Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

BIỂU TÌNH - CÂU CHUYỆN CỦA NHỮNG NGƯỜI TRONG CUỘC - Yêu nước theo "Thuyết tương đối"


(Nghĩ từ cuộc biểu tình ở Tokyo chiều 25-6)

C.Đ.Q


Gần 200 con người, chủ yếu là người trẻ, sinh viên học sinh, tập trung từ sớm ở công viên Mikawadai. Tôi có cảm giác không khí của một ngày hội. Khi tôi đến thì mọi người đang phát bandron, biểu ngữ, cờ đỏ sao vàng, … Dự báo thời tiết hôm nay sẽ có mưa bão, nhưng trời đất ở Tokyo lại ủng hộ chúng tôi. 26 độ C, mát mẻ, ấm áp, quang đãng. Ban đầu 40 người, rồi 60, 100, 200… Con số tăng dần, dòng người nối dài ra, ai cũng hớn hở, háo hức một cách chưa từng thấy. Đi từ ga Rippongi, cứ nghe tiếng Việt, chúng tôi lại bảo nhau: quân mình đó, rồi kéo lại gần nhau đi thành từng nhóm.

Người Nhật có một số ít đã gia nhập vào đoàn chúng tôi, phất cờ Nhật, nhưng cùng chí hướng với người Việt. Bạn tôi nói, cảnh sát Nhật hôm nay rõ ràng nhường nhịn người Việt, vì bình thường họ không bao giờ cho phép dàn hàng đi chậm qua ngã tư trong khi đèn đỏ đã bật. Chúng tôi đi sát bên nhau, lòng dâng lên nỗi niềm thương yêu vô hạn đối với dân tộc, quê hương. Tôi thấy nhiều người Việt đầu đã hai thứ tóc, đi lại có vẻ đã khó khăn, nhưng vẫn cầm cờ lặng lẽ theo đoàn. Tất cả đều trong sáng. Vậy là, rốt cuộc, chúng tôi được tự do tha thiết chân thành yêu đất nước mình trên một…đất nước khác. Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi điều này. Tôi tưởng tượng nếu như mình đang ở Việt Nam thì sẽ như thế nào? Tôi đi bên cạnh một em đang học tiến sĩ về khoa học tự nhiên. Em nói: Sao mà sướng quá, mình đi biểu tình vầy cảm thấy không bị hèn, thấy mình cao lên, vậy mà trước khi đi em cứ sợ… Tôi hỏi em sợ gì. Em cười: dạ thì sợ vu vơ thôi. Em cũng thành thật: đến Nhật rồi mà vẫn còn mang nỗi sợ, cứ sợ sợ cái gì cũng không biết nữa. 

Tôi nghe nói công cuộc chuẩn bị biểu tình này gần nửa tháng trời, bao gồm việc xin phép biểu tình theo luật, cử 5 đại diện người Việt đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo để diễn thuyết bằng tiếng Nhật và tiếng Anh, thiết kế bandron, tranh biếm họa, vẽ bản đồ, … Khi đoàn biểu tình giải tán, chúng tôi mới hay có một số anh chị em đã tự nguyện đứng ra lo toàn bộ chi phí cho cuộc tuần hành. Chúng tôi không biết một điều là để có thể đi từ công viên Mikawadai qua các đường phố Nhật và dừng lại ở Episu, các anh chị em đó đã phải chi đến gần cả chục triệu đồng (nếu qui ra tiền Việt) cho tất cả các khâu, trong đó có cả chi phí (tính trên đầu người) bắt buộc cho việc…đứng tập trung ở công viên tư nhân của Nhật... Họ đã làm tất cả vì điều gì? Hoàn toàn trong sáng. Hoàn toàn vô tư, vô vị lợi. Không ghi tên, không để dấu ấn. […]


Tôi thấy tôi may mắn lạ lùng. 200 con người chiều hôm nay, ai cũng …lần đầu tiên đi biểu tình, mà lại biểu tình một cách dõng dạc, đàng hoàng, văn minh, học thức, không bị người ta nghi ngờ, khinh bỉ, không lo lắng bị giật áo, túm cổ, không bị cái cảm giác "mình làm vầy có sao không, có sao không…", không bị chê là dại, là khùng.

Tôi cứ nghĩ hoài, nếu tự dưng có cơ hội về lại quê nhà, mình có dám tham gia như thế này không? Chắc sẽ có… Nhưng, cũng có thể không. Có nhiều lý do để không đi mà. Lý do đi chỉ có một. Đơn giản là thể hiện lòng yêu nước, sự quan tâm đến vận mệnh dân tộc. Lý do để không đi thì…không thể kể hết ra được. Quá nhiều. Quá…vu vơ.

Thế thì sao? Tôi lại nghĩ. Thôi thì, yêu nước theo "thuyết tương đối" vậy. Được sống ở Nhật, học ở Nhật, giao lưu ở Nhật, thì hưởng chút văn minh của Nhật, cố gắng dõng dạc, tự tin. Nếu mà về thì lại… ngó trước ngó sau, thể hiện được bao nhiêu thì thể hiện. Làm căng thì mình chùng lại, lui bớt đi. Thả thì mình cố "vươn" theo, "nương" theo tiến bộ xã hội trên thế giới. Nói chung là "tùy cơ ứng biến", yêu bên trong hay thể hiện ra ngoài là… tùy mình.

Nghĩ vậy, tôi lại thấy buồn. Một nỗi buồn sâu sắc, thấm thía, che hết mọi hân hoan mà cuộc biểu tình tưng bừng khí thế ban chiều đã mang đến cho tôi./.
Nguồn: VHNA.

Câu chuyện cô bé áo nâu

Hoàng Cường

Sáng 26/06/2011 trên đường phố Hà Nội có một cuộc biểu tình phản đối trung quốc gây hấn trên biển Đông với Ngư dân - Tàu thăm dò dầu khí đang làm ăn và thực hiện công việc trên lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đoàn biểu tình không đông người, nhưng tiếng hô "Hoàng sa - Trường sa là của Việt Nam" vang vọng sông núi. Tiếng hô "Đả đảo Trung Quốc gây hấn trên lãnh thổ Việt Nam" đánh thức bao con tim yêu chuộng hòa bình trên trái đất này. Tiếng hô "Bảo vệ ngư dân Việt Nam" đã kêu gọi triệu triệu đồng bào Việt Nam đồng lòng bảo vệ biên cương - hải đảo của cha ông để lại.

Đoàn biểu tình đã không được sự ủng hộ của chính quyền, đã bị ngăn cản trên nhiều tuyến phố, đã bị chia rẽ, đã bị bắt bớ. Nhưng không vì thế mà lòng yêu nước bị hư hao. Càng cấm cản, càng gây khó đễ đoàn biểu tình càng hô vang các khẩu hiệu phản đối Trung Quốc. Đoàn biểu tình lại như càng sục sôi thêm chí căm thù bọn bá quyền và sục sôi lòng yêu nước. Từ cụ già 80-90 tuổi cho chí em thơ chưa hết tuổi mẫu giáo cùng nhau đi biểu tình trong thời gian gần 2 giờ đồng hồ. Đường đi từ Điện biên Phủ - Hàng Bông - Bờ Hồ - Hàng Khay - Bà Triệu - Hai Bà Trưng - Lê Duẩn - Điện Biên Phủ "Đến ngã tư Trần Phú - Điện Biên Phủ thì đoàn biểu tình chia tay trong tiếng hát Quốc ca hùng tráng".

Qua đâu đoàn cũng được sự ủng hộ của bà con một cách chân tình, đến phố nào cũng được nhân dân hai bên đón tiếp nồng hậu.

Có một cô gái nhỏ, mặc áo nâu, trên ngực áo vẫn còn biển tên, cô vẫn đang trong giờ làm. Khi đoàn biểu tình đi qua phố Bà Triệu, cô đã tham gia, và cô tham gia bằng cả trái tim yêu nước nồng nàn.

Khi được hỏi, sao em không phải làm việc à? Cô nói trong tiếng hô vang của đoàn người: Em đi biểu tình đã, có phải lúc nào cũng được hô vang "Hoàng sa - Trường sa là của Việt Nam" đâu anh. Em thấy thật hạnh phúc khi được sống trong không khí yêu nước này, còn chuyện việc làm, trưa nay em về em sẽ làm bù vào giờ nghỉ trưa của em. Và cô lại khuất đi trong đoàn người yêu nước! Cô lại say sưa trong hạnh phúc được nói lên những lời yêu nước!

Cô bé vẫn còn nguyên biển tên trên ngực áo!

Nhiều thế hệ nhưng một lòng yêu nước!

Gửi các chú em giám sát,
Nguyễn Quang Thạch

Hôm qua, 26/6, gần như là thường lệ, sau khi xong biểu tình là bố con tôi về quán cà phê Thủy Tạ uống nước và gặp gỡ vài người bạn. Khi ra khỏi quán thấy cô Hương vừa quen Chủ Nhật trước kia (12/6) đang giữ mũ của con trai ngồi bên kia đường với 2 em một nam và một nữ. Nghe cô Hương bảo "2 em này từ nãy đến giờ cứ hỏi thông tin về Thạch". Tôi bảo, "nếu các em muốn tìm hiểu anh thì cứ lên Chi bộ 18, Cục ngoại giao đoàn, Bộ ngoại giao để điều tra nhé". Lúc đấy đã hơn 11h, cô Hương và bố con tôi đi ăn trưa.
Ăn xong, 2 bố con tạm biệt cô Hương và đi xe ôm sang số 5 Đinh Lễ mua cuốn sách để tặng cho con trai. Mua xong cuốn "Cô bé bán diêm" lại thấy 3 chú em đi 2 xe máy chờ gần đó, không biết em nữ đi đâu.
Biết chắc chắn là 3 chú em đi giám sát, theo dõi bố con tôi nhưng tôi thử thêm lần nữa xem sao. Tôi vào quán Senerad ở 16 D Ngô Quyền và đi lên tầng 2, tôi ngồi gần cửa số thì thấy cả 3 chú ngồi ở vỉa hè đối diện. Thế là chắc rồi, uống xong cốc nước trà, 2 bố con ra bắt xe buýt về.
Gửi các chú em mấy dòng như sau:
- Các chú em đi giám sát, theo dõi mà lộ thế thì không nên. Anh đã nói rõ với các chú em lai lịch như thế mà các chú không báo cáo xếp để lên Cục ngoại giao đoàn mà điều tra.
- Anh không có nghiệp vụ giám sát nhưng 18 tuổi anh đã được bằng khen của Công an Hà Tĩnh về bảo vệ an ninh ở địa phương đấy. Hy vọng khả năng giám sát của các chú em ngày càng cao hơn để xã hội tốt đẹp hơn. Tội phạm bớt nhan nhản hơn.
- Anh rất mong các chú em hết lòng vì nhân dân vì tổ quốc để được ghi nhận phần nào, ở dạng như thế này chẳng hạn http://vnca.cand.com.vn/vi-vn/tho/2007/2/54387.cand http://www.anninhthudo.vn/Utilities/PrintView.aspx?DistributionID=352687 .
- Anh đã gặp nhiều đồng chí của ngành an ninh vào các bản làng cắm chốt và nằm rừng 2-3 tháng trời để bắt phạm, bị sốt rét da xanh mét. Anh cũng gặp và làm việc với các cán bộ an ninh ở Lạng Sơn, Hà Giang, Thanh Hóa, Quảng Nam…ở đâu cũng giúp đỡ bọn anh tận tình trong công tác phòng chống buôn bán người. Nếu các chú muốn trở thành những giám sát giỏi thì nên học những người dũng cảm và nhiệt tình này.
- Có một điều anh muốn chia sẻ với các chú em qua trải nghiệm đời sống của một người ở tuổi 36, mong rằng các em cảm nhận được gì đó: (i) Nếu các chú lên cắm chốt ở Hà Giang như các chiến sỹ biên phòng và phải đi tuần cả ngày lẫn đêm ở cái lạnh 0-2 độ C cũng như những an ninh cắm ở các xã vùng biên đầy hiểm nguy thì chắc các chú sẽ không dành cho những người biểu tình ôn hòa kiểu giám sát, theo dõi như thế; và hoặc các chú là bộ đội đóng ở Trường Sa, cả năm trời mới được vào đất liền thì các chú sẽ ôm chầm lấy đoàn biểu tình trong nước mắt. Còn nữa, nếu các chú nghe thằng cu Khuê 6 tuổi của nhà anh hô "đả đảo Trung Quốc" trong mơ suốt cả tuần và biết cháu đang bị bệnh hen nhưng vẫn đòi bố đưa đi biểu tình thì các chú sẽ yêu cháu lắm. Cháu còn bảo "con muốn làm Thánh Gióng đi đánh Trung Quốc" nữa đấy các chú ạ.
- Anh nghĩ rằng, những giám sát viên như các chú phải là những người yêu nước chân thành, yêu nhân dân hết mực nên anh tặng các chú những câu thơ mà anh luôn đọc khi thấy những người nghèo khổ, khi thấy những bất công hiển hiện, khi nghe dân bị Trung Quốc cướp giết…."..Em ơi em Đất nước là máu xương của mình. Phải biết gắn bó san sẻ. Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở. Làm nên đất nước muôn đời.."
- Một điều anh thực sự mong mỏi là các chú sẽ góp sách báo cho anh và làm tình nguyện viên đưa sách về các trường học và dòng họ nông thôn trong thời gian tới. Nếu các chú giúp những người dân nông thôn có sách báo đọc thì các chú đỡ phải đi giám sát những người biểu tình như bọn anh nữa mà chỉ dành thời gian giám sát người Trung Quốc đang có mặt khắp nhiều nơi trên đất nước chúng ta, chẳng hạn được nói ở clip này http://www.youtube.com/watch?v=UKgmg08XKYs&playnext=1&list=PLD4E1D6796F5D2356 .
Hy vọng chúng ta sẽ nắm tay nhau hô vang khẩu hiệu "đả đảo Trung Quốc gây hấn" trong những lần tới hoặc cùng ra chiến trường khi Đất nước cần.
N.Q.T
Tác giả gửi trực tiếp cho NXD-Blog

Người khách phương xa và món quà bất ngờ tặng Nguyễn Xuân Diện
Nguyễn Xuân Diện.

Sáng 26.6. 2011, Nguyễn Xuân Diện có mặt tại vườn hoa Lê-nin (ngày xưa, hồi đầu tk 20 các cụ phiên âm là Lệ-Ninh) và Bờ Hồ để ghi nhận những hình ảnh của cuộc biểu tình phản đối nhà cầm quyền TQ gây hấn tại Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam. Từ sáng sớm đã chụp được nhiều hình ảnh, đến khi ra cafe Bờ Hồ định đưa hình lên thì...ôi thôi, đã quên cái USB đọc thẻ máy ảnh ở nhà. Loay hoay mãi không biết làm cách nào. Bặm môi tự giận mình quá xá!
.
Lúc ấy, ngay bàn bên cạnh, có một người khách đang dùng cafe bước sang làm quen và nói rằng ngày nào anh cũng đọc NXD-Blog. Anh nói anh là chỗ quen biết của Thi sĩ Văn Công Hùng. Khi anh biết tôi không mang theo đầu đọc thẻ, thì anh lấy từ ba-lô đưa cho tôi cái đầu đọc để tôi tác nghiệp. Trời! Như chết đuối vớ được cọc! Mừng quá!
.
Từ đấy, hình ảnh được đưa lên. Một lúc sau, anh ấy có việc phải đi ngay; tôi đưa trả anh cái đầu đọc thẻ thì anh nói anh muốn tặng tôi để tôi làm việc, vì cuộc biểu tình vẫn đang diễn ra. "Độc giả cả nước đang chờ từng bức ảnh của anh" - Người khách nói vậy. Anh ấy đã đi rồi...còn tôi thì vương vấn mãi cái cử chỉ và tấm lòng của anh dành cho tôi. 

Anh ấy là Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ, hiện công tác tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai.
.
Nguyễn Xuân Diện đến giờ vẫn còn bối rối, vì biết mình đang mang nợ một người bạn lần đầu gặp gỡ, đến từ phương Nam xa xôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét