Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Frank Ching : Lạm dụng lịch sử (Thủy Trúc dịch từ The Diplomat)

Nguồn anhbasam


Posted by basamnews on 21/10/2011

Đôi lời: Những nước có ý định nghe theo lời khuyên của Trung Quốc, thực hiện nguyên tắc "gác tranh chấp, cùng khai thác" do Bắc Kinh đưa ra, cần đọc bài này, bởi mục đích cuối cùng mà Trung Quốc muốn đạt được là, sau khi khai thác xong thì chủ quyền ở những vùng biển đó thuộc về họ. Câu kết luận rất hay: "Dường như Bắc Kinh muốn tạo ra một ngoại lệ trong luật pháp quốc tế. Họ muốn có được mọi thứ. Nhưng luật là luật. Luật pháp quốc tế còn có ý nghĩa gì nữa nếu nó không còn mang tính quốc tế, và nếu nó không còn là luật"?

—————–

The Diplomat

Lạm dụng lịch sử

Frank Ching

Ngày 16-10-2011

Học giả Frank Ching cho rằng những yêu sách lẫn lộn giữa yếu tố lịch sử và pháp lý của Trung Quốc trên Biển Đông (Nguyên văn: Nam Hải) là không nhất quán. Bắc Kinh không thể có được mọi thứ.

Có lần, ông Lucian Pye, một học giả người Mỹ nói một câu nổi tiếng, rằng Trung Hoa không phải là một quốc gia mà là "một nền văn minh giả vờ là quốc gia". Điều đó có thể đúng vào lúc nào đó, nhưng ngày nay Trung Hoa đã biến thành một nhà nước hiện đại, đóng vai trò chủ động trên các diễn đàn quốc tế.

Tuy nhiên, Trung Hoa cũng đang cố gắng lợi dụng nền lịch sử lâu đời của mình khi nhấn mạnh trường hợp của họ các tranh chấp quốc tế. Không vụ việc nào minh họa chuyện này rõ hơn là vụ tranh lãnh hải trên Biển Đông hiện nay, khi Trung Hoa phải đối đầu với vài nước láng giềng. Cũng bị lôi kéo vào các xung đột khác nhau còn có Mỹ, Ấn Độ và ngày càng có thêm sự góp mặt của Nhật Bản. Đó là một sự pha trộn rất mạnh.

Năm 1996, Bắc Kinh phê chuẩn Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) và công khai áp dụng điều khoản của công ước nói rằng "Trung Quốc hưởng các quyền chủ quyền và quyền tài phán trên vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa" – một khái niệm cho đến nay vẫn không rõ ràng.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, họ tái khẳng định chủ quyền của họ trên các đảo nhỏ, đá và dải san hô ở Biển Đông trên cơ sở lịch sử – là những cơ sở không được công ước công nhận. Như thế nghĩa là, Trung Quốc tuyên bố có toàn quyền theo luật quốc tế ngày nay, và không chỉ thế, họ cũng đòi các quyền mà nhìn chung không được công nhận, bởi vì nền văn minh của họ đã hình thành từ vài nghìn năm trước.

Xét trên phương diện lịch sử, Trung Hoa là một cường quốc thống trị ở Đông Á, và họ coi các nước yếu hơn họ là chư hầu. Hiện tại, bằng việc khăng khăng giữ những yêu sách chủ quyền phản ánh một mối quan hệ lịch sử – đã chấm dứt hàng trăm năm trước – với sự nổi lên của phương Tây, theo một nghĩa nào đó, Bắc Kinh đang cố sức vãn hồi và hợp thức hóa cái thời họ là một bá quyền không ai dám thách thức.

Trung Quốc công nhận những phần nào trong công pháp quốc tế và chối bỏ phần nào, hiện còn chưa rõ. Sự mơ hồ đó làm căng thẳng thêm những tranh chấp hiện tại – có liên quan trực tiếp tới Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, và gián tiếp tới lợi ích của rất nhiều nước khác.

Yêu sách mà các nước Đông Nam Á đưa ra chủ yếu dựa vào các điều khoản trong Luật Biển. Tuy nhiên, Trung Quốc thì lại giữ lập trường cho rằng chủ quyền của họ đối với những vùng biển liên quan đã có từ trước khi Luật Biển được ban hành, và do đó không thể áp dụng luật được. Lịch sử đi trước luật pháp.

Năm 2009, Trung Quốc đệ trình tới Ủy ban LHQ về Luật Biển một bản đồ nhằm củng cố cho yêu sách của họ rằng họ có "chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo trên Biển Đông và vùng nước kế cận, cũng như là các "đáy biển và tầng đất tương ứng" (nguyên văn: seabed and subsoil – ND).

Bản đồ thể hiện một đường đứt đoạn hình chữ U bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông và ôm lấy biển của các nước láng giềng gồm Việt Nam, Malaysia và Philippines. Đó là lần đầu tiên Trung Quốc đệ trình bản đồ lên LHQ để củng cố cho các yêu sách chủ quyền của họ, nhưng họ không đưa ra lời giải thích nào để cho biết có phải là họ đòi sở hữu toàn bộ vùng biển cũng như các đảo nằm trong đường đứt đoạn đó không.

Đây là hành động xa rời hẳn lập trường mà Trung Quốc từng đưa ra khi họ phê chuẩn Công ước. Còn nhớ hồi đó, Trung Quốc nói rằng họ sẽ tham vấn "các quốc gia có bờ biển đối diện hoặc liền kề với Trung Quốc, trên cơ sở luật pháp quốc tế và theo nguyên tắc bình đẳng".

Đáng chú ý, đặc biệt đối với Mỹ, là lập trường của Trung Quốc về UNCLOS cũng đã thay đổi ở một khía cạnh khác. Vào năm 1996, họ có quan điểm rằng tàu chiến nước ngoài phải được họ chấp thuận thì mới có thể qua lại lãnh hải Trung Quốc. Giờ đây, Trung Quốc lại tuyên bố là tàu chiến nước ngoài phải được họ chấp thuận thì mới được qua lại trong vùng đặc quyền kinh tế của họ – một khu vực rộng hơn (lãnh hải) nhiều và không nằm trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Trung Quốc. (*)

Mỹ phản bác quan điểm đó, khẳng định vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia thì là một phần của biển cả (high sea – là vùng biển phía ngoài vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển. Các quốc gia có biển và quốc gia không có biển đều được hưởng nguồn lợi tài nguyên từ khu vực này – ND) và (do đó) tàu hải quân được tự do đi vào khu vực này, thậm chí có thể tiến hành hoạt động mà không cần phải được ai chấp thuận.

Sự khác biệt về quan điểm giữa Trung Quốc và Mỹ (cũng như nhiều nước phát triển khác) đã dẫn đến đối đầu giữa hai quốc gia này, với việc tàu hải giám của Mỹ thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin trên vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và bị Trung Quốc phá.

Việc Trung Quốc viện đến lịch sử là một diễn biến tương đối mới trong luật quốc tế, mặc dù điều đó không phải hoàn toàn chưa từng có tiền lệ. Chẳng hạn, các quốc gia ven biển đã được phép tuyên bố quyền tài phán mở rộng đối với các vùng biển, đặc biệt vịnh hoặc đảo, khi những yêu sách đó của họ là mở, đã được đưa ra từ lâu, duy nhất họ đưa ra, và được các nước khác chấp nhận rộng rãi.

Tuy nhiên, trong trường hợp Trung Quốc, các yêu sách của họ rõ ràng không phải "duy nhất họ đưa ra" và cũng chẳng được các nước khác chấp nhận rộng rãi, bởi lẽ chúng còn đang bị tranh cãi công khai. Thế mà các quan chức và học giả Trung Quốc vẫn cố gắng biện bạch cho các lập luận của họ bằng cách viện dẫn đến lịch sử.

Chẳng hạn, ông Lý Quốc Cường (Li Guoqiang), một học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Địa lý Biên ải Trung Quốc thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã viết hồi tháng 7 trên tờ Nhân Dân Nhật Báo: "Các bằng chứng lịch sử cho thấy nhân dân Trung Quốc đã phát hiện ra những hòn đảo trên biển Hoa Nam từ thời Tần (221-206 trước CN) và Hán (206 trước CN-220). Ông ta khẳng định, biên giới hàng hải Trung Quốc đã được xác lập bởi triều Thanh (1644-1911).

Ông viết: "Ngược lại, Việt Nam, Malaysia và Philippines gần như chẳng biết gì về những hòn đảo trên biển Hoa Nam, vào cái thời trước đời nhà Thanh của Trung Quốc".

Việt Nam, khi trình bày vấn đề của mình, đã sử dụng các bản đồ và kiến thức địa lý chứng minh "chủ quyền lịch sử" của họ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ 17. Quan điểm này không viện dẫn tới lịch sử xa xôi như Trung Quốc, nhưng ít nhất cũng cho thấy là các yêu sách của Trung Quốc đã bị tranh cãi từ nhiều thế kỷ trước, tức là Trung Quốc không có quyền tài phán duy nhất và liên tục trên các hòn đảo đó.

Và nếu coi lịch sử là một tiêu chí để xem xét, thì thời kỳ nào của lịch sử có tính quyết định đây? Suy cho cùng, nếu nhà Tần hay nhà Hán được coi là điểm chuẩn, thì diện tích của Trung Hoa ngày nay sẽ phải nhỏ hơn nhiều, bởi vì vào thời điểm ấy, nó đâu có bao gồm Tây Tạng, Tân Cương, Mãn Châu Lý – mà bây giờ là vùng đông bắc Trung Quốc.

Trung Hoa có một nhượng bộ với các nước láng giềng, đó là tạm xếp các tranh chấp chủ quyền lại và tham gia khai thác tài nguyên thiên nhiên chung. Đây là đề xuất của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, mới đây nhất là vào ngày 31-8 khi ông Hồ gặp Tổng thống Philippines Benigno Aquino.

Tuy nhiên, có vài vấn đề nghiêm trọng. Trung Hoa muốn gì khi đưa ra chính sách này?

Trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc giải thích: Quan niệm "gác tranh chấp sang một bên, để cùng khai thác" có bốn yếu tố sau đây:

"1. Chủ quyền của các vùng lãnh thổ liên quan thuộc về Trung Quốc.

 

2. Khi điều kiện chưa chín muồi để mang lại một giải pháp toàn thể cho vấn đề tranh chấp chủ quyền, thì các cuộc thảo luận về vấn đề chủ quyền có thể bị trì hoãn, để gác tranh chấp sang một bên.

 

Gác tranh chấp không có nghĩa là từ bỏ chủ quyền. Nó chỉ có nghĩa là gác tranh chấp sang một bên vào thời điểm đó.

 

3. Các vùng lãnh thổ tranh chấp có thể được khai thác chung.

 

4. Mục đích của khai thác chung là để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau thông qua hợp tác, và tạo điều kiện để tìm ra một giải pháp cuối cùng cho vấn đề chủ quyền".

Bốn yếu tố này cho thấy rõ rằng, thay vì gác tranh chấp chủ quyền lại, thì ý tưởng khai thác chung kia là cách Trung Quốc áp đặt các yêu sách chủ quyền của họ lên các bên khác. Chủ quyền của Trung Quốc là kết quả mà họ mong muốn đạt được sau bất kỳ quá trình khai thác chung nào. Thảo nào chẳng nước nào ủng hộ Trung Quốc về cái đề xuất ấy.

Có lẽ chính vì tồn tại xung đột giữa các yêu sách dựa vào lịch sử và UNCLOS mà nhiều học giả Trung Quốc khác đang kêu gọi xem lại Luật Biển.

Lý Kim Minh (Li Jinming) – giáo sư Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Hạ Môn – nói rằng UNCLOS có những "hạn chế", và kết quả là "Trung Quốc phải xem xét hoàn cảnh của chính họ trước khi thực thi UNCLOS". Điều ấy nghĩa là, mặc dù Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước – đã có hiệu lực tới 17 năm – nhưng Bắc Kinh không cần phải tuân thủ các điều khoản của Công ước, trừ khi Công ước được xem xét lại sao cho có lợi cho các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Dường như Bắc Kinh muốn tạo ra một ngoại lệ trong luật pháp quốc tế. Họ muốn có được mọi thứ. Nhưng luật là luật. Luật pháp quốc tế còn có ý nghĩa gì nữa nếu nó không còn mang tính quốc tế, và nếu nó không còn là luật?

Chú thích của người dịch:

(*) Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) chia nhiều khu vực biển khác nhau, trong đó các quốc gia có các quyền chủ quyền ở các mức độ khác nhau. Chủ quyền của một quốc gia là tuyệt đối trong các vùng nội thủy, gần như tuyệt đối trừ việc cản trở các quyền đi qua không gây hại đối với vùng lãnh hải, và giới hạn trong các quyền kinh tế đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Độc giả tham khảo: Quy Chế Pháp Lý Một Số Vùng Biển Việt Nam Phù Hợp với Công Ước LHQ về Luật Biển 1982.

Thủy Trúc dịch từ The Diplomat

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét