Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

Song Chi : Yêu Nước (nhìn quanh và nhìn lại)

Nguồn rfablog
 

Song Chi.

Chúng ta thường tự hào rằng người Việt mình có lòng yêu nước. Hơn thế nữa, lòng yêu nước đó đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, là sức mạnh giúp đất nước nhỏ bé của chúng ta tồn tại sau 1000 năm bị Tàu đô hộ, 100 năm bị Tây đô hộ, sau rất nhiều cuộc chiến tranh to, nhỏ khác nhau…Ngay từ nhỏ khi học Lịch Sử, chúng ta đã được dạy như thế.

Nhưng đôi khi, tôi nghĩ, chúng ta phải nhìn nhận lại điều này. Nhất là sau một thời gian dài sống trong một thể chế chính trị tồi tệ, một môi trường xã hội tồi tệ đã phá hoại, bào mòn đi rất nhiều những phẩm chất tốt đẹp trong mỗi người dân VN. Ngay cả lòng yêu nước cũng bị bào mòn đi bởi nỗi sợ hãi, thói vô cảm, tâm lý cầu an…hoặc bị dẫn dắt, uốn nắn, "giáo dục" thành ra chệch hướng theo kiểu yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội, là yêu đảng, chẳng hạn.

Người Việt chúng ta có thật yêu nước mạnh mẽ như chúng ta vẫn tự hào? Các dân tộc khác chẳng lẽ không yêu nước bằng ta?

Tôi ngờ vực lắm. Hãy xem cái cách mà người Nhật yêu nước. Yêu nước nên biết nhìn xa trông rộng, chọn lựa cho đất nước một con đường đi đúng đắn, "thoát Á" từ lâu và trở thành một quốc gia giàu mạnh, đáng tự hào về nhiều mặt. Yêu nước, người Nhật đã thắt lưng buộc bụng một người lao động bằng ba bằng năm, xây dựng lại đất nước từ sau chiến tranh hoang tàn. Yêu nước, khi thảm họa sóng thần và động đất xảy ra, không một ai than vãn, khóc lóc ủy mị, cũng không giành giật xô đẩy cướp bóc nhau, người Nhật cắn răng lại, cùng nhau vượt qua thảm họa, như đã nhiều lần như thế.

Hãy xem cái cách mà người Ba Lan yêu nước. Yêu nước nên khi biết đã chọn sai đường, người Ba Lan dũng cảm thay đổi thể chế chính trị, chọn lựa con đường dân chủ, chọn bạn đồng minh mới là Hoa Kỳ để thoát ra khỏi sự "bắt nạt" của Nga.

Hay cách người Đức yêu nước. Yêu nước là thống nhất đất nước không cần tốn xương máu nhân dân, hai nửa Đông Tây thật lòng hòa giải hòa hợp, xóa bỏ hận thù, xóa bỏ quá khứ, cùng nhau xây dựng đất nước.

Hay cách người Thái yêu nước. Đâu cứ phải thường xuyên có chiến tranh với các nước lớn và thắng được các nước lớn ấy là tự hào, người Thái tự hào vì đã tránh cho đất nước họ không phải trải qua cuộc chiến tranh nào, không phải đổ máu của nhân dân.

v.v và v.v..

Người Việt chúng ta có thật yêu nước hay đã yêu nước đủ chưa?

Câu hỏi đó, trước hết, cần phải đặt lại với các thế hệ lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN từ trước đến nay. Bởi đó là những người có trách nhiệm lớn nhất đối với vận mệnh của đất nước, dân tộc VN kể từ khi họ giành được chính quyền ở miền Bắc 1954, và đặc biệt, khi họ nắm vai trò độc tôn lãnh đạo đất nước từ sau tháng 4.1975. Các thế hệ lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN, họ có yêu nước không?

Nếu thật lòng yêu nước, họ sẽ luôn luôn đặt quyền lợi của đất nước, dân tộc lên trên tất cả. Còn nếu không, không có gì khó để trả lời câu hỏi này.

Trong suốt nhiều thập kỷ, những người lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN đã luôn luôn đặt quyền lợi và sự tồn vong của đảng, của chế độ lên trên hết. Nên những lựa chọn, bước đi của họ cứ từ sai lầm này dẫn đến sai lầm khác. Trong đó sai lầm lớn nhất đưa đến hậu quả nặng nề cho ngày hôm nay là mối quan hệ bất xứng và đầy nguy hiểm với Bắc Kinh. Theo thời gian, mối quan hệ đó đã mọc rễ cái rễ con móc nối chằng chịt với các cá nhân, đơn vị, thành phần trong bộ máy nhà nước VN từ trên xuống dưới, và thông qua các cá nhân, đơn vị này, thao túng, lũng đoạn nền chính trị, kinh tế, xã hội VN.

Sống cạnh Trung Quốc hàng nghìn năm, người Việt quá hiểu, âm mưu thôn tính VN đã có từ thời các triều đại phong kiến Trung Hoa trước kia cho tới tận bây giờ, dưới "triều đại" của đảng cộng sản Trung Quốc. Khi chưa thể thôn tính thì họ trục lợi những gì có thể trục lợi được từ VN, đồng thời, theo đuổi một chính sách kìm chế và phá hoại về nhiều mặt, nhằm làm cho VN không thể phát triển vượt mức hoặc thoát khỏi vòng kềm tỏa của Trung Quốc. Cũng như Lào, Campuchia hay Bắc Hàn, phải nằm trong vùng ảnh hưởng chặt chẽ của Bắc Kinh, là "sân sau","vùng đệm"-điều đó là dễ hiểu.

Bây giờ, khi âm mưu bành trướng bá quyền của TQ đã ngày càng lộ rõ, gắn liền với những quyền lợi kinh tế thiết thực ở biển Đông, câu hỏi "Có thật tâm yêu nước hay không?" lại một lần nữa được đặt ra cho những người lãnh đạo hiện nay của đảng và nhà nước cộng sản VN. Người dân đang theo dõi những hành động cụ thể của họ-chứ không chỉ là những lời nói suông, để biết câu trả lời. Liệu họ có thực tâm thức tỉnh, ít nhất một lần biết hy sinh quyền lợi của đảng, của phe nhóm, cá nhân…vì đất nước, dân tộc? Quyết tâm cải cách triệt để về chính trị, xã hội, kinh tế…để thoát ra khỏi tình thế khó khăn về mọi mặt như hiện tại và đi theo con đường mà các nước dân chủ, tiến bộ trên thế giới đang đi, cứu đất nước khỏi bóng ma ám ảnh của một thời Bắc thuộc xa xưa?

Vận nước đã đến lúc buộc họ phải chọn lựa rõ ràng, dứt khoát, triệt để. Không đi dây giữa Hoa Kỳ và TQ đã đành, càng không thể tiếp tục cái lối đi dây giữa giặc và nhân dân, như họ vẫn làm từ trước đến nay. Chỉ riêng trong thế kỷ XX, biết bao nhiêu lần lòng yêu nước của người dân VN đã bị lợi dụng cho những cuộc chiến tranh dưới những danh xưng chống ngoại xâm cứu nước, thực chất là để giành chính quyền về tay đảng cộng sản và sau đó là để bảo vệ chế độ này.

Không thể cứ mồm thì nói sẽ làm tất cả để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ lãnh hải của đất nước, nhưng ngay sau đó lại cùng kẻ bành trướng tụng ca mối quan hệ hữu nghị 16 chữ vàng, và khi kẻ bành trướng làm căng hơn thì lại chấp nhận giải pháp đàm phán, thương lượng song phương, thực chất là lùi dần cho tới khi mất biển, mất nước.

Từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã và đang thi hành chiến lược đánh phá VN không chỉ trên biển Đông mà trong mọi lĩnh vực. Nhất là kinh tế.

Nếu thực tâm yêu nước những người đang lãnh đạo đất nước hẳn đã tìm mọi cách để hạn chế dần tiến tới chấm dứt sự phá hoại này. Từ tình trạng nhập siêu mất cân đối nghiêm trọng giữa VN và TQ. Tình trạng khoáng sản, tài nguyên của đất nước bị khai thác vô tội vã, ùn ùn xuất sang TQ. Tình trạng hàng giả hàng dỏm hàng độc hại các loại, nhất là thực phẩm có chứa chất độc hại, được tuồn sang VN hàng ngày, bằng mọi ngả đường, chính thực lẫn buôn lậu. Tình trạng hầu hết những gói thầu quan trọng, gói thầu EPC rơi vào tay TQ khiến các nhà thầu VN mất cơ hội, nền sản xuất VN thêm khó khăn, VN mất đi hàng trăm ngàn việc làm mỗi năm. Chưa kể, số người lao động TQ tràn sang VN quá đông sẽ dẫn đến sự phức tạp về lâu về dài. Và chấm dứt những dự án gây thiệt hại cho đất nước về nhiều mặt-nhất là về an ninh quốc phòng như dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, thuê rừng đầu nguồn ở các tỉnh biên giới phía Bắc…

Nếu thực tâm yêu nước, những người đang lãnh đạo đất nước cũng đã phải tìm cách hạn chế sự thâm nhập của văn hóa TQ trong đời sống VN. Chẳng hạn, phim TQ đang chiếm một tỷ lệ mất cân đối nghiêm trọng trên sóng VN nếu so với phim ảnh các nước khác, đặc biệt là châu Âu. Hay những dịp hội hè, thậm chí cả đại lễ 1000 năm Thăng Long vừa qua, nhiều đường phố ở Hà Nội và một vài thành phố khác cứ tràn ngập đèn lồng đỏ kiểu Trung Quốc trong khi ý nghĩa thật của phố đèn lồng đỏ là gì thì nhiều nhả nghiên cứu văn hóa cũng đã chỉ ra rồi. Và còn vô vàn ví dụ khác.

Với mỗi người VN hiện nay cũng vậy, chúng ta đã thật lòng yêu nước chưa?

Những ngày gần đây, khi cách ứng xử của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với những vấn để liên quan đến sự tranh chấp lãnh hải trên biển Đông ngày càng tỏ ra ngang ngược, xâm phạm thô bạo đến chủ quyền của VN, chúng ta đã chứng kiến hàng trăm, hàng ngàn người VN già trẻ, lớn bé cùng nhau xuống đường đi biểu tình phản đối Trung Quốc. Đó là những biểu hiện của lòng yêu nước không ai có thể phủ nhận. Điều đó càng có ý nghĩa trong một quốc gia mà biểu tình là một hành động không được nhà nước cho phép và có thể dẫn đến việc đàn áp, bắt bớ, tù tội.

Nhưng nếu chúng ta chỉ biểu tình thôi thì cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến Trung Quốc.

Tham vọng to lớn của Trung Quốc đối với biển Đông không vì thế mà chùn lại.

Giấc mơ dùng biển Đông để vươn xa hơn trên con đường giành ngôi vị bá chủ toàn cầu, từ lâu Trung Quốc đã vạch thành chiến lược, đã chuẩn bị công phu và cứ thế mà thực hiện từng bước. Ngày càng ngày VN sẽ càng gặp khó khăn hơn trong việc đối phó với sự "hiện thực hóa" giấc mơ này của họ.

Yêu nước còn bằng muôn ngàn hành động cụ thể khác, mỗi cá nhân có thể làm, trong khi vẫn tiếp tục gây sức ép lên chính nhà nước để họ phải có những chính sách khác, đường lối khác trong làm ăn cũng như trong quan hệ với Trung Quốc.

Yêu nước, hãy dùng hàng VN, thay vì tiếp tay làm giàu cho nước khác, vốn đã giàu hơn chúng ta hàng trăm lần.

Yêu nước, những người nông dân, ngư dân sẽ cân nhắc hy sinh một chút quyền lợi, thay vì bán nông sản hải sản cho lái buôn TQ đang về tận nơi thu mua với giá cao hơn các doanh nghiệp một chút để bán hàng cho các doanh nghiệp trong nước trước.

Yêu nước, những ông chủ tập đoàn kiểu như tập đoàn TKV, sẽ biết phải làm gì thay vì chỉ nghĩ đến tiền và quyền lợi của tập đoàn, cứ đào hết than lên bán cho Trung Quốc đem về "lấp đất để làm của xài dần", trong khi VN lại phải đi nhập khẩu than cho những nhu cầu năng lượng khác!

Yêu nước, những người làm phim sẽ không làm những bộ phim bôi bác lịch sử, là phim Trung Quốc nói tiếng VN, như "Lý Công Uẩn-đường đến thành Thăng Long". Và những người có quyền sẽ xử lý nghiêm, hủy bộ phim này thay vì cứ tìm cách cho bộ phim được phát sóng!

Yêu nước, những trí thức, nhà văn, đạo diễn sẽ lên tiếng cùng với sinh viên học sinh, người dân bình thường, phản đối thái độ của Trung Quốc và đòi hỏi nhà nước VN phải có thái độ rõ ràng trước sự tồn vong của đất nước.

Yêu nước, các ca sĩ, diễn viên, người mẫu…thay vì chụp hình nude bảo vệ môi trường, hoặc nay thì hở ngực, mốt lại khoe thân…sẽ làm những hành động thiết thực hơn như vận động quyên góp hỗ trợ cho ngư dân bám biển chẳng hạn. Vì ngư dân còn bám biển, tàu cá VN còn ra khơi, chứng tỏ chúng ta không sợ, chứng tỏ biển vẫn là của ta.

Yêu nước, những người công an, thay vì hùng hổ bắt bớ sinh viên đi biểu tình, và đội ngũ công an mạng tối ngày hăm dọa, chửi bới, khuyên can mọi người đừng…yêu nước, đừng quan tâm đến chuyện chính trị, để cho nhà nước lo (!), sẽ biết phải dùng sức mạnh đó vào đâu.

Yêu nước, phải cứu nước trước khi quá muộn. Không chỉ cứu nước khỏi họa ngoại xâm, mà trước hết là giặc nội xâm. Tất cả những thế lực nào đang làm nghèo đất nước, đang âm mưu bán rẻ đất nước, đang đe dọa đến sự tồn vong của đất nước và là lực cản cho con đường phát triển của đất nước.

Yêu nước không có nghĩa là yêu một chủ nghĩa, một lý thuyết, một đảng phải hay chế độ.

Chế độ nào rồi cũng có lúc tàn. Nhất là những chế độ không do dân bầu ra, không vì dân và cũng không bảo vệ được người dân. Lại không bảo vệ được sự vẹn toàn lãnh thổ.

Chỉ có đất nước và dân tộc mãi mãi trường tồn.

Nếu…chúng ta không để cho mất nước, tất nhiên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét