Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

HAI CHUYẾN DIỄU HÀNH NGƯỢC CHIỀU

Nguồn NCTG
 

(NCTG) "... có những người cùng trang lứa với các chủ nhân của đội siêu xe đó đội nắng đội gió, bất chấp nỗi sợ hãi bạo lực, bất chấp lời đe dọa đuổi học, mất việc… để tuần hành trên chính đôi chân của mình với tiếng hô "Việt Nam, Việt Nam" từ trong lồng ngực. Hình ảnh ấy lại đẹp hơn vạn lần những chiếc xe tiền tỷ diễu qua mắt người nghèo với danh từ thiện".


Dàn xe khủng tham dự hành trình, dự kiến sẽ được giới hạn ở dòng xe 2 cửa với động cơ V8 trở lên, xe 4 cửa được giới hạn ở các dòng xe cao cấp là Bentley và Rolls Royce - Ảnh: VTC 

Câu chuyện về đoàn diễu hành gồm 30 chiếc siêu xe, mỗi chiếc trị giá tiền tỷ, đi từ Sài Gòn ra Đà Nẵng là một tin thu hút người đọc của bất kỳ tờ báo chính thống nào, đặc biệt khi đi kèm chuyến diễu hành này còn có thêm hoạt động từ thiện ở một số tỉnh nghèo miền Trung. 

Ngược lại, thế giới mạng, nơi thường có nhiều bình luận "trái lề", chưa có phản ứng gì thật hồ hởi với thông tin trên. Có người lý giải, thông tin này trở nên kém thu hút đối với các công dân mạng khi facebook, blog…đang tràn ngập tin tức về các cuộc biểu tình phản đối dã tâm của chính quyền Trung Quốc. 

Thông tin từ thiện sẽ là một tin vui cho những người nghèo ở các tỉnh mà đoàn siêu xe đi qua, cho dù, đã có một vài tranh cãi và phê phán về sự thực tâm làm từ thiện. 

"Tại sao mọi người cứ bắt người khác phải 'thật tâm từ thiện'! Giữa một bên chỉ có 1 người thật tâm từ thiện và có 1 người nghèo có tiền để qua cơn đói, với 100 kẻ từ thiện giả hiệu và có 100 người nghèo có tiền để qua cơn đói," đạo diễn Phan Xine Linh, người vừa tốt nghiệp Ðại học Nam California (USC) của Mỹ, viết trên facebook trong một cuộc tranh luận về chủ đề này. 

"Các bạn thường chọn 1 người thật tâm từ thiện, bởi các bạn không bị đói và các bạn không phải là người được nhận tiền, các bạn chỉ đứng ngoài và phán xét nhưng các bạn không thử đặt mình vào vị trí của người khác…", anh nói thêm. 

Ðương nhiên, người nghèo được giúp là một điều tốt nhưng không phải việc gì cũng nên đem người nghèo ra làm vật chắn dư luận.   

Dù chủ nhân của các siêu xe không thật lòng làm từ thiện thì người nghèo vẫn được giúp, nhưng điều đó không có nghĩa người ta nên ủng hộ cho sự xa hoa, phù phiếm, khoe khoang được ẩn dưới danh nghĩa từ thiện. 

Tờ "Thời báo Los Angeles" (The Los Angeles Times) vừa đăng một bài viết về đời sống tằn tiện của các triệu phú trẻ trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin ở thung lũng Silicon (California). Bài viết này có thể khiến nhiều người so sánh với đoàn xe sang trọng ở Việt Nam.   

Một trong các nhân vật của bài viết đó là Aarib Patzer, người kiếm được 170 triệu USD khi mới 30 tuổi, hiện vẫn ở trong một căn hộ 54 m2 và vẫn lái một chiếc Subaru trị giá chưa đến 30.000 USD. 

Hoặc, người sáng lập mạng xã hội Facebook, Mark Zuckerberg, vẫn đang lái một chiếc Acura giản dị nhưng năm ngoái đã tài trợ 100 triệu USD cho việc nâng cấp hệ thống trường công ở bang New Jesey. 

"Họ sống đạm bạc, mang giày cũ, đạp xe đi làm, để dành tiền cho các quỹ từ thiện... không như những "Cường-đô-la" của Việt Nam với dàn Lamborghini, trực thăng, chân dài...  Nghĩ rằng như thế là chứng tỏ "đẳng cấp", những "đại gia" Việt Nam chỉ cho thấy họ là 'hạ cấp'.  Đáng thương thay!" - Giáo sư Trần Hữu Dũng, thuộc Phân khoa Kinh tế trường Wright State University Dayton (Ohio), đã nghiêm khắc bình luận khi so sánh hai trường hợp trên. 


Thể hiện tình cảm yêu nước trong cuộc tuần hành tại TP HCM ngày 5-6-2011 trước Tổng lãnh sự Trung Quốc - Ảnh: Tùng Emxi 

Có thể, sẽ có chút khiên cưỡng khi cố ép vào câu chuyện về đoàn xe nói trên vào tình hình sôi động ở các thành phố lớn như Sài Gòn và Hà Nội. Nơi một số bạn trẻ, trí thức và người dân yêu nước cứ mỗi cuối tuần lại cố gắng bày tỏ sự phản đối Trung Quốc dù vấp phải sự ngăn cản từ phía chính quyền và thái độ e dè, ngờ vực của không ít người có thái độ bàng quan trước vận mệnh đất nước. 

Bởi lẽ tình yêu nước là một thứ tình cảm tự nguyện nên không ai có thể buộc người khác yêu nước theo cách của mình. Vì vậy, không thể buộc chủ nhân của các siêu xe dán lên hàng chữ chống Trung Quốc diễu qua cơ quan ngoại giao của nước này. Dù nếu làm điều đó có thể giúp họ còn nổi danh gấp vạn lần việc đi làm từ thiện. Cũng không vì thế mà người ta khẳng định họ không yêu nước. Làm giàu chính đáng cũng là một cách yêu nước tích cực. 

Có điều, có những người cùng trang lứa với các chủ nhân của đội siêu xe đó đội nắng đội gió, bất chấp nỗi sợ hãi bạo lực, bất chấp lời đe dọa đuổi học, mất việc… để tuần hành trên chính đôi chân của mình với tiếng hô "Việt Nam, Việt Nam" từ trong lồng ngực. Hình ảnh ấy lại đẹp hơn vạn lần những chiếc xe tiền tỷ diễu qua mắt người nghèo với danh từ thiện. 

Trung Bảo, từ California

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét