Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Đọc lại một bài cũ của Giáo sư Phạm Minh Hoàng: "Từ Forbes đến Tuổi Trẻ"

Nguồn thomasviet
 

Sài Gòn, 26/7/2004

Phan Kiến Quốc

Trung tuần tháng 7/2004, sau vụ biên tập viên Paul Klebnikov của tạp chí Forbes bị sát hại tại Moscova vì đã đăng danh sách 100 người giàu nhất nước Nga, báo Tuổi Trẻ đã cho đăng lá thư của một độc giả ước mong danh sách này sẽ có ngày xuất hiện tại Việt Nam. "Việc này chắc chắn sẽ rất thú vị, công chúng sẽ biết được tài sản cũng như lĩnh vực hoạt động của những tỉ phú này". Trả lời cho ước vọng này, tòa soạn chỉ "cười huề" bằng một bài chuyện phiếm...

Theo bài chuyện phiếm này, ước mong của độc giả trên (và có lẽ của rất nhiều người khác) chỉ là ảo vọng vì những lý do chính là: "Ở Việt Nam, những người cực kỳ giàu có nhưng về mặt lý thuyết và trên giấy tờ lại cực kỳ nghèo khó".

Qua nhận xét khôi hài này, chúng ta đều cảm nhận có hai sự việc: nhiều tờ báo trong nước, nhiều phóng viên đã có những đóng góp không nhỏ trong việc đưa ra ánh sáng những tiêu cực, góp phần trong sạch hóa xã hội; tuy nhiên những việc này đã và đang làm phật lòng không ít quan chức, đang tạo ra những chống đối ngấm ngầm. Và đây là những thử thách lớn lao cho nhà cầm quyền Hà Nội.

Thấy người khó mà thèm.

Phải nói ở Việt Nam chúng ta, sau nhiều năm sống dưới chế độ bao cấp, cộng thêm 20 năm kinh tế thị trường hỗn loạn, không có một cơ chế giám sát trung thực, không có một chiến lược đồng bộ và lâu dài đã tạo ra một tầng lớp "giàu ngầm". Tài sản của họ đến đâu không ai biết được vì nó là những thông tin tuyệt mật. Tuy nhiên trong nước bà con đã râm ra xầm xì nhiều tiếng đồn:

- cách đây mới vài năm, khi còn làm thủ tướng, tổng giá trị tài sản của anh Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) ước tính là 20 triệu USD. Chỉ riêng Câu lạc bộ Lan Anh của con gái ông ta cũng đã là một số tiền khổng lồ.

- Một trong những khuôn mặt tương lai và đấu tranh chống tham nhũng là một trong những "quyết tâm" là Nguyễn Minh Triết, Bí thư thành ủy TPHCM. Nghe nói họ hàng con cháu đang nắm trong tay hàng nghìn hécta đất tại Bình Dương. Lê Ðức Anh cũng sở hữu những khu biệt thự nằm ngay trong Quận 10, mà theo người dân ở đây thì "chưa hề thấy cái Honda nào được phép vào" (ý nói chỉ toàn xe hơi).

- Những nhà "lão thành cách mạng", mới nghe thấy tên đã toát ra một ấn tượng thanh liêm, gương mẫu như Trần Bạch Ðằng, Trần Văn Giàu... đã từng là chủ nhân của những biệt thự không dưới 5000 cây vàng (500 USD/cây).

- Nhỏ hơn một bậc, hầu như toàn bộ các nhà mặt tiền đường Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Lê Lợi đều thuộc về cán bộ (dĩ nhiên chẳng bao giờ họ đứng tên). Thậm chí đến những đảng viên bình thường cũng đang có những biệt thự, những căn hộ với giá cho thuê 5000 USD/tháng.

- sau cùng, theo tính toán của báo chí nước ngoài, tổng số tài sản của đảng CSVN khoảng 20 tỉ đô la, nghĩa là xấp xỉ ngân sách nhà nước hoặc bằng tổng số tiền viện trợ ODA trong 10 năm 93-2004!

Những con số trên chính xác được bao nhiêu phần trăm? không ai biết được, nhưng có điều chắc chắn là trên 100 tỷ phú của Việt Nam, đảng viên CS phải chiếm ít ra là phân nửa. Tại sao? có nhiều cách tính: căn cứ vào các vụ tham nhũng, thất thoát công quỹ lớn những năm gần đây.

Vụ Tamexco trong số 20 bị cáo thì 11 là đảng viên, tỷ lệ này ở vụ Epco Minh Phụng là 10/27, Tân Trường Sanh 39/52, Năm Cam 60/156 trong đó có liên quan đến 3 nhân vật vao cấp. Riêng vụ Lã thị Kim Oanh cũng có một bộ trưởng và 2 thứ trưởng liên quan.

Một cách tính thứ hai là đi khảo sát thực tế. Ta chỉ cần lấy ngẫu nhiên một phường một xã nào đó rồi tìm hiểu xem ai là người giàu nhất là có thể suy ra được. Nhưng có lẽ chẳng cần phải phức tạp quá như thế, chỉ cần xem thái độ bối rối của nhà nước khi đề cập đến vấn đề khai báo tài sản là đủ biết.

Vai trò của báo chí trong những vụ tham nhũng trên, không ai chối cãi được sự đóng góp của các họ. Tuy nhiên cũng chính qua đấy người ta lại thấy những giới hạn của giới cầm bút. Họ là những người "khơi chuyện", nhưng không phải lúc nào cũng có điều kiện theo vụ việc như ý mình muốn, và đôi khi còn bị bỏ lửng. Cách "bỏ lửng" này cũng rất khoa học và có tính toán: đang từ những "măng-sét" lớn, tòa soạn được chỉ đạo nói ít đi. Song song, nhiều bài viết có chiều hướng làm "chìm xuồng" vụ việc hoặc biện luận theo chiều ngược lại lúc ban đầu khiến độc giả bình thường thấy vụ việc biến mất dần dần như một buổi hoàng hôn êm ả. Cái hay của nhà nước ở chỗ là người đọc chỉ nhớ đến lúc khởi động vụ việc mà quên mất nó đã bị úm ba la mất. Người ta vẫn giữ được cái cảm tưởng báo chí được tự do mà quên mất rằng từ A đến Z nó đã được soạn thảo như một vở kịch dưới chỉ đạo của một đạo diễn xuất sắc. Ðó là chưa kể thỉnh thoảng đảng cho triệu tập giới báo chí lại và khuyến khích họ tiếp tục công việc trong sạch hóa xã hội. Tài tình thật.

Một trong những vụ mà người ta dễ thấy nhất là trong ngành tư pháp. Tiếp theo vụ án Năm Cam tháng 5/03 và dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự tháng 6/03, đã có nhiều đề xuất mở rộng quyền hạn của luật sư, việc này nhằm tránh tình trạng "án tại hồ sơ" nghĩa là án đã được quyết định trước khi khai mạc phiên tòa. Ðây là những ý kiến rất bình thường trong một xã hội dân chủ, nhưng ở Việt Nam thì không. Nhiều bài viết - mà phần lớn dưới bí danh - được đăng để đả kích khuynh hướng mở rộng này, và sau vài kỳ thì không thấy nói đến đề xuất này nữa.

Cũng trong lãnh vực tư pháp, vào tháng 4/2004 xảy ra vụ tranh cãi quanh việc ra đời của Dự án Vì Công Lý. Ai cũng biết rằng mục đích của nhóm này nhằm tập hợp kiến nghị của luật sư để gởi đến các cơ quan chức năng nhằm góp phần tạo điều thuận lợi cho hoạt động của họ trong nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Thành viên của nhóm gồm 20 người, 10 ở Hà Nội, 10 ở Sài Gòn. Mặc dù được xây dựng với những tôn chỉ vô cùng bình thường, vậy mà nửa tháng sau Ðoàn Luật Sư Hà Nội đã ký công văn khẳng định Dự án này trái luật và yêu cầu đình chỉ. Ðại diện cho Dự án

là luật sư Phan Thị Hương Thủy đã phản bác lại quyết định này và nói rằng nhóm Vì Công Lý vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi nào có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc này từ đó đến này không còn thấy báo chí đề cập đến và những người có ưu tư chẳng biết nó trôi dạt về đâu.

Giới hạn thời mở cửa.

Vụ Vì Công Lý là một trường hợp điển hình của những "vấn đề" xảy ra trong thời "mở cửa, cởi trói" cho giới luật sư nói riêng và cho toàn xã hội nói chung. Sống ở Việt Nam, người ta thấy nhan nhản những mặt trái này. Thoải mái làm ăn phát sinh ra bao nhiêu tiêu cực như chạy chọt, cửa quyền, tham ô; con người sống ít tình nghĩa, cung cách cư xử tráo trở. Nhập xe gắn máy đại trà phục vụ cho nhu cầu đi lại lại tạo ra tình trạng kẹt xe hết thuốc chữa, ý thức tôn trọng luật lệ giao thông cực kỳ bán khai, số nạn nhân trở nên báo động. Tất cả chỉ vì không có một kế hoạch phát triển lâu dài, quản lý xã hội theo kiểu giật gấu vá vai, bắt cóc bỏ đĩa, thiếu một tầm nhìn chiến lược.

Trở về với lãnh vực báo chí và những hệ quả của việc "cởi trói". Thực ra chủ trương cởi trói chẳng phải là thiện ý gì của nhà nước, nhưng chỉ là vì áp lực tứ phía, từ những hệ quả của nền kinh tế thị trường, từ những chống đối ngấm ngầm của người dân, từ những chỉ trích của các cơ quan, đoàn thể và cả các chính phủ nước ngoài, cho nên lúc nào những người cầm quyền cũng nơm nớp lo cái "tự do giới hạn" này vuột khỏi tầm tay. Nên thỉnh thoảng lại phải "lên lớp", phải nhắc nhở cánh nhà báo cái giới hạn không được vượt qua.

Khốn nỗi, cái giới hạn ấy quá mù mờ, không thành văn, chỉ chung chung là "phù hợp với lợi ích quốc gia", là "tuyên truyền chính sách Ðảng và nhà nước" hoặc "nói tích cực nhiều hơn tiêu cực, mảng sáng nhiều hơn mảng tối..." nên giới cầm bút không biết đâu mà kềm chế. Vả lại đôi khi chưa kịp kềm chế thì đã... muộn. Tháng 4/2003, tại Daklak, hai nhà báo của tờ Tiền Phong sau khi viết loạt bài về tàn phá môi sinh và thú rừng tại Easo đã bị đốt nhà. Trước đó một ngày, phóng viên tờ Nông Nghiệp Ngày Nay bị đánh sưng mặt ngay tại Sài Gòn vì viết bài nói về nạn bảo kê. Nhưng vụ việc nổi cộm nhất là vụ tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn - Trưởng phòng Môi trường Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Ðo lường - Chất lượng bị kỷ luật vì "cung cấp thông tin cho báo chí" khi ông báo động tình trạng hoa quả được bảo quản bằng chất diệt cỏ để bảo vệ sức khỏe cho con người (5/2004). Và trong tương lai, với xu thế của xã hội, với sự trưởng thành, lòng can đảm của người cầm bút cũng như sự phân hóa trong hàng ngũ lãnh đạo, chắc chắn nhà nước sẽ còn phải chật vật đối phó với những hiện tượng này. Bản thân người viết đã có dịp tiếp xúc và "bắt mạch" tâm trạng và ý chí của nhiều ký giả và cán bộ đảng viên muốn vượt ra ngoài những giới hạn, những ràng buộc phi lý để phục vụ cho một điều duy nhất: sự thật.

Và sự thật sau 50 năm cầm quyền có lẽ là một cái gì khủng khiếp!

* * *

Càng lùi lũi tiến vào nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta thấy các lãnh đạo ngày càng bế tắc và mâu thuẫn. Hô hào trong sạch xã hội nhưng sẵn sàng bỏ tù những ai lập hội chống tham nhũng; chỉ trích những vụ án oan, sai nhưng cấm chỉ những ai xây dựng cho một nền tư pháp hoàn thiện hơn; kêu gọi "đưa internet về nông thôn" nhưng phải trình đủ thứ giấy tờ để gởi một cái email; kêu gọi báo chí "phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân" nhưng mới chỉ nói về mấy quả cam ướp thuốc bảo quản đã bị kỷ luật. Riêng về cái mảng kêu gọi báo chí "góp phần dân chủ hóa xã hội" thì chưa thấy nhà báo nào dám đặt bút xuống viết, có lẽ họ biết rõ đấy là cái giới hạn cần tránh.

Những chuyển biến xã hội cũng như những gì phổ biến trên các cơ quan thông tấn và lý luận gần đây đã cho thấy những mâu thuẫn ghê gớm trong cung cách lãnh đạo của đảng và nhà nước, nó còn hé mở cho thấy một xu hướng đấu tranh mới.

Có thể còn quá sớm để nói về tương lai của xu hướng này nhưng chắc chắn nó sẽ là những mắt xích quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa đất nước.

Sài Gòn, 26/7/2004

Phan Kiến Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét