Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

Nhà báo Lê Phú Khải :"Tôi xấu hổ cho nền báo chí Việt Nam hôm nay"

Nguồn BVN
 

Nhân ngày báo chí Việt Nam 21.6

Quyền được kêu đau

Lê Phú Khải

Cuộc biểu tình rầm rộ phản đối Trung Quốc xâm phạm và tấn công tàu thăm dò dầu khí Việt Nam đang hoạt độngtrên vùng biển Việt Nam của nhân dân Hà Nội và Sài Gòn diễn ra suốt buổi sáng ngày 5. 6 vừa qua đã được cơ quan thông tấn nhà nước Việt Nam đưa một cái tin làm sửng sốt dư luận trong và ngoài nước: "Thực tế sáng ngày 5. 6 có một số người tự phát tụ tập đi ngang qua đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Hồ Chí Minh để thể hiện tinh thần yêu nước… bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc"

Nếu cách đây vài chục năm để bưng bít thông tin, ém nhẹm đi một sự kiện nào đó ở một nơi xa xôi trên lãnh thổ thì kiểu đưa tin méo mó như thế còn có thể trót lọt! Nhưng thế giới ngày nay, với sự bùng nổ thông tin, chỉ một cái điện thoại di động mà một anh xe ôm cũng có là có thể chuyển tải tiếng nói, chữ viết và hình ảnh tức thì đi khắp "thế giới phẳng" thì cách đưa tin như trên của Thông tấn xã Việt Nam trước một sự kiện lớn xảy ra ở hai trung tâm lớn nhất của đất nước là Hà Nội và Sài Gòn, có dày đặc cơ quan thông tấn báo chí nước ngoài thường trú, là một sự xuyên tạc sự thật đến ngớ ngẩn và trắng trợn! Nhà văn Phạm Viết Đào đã gọi cách đưa tin này là "ấm ớ hội tề"!

Càng đọc kĩ, càng suy ngẫm, càng thấy cái tin này đáng nguyền rủa vì nó phản dân tộc và thời đại trong nguyên tắc về thông tin. Với cấp quốc gia phương Tây thì các từ tin  mới đều có chung một gốc. Tiếng Pháp nouvelle là tin,nouvelle cũng là mới, tiếng Anh news là tin, thì new cũng là mới… Ở nước ta, ông bà ta quan niệm tin với thật là một. Cái mới chưa chắc đã phản ánh bản chất sự thật. Làm cho người ta biết cái gì là có thật, đấy là đưa tin ("Không tin được dù đó là sự thật", thơ Giang Nam). Người Việt chúng ta đặt cái thật lên rất cao trong cái tin. Khái niệm tin trước hết là phải nghĩ tới cái mới và cái thật. Dân ta có một chuyện cười như thế này: Một lần vua đi vi hành, bỗng một viên quan tiến lên tâu: Thưa Hoàng thượng, phía trước có con vịt… Vua quát: Con vịt làm sao? Viên quan vội thưa: Con vịt... hai chân! Thế là viên quan này bị nọc ra đánh mười trượng! Thực ra viên quan xu nịnh này định tâu là: Con vịt… một chân! Lúc đó con vịt đang ngủ co một chân lên nhưng vì vua quát to, con vịt giật mình buông chân kia xuống, lại thành con vịt hai chân. Nhưng dù con vịt có một chân thì bản chất của nó vẫn là hai chân; con vịt có một chân đi chăng nữa, thì "sự thật" ấy cũng không phải là cái mới, cái đúng. Viên quan ăn đòn là đáng! Thế mới biết, qua câu chuyện dân gian này, ông bà ta xưa kia quan niệm về cái tin, về cái thật, về cái mới, cái đúng rất biện chứng!

Hàng ngàn người biểu tình, có cả cụ già, em bé cầm biểu ngữ phản đối Trung Quốc lấn chiếm biển đảo của ta, diễu hành trên các đường phố, tiếng hô vang suốt một buổi sáng mà đưa tin là "một số người tự phát tụ tập" thì hoàn toàn sai sự thật! Ngược hẳn với quan niệm truyền thống của ông bà ta xưa kia về tin tức. Phương Tây có câu ngạn ngữ: Một nửa sự thật không phải là sự thật! (La moitié de la vérité, ce n'est pas la vérité)! Một phần trăm sự thật, cũng không có nói chi đến một nửa sự thật trong cái tin của Thông tấn xã Việt Nam! Vì thế cái tin đó phản dân tộc, phản thời đại! Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt trong một cuốn sách của ông có nhận định báo chí là cái "quyền được kêu đau" của xã hội. Ông ví xã hội là một con người, mà báo chí là cái mồm. Khi một người bị người khác dẫm vào chân thì mồm tự nhiên phải kêu đau! Một dân tộc kêu đau mà báo chí của nhà nước cũng không chấp nhận thì còn gì để nói!

Báo chí Việt Nam từng là báo chí cách mạng trong hai cuộc kháng chiến giữ nước, từng được nhân dân một lòng tin cậy. Từ khi xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, báo chí Việt Nam đã trở thành kẻ nô bộc cho những nhóm lợi ích nên xuống cấp thê thảm! Cái tin đưa về cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc trắng trợn tấn công tàu thuyền Việt Nam trong vùng biển Việt Nam, đã gây phẫn nộ trong lòng người Việt Nam trên toàn thế giới, nó tố cáo sự khiếp nhược của những người đưa tin trước kẻ xâm lược. Nó tố cáo trước thế giới rằng Việt Nam không có tự do báo chí như người ta vẫn khoe khoang là có hàng trăm tờ báo, gần trăm đài phát thanh và truyền hình!

Tôi không tin là các đồng nghiệp của tôi ở Thông tấn xã Việt Nam lại yếu kém về nghiệp vụ đến như thế! Rõ ràng có sự chỉ đạo của cấp trên! Vậy ai là người chịu trách nhiệm về cái tin đáng nguyền rủa và nhục nhã này? Ông Lê Hiếu Đằng, một người ngoại đạo với ngành báo chí đã bức xúc gửi thư ngỏ hỏi ông Đinh Thế Huynh, cấp trên của báo chí lề phải hiện nay về việc đưa tin này. Riêng tôi, một người suốt đời làm báo chỉ biết buồn tủi cho số phận của đất nước.

Và xin mượn một chữ trong một lần phát biểu của ông Trương Tấn Sang để kết thúc bài viết này: Tôi xấu hổ cho nền báo chí Việt Nam hôm nay.

Sài Gòn, ngày 20. 6. 2011

L. P. K

Tác giả gửi cho BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét