rất nhất quán trong một thời gian đủ dài khiến mọi người thừa nhận họ là trí thức. Hoàn cảnh khiến họ không thể làm khác hơn, không thể làm ở mức như Zola đã làm.

Đã là phi nghĩa, độc tài, bao giờ cũng có mâu thuẫn giữa nói (rất lọt tai) và làm (rất phản động). Sự mâu thuẫn này đã bị trí thức triệt để lợi dụng. Ví dụ, dựa vào lời của lãnh tụ, dựa vào chính cương, điều lệ… để chỉ trích những việc làm hiện tại.

- Tiếp bước họ, những trí thức thế hệ sau càng dấn thân hơn, quyết liệt hơn và chấp nhận nguy hiểm, kể cả vào tù do điều 88 luật hình sự. Blog giúp họ phương tiện rất hiệu quả. Rất nhiều người công khai danh tính, nhưng lực lượng dùng bút danh cũng không kém mạnh mẽ và nguy hiểm. Họ không đơn độc như cha anh thời đàn áp Nhân Văn.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét