Tíến sĩ Vũ Thị Phương Anh
Một ngày trước ngày Father's Day 19/6/2011, cũng là ngày cộng đồng mạng Việt Nam chọn làm ngày biểu tình chống Trung Quốc lần thứ 3 liên tiếp trong mấy tuần qua, báo Tuổi Trẻ đăng bài cuối cùng của loạt phóng sự về tình trạng báo động chảy máu nguyên liệu thô từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Khai thác mủ cao su ở Việt Nam. Mỗi năm Việt Nam xuất cảng hàng trăm ngàn tấn mủ cao su với mức thuế bằng 0%, chủ yếu là xuất sang Trung Quốc. (Hình: TTXVN)
Như những bài khác trong loạt bài này, phóng sự "Ồ ạt xuất thô 'vàng trắng'"cung cấp những thông tin khiến người đọc không thể không bức xúc. Việt Nam hiện đang xuất khẩu mỗi năm hàng trăm ngàn tấn mủ cao su với mức thuế bằng … 0%, chủ yếu là xuất sang Trung Quốc. Khi cần sử dụng trong sản xuất, các doanh nghiệp trong nước nhập cao su từ Thái Lan với mức thuế là … 5%. Nhưng không thể trách các doanh nghiệp xuất khẩu mủ cao su sang Trung Quốc, vì nếu họ bán trong nước họ sẽ phải chịu thuế giá trị gia tăng 5%!
Những chính sách kinh tế kỳ lạ như trên đang góp phần đẩy nền kinh tế Việt Nam đến chỗ kiệt quệ và có nguy cơ lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Nhưng kinh tế chỉ là một trong rất nhiều rủi ro trong quan hệ giữa Việt Nam với anh bạn "16 chữ vàng" to xác mà xấu tính này.
Chưa cần kể ra những sự kiện đang làm nóng dư luận Việt Nam và quốc tế trong thời gian qua – tham vọng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc, đẩy Việt Nam vào tình trạng lãnh hải thường xuyên bị đe dọa, ngư trường bị thu hẹp bởi người "đồng chí tốt" của mình. Chỉ xét ngay trong cuộc sống đời thường, cũng đủ thấy người Việt đang bị rất nhiều tai họa về sức khỏe và sự an toàn tính mạng ngày đêm rình rập quanh mình.
Phóng sự với tựa đề "Tràn lan đồ chơi Trung Quốc độc hại" trên báo Thanh Niên Online ngày 14/6/2011 cho biết bất chấp những cảnh báo về đồ chơi độc hại của nhiều tổ chức trong và ngoài nước, đồ chơi Trung Quốc không rõ nguồn gốc vẫn đang được bày bán khắp nơi tại Sài Gòn với giá rất rẻ, từ vài ngàn đến vài chục ngàn. Theo bài báo, trong số những đồ chơi này, có khá nhiều loại trông giống các loại đã được báo chí Trung Quốc cảnh báo là có vấn đề về an toàn sức khỏe cho người sử dụng.
Phần kết của phóng sự này đưa ra nhận định: "Với tình trạng không quản nổi đầu vào và cũng không thu hồi nổi khi phát hiện sản phẩm có nhiễm độc như nói trên, đặc biệt là đối với hàng Trung Quốc, nhiều chuyên gia cảnh báo, VN có nguy cơ biến thành "bãi rác độc" của thế giới" [xin đọc là: "của Trung Quốc"].
Từ đồ chơi cho trẻ em chứa chất ththalates gây ảnh hưởng đến gan, thận; những ly cốc, chén bát thủy tinh chứa cadimi - yếu tố chính gây ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú; đến các loại thực phẩm thông dụng có chứa chất độc như sữa bột nhiễm chất melanine gây suy thận, ớt bột chứa chất Rhodamine B, một loại phẩm màu công nghiệp có khả năng gây ngộ độc và ung thư, rồi trái cây chứa chất bảo quản độc hại có khả năng gây đột biến gien vv; rồi cả vải vóc, quần áo và hầu như hết thảy những gì có xuất xứ từ Trung Quốc, dường như đều có nguy cơ gây hại cho sức khỏe cho người Việt Nam.
Dường như mọi việc đã được sắp sẵn cho Việt Nam vào vai diễn viên chính trong vở kịch bi thảm mang tên "Chết dưới tay Trung Quốc". Hệt như lời cảnh báo cho toàn thế giới của hai tác giả Peter Narvarro và Greg Autry trong cuốn sách cùng tên vừa ra mắt công chúng tại Mỹ vào đầu tháng 6 này.
Cuốn sách dài hơn 300 trang đang làm xôn xao dư luận thế giới nói trên dù chưa được đề cập trên các phương tiện truyền thông chính thức tại Việt Nam, nhưng đã nhanh chóng lan truyền rộng rãi trong giới trí thức. Gõ cụm từ tiếng Việt "chết dưới tay Trung Quốc" vào google search, ta nhận được trên 60,000 đường dẫn đến các bài giới thiệu và thảo luận bằng tiếng Việt về cuốn sách này. Từ đâu chẳng rõ, bản mềm bằng tiếng Anh của cuốn sách đã được đưa lên mạng. Địa chỉ truy cập của cuốn sách này được các blogger Việt giới thiệu với nhau để có thể tải về đọc, chỉ vài ngày sau khi cuốn sách ra mắt độc giả.
Viết về cuốn sách này, tờ báo mạng Petrotimes của Việt Nam ngày Thứ Sáu 16/6/2011 đã đăng bài một bài giới thiệu khá đầy đủ của tác giả Lê Đức, với một cái tựa gây "shock": "Mỹ sẽ 'chết dưới tay Trung Quốc'?". Mục đích của cái tựa trên có lẽ là nhằm thu hút sự chú ý của độc giả, nhưng cũng có thể là để lách hệ thống kiểm duyệt báo chí gắt gao – một lời giải thích xem chừng hợp lý hơn trong tình trạng kiểm soát thông tin chặt chẽ hiện nay tại Việt Nam.
Bất chấp cái tựa có vẻ ca ngợi sức mạnh của Trung Quốc và chế diễu Mỹ, văn phong trong bài viết của Lê Đức lộ rõ vẻ thiếu thiện cảm với Trung Quốc ngay từ những giòng đầu tiên: "Giữa lúc những hành động được xem là bất thường của Trung Quốc (TQ) ở biển Đông gần đây làm cho nhiều người cảm thấy hoài nghi về tuyên bố "hòa bình quật khởi" của Bắc Kinh …". Thái độ chống Trung Quốc càng thể hiện rõ hơn trong bài qua các từ ngữ như "cạnh tranh bất chính", "con buôn thủ lợi", "ngược đãi công nhân, biến họ thành lao nô".
Một vài bạn đọc cho biết, bài viết của Lê Đức có những ý tưởng, chi tiết và cả từ ngữ mang đậm ảnh hưởng của loạt phóng sự của phóng viên Hà Giang trên tờ Người Việt viết về buổi ra mắt cuốn sách này tại Mỹ.
Tờ Người Việt được xem là tờ báo tiếng Việt lớn nhất bên ngoài Việt Nam. Trang mạng của tờ báo này cũng thường được những độc giả trong nước tìm đọc, mặc dù để vào trang này phải vượt qua tường lửa. Loạt bài của Hà Giang rõ ràng đã làm cho dư luận Việt Nam chú ý, vì nó được khá nhiều blogger Việt chia sẻ lại, ví dụ như Ngoclinhvugia's Blog đã đưa bài này lên vào ngày 11/6/2011 (giờ Việt Nam), chỉ 2 ngày sau khi bài viết của Hà Giang được công bố.
"Mỹ sẽ 'chết dưới tay Trung Quốc'?", tựa bài viết nói trên của Lê Đức cũng là tên của một đề tài thảo luận sôi nổi trên trang "Web trẻ thơ" (webtretho.com), một trang web vốn dành cho các bà mẹ thảo luận về việc nuôi dạy con cái. Tương tự như các cộng đồng mạng khác, không khí chống Trung Quốc tràn ngập diễn đàn với này những nhận xét khá nóng, và thỉnh thoảng lại còn có đưa ra những lời hô hào, kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc. Thật trùng hợp, tẩy chay hàng Trung Quốc cũng là một biện pháp quan trọng để khỏi chết dưới tay Trung Quốc mà hai tác giả Narvarro và Autry đã đưa ra trong chương kết luận của cuốn sách.
Tẩy chay hàng Trung Quốc còn là lời kêu gọi gần đây của cộng đồng mạng Việt Nam như một cách biểu thị lòng yêu nước mà ai cũng có thể thực hiện, không sợ chính quyền làm khó dễ như đi biểu tình. Trang Đọt chuối non (dotchuoinon.com), một trang mạng với phương châm "tư duy tích cực" do các nhà văn, nhà báo, nhà giáo và sinh viên Việt Nam lập ra với mục đích xây dựng xã hội, ngày 16/6/2011 đã đưa lên bài hiệu triệu "Người Việt quyết tẩy chay hàng Trung Quốc" để đáp trả lại "những chiêu bài có chủ ý của chính quyền Trung Quốc [ nhằm] thâu tóm các vùng biển của Việt Nam và đất nước Việt Nam sau này.". Bài hiệu triệu trên cũng nêu rõ "mọi người dân Việt đều bức xúc, căm phẫn và hiểu rõ hành vi thâm độc này", và nhắc rằng "Dân tộc Việt Nam có tinh thần chống Tàu đã mấy ngàn năm trước."
Trong đoạn kết (epilogue) của cuốn "Chết dưới tay Trung Quốc", các tác giả của cuốn sách đã nhắc lại bài học lịch sử cay đắng của nước Mỹ trong mối quan hệ với các nước trong thế kỷ trước, khi ngây thơ tin tưởng vào khả năng trỗi dậy hòa bình của các chế độ toàn trị, lúc ấy là chế độ Đức quốc xã và Liên Xô cũ. Bài học lịch sử đó đang được lập lại trong mối quan hệ với Trung Quốc hiện nay. Thông điệp của tác giả: Không bao giờ được tin tưởng và làm bạn với những chế độ độc tài toàn trị. Cần luôn luôn cảnh giác nếu không muốn bị lừa để đến nỗi phải đứng trước nguy cơ chết dưới tay chúng.
Thông điệp về một Trung Quốc luôn cần phải cảnh giác có lẽ không dân tộc nào hiểu rõ hơn Việt Nam với bốn ngàn năm làm láng giềng của anh chàng bạn to xác xấu tính này. Có lẽ đó chính là lý do tại sao dù nhỏ hơn, nhưng Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục trước một nước láng giềng vĩ đại, hùng cường hơn mình rất nhiều và luôn có âm mưu ngàn đời xâm chiếm, khuất phục đất nước mình. Trước đây như thế nào thì bây giờ vẫn thế, và cả ngàn đời sau cũng vẫn mãi như thế.
Cho dù ở thời đại nào và chế độ nào, người Việt Nam vẫn sẽ không bao giờ để cho mình phải chết dưới tay Trung Quốc.
Ngày 18/6/2011
V.T.P.A
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét